Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh;
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự;
Đại biểu Quốc hội khoá IX;
Nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Nguyên Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng;
Nguyên Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng;
Nguyên Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng;
Nguyên Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang;
Nguyên Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang;
Nguyên Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang;
Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang;
Nguyên Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa - Pali Trung cấp Nam Bộ;
Hiệu trưởng danh dự Trường Bổ túc Văn hoá - Pali Trung cấp Nam Bộ;
Trụ trì chùa Canda Sophone (Prếk On Đơk, thường gọi là chùa Cần Đước) xã Thạnh Phú, H.Mỹ xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Chùa Prếk On Đơk (chùa Cần Đước) - Ảnh: Quảng Đạo |
Thân thế
Hòa thượng Aggajāti, thế danh Dương Nhơn, sinh ngày 20-2-1930, tại phum Preak Chvêng, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Thân phụ là cụ ông Dương Phel, thân mẫu là cụ bà Lâm Thị Ương. Hoà thượng có hai anh em: anh trai tên Dương Huông và ngài.
Hòa thượng được sinh trưởng trong một gia đình trung nông, phúc hậu, nhân từ, có nề nếp đạo đức vững chắc và kính tin Tam bảo, theo truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc Khmer và Phật giáo Nam tông. Lúc còn trẻ ngài đi học chữ Khmer tại chùa, học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp tại Sóc Trăng.
Năm 1946, ngài tiếp tục học tiếng Pháp với thầy Trịnh Thế Cang (nguyên Khu ủy viên, nguyên Vụ trưởng - Ban Dân tộc Trung ương).
Năm 1948, ngài là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, được chọn sang Phnôm Pênh, Campuchia thi lấy bằng Diplome Khmer - Pháp.
Thời gian xuất gia và học đạo
Năm 1949, theo đức tin Phật giáo, truyền thống của dân tộc, với thiện căn được gieo trồng từ thuở nhỏ, ngài xin phép song thân phát tâm xuất gia thọ giới Sa-di tại chùa Canda Sophone.
Đến tháng 7-1951, ngài được thọ giới Tỳ-kheo tại chùa Prếk On Đơk, cung thỉnh Hoà thượng Muni Vongsa Sovana Ratana và Hoà thượng Sơn Om là Hoà thượng tế độ; Hoà thượng IndaVinaya Lý Sưm, Hoà thượng Ratana Panna Lý Minh (EK) và Hoà thượng Panna Vilader Vi-Lâm Piên là Hoà thượng Yết-ma, ngài được ban pháp danh là AGGAJĀTI.
Từ năm 1949, ngài đã xin phép Hòa thượng trụ trì để sang tỉnh Trà Vinh học Pali, giáo lý, giáo luật. Tại Trà Vinh, ngài học đến hết các cấp học theo quy định vào thời điểm đó và được nhận bằng Maha Pariyattivithja.
Ngôi chùa gắn liền với đời sống tu hành và làm đạo của Hòa thượng Dương Nhơn |
Thời gian hành đạo
Năm 1954, khi trở về Sóc Trăng, ngài đã đảm nhiệm vị trí Achar, giảng dạy tiếng Khmer - Pali và giáo lý. Trong khoảng thời gian này, ngài được vinh dự tham gia tiếp đón Vua sãi Campuchia, Samdech Sangha Rājā Jhotañano Chuon Nath, một danh nhân trong lĩnh vực ngôn ngữ học Khmer-Pali và một học giả tôn giáo nổi tiếng. Đức ngài là Vua Sãi của Campuchia sang thăm Việt Nam.
Năm 1955, ngài được được bầu làm Yết-ma. Sau đó, vào năm 1961, ngài được bổ nhiệm làm trụ trì tại chùa Chanda Sophone. Năm 1965, ngài, đã được suy tôn làm thầy Tế độ Uppajjaya trong chùa.
Là vị tu sĩ sở hữu kiến thức sâu rộng về Phật học, giáo lý và thế học, ngài được sự kính trọng từ chư Tăng và cộng đồng Phật tử. Do đó, ngài đã được thỉnh đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Phật giáo Nam tông Khmer (hệ phái Mahanikai) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các chức vụ tiêu biểu của ngài bao gồm:
Trước ngày thống nhất đất nước (1975), ngài đã làm trụ trì của một chùa, chức danh achar và giảng dạy, cùng với việc được suy tôn làm Uppajjaya trong chùa.
Sau ngày 30-4-1975, nhờ vào uy tín của mình và mối quan hệ với các vị tiền bối, lão thành cách mạng như cụ Trịnh Thới Cang và cụ Maha Huỳnh Cương từ những năm kháng chiến, ngài đã tham gia Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang ngay từ đầu.
Năm 1976, ngài được suy cử làm phó Hội trưởng tỉnh Hậu Giang và tham gia làm thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang.
Năm 1980, ngài đã ủng hộ chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, đồng thời đại diện cho Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước khu vực Tây Nam bộ, tham gia cùng các vị trong Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Tháng 11-1981, thay mặt cho Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước khu vực Tây Nam bộ, ngài đã được cử làm một trong các đại diện của 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo, thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất ngày 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, ngài đã được phân công đọc tham luận.
Hòa thượng Dương Nhơn cùng ký vào văn kiện quan trọng, thành lập GHPGVN |
Năm 1982, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang được thành lập, và ngài đã được suy cử làm ủy viên Ban Thường trực và Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang từ năm 1982 đến 1992. Sau đó, ngài tiếp tục đảm nhận vai trò quan trọng như Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng từ 1993-2017.
Năm 2002, Hòa thượng Dương Nhơn đã được bầu làm Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đến năm 2022.
Trong ba nhiệm kỳ II, III, IV (từ 1987 - 2002), ngài là Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nhiệm kỳ V (2002 - 2007), ngài được suy cử Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự.
Nhiệm kỳ VI (2007-2012), ngài được suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, tiếp tục được suy cử Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - phụ trách Phật giáo Nam tông.
Nhiệm kỳ VII (2012-2017), ngài tiếp tục được suy tôn Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, suy cử Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự và nhiệm kỳ VIII (2017-2022), tiếp tục được suy cử ngôi vị Phó Pháp chủ, nhiệm kỳ IX (2022-2027), ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh.
Với vị trí và uy tín của mình, Hòa thượng Dương Nhơn đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo thỉnh tham gia Chủ tọa đoàn với cương vị Phó Chủ tịch và đoàn Chứng minh các kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V, VI, VII, VIII, cùng với dự lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam. Ngài tham gia Đoàn cấp cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự Hội nghị Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) tại Mông Cổ, lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan, và làm trưởng đoàn Đại biểu Phật giáo Việt Nam trong các chuyến thăm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Ấn Độ,...
Nhiều giới bày tỏ niềm kính trọng đối với Hòa thượng |
Tham gia cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Đại biểu HĐND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ (1981-1986);
- Ngài là đại biểu Quốc hội khoá IX (1992-1997);
- Ủy viên Thường trực UBMTTQVN tỉnh Hậu Giang, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ IV, V, VI, VII và là Phó Chủ tịch không chuyên trách UBMTTQ Việt Nam của tỉnh Sóc Trăng hai nhiệm kỳ VI, VII;
- Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ III, IV, V và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ VI ,VII.
Giáo dục và đào tạo
Hoà thượng Dương Nhơn đã có những đóng góp đáng kể:
- Ngài đã chú trọng đến việc tổ chức các lớp học bổ túc văn hoá, Pali tại các cấp học cho các vị chư Tăng theo học, giúp thực hiện truyền bá sứ mạng truyền bá tri thức và tôn giáo.
- Ngài cùng với cụ Maha Huỳnh Cương (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội) và các lãnh đạo của Phân ban Dân tộc Trung ương Nam bộ đã đóng góp vào việc đề xuất và thành lập Trường Bổ túc Văn hóa - Pali Trung cấp Nam Bộ (năm 1993).
- Khi Trường Bổ túc Văn hoá - Pali Trung cấp Nam Bộ thành lập, ngài được mời làm Hiệu trưởng và Hiệu trưởng danh dự từ năm 2009 đến nay.
- Trong thời gian này, Hòa thượng đã tham gia vào Hội đồng thẩm định Quốc gia để thẩm định sách giáo khoa tiếng Khmer ở 7 trình độ khác nhau cùng với tài liệu tiếng Pali-Khmer. Những tài liệu này được sử dụng để hỗ trợ việc dạy học tại Trường Bổ túc Văn hoá - Pali các cấp, cũng như trong việc biên soạn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy và học tại các trường phổ thông song ngữ và các lớp học chữ Khmer tại các chùa khu vực Nam bộ. Điều này thể hiện sự đóng góp của ngài trong việc duy trì và phát triển ngôn ngữ và văn hoá khmer trong cộng đồng.
Ngài là vị giáo phẩm khả kính |
Văn hóa, tôn giáo và dân tộc
Hoà thượng đã chú trọng đến việc bảo tồn và thúc đẩy văn hóa, giữ gìn phong tục tập quán, và tôn vinh các lễ hội tôn giáo và dân tộc. Ngài đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các chùa Khmer, đảm bảo rằng các ngôi chùa phù hợp với đời sống hàng ngày của người dân, nếp sống văn hóa dân tộc đúng theo giáo lý của Phật giáo, cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật. Hoà thượng Dương Nhơn đã đóng góp không nhỏ vào việc thúc đẩy và bảo tồn văn hoá Khmer, đồng thời giúp củng cố tôn giáo và dân tộc trong cộng đồng. Việc này thể hiện sự tôn trọng và yêu thương đối với bản sắc văn hoá và tôn giáo của người dân Khmer, đồng thời đóng góp vào sự đa dạng văn hoá và tôn giáo của xã hội Việt Nam.
Tại chùa Chanda Sophone Prếk On Đơk, ngài đã hiến một phần đất cho chính quyền địa phương xây dựng trường đào tạo nghề và trường Phổ thông Dân tộc Nội trú. Bên cạnh những công việc khác, ngài vẫn hết lòng hỗ trợ chư Tăng và Phật tử trùng tu, xây dựng mới các hạng mục của ngôi chùa ngày càng khang trang, xanh sạch đẹp, phù hợp với truyền thống tôn giáo và nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Nhằm ghi nhận và biểu dương những đóng góp của Hòa thượng, Đảng, Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều bằng khen của Bộ, Ban, ngành trung ương và tỉnh; nhiều Bằng tuyên dương công đức.
Tang lễ Trưởng lão Hòa thượng tổ chức theo nghi thức cấp cao của GHPGVN |
Thời kỳ viên tịch
Hòa thượng AGGAJĀTI - Dương Nhơn là vị cao Tăng đạo cao, đức trọng, tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết tôn giáo - dân tộc. Ngài quan niệm đạo gắn với đời, luôn có tinh thần, trách nhiệm phụng sự cho tôn giáo và dân tộc. Vì sự hưng thịnh của đạo pháp, phát triển của dân tộc và đại đoàn kết tôn giáo - dân tộc, ngài hoạt động không biết mệt mỏi.
Là một trong những vị cao tăng của Phật giáo Nam tông Khmer, Hòa thượng Dương Nhơn tiêu biểu cho tinh thần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Ngài đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, Hòa thượng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đạo và đời đúng theo truyền thống của tôn giáo và dân tộc, phù hợp với đường hướng của Giáo hội và pháp luật của Nhà nước. Ngài có công đức to lớn kế thừa Phật sự, góp phần quan trọng trong việc vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo và phụng sự cho đất nước.
Ngày nay, khi hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp, tế độ chúng sinh của Hoà thượng đã viên mãn, thì cũng chính là lúc định luật vô thường cung đón ngài về cõi Niết-bàn vào lúc 1 giờ 17 phút ngày 3-10-2023 nhằm ngày 19-8-Quý Mão tại chùa Chanda Sophone Prếk On Đơk (chùa Cần Đước); trụ thế: 93 năm, 73 hạ lạp.
(Theo văn bản do Ban Tổ chức tang lễ cung cấp)