Tình bạn

GN - Bàn viết của Thuận kê ngay cửa sổ hướng Đông của phòng khách, bên trên để một máy vi tính có hòa mạng internet, một chiếc quạt bàn, một bình hoa nhỏ lúc nào vợ Thuận cũng chưng hoa hồng tươi.

Thuận ngồi trầm ngâm, đưa mắt nhìn ngoài trời một hồi rồi đọc thầm bốn câu thơ cuối trong bài phú “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mích. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.

tinhban.jpg


Tình bạn - Ảnh minh họa

Là cán bộ ngân hàng, thường xuyên tiếp xúc với những con số, những phần trăm khô khan xơ cứng nhưng Thuận lại có tâm hồn của một nhà thơ, thích xem kinh sách và thơ thiền. Thuận sống giản dị bình thường, “ăn theo thuở ở theo thời” trong tổ ấm xinh xinh như tổ chim dòng dọc, ríu rít líu lo trong nắng sáng mưa chiều.

- Mơ mộng gì mà ngồi thừ người ra vậy, bạn?

Lý đứng ngoài cửa cái hỏi vọng vào. Thuận quay ra, thoáng chút bất ngờ, đứng lên đon đả:

- Ủa! Lý! Mới tới hả? Mời vô nhà.

Lý bước vào. Thuận đưa Lý đến ngồi trên ghế sa-lông.

- Đến nãy giờ nhưng đứng ngoài cửa vì không muốn ngăn chặn dòng suy tư và nguồn cảm xúc đang tuôn trào trong đầu cậu. Lý nói.

Thuận cười, giả lả:

- Có gì đâu? Cậu uống cà-phê?

Lý gật đầu, Thuận bước vào nhà trong. Lý đưa mắt nhìn quanh căn phòng khách. Phòng rộng khoảng hai mươi lăm mét vuông đủ để chứa một bộ sa-lông loại trung, một tủ buýp-phê cao ngang ngực, một truyền hình và bộ máy nghe nhạc, một kệ sách nhỏ và một bàn viết. Với diện tích và đồ vật như vậy thì hơi chật nhưng Thuận sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, có khoa học và thẩm mỹ. Lý nhận xét và khen thầm.

Thuận bưng ra hai ly cà-phê đá, hai dĩa nhựa nhỏ để lót dưới hai ly cà-phê và một hộp đường cát trong cái mâm inox, sắp tất cả lên bàn, đút cái mâm xuống gầm bàn rồi ngồi vào chiếc ghế đối diện với Lý. Lý nhìn theo từng bước đi, từng động tác của Thuận, nhẹ nhàng, khoan thai, thận trọng như một thiền sinh. Nó là vậy - Lý khẽ lắc đầu - lúc nào cũng thong thả nhởn nhơ như con bướm trong khi người ta phải chạy vắt giò lên cổ mới theo kịp với cuộc sống hiện đại.

Thuận chỉ hộp đường, nói:

- Mời cậu. Mình không biết khẩu vị của cậu nên đem thêm đường để cậu muốn ngọt muốn lạt thế nào tùy ý.

Lý quậy ly cà-phê, nếm thử, gật đầu:

- Được rồi! Cậu thật chu đáo!

- Sao lâu quá không thấy cậu đến chơi?

- Tớ bận rộn suốt ngày chớ đâu có rảnh như cậu. Thời buổi thực dụng ai cũng chạy vắt giò lên cổ mới theo kịp nếp sống hiện đại chứ thong thả nhởn nhơ, mộng mơ lãng mạn như mấy tay thi sĩ thì chừng nào mới có hạnh phúc?

 Lý xỏ ngọt, Thuận mỉm cười, nhẹ nhàng:

- Hạnh phúc ở đâu? Nó ở ngay trước mắt và dưới chân chúng ta trong cuộc đời này chớ chẳng ở đâu xa mà không thấy. Cuộc đời lại như một vườn hoa xinh đẹp đầy sắc hương và mật ngọt, rất nhiệm mầu và quyến rũ nhưng cũng không kém phần nghiệt ngã. Nếu chạy theo những cái mới lạ của nó chẳng những mệt mỏi vất vả đôi khi còn thất vọng khổ đau, ngược lại, biết đủ và giảm bớt ham muốn sẽ được hạnh phúc an vui, khỏi cần chạy đôn chạy đáo tìm cầu.

Lý bật cười:

- Lợi hại nghen! Cậu trở thành thiền sư hồi nào vậy ta? Nói nghe hay lắm! Nhưng thôi! Hôm nay tớ đến không phải để cãi vã những thứ vu vơ đó với cậu mà với mục đích khác.

- Mục đích gì, quan trọng không?

- Trước để tham khảo nhà cậu, sau cho cậu hay tớ sẽ đổi chiếc RSX của bà xã thay chiếc tay ga cho bả.

Thuận vui vẻ đưa tay mời:

- Cậu cứ tự nhiên cả ngoài lẫn trong, từ trước đến sau.

- Trước khi xem, tớ đề nghị cậu một việc. Cậu lấy xe của vợ tớ đi, xe còn tốt lắm, bán cho người ta thì uổng nên tớ định bán cho cậu, tớ để rẻ cho, cậu thấy thế nào?

Thuận khiêm tốn từ chối:

- Cám ơn cậu. Vợ chồng mình làm chung cơ quan cũng tiện nên thật sự chưa cần thiết lắm, mong cậu thông cảm.

- Mỗi người một chiếc không tiện hơn sao? Vả lại, khi cần đi đâu một mình, có xe riêng bà xã cậu sẽ không bị rắc rối do xe không chính chủ? Nếu không muốn mua thêm thì thay cũ đổi mới, bán chiếc cũ đi, bù vô chút đỉnh chớ đâu tốn kém gì nhiều? Cậu vừa hoài cổ vừa lạc điệu! Chiếc Wave Alpha của cậu đã rớt đời, cũ mèm, chẳng khác xe ôm còn tiếc rẻ gì nữa?

Thuận mỉm cười:

- Đã là phương tiện thì cũ hay mới, xấu hay tốt đều như nhau, đều đi lại được thì phân biệt làm gì?

Thuyết phục Thuận không được, Lý đưa mắt nhìn quanh căn phòng, hỏi:

- Nhà này cậu cất bao lâu rồi?

Thuận nói khoảng bảy năm, Lý tiếp:

- Kiểu vẽ cũng được nhưng đã lỗi thời và hơi nhỏ, phòng khách cũng khá chật. Bây giờ có nhiều kiểu mới trông như biệt thự, phòng ốc riêng biệt chứ không luông tuồng, xô bồ xô bộn như trước kia không ai có không gian riêng. Gạch lót sàn, ván đóng trần cũng đẹp, loại cao cấp trên trăm ngàn đồng một mét vuông. Đồ trang trí nội thất cũng đa dạng, lắm kiểu, tiền nào của nấy, có bộ sa-lông cả trăm triệu bạc. Vợ chồng tớ đã tham khảo và chọn sẵn từ bản vẽ đến vật tư, trang trí nội thất, chuẩn bị năm tới cất nhà cho khỏi bỡ ngỡ.

Không khó để biết dụng ý của Lý đến gạ bán chiếc xe là chính. Bán cho Thuận sẽ có giá hơn bán cho người khác hoặc các cơ sở ký gởi mua đi bán lại. Thuận sẽ không bao giờ “cò kè bớt một thêm hai”, Lý lại được tiếng quan tâm bạn bè, “thừa trong nhà mới ra ngoài đường”. Còn việc xem kiểu mẫu ngôi nhà là phụ do Lý đã tính toán chuẩn bị cất nhà sau khi mua miếng đất ngoài ngoại ô thị xã.

Lý đang ở với cha mẹ, anh chị đều đã có cơ ngơi riêng. Nhà của Lý nằm trong đường hẻm, khá rộng và khang trang, không có lầu mà có một gác lửng. Lý sanh ra và lớn lên ở đây, ngôi nhà sẽ là của Lý sau khi cha mẹ qua đời. Tuy nhiên, vợ chồng Lý tỏ ra không hài lòng với những gì đang có với nhiều lý do. Ở trong khu vực phức tạp ồn ào, ngôi nhà quá cũ, chỉ phát triển được chiều cao, không có sân, đường hẻm nhỏ, nếu sau này mua ô-tô sẽ không vào được, rất chật chội vào những dịp lễ Tết… Vợ Lý lại không muốn sống chung với cha mẹ chồng, thiếu tự chủ, muốn được tự do nên xúi Lý đem ngôi nhà thế chấp ngân hàng mua đất cất nhà riêng. Hy vọng là động lực thúc đẩy người ta vượt qua khó khăn trở ngại hướng đến tương lai nhưng nó cũng làm cho người ta căng thẳng mệt mỏi, đôi khi khổ đau thất vọng do không thỏa mãn được nhu cầu, không đạt được mục đích. Thuận nghĩ.

Cất nhà không hề đơn giản, Lý lại làm lần đầu, chưa có kinh nghiệm, dù Lý không tham khảo ý kiến nhưng Thuận nghĩ có bổn phận giúp đỡ Lý, truyền đạt kinh nghiệm, chỉ cho Lý thấy được những khó khăn trở ngại nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

- Tiền cất nhà là tiền “chết”, nghĩa là không sanh lợi, không thể thu hồi, mình có làm rồi mình biết. Thuận nói. Dù cậu chuẩn bị tính toán kỹ lưỡng từ A tới Z nhưng khi thi công sẽ có nhiều thứ phát sinh ngoài dự toán lắm. Những phát sinh đó không lớn nhưng nhiều cái gộp lại cũng làm cậu mệt óc đau đầu. Vấn đề trang trí nội thất cũng không kém phần quan trọng, chùa vàng không thể thờ Phật đất, cậu nên chú ý những gì mình đã trải qua…

Nghe Thuận nói hết những phát sinh và khó khăn trở ngại, Lý rất tự tin:

- Cám ơn cậu nhắc nhở. Nhưng cậu yên tâm, tớ đã liệu cơm rồi mới gắp mắm. Không có tài ca diễn sẽ không dám lên sân khấu, không dám đứng trước máy quay phim, đúng không? Túp lều lý tưởng của vợ chồng mình được xây dựng trên cơ sở đó.

Túp lều lý tưởng của vợ chồng Lý rồi cũng hoàn thành theo ước mơ và ham muốn của họ. Ngoài những món trang trí nội thất giá trị, trong phòng khách còn có cặp lục bình bằng gốm sứ tráng men to cao ngang cần cổ người lớn. Ngoài hàng ba chưng chậu mai già bự chảng được cắt tỉa gọn gàng theo hình chóp nón như cây thông Noel cao chót vót. Một “công viên bỏ túi” ngạo nghễ trước sân, một cái cổng hoành tráng và một tường rào kiên cố bao quanh khu đất. Ngày tân gia ai nấy đều khen đẹp, sang trọng, lộng lẫy, vợ chồng Lý sung sướng ngất ngây trong niềm vui và hạnh phúc ngập tràn.

*

Một hôm, Thuận đang ngồi xem sách bên cửa sổ, Lý đến. Thuận bước ra tay bắt mặt mừng:

- Sao lâu quá không thấy cậu tới chơi? Bộ bận lắm hả? Có người tình mới ôm ấp mãi không buông ra được chớ gì? Thuận đùa.

Lý không nhìn Thuận, nói giọng trầm buồn :

- Cũng bình thường thôi!

Thuận nhìn sâu vào mắt Lý, hỏi:

- Bình thường ư? Đừng giấu mình, có tâm sự phải không?

Bị Thuận bắt trúng mạch, Lý thở dài:

- Mình không lường trước được những gì cậu cảnh báo…

Lý bỏ lửng nhưng Thuận dư biết sau đó là gì:

- Nói đi, mình có thể giúp gì cho cậu?

Lý kể hết những khó khăn từ gánh nặng nợ nần sau khi cất nhà cho Thuận nghe rồi thú thật điều Lý lo lắng nhất là nợ ngân hàng lại đáo hạn, nếu xin gia hạn nữa không được ngôi nhà sẽ có nguy cơ bị niêm phong, phát mãi, lúc đó Lý không biết ăn làm sao nói làm sao với cha mẹ và anh chị nên đến nhờ Thuận giúp đỡ.

Thuận thở dài:

- Số nợ quá lớn mình cũng bó tay. Mình chỉ có thể giúp cậu trả nợ lặt vặt thôi và giới thiệu cậu gặp ông giám đốc để hai người tìm cách tháo gỡ khó khăn nhưng mình không chắc chắn điều gì hết, thành công hay thất bại đều do cậu.

Lý mừng rỡ như người sắp chết đuối vớ được cái phao:

- Có còn hơn không, dù mong manh vẫn là hy vọng. Cậu có thể giúp tớ chừng bao nhiêu và bao giờ mới gặp được ông ấy?

- Khoảng năm chục triệu, Chủ nhật tuần tới cho có thời gian chuẩn bị.

Lý thở phào, cảm động:

- Cám ơn cậu! Được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu. Tớ quá hồ đồ, khi nhận ra thì đã muộn. Cậu nói đúng, cuộc đời sẽ nhiệm mầu đối với người biết đủ và biết hạn chế ham muốn như cậu, ngược lại, nó sẽ nghiệt ngã đến tàn nhẫn đối với người có lòng tham không đáy như tớ.

Lý và Thuận thân nhau hồi còn đi học. Cha mẹ đôi bên cũng thường xuyên qua lại, xem nhau như ruột thịt, sung sướng cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia. Dù Thuận rào đón kín kẽ nhưng cậu ấy rất chu đáo, trọng tình trọng nghĩa nên sự việc có thể được giải quyết ổn thỏa. Lý nghĩ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.