GN - Trong bài thơ Sơn phòng mạn hứng của vua Trần Nhân Tông có câu “Vượn nhàn ngựa mỏi người lên lão”, ý nói vạn vật vô thường, con người không thể trẻ khỏe, sung mãn mãi mà đến lúc nào đó cũng mệt mỏi cần được nghỉ ngơi an hưởng tuổi già.
Lúc về già người ta thường tìm vui qua du lịch, chơi hoa cây cảnh, nghe nhạc hoặc xem sách báo, tập dưỡng sinh… Riêng tôi chọn nghiên cứu giáo lý Phật giáo, hơi muộn nhưng có còn hơn không.
Một buổi trưa, tôi nằm nghe nhạc nhẹ dỗ giấc ngủ. Đang lim dim, chợt chạnh lòng khi nghe giọng hát trầm ấm, ngọt ngào của một nam ca sĩ trình bày nhạc phẩm Ngày về của nhạc sĩ Hoàng Giác, “Tung cánh chim tìm về tổ ấm. Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm…”. Tôi chạnh lòng không phải vì xa quê hương mà vì… cuộc đời tôi. Ông bà cha mẹ tôi đều là tín đồ Phật giáo, quy y Tam bảo, trì trai giữ giới, suốt đời gắn liền với đạo pháp. Lúc còn là con chim non nớt, tôi đã sống và được nâng niu, ôm ấp trong cái tổ ấm đó, nhưng khi đủ lông đủ cánh tôi tung bay vào khung trời bao la, bay đến mỏi cánh vẫn không tìm được lối bay về.
Giáo lý Phật giáo quá đồ sộ, thiên kinh vạn quyển, người mới nhập môn không biết bắt đầu từ đâu. Tôi may mắn hơn họ, tự trang bị được một số kiến thức cơ bản khi sinh hoạt trong Gia đình Phật tử thời niên thiếu. Vậy mà tôi còn khá lúng túng khi lựa chọn cho mình một hướng đi thích hợp với căn tánh của mình: Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông hay các tông phái khác.
Phật giáo có nhiều tông phái, cả Nam và Bắc tông. Tất cả các tông phái Bắc tông đều thuộc Đại thừa, hình thành từ Ấn Độ và Trung Quốc sau khi Phật Thích Ca nhập diệt. Kinh tạng, Luận tạng liên quan cũng xuất hiện cùng thời điểm đó trở về sau. Ở nước ta, Thiền tông, Tịnh Độ tông phát triển mạnh và phổ biến nhất, kinh điển nhiều nhất, số người tu tập, hành trì đông đảo nhất. Các tông phái khác ít hơn.
Ngày nay, kinh điển đã được dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt lại được các vị pháp sư, luận sư giảng giải nhưng nhìn chung vẫn còn đó nhiều chướng ngại trong việc tu hành đối với những người trình độ học vấn kém cỏi, khả năng tiếp thu giáo lý còn hạn chế, nhận thức chưa thấu đáo như tôi. Thiền tông theo phương châm: “Giáo ngoại biệt truyền. Bất lập văn tự. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tánh thành Phật” nên lối truyền tâm pháp cho đệ tử của các thiền sư rất ư ngắn gọn, khó hiểu. Nhất là thiền thoại đầu, các vị thường dùng công án để chấm dứt tiến trình suy luận, mở đường cho thiền sinh sẵn sàng tiếp thu kinh nghiệm và thực chứng tâm linh. Khi tham thiền phải học thoại đầu rồi phát nghi tình và tham cứu công án chừng nào đến bờ bên kia (ba-la-mật) mới thôi.
Tịnh Độ tông tương đối đơn giản hơn bằng pháp môn trì danh niệm Phật với các kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ… đòi hỏi người tu phải nhứt tâm mới được siêu sanh Cực lạc. Thời gian qua, lại có vài hệ phái hình thành ngay trong nước và từ nước ngoài du nhập vào truyền bá giáo lý và phương thức tu hành mới lạ, trong số đó có pháp môn Tịnh độ của Hòa thượng Tịnh Không (Trung Quốc). Theo pháp môn này thì người tu “chỉ cần một câu danh hiệu Phật (A Di Đà) có thể tiêu trừ 80 ức kiếp sanh tử tội nặng” hoặc trì danh và lạy Phật mỗi ngày trên 300 lần trong vài ba năm thì sau khi chết Phật sẽ rước về Tây phương.
Còn nhiều điều huyền diệu khác nữa được nói đến trong quyển sách “Khai thị” do Hòa thượng Tịnh Không thuyết giảng, cho thấy đây là cách tu dễ dàng và đạt kết quả mau chóng nên thu hút khá nhiều người theo và phổ biến nó. Tôi tìm hiểu thì Hòa thượng Tịnh Không nổi tiếng trên thế giới, pháp môn của sư không phải loại “bàng môn tả đạo” như của bà Thanh Hải vô thượng sư hoặc của một số vị thuộc loại “đạo xôi, đạo chuối” vùng Thất Sơn, mà được phổ biến ở nhiều nước và Việt Nam. Sư viết khá nhiều sách chứ không chỉ có “Khai thị”, tuy nó là loại sách bỏ túi, in vi tính theo kiểu ấn tống, không có nhà xuất bản. Tôi cũng được người hàng xóm tặng một quyển.
Tôi thật sự hoang mang, chao đảo. Già rồi. Sức khỏe kém. Nhiều bệnh tật. Đầu óc mụ mị. Ngồi thiền, học thoại đầu, phát nghi tình và tham cứu công án khá vất vả. Niệm Phật thì khó tập trung tư tưởng (nhứt tâm). Cho nên, chỉ đọc tụng, nghe kinh (Văn) mà không hiểu được nội dung, không “thâm nhập kinh tạng” (Tư) thì làm sao phát bồ-đề tâm, hành trì (Tu) cho được!
May mắn thay, tôi gặp được một thiện tri thức. Người ấy khuyên tôi nên quay về với giáo lý ban đầu của Phật Thích Ca, Tứ Thánh đế và Bát Chánh đạo. Tôi từng nghe giáo lý này nhưng chưa hiểu nội dung do chưa được tiếp xúc, đọc tụng kinh điển lần nào.
Đây là nền tảng cốt lõi của toàn bộ hệ thống giáo lý của Phật Thích Ca sau này, vị thiện tri thức nói. Ngài không xây dựng nó thành một thứ triết thuyết khô khan xơ cứng, không quan tâm đến nguồn gốc và sự hình thành của thế giới, nơi con người đã, đang, sẽ sống và chịu khổ. Không quan tâm nó từ đâu đến và tương lai đi về đâu vì đó là một việc đã thành, là vô thường, không thay đổi được. Ngài cũng không quan tâm đến thần thánh và tự tính của họ mà chủ yếu hướng vào con người và những khổ đau bất hạnh của họ trong cuộc sống, chỉ cho họ cách đương đầu, chế ngự và giải thoát bất hạnh khổ đau như vị bác sĩ khám chẩn bệnh, biết bệnh gì, nguyên nhân gây ra và biên toa cho bệnh nhân mua thuốc uống tự chữa trị. Tóm lại, giáo lý Tứ Thánh đế và Bát Chánh đạo của Ngài mang tính tâm lý thực tiễn chứ không có tính siêu hình và là phương tiện dẫn dắt chúng sanh từ bến mê sang bờ giác và Ngài khuyên chúng sinh trước khi nhập diệt: “Vạn sự là vô thường, hãy tinh tấn tiến lên”.
Vị thiện tri thức còn dẫn chứng cho tôi thấy điều ông ấy nói là sự thật. Chúng ta đã tự hào là tiếp cận với Phật giáo hàng ngàn năm nhưng càng ngày càng xa rời nguồn gốc ban đầu, xa rời thực tiễn. Một số người vô tình tin vào các thực thể siêu nhiên (thánh thần, linh hồn, ma quỷ) trong khi Phật Thích Ca chỉ nói đến khổ và pháp diệt khổ. Chúng ta cũng thần thánh hóa Phật Thích Ca cùng các vị Phật khác trong khi Ngài là vị Phật lịch sử, còn các vị Phật khác đều là Phật tôn giáo. “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi, há phải nhọc tìm về Cực lạc” (Cư trần lạc đạo - Trần Nhân Tông).
Trong khi đó, các học giả phương Tây mới bắt đầu nghiên cứu Phật giáo chỉ hơn trăm năm nhưng họ lại chuyên chú vào giáo lý Tứ Thánh đế và Bát Chánh đạo. Tất cả đều thừa nhận Phật Thích Ca là “Người có trí huệ nhất, tính con người của Phật là một sự việc không thể bác bỏ được khiến các truyền thuyết, trong đó có phép màu ít được nói đến cũng không hề có ý nghĩ biến Phật thành một vị thượng đế sau khi qua đời” (Burnouf). Khẳng định Phật giáo là “Một tôn giáo không có thượng đế” (Oldenberg) và “Phật giáo không thừa nhận thượng đế mà con người phụ thuộc vào, học thuyết của nó là vô thần” (Barth).
Còn Emile Durkheim viết “Thật vậy, tất cả những điều chủ chốt của Phật giáo nằm trong bốn gốc cơ bản mà tín đồ gọi là Tứ diệu đế. Thứ nhất là Khổ đế, sự tồn tại của khổ đau gắn liền với tiến trình vĩnh cửu của sự vật; thứ hai là Tập khổ đế cho thấy ham muốn là nguồn gốc của khổ não; thứ ba là Diệt khổ đế cho thấy tiêu diệt dục vọng là biện pháp duy nhất để xóa bỏ phiền não; thứ tư là Đạo đế nói lên ba giai đoạn phải trải qua để diệt khổ: đấy là giới, định và cuối cùng là tuệ, quán thông Phật pháp. Qua được ba bước đó, con người sẽ đi đến tận cùng, đó là giải thoát, là đạt cõi Niết-bàn… Muốn giải thoát, con người chỉ có thể dựa vào chính mình thay vì cầu nguyện theo nghĩa thông thường, thay vì hướng về một đấng cao cả để cầu xin sự giúp đỡ, thì con người hướng về mình và quán niệm”.
Lần đầu tiên được vị thiện tri thức giảng giải rõ ràng minh bạch tôi như người đi lạc giữa rừng sâu biển rộng có trong tay cái la bàn, thấy được con đường phải đi, chỉ cần theo mũi tên trên la bàn là tôi sẽ đến nơi cần đến. Nhà nhân chủng học người Mỹ viết trong “Bài học của Don Juan” như sau: “Mỗi con đường chỉ là một lối đi và cũng không ảnh hưởng gì đến mình hay đến ai nếu phải từ bỏ nó, một khi trái tim buộc bạn phải làm thế. Hãy quan sát mỗi con đường kỹ lưỡng và chính xác. Và hãy tự hỏi mình, chỉ chính mình thôi… đó là một con đường của trái tim? Nếu phải thì đó là một lối đi tốt đẹp, nếu không nó chỉ vô ích”.
Có thấy mới có biết!
Trong cuộc sống đời thường, mắt là giác quan sắc sảo, nhạy bén, linh hoạt và quan trọng nhất trong năm giác quan. Mắt thấy mọi sự vật, hiện tượng và biến cố đã và đang xảy ra trong không gian, môi trường từ gần đến xa. Căn cứ vào đó, người ta có thể tiên đoán những gì sắp xảy ra để có những biện pháp phòng tránh, đương đầu hoặc đón nhận, định hướng cho tương lai. Có thể nói, hầu hết những phát minh vĩ đại, thành tựu rực rỡ của nhân loại từ trước đến nay phần lớn xuất phát từ mắt quan sát.
Mắt lại được người ta tôn vinh là cửa sổ tâm hồn, nơi biểu hiện trạng thái, tình cảm, xúc cảm của con người mà bốn giác quan kia không thể hiện được hoặc bằng. Trong lãnh vực này, nó còn thấy mọi góc khuất, ngóc ngách của tâm hồn, đến tận cùng tầng sâu tâm thức, kể cả những người mù. “Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt. Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất…”, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết trong nhạc phẩm Nửa hồn thương đau như thế!
Trong Phật giáo cũng vậy, nhãn căn chiếm 9 duyên khi tiếp xúc với sắc trần (tai 8 duyên, mũi-lưỡi-thân 7 duyên). Nó có hai phần, bên ngoài thô sơ gọi là Phù trần căn dùng để quan sát, nhận thấy đối tượng, bên trong tinh tế gọi là Tịnh sắc căn hay Thắng nghĩa căn do sự tinh tế và thù thắng của nó dùng để phân biệt, so sánh, đo lường, đánh giá…hình dáng, tính chất đối tượng như thế nào. Thiền sư Suzuki viết “Thấy đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong nhận thức luận Phật giáo, vì nó là cơ sở của Biết. Không thể có Biết nếu không có Thấy, tất cả mọi cái Biết đều xuất phát từ cái Thấy. Thấy và Biết (tri kiến) như thế nằm chung trong giáo pháp của Phật. Triết lý Phật giáo cuối cùng cũng dạy ta Thấy được thực tại, đúng như nó là. Thấy chính là chứng ngộ”. Tuy nhiên, cái thấy ở đây không có nghĩa thông thường mà là ẩn dụ, một dạng cảm nhận, bao trùm cả cái thấy bằng mắt nhưng vượt lên trên nhận thức của mắt, hay nói cách khác đó là sự thực chứng phi giác quan.
Chính vì thế mà trong Bát Chánh đạo, Phật Thích Ca đã đưa cái thấy (chánh kiến) lên hàng đầu. Có thấy đúng mới suy nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng… và thực hành đúng ba bước, giới-định-tuệ, giải thoát bất hạnh khổ đau.
Trong các loài chim, có vài loài có khả năng định hướng tuyệt vời, đó là chim thiên di. Vào mùa đông, chúng bay hàng ngàn cây số từ Bắc cực về phía Nam tránh rét. Khi xuân sang chúng lại bay trở về tổ ấm đúng hướng mà không cần la bàn. Tôi thua cả loài chim thiên di.
Trở lại bài thơ Sơn phòng mạn hứng, mở đầu vua Trần Nhân Tông viết: “Ai trói lại mong cầu giải thoát” lấy ý từ giai thoại Tổ Đạo Tín cầu đạo với Tổ Tăng Xán. Lúc bấy giờ Tổ Đạo Tín là một thiếu niên chừng 14-15 tuổi. Ngài yêu cầu Tổ Tăng Xán dạy pháp tu giải thoát, Tổ hỏi lại ngài rằng ai trói buộc mà đòi giải thoát. Ngài nói không ai trói buộc hết. Tổ bảo không ai trói buộc thì cần gì giải thoát. Ngài liền giác ngộ.
Tôi đã bị dục lạc thế gian trói buộc trên 60 năm dài đăng đẵng, càng vùng vẫy sợi dây vô hình càng siết chặt thêm, còn bị chúng làm mờ mắt, không thấy đường về. Nay nhận được đạo pháp nhiệm mầu tôi sáng mắt ra, có thể tự cởi trói và “tung cánh chim tìm về tổ ấm” cho phần đời còn lại được an nhiên tự tại, an lạc thân tâm.