1. Thân thế
Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Thanh, thế danh Nguyễn Văn Dũng, sinh ngày 7-2-
Chân dung Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Thanh |
Nhâm Ngọ (1942), tại Tân Ninh, Thạc Gián, Quảng Nam Đà Nẵng, nay là quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Lẫm, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Tửu. Ngài là con trai thứ ba trong gia đình có hai chị gái và một em trai.
Xuất thân trong gia đình trung nông nghèo khó, cha mẹ mất sớm, nên người phải sống với mẹ kế. Dù lớn lên trong thời buổi chiến tranh, xã hội còn nhiều khó khăn, đến tuổi đi học, người được cắp sách đến trường, nhưng học đến lớp 7, người phải nghỉ học chữ, đi học nghề phụ giúp mẹ kế nuôi người em trai út. Người rất khéo tay, học may học vẽ, người rất lành nghề. Người còn thích thêu thùa, đặc biệt là thêu hình Phật và Bồ-tát Quán Thế Âm rất sắc nét và sống động.
2. Xuất gia học đạo
Mến mộ “Ánh đạo vàng”, người đến sinh hoạt dưới mái nhà lam hiền Gia đình Phật tử Khuôn Hội Thạc Gián từ nhỏ. Năm 1962 tròn 20 tuổi, trở thành những Huynh trưởng ưu tú của Gia đình Phật tử tỉnh Quảng Nam, cùng thời với ngài có Huynh trưởng Tâm Thanh - Lê Thanh Hải sau này xuất gia trở thành Hòa thượng Thích Tâm Thanh, trụ trì Vinh Minh tự viện, Đức Trọng - Lâm Đồng.
Trong thời gian này người được mẹ kế hứa hôn cùng cô thôn nữ trong vùng, đợi ngày lành tháng tốt để loan phụng hòa minh về chung một nhà. Thế rồi, nhân duyên xuất trần nhiều đời nhiều kiếp tích tụ phát khởi; khi nhìn thấy Tăng đoàn Khất sĩ với những vị đầu trần chân không, mình khoác y vàng du hành khất hóa theo gương hạnh Phật Tăng xưa, người thanh niên đang độ tuổi thanh xuân tóc còn đen nhánh buông bỏ tất cả để phát tâm xuất gia học đạo.
Lang thang mấy thuở bềnh bồng/ mấy ai nhận được tánh không để về/ Ta bà chợt tỉnh cơn mê/ Chân như mở lối đi về thênh thang.
Ngày mùng mười tháng Giêng mùa Xuân năm Ất Tỵ (1965), người đến tịnh xá Ngọc Giáng, TP.Đà Nẵng xin xuất gia, được đức Trưởng lão Giác Tánh, Tăng chủ Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam thâu nhận và ban cho pháp danh Giác Thanh.
Sáu tháng sau, ngày 16-07-Ất Tỵ (1965) tại tịnh xá Ngọc Trang (Khánh Hòa), người được Giáo đoàn truyền trao Sa-di thập giới và tứ y pháp trung đạo.
Hơn 4 năm theo Tăng đoàn học hạnh Sa-môn Khất sĩ, du phương khất thực hoá duyên, với tinh thần: “Khất sĩ y bát chơn truyền đạo/ Ta-bà du hoá độ nhân sanh.
Giới hạnh châu viên, duyên lành kết tụ, vào ngày rằm tháng Bảy năm Kỷ Dậu (1969) tại tịnh xá Ngọc Hội (Bồng Sơn - Bình Định), người được truyền trao giới Tỳ-kheo.
3. Thời kỳ hành đạo
Sau khi thọ nhận đầy đủ giới pháp, ngài theo các vị tôn trưởng luân phiên tu học và hành đạo tại các miền tịnh xá Giáo đoàn II từ Sài Gòn đến Đông Hà, Quảng Trị và cao nguyên đất đỏ bazan.
Từ năm 1973 đến nay, ngài trú trì tịnh xá Ngọc Nguyên, số 233/32 Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Từ năm 1980, trường hạ của Hệ phái thường xuyên được tổ chức tại tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh, TP.HCM), ngài đã về an cư tu học nhiều năm ở hạ trường.
Năm 1991, ngài được chư Tăng Giáo đoàn II suy cử làm Phó Tri sự Giáo đoàn, phụ trách hoằng pháp và được hệ phái suy tôn vào hàng giáo phẩm hệ phái.
Từ năm 1986, ngài được mời tham gia Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Lắk, với các chức danh Phó Trưởng ban Trị sự, Ủy viên Ban Giáo dục Tăng Ni, Ủy viên Hoằng pháp.
Giai đoạn 1994-1997 lúc này ngài tuổi đã ngoài ngũ tuần, với nhiều trách nhiệm nặng nề từ giáo đoàn hệ phái và Ban Trị sự tỉnh nhà, ý thức trách nhiệm thiêng liêng cao cả của ngành Hoằng pháp,n gài dành nhiều thời gian để tham cứu kinh tạng các bộ phái. Khi Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội mở lớp đào tạo giảng sư ở thiền viện Quảng Đức, Văn phòng II Trung ương Giáo hội, ngài là một trong những học viên lớn tuổi tham gia khóa II mang tôn hiệu Thiện Hoa của ngành hoằng pháp.
Nhiệm kỳ 2002-2007, ngài được Giáo hội suy cử đảm nhiệm Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni; Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh. Với vai trò Trưởng ban Hoằng pháp, ngài đã đến thăm, sách tấn Tăng Ni Phật tử tu học và giảng dạy tại rất nhiều tịnh xá, tự viện trong và ngoài tỉnh.
Lúc giảng dạy cho hàng xuất gia, ngài thường khuyến hóa chư Tăng Ni hãy luôn tâm niệm và thực hành 4 đức hạnh cao quý của người xuất gia mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy đó là: Diệu Hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Trực Hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Chánh Hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Như lý Hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn.
Thực nghiệm và thấy rõ nỗi khổ của thế nhân, xã hội gia đình và chính tự thân lúc còn trong trong cõi hồng trần, nên ngài thường quảng thuyết về lý vô thường, khổ và nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ. Ngài hay trích dẫn trùng tuyên đoạn thơ để khuyến hóa tứ chúng: Trên đường đạo, không gì bằng tinh tấn/ Không gì bằng trí tuệ của đời ta/ Sống điêu linh, trong cõi ta-bà/ Chỉ tinh tấn mới vượt qua tất cả.
Từ năm 2001 đến năm 2005, ngài cùng với chư Tăng trú xứ và Phật tử xây trùng tu ngôi tịnh xá Ngọc Nguyên trang nghiêm hoàn mãn trỏ thành một cơ sở tu học cho chư Tăng và Phật tử trong tỉnh và giáo đoàn. Tổ chức khánh thành một cách trang nghiêm trọng thể vào ngày 19 tháng Giêng năm Ất Dậu (2005).
Năm 2010, sau khi Hòa thượng Giác Thường, Trị sự trưởng Giáo đoàn II viên tịch, ngài được giáo đoàn suy tôn ngôi vị Trị sự Trưởng Giáo đoàn II vào ngày Rằm tháng 7 năm Canh Dần. Trong thời gian này, hệ phái tổ chức các khóa tu "Giới Định Tuệ - truyền thống Khất sĩ" ở các giáo đoàn, ngài đã đồng hành nhiều khóa cùng chư tôn đức giáo phẩm hệ phái, với những vai trò như giám thiền, giám luật, hóa chủ khóa tu. Là một bậc giáo phẩm hệ phái, ngài thường an chúng một cách nhẹ nhàng thinh lặng.
Khi tuổi đã cao, sức khỏe giảm dần lại có bệnh duyên, nên những năm tháng sau ngày khánh thành tịnh xá, ngài giao việc điều hành sinh hoạt tịnh xá cho Thượng tọa Giác Kim và chư Tăng chăm lo. Với Giáo hội tỉnh Đắk Lắk, ngài tham gia với vai trò đồng hành duy trì ổn định và chứng minh.
Trong Đại hội đại biểu GHPGVN toàn quốc lần thứ 8 nhiệm kỳ 2017-2022, Hòa thượng được Giáo hội suy cử làm thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
4. Những ngày tháng cuối đời
Sau mùa Phật đản - Vesak năm 2018, sức khỏe của ngài bắt đầu suy giảm, không còn đi lại linh hoạt, không còn tham gia chứng minh các cuộc hội họp xa gần, Hòa thượng chỉ an trú nơi phương trượng tịnh xá Ngọc Nguyên dưỡng bệnh, thanh tu. Đệ tử các hàng lui tới chăm lo săn sóc hết lòng.
Mùa Phật đản năm nay, đồng bào Phật tử trở về đạo tràng tịnh xá nhiều hơn, vui hơn khi thấy Hòa thượng viện chủ vẫn còn vui vẻ nói cười thăm hỏi. Có ngờ đâu, đó là nguồn sáng của ánh tuệ minh đăng lóe lên lần sau cuối báo hiệu cho sự lịm tắt mãi mãi. Sau ngày Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566, sức khỏe ngài yếu dần, đến 15 giờ 15 phút ngày 20 tháng Tư năm Nhâm Dần (20-5-2022), ngài đã thuận thế vô thường nhẹ nhàng viên tịch trong tịnh thất. Trụ thế 81 năm, 53 Hạ lạp.
Giác tha viên mãn tùy duyên hoằng pháp độ nhân sanh/ Thanh tịnh đủ đầy hóa hiện ta bà lưu diệu âm.
Với 81 xuân thu trụ thế, 53 Hạ lạp thu thúc giáo hóa, Hòa thượng đã để lại cho đoàn hậu học một tấm gương đạo hạnh mẫu mực mà mỗi khi nghĩ đến đại chúng đều ngưỡng vọng, tôn thờ.
Giờ đây rừng thiền vắng lặng như tờ/ Người về lòng thấy ngẫn ngơ nhớ Người/ Đức từ tỏa khắp muôn nơi/ Ngọc Nguyên tịnh xá, người người nhớ ân/ Đến thì mộc mạc lặng thầm/ Đi thì trời biển vang âm dạt dào/ Vì đàn hậu học truyền trao/ Pháp âm mầu nhiệm thuở nào còn vang/ Người về như ánh trăng vàng/ Hiện bày thân giáo trang nghiêm đạo trường/ Người đi hương đức còn vương/ Sáng soi trên những dặm đường chúng sanh.
Dẫu rằng sự đến đi của ngài như “nhạn quá trường không” chẳng màng để bóng, chẳng bận lưu hình, nhưng cuộc đời và đạo nghiệp của ngài quả thật là tấm gương sáng cho nhân thế soi chung.