Tiếng vọng về Vu lan

GNO - Có lẽ Thầy ngạc nhiên lắm khi đọc được bức thư này - bức thư từ một đứa trẻ ngang bướng, ương ngạnh lần đầu tiên viết gửi đến Thầy. Thầy biết không, đôi khi con muốn nói với Thầy một điều gì đó nhưng những lời con muốn bộc bạch cứ nghẹn lại nơi cuống họng, chẳng thể thốt nên.

IMG_0130_342386088.jpg
Thầy không chỉ dạy cho con bài học về khẩu giáo, mà còn đem đến những bài học thân giáo thiết thực

Từ khi còn rất nhỏ con đã rời xa gia đình, xa vòng tay yêu thương của ba mẹ để vào chùa cùng huynh đệ tu học. Nói là tu học vậy thôi, nhưng lúc đó con còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa và giá trị của đời sống xuất gia, mặc dù đâu đó trong con vẫn có sự kính ngưỡng đặc biệt đối với màu y giải thoát của những vị xuất trần thượng sĩ, đối với Thầy.

Thầy biết không, những ngày đầu tiên vào chùa tập sự, con rất sợ dáng vẻ nghiêm khắc của Thầy mỗi khi dạy chúng con về oai nghi - tế hạnh của một vị xuất gia, sợ ánh mắt nghiêm khắc của Thầy khi chúng con trốn chơi banh đũa mỗi buổi trưa hè, sợ tiếng quở trách của thầy mỗi lần chúng con trốn tụng kinh bái sám... Nhưng dần lớn lên, con cũng đã hiểu được phần nào những lo lắng của Thầy đối với “đàn con thơ dại” chúng con, hiểu được sự nghiêm khắc của Thầy vì mong muốn chúng con tốt hơn, là để chúng con mỗi ngày một trưởng thành hơn.

Con lớn lên trong câu kinh tiếng kệ, trong những lời giáo huấn từ Thầy cùng tình yêu thương của huynh đệ. Và rồi cũng đến ngày con phải rời Thầy, xa mái chùa thân thương để lên thành phố học tập. Thầy biết không, mỗi khi thành phố lên đèn con cảm thấy mình thật nhỏ bé và lạc lõng, những giọt nước mắt nơi con trực trào. Con nhớ Thầy, nhớ huynh đệ, nhớ tiếng ríu rít của mấy chú nhỏ gọi “chị ơi, chị ơi”. Con muốn được trở về mái chùa, ngồi bên Thầy nghe kể những câu chuyện vụn vặt đời thường, nhưng chứa đựng nơi đó là những bài học quý giá trên đường tu của con. Những lần như thế, Thầy đều an ủi và khuyên nhủ con hãy cố gắng tu hơn nữa để thấy được ý nghĩa và giá trị nơi con đường mình đang đi.

Thầy ơi, xa chùa rồi con mới thật trân quý những chiều thứ Bảy, Chủ nhật ngắn ngủi về bên mái chùa - nơi có người Thầy hiền khả kính! Ngồi bên Thầy, nghe Thầy kể về những chú điệu nhỏ ở chùa học hành ra sao, quậy phá như thế nào... con bất giác thấy mình thật hạnh phúc! Con cũng là một trong những chú điệu quậy phá của ngày xưa, phải không Thầy?

Có lẽ, Thầy biết con nấu ăn không giỏi nên mỗi lần về chùa, Thầy đều chỉ con vài món cơ bản để lên đó con còn biết cách “đối phó” với nhà trù. Rồi Thầy dạy con phải biết nương theo các vị Ni trưởng, gắng công tu tập, trau dồi giới hạnh để làm hành trang trên con đường giải thoát. Những lúc như thế, con thấy con còn diễm phúc lắm khi vẫn còn một người Thầy luôn dõi theo, sát cánh và nâng đỡ bước chân con trên bước đường học Phật giải thoát.

Thầy không chỉ dạy cho con bài học về khẩu giáo, mà còn đem đến những bài học thân giáo thiết thực có lẽ trường học ít khi nào dạy. Con hiểu rằng, con không thể biện hộ cho sự hời hợt, vô tâm với mọi người xung quanh bằng sự ích kỷ, bận rộn của bản thân. Bởi chính Thầy, dù Phật sự đa đoan cùng căn bệnh tiểu đường mỗi ngày hành hạ nhưng Thầy vẫn luôn mở rộng vòng tay yêu thương che chở cho những mảnh đời bất hạnh từ mọi miền đất nước. Thầy không chỉ ân cần thăm hỏi những cụ già neo đơn ăn uống thế nào, quan tâm các cô khiếm thị có cảm thấy thoải mái khi sống tại mái ấm hay không. Thầy còn cầm tay từng em nhỏ viết từng chữ cái, đếm từng con số với tình thương của một người mẹ hiền từ, một người cha khả kính. Với con, Thầy còn hơn cả sự ngưỡng mộ, bởi năm tháng qua con học được những điều quý giá về tình yêu thương, sự vị tha bởi tấm lòng “vì đạo, giúp đời” của Thầy.

Nhưng rồi, xa chùa tu học, có những lúc hạt giống lãng tử trong con bừng trỗi dậy, con muốn từ bỏ con đường xuất trần, muốn trở về với đời sống thế tục. Nhưng tình yêu thương cùng sự bao dung của Thầy đã cảm hóa con, đã đem con trở về bên Đạo. Lúc đó, con đã khóc. Con khóc vì ngưỡng mộ với nghị lực phi thường của Thầy trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Con khóc vì thấy bản thân mình thật yếu hèn, chỉ vì chút ít cãi vã nơi huynh đệ mà có thể từ bỏ con đường tu tập của bản thân.

Thầy ơi, con biết có những giây phút ham chơi, ham ngủ con quên mất thời khóa tụng kinh, bái sám, lại còn trốn đi ăn chè, đá banh... khiến cho Thầy phải nhọc lòng quở trách. Thầy vẫn sẵn sàng tha thứ, bao dung hết cho những lỗi lầm “non trẻ” của con. Thầy còn ân cần chỉ bảo những điều hay lẽ phải để giúp con chuyển hóa thân tâm. Và những lời dạy ấy chính là “nguồn mưa dầm” từ những ngày đầu tập sự và cho đến bây giờ, “nguồn mưa” ấy chính là bài học, là những phút giây chiêm nghiệm và ứng dụng vào đời sống tu tập của chính con.

Hôm nay, khi những chiếc lá thu vàng nghiêng mình bên cửa báo hiệu mùa Vu lan về, con nhắc nhở bản thân về ơn sinh thành dưỡng dục của song thân, cùng ơn trưởng dưỡng đạo tâm của người Thầy khả kính. Giờ đây, con muốn nói lời cảm ơn trân thành đến Thầy - người không chỉ đem đến cho con ánh sáng của tri thức, còn cho con tiếp xúc được với những mầu nhiệm trong cuộc sống qua giáo pháp của Đức Như Lai.

Có lẽ khi đọc những dòng chữ này, Thầy đang phải gồng mình để chống chọi với căn bệnh quái ác hành hạ thân xác của Thầy, để giành lấy sự sống về với chúng con. Và Thầy ơi, Thầy hãy mạnh mẽ lên nhé, mạnh mẽ như cách Thầy luôn dạy chúng con khi đứng trước nghịch cảnh cuộc đời vậy đó. Chúng con sẽ chờ Thầy, chờ đến ngày Thầy khỏe lại và về bên chúng con, Thầy nhé!

Con gái của Thầy!

Hạ Lam

nguyendungvhnn@...

(Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.