Hoà thượng Thích Nhật Ấn (1956-2021) |
Hòa thượng Thích Nhật Ấn, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ủy viên Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận Bình Tân, Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Bình Chánh khóa V, khóa VI; Ủy viên Ủy ban MTTQVN quận Bình Tân; Đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Tân Tạo khóa IV, khóa V; Viện chủ tổ đình chùa Long Thạnh; Viện chủ chùa Linh Bửu (huyện Đức Hòa, Long An); Viện chủ chùa Phổ Minh (quận 5, TP.HCM); Viện chủ chùa Vạn Hạnh (quận Tân Bình, TP.HCM); Viện chủ chùa Pháp Thành (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
1. Thân thế
Hòa thượng Thích Nhật Ấn, pháp húy Nhật Ấn, pháp hiệu Thiện Ấn, sinh ngày 27-4-1956 (17-3-Bính Thân) tại ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Thân phụ là cụ ông Đỗ Văn Nữa, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Một, Hoà thượngsinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nhiều đời kính tin Tam bảo, là con út trong gia đình có 8 anh chị em.
Vốn xuất thân trong gia đình tôn kính Tam bảo, từ thuở nhỏ Hòa thượng đã sớm bộc lộ niềm tin kính quý Đức Phật và với ý nguyện xuất gia, nên từ lúc 8 tuổi dù đang theo học tại Trường Tiểu học ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cậu bé Đỗ Văn Ơn xin cha mẹ được xuống tổ đình chùa Long Thạnh để lễ Phật, nghe kinh, công quả hành đường.
2. Thời kỳ xuất gia tu học
Túc duyên nhiều đời, sau thời gian tập sự tại tổ đình Long Thạnh, cậu bé Đỗ Văn Ơn sớm nhận thức con đường xuất gia là lý tưởng giải thoát, nên quyết chí xin xuất gia học Phật để được thân cận phụng sự chư Tăng, học hỏi nếp sống phạm hạnh.
Năm 1964, với ý chí cương quyết, nên đã được song thân đồng ý và được Hòa thượng Bửu Ý, trụ trì tổ đình Long Thạnh cho thế phát xuất gia với pháp danh Nhật Ấn. Chú tiểu Nhật Ấn luôn nghiêm trì kinh luật, siêng năng chấp tác hành sự nên được Bổn sư và chư tôn đức ở tổ đình chùa Long Thạnh thương yêu quý mến. Với bản tính hiền hòa, cần mẫn, siêng năng nên chú tiểu Nhật Ấn được Hòa thượng bổn sư chọn làm thị giả.
Sau khi xuất gia, chú tiểu Nhật Ấn đã thuộc làu 4 bộ luật Trường hàng, nên vào năm 1972, Hòa thượng Bổn sư cho thọ Sa-di giới tại giới đàn chùa Sùng Đức, quận 11 - Sài Gòn (Chợ Lớn). Giới đàn do Hòa thượng Thích Thiện Nghị làm Chánh chủ kỳ; Hòa thượng Thích Nhựt Chơn - Thiện Chánh làm Hòa thượng Đàn đầu.
Sau khi thọ giới Sa-di, Sa-di Nhật Ấn phát tâm trì tụng bộ Hoa nghiêm và Pháp hoa kinh cũng như nỗ lực nghiên tầm giáo lý và luật nghi thiền đường. Với tinh thần cầu học, tinh tấn hành trì kinh luật, nên vào ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1977) Sa-di Nhựt Ấn được bổn sư cho tấn tam đàn Cụ túc tại viện Hoằng Đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền, Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, Đại giới đàn do Trưởng lão Hòa thượng Thích Pháp Dõng làm Chánh chủ kỳ, Hòa thượng Bổn sư Thích Bửu Ý làm Đàn đầu, Thượng tọa Thích Thiện Lạc, chùa Phổ Minh làm Yết-ma, Thượng tọa Thích Huệ Sanh, tổ đình Giác Lâm làm Giáo thọ, Chánh sự giáo thọ Thích Huệ Xướng, Thư ký giáo thọ Thích Thiện Xuân.
Sau khi thọ cụ túc giới, Tỳ-kheo Nhật Ấn được bổn sư gửi theo học với các bậc tôn túc trưởng lão, tham gia các khóa An cư kiết hạ tại trường hương, trường kỳ ở các tổ đình miền Nam. Người được trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Ý truyền phú pháp kệ:
Nhật chiếu quang minh chơn tánh hiện
Ấn triêm pháp nhũ đạt chơn như
Thiện nhiếp tâm vương hoằng chánh đạo
Ấn trì pháp bảo hiển tông phong
3. Quá trình hành đạo
Do ảnh hưởng tinh thần và tư tưởng nhập thế độ sinh cũng như được thân cận với Hòa thượng bổn sư với vai trò lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện Hoằng Đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử, nên Đại đức Thích Nhựt Ấn cảm nhận sâu sắc về con đường hoằng pháp lợi sinh và vai trò nhập thế của người xuất gia hành đạo.
Đại đức luôn canh cánh bên lòng sứ mệnh “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài”. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đại đức Nhựt Ấn được Hoà thượng bổn sư cho tham gia công tác phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Đại đức đã tích cực tham gia ngay từ đầu các hoạt động Phật sự, làm Chánh Thư ký trong Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước huyện Bình Chánh và liên tục thực hiện nhiều trọng trách trong Giáo hội cũng như công tác xã hội.
Năm 1980, tại giới đàn chùa núi Bửu Phong - Biên Hòa, ngài được Ban Kiến đàn cung thỉnh vào cương vị đương vi Giáo thọ A-xà-lê. Đại giới đàn này do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tấn làm Chánh chủ kỳ; Đường đầu trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành; Yết-ma-a-xà-lê Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Sanh, tổ đình Giác Lâm. Đặc biệt pháp sư trong Đại giới đàn này có 3 vị danh Tăng: Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Bửu Ý; Chánh sự giáo thọ Thích Huệ Xướng; Thư ký Thích Thiện Quang.
Một sự kiện trọng đại trong lịch sử của Phật giáo Việt Nam, đó là thống nhất 9 tổ chức Giáo hội để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Tại hội nghị này, ngài được chư tôn đức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền cử tham gia thành viên chánh thức đoàn Đại biểu Phật giáo cổ truyền tham dự Hội nghị thành lập GHPGVN tại thủ đô Hà Nội.
Sau khi chánh thức là đại biểu tham dự đại hội thành lập GHPGVN năm 1981, Đại đức trở thành nhân tố được quy hoạch cho thế hệ kế thừa trong tông phong hệ phái cũng như của tổ chức GHPGVN. Từ năm 1978 đến năm 2017, Đại đức Nhật Ấn đã tham gia công tác Giáo hội qua các nhiệm vụ, từ Thư ký, Phó ban Đại diện, Chánh Đại diện Phật giáo huyện Bình Chánh (hiện nay là quận Bình Tân), hiện nay là Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN quận Bình Tân, Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Bình Chánh, Ủy viên UBMTTQVN huyện Bình Chánh (quận Bình Tân).
Năm 2003, huyện Bình Chánh được tách thành huyện Bình Chánh và quận Bình Tân. Hòa thượng không ngừng nỗ lực trong các công tác Phật sự chung, góp phần xây dựng một diện mạo Phật giáo mới trên vùng đất một thời chiến tranh khốc liệt.
Từ năm 1997, Đại đức được suy cử là Ủy viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM. Với tinh thần tích cực phụng sự đạo pháp và dân tộc, ngài được suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPHVN nhiệm kỳ VI, nhiệm kỳ VII, nhiệm kỳ VIII. Tại Đại hội đại biểu GHPGVN TP.HCM lần IX (2017-2022), ngài được suy cử vào ngôi vị Phó Trưởng ban Trị sự, Phó Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM.
Năm 2017, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII ngày 19 – 22-11, ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng.
Hòa thượng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm “hộ quốc an dân” của mình nên rất được sự quan tâm và ủng hộ của các cấp lãnh đạo chính quyền, tạo mọi gắn kết, ổn định trong công tác tôn giáo của vùng đất cận biên trung tâm thành phố này. Có thể nói, Hòa thượng luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các cấp chính quyền và Ban Trị sự trong công tác Phật sự trên tinh thần hỗ trợ quý kính tôn trọng lẫn nhau.
4. Đóng góp cho Giáo hội - Giáo dục Phật giáo
Trong sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp, Hòa thượng thu nhận nhiều đệ tử xuất gia và đệ tử cầu chánh pháp nhãn tạng. Hòa thượng đã đóng góp phần rất lớn cho sự ổn định và phát triển của Giáo hội nói chung, Phật giáo quận nhà nói riêng thể hiện qua việc định hướng và xây dựng Giáo hội vững mạnh. Hòa thượng đảm nhiệm Phó ban Giáo dục Phật giáo (Sơ cấp Phật học) huyện Bình Chánh.
Năm 2000-2020, Hòa thượng đã khai mở trường hương tiếp Tăng độ chúng giữ đúng cổ truyền thiền lâm quy cũ Phật giáo Nam bộ. Năm 2009, Hòa thượng cùng với chư tôn đức trong môn phong tổ đình tiến hành đại trùng tu ngôi tổ đình chùa Long Thạnh. Năm 2014, Hòa thượng đại trùng tu chùa Linh Bửu, ấp Giồng Lớn, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; Chứng minh khai sơn chùa Phổ Hòa, phường Trường An thành phố Vĩnh Long; Chứng minh khai sơn tu viện Kim Cang, huyện Bình Chánh; Chứng minh khai sơn chùa Long Vân, phường Tân Tạo, quận Bình Tân; Viện chủ chùa Phổ Minh, quân 5; Viện chủ chùa Vạn, quận Tân Bình, TP.HCM; Viện chủ chùa Linh Bửu, ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; Viện chủ chùa Pháp Thành, huyện Bình Chánh.
Trong tinh thần “Tri ân - báo ân”, với tâm nguyện làm sáng toả những công hạnh, sự nghiệp đóng góp của chư tôn đức lãnh đạo tổ chức Giáo hội Phật giáo: Lục hòa Liên xã, Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, Phật giáo Lục Hòa Tăng, Phật giáo Cổ truyền, Lục Hòa Tăng và Lục hòa Phật tử, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu Nước đã có công lao đóng góp cho đạo pháp và dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Chư tôn đức Hệ phái Phật giáo Cổ truyền kết hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học tổ chức hội thảo khoa học: “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc” tại tổ đình chùa Hội Khánh, tỉnh Bình Dương, Hoà thượng làm đồng Trưởng ban Tổ chức hội thảo.
5. Ghi nhận công đức
Với những đóng góp lợi lạc to lớn cho đạo và cho đời, đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Hòa thượng được Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQVN, UBND TP.HCM, UBMTTQVN TP.HCM, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, huyện Đức Hòa (Long An) và Giáo hội các cấp trân trọng ghi nhận và tặng thưởng huân chương và nhiều bằng khen, Bằng Tuyên dương công đức cao quý: Huân chương Đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch nước (11-2017); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (10-2007); Bằng tuyên dương công đức của Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Qua 64 năm hiện diện ở đời, Hòa thượng đã tận tụy hết lòng vì Đạo pháp và Dân tộc, với trí huệ trong sáng, đức hạnh truyền thống “hộ quốc an dân”, Hòa thượng đã để lại nhiều tiếng thơm cho đạo và cho đời, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng Giáo hội vững bền, đất nước phồn vinh.
Với dáng vẻ thanh thoát, cách gợi chuyện nhẹ nhàng sâu lắng, cùng với nụ cười hoan hỷ, thân thiện từ ái bao dung, Hòa thượng luôn để lại trong lòng mọi người niềm hân hoan kính quý sau những lần được tiếp xúc với ngài. Thân giáo của Hòa thượng là tấm gương sáng cho Tăng Ni, Phật tử ấn tượng tốt đẹp về một mẫu tu sĩ Phật giáo trong quá trình dấn thân hành đạo.
“Chùa Long Thạnh cõi Phật duyên lành
Hòa thượng Nhật Ấn đức tu gương sáng”
6. Thời kỳ viên tịch
Với 64 năm giữa trần thế, sống trong cảnh an bình tĩnh lặng nơi chốn thiền môn, tấm thân giả tạm bao phen cùng tuế nguyệt, nhưng tinh thần khí chất của bậc xuất trần thượng sỹ vẫn an nhiên đón nhận mọi chướng duyên, thuận duyên của cuộc đời. Duyên đã hết, chí nguyện đạt thành, con đường xuất gia đã trọn vẹn, những việc cần làm đã làm xong. Sanh, lão, bệnh, tử là như thị. “Vân khứ vân lai thiên bổn tịnh, Hoa khai hoa lạc thọ hà can”, thuận theo quy luật vô thường, Hòa thượng hiện tướng bệnh duyên thu thần viên tịch vào lúc 3 giờ 45 sáng ngày 63-2021 (nhằm ngày 23 tháng Giêng năm Tân Sửu), Phật lịch 2.564, Hòa thượng xả báo thân, tại tổ đình chùa Long Thạnh (1756 Tỉnh Lộ 10, khu phố 1, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM). Trụ thế 64 năm, hạ lạp 43 năm.
Quả thật!
Đèn thiền rực sáng chân tâm; Người soi vạn nẻo tháng năm miệt mài; Kinh khuya vang mãi Phật đài; Pháp mầu độ khắp muôn loài chúng sinh; Sáu tư năm - một hành trình; Bốn ba tuổi đạo - trọn tình núi sông/ Người đi giải thoát bụi hồng/ Trăm năm đẹp mãi tấm lòng vô biên/ Người đã đến giữa đất thiền/ Ra đi gởi lại nhân duyên đẹp ngời/ Thong dong trong một kiếp người/ Nghiêm trì giới hạnh một đời lừng danh/ Người đã đến giữa phố thành/ Nay về chốn cũ đất lành nở hoa.