Tiếng chim gọi bầy

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1236 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn 01/01/2024 09:29
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1236 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn 01/01/2024 09:29
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đôi chim trao trảo về làm tổ trên cây me nước phía sau vườn nhà tôi. Ngoại tôi rất yêu cái khu vườn nhỏ này, yêu tiếng chim kêu ríu rít trên cành cây me nước.

Mỗi chiều, khi đi làm đồng về, bao giờ ngoại cũng dành thời gian chăm sóc khu vườn của mình như chăm sóc một cái gì thân thương lắm. Tôi cũng hay theo ngoại ra vườn bắt sâu, nhổ cỏ và hái những quả ổi, quả xoài về ăn.

Thời gian trôi qua, đôi chim trao trảo vẫn miệt mài tha từng cọng rơm, ngọn cỏ về xây tổ ấm, mặc cho gió mưa, mặc cho giông bão, mặc cho bao hiểm nguy đang rình rập xung quanh chúng. Tổ xây xong, đôi chim chừng như rất vui, chúng vờn nhau, rượt đuổi nhau trên cành cây. Chúng cất tiếng kêu làm rộn vang khu vườn nhỏ. Chiếc tổ xinh xắn, nhìn như chiếc bát con treo lủng lẳng, đung đưa trong gió. Ngoại tôi nhìn chiếc tổ xinh xắn ấy, bà mỉm cười nói với tôi: “Ở sau vườn nhà bà cháu mình sẽ có thêm một gia đình nữa cháu!”. Tôi gật đầu và cảm nhận được tình thương của bà đối với đôi chim và mọi vật xung quanh.

Bọn con nít xóm trên thường rủ nhau đi kiếm tổ chim. Đôi ba lần tụi nó định bắn phá tổ chim nhưng đều bị bà phát hiện và ngăn cản, không cho chúng bắn phá. Những lần như thế, ngoại thường kêu chúng lại, khuyên bảo chúng không nên bắn phá vì chim cũng muốn có một gia đình yên vui như các cháu. Khuyên xong, bà cho mỗi đứa vài viên kẹo. Đám trẻ con nhận kẹo rồi kéo nhau đi mất.

Mùa hạ đi qua, mùa thu lại đến, chim sinh sản và nuôi con. Chúng bắt đầu cho một hành trình làm cha, làm mẹ. Chim trống đi tìm mồi, chim mái thì chăm sóc và bảo vệ con. Ngoại tôi rất vui khi nhìn đôi chim mớm mồi cho con trong tiếng kêu tơ non của những chú chim con bé nhỏ. Rồi những chú chim con lớn dần và bắt đầu tập bay trong đôi cánh yêu thương của bố mẹ. Chúng bay lè tè một quãng ngắn rồi đậu sà trên đất. Chim bố, chim mẹ bay vòng quanh như động viên, nâng cánh cho con. Chốc chốc, chúng lại mổ nhè nhẹ vào đôi cánh của những đứa con thân yêu như muốn nói “Cố gắng lên các con, bầu trời và phía trước là của các con đấy!”.

Ngày lại, ngày qua, bầy chim con vẫn miệt mài tập bay, có lẽ chúng hiểu cuộc sống là những chuỗi ngày dài rèn luyện và lao động không ngừng nghỉ. Nhìn bầy chim, bà tôi tươi cười, lòng tràn đầy niềm vui, cuộc sống thật đáng yêu trong đôi mắt bà. Bà đi vào nhà lấy thóc, đôi tay dịu dàng rải thóc cho bầy chim. Chúng kêu ríu rít, dạn dĩ mổ thóc trên bàn tay bà. Ăn xong, chim bố bay đến mô đất cao cạnh cây trứng cá, cất tiếng kêu vang, bầy chim con bay đến, chúng mổ nhẹ vào đôi chân của bố như muốn nói: “Chúng con rất yêu bố!”. Bà tươi cười và nói với tôi: “Chim trống kêu để gọi bầy đó cháu!”. Tôi gật đầu, tươi cười với bà.

Ngày nọ, bọn con nít xóm trên lại đến tìm chim. Chúng dáo dác nhìn quanh khu vườn của ngoại, rồi nhìn lên tổ chim, chúng giương giàn thun định bắn vào tổ chim. Chim mái kêu lên hoảng hốt nhưđang cầucứu. Bọn con nít bắn “bụp, bụp...” vào tổ chim bằng những viên đất tròn, bầy chim kêu thất thanh,bay loạn xạ. Nghe tiếng động, ngoại tôi chạy ra, nhìn thấy bọn con nít đang bắn phá tổ chim, bà la chúng, rồi năn nỉ chúng: “Xin các cháu đừng bắn chim của bà, tội lắm!”. Bọn con nít đứng tần ngần, lấm lét nhìn bà. Bà vào nhà lấy kẹo ra cho chúng. Bọn con nít hí hửng kéo nhau đi khi trên tay mỗi đứa có vài viên kẹo.

Trời bắt đầu vào đông, hơi lạnh từ nơi xa kéo về làm cho không gian trở nên chật chội. Đám sương mù như tấm màn mùa đông giăng dài trước mắt trong những buổi sớm mai. Cái tổ chim đơn độc vẫn cheo leo trước bốn bề gió lạnh. Mùa đông năm ấy, ngoại tôi nằm bệnh liệt giường, bà bị sốt nặng, mặt đỏ lừ, cả người bà rét đậm, run cầm cập. Tôi nấu cháo cho bà ăn và lấy thuốc cho bà uống. Tiếng bà rên “ư… ư” trong cái rét rầm rập, giọng bà thều thào “Cháu nhớ lấy thóc cho chim ăn nhé!”, tôi gật đầu, lấy thóc và chạy ra ngoài tìm bầy chim.

Cả tuần nay, tôi thay bà rải thóc cho chim. Bầy chim chừng như đã quen với hơi tay của tôi nên chúng không còn hoảng sợ khi tôi đến gần. Ăn xong, chim bố lại bay đến mô đất cao, cạnh cây trứng cá, cất tiếng kêu vang, bầy chim con bay đến. Tôi chạy vào khoe với bà “Bà ơi, chim gọi bầy mỗi ngày luôn, vui hé bà!”. Bà tươi cười, bảo tôi đến gần, xoa đầu tôi và bảo: “Chim cũng có gia đình như con người, cháu ạ!”.

Bầy chim con đã đủ lông, đủ cánh. Chúng bắt đầu rời xa bố mẹ, bắt đầu cho cuộc sống tự lập bằng những kỹ năng mà chúng được bố mẹ rèn luyện. Phía trước sẽ là của chúng. Bầu trời xanh sẽ là của chúng! Chúng tự do tung bay trên đôi cánh của mình. Chúng bay qua những cánh đồng vàng bông lúa chín, bay qua những khu vườn cây trái xanh tươi, bay qua những lũy tre làng, những dòng sông và những con đường đầy hương cỏ dại. Chúng nhìn thấy quê hương mình rất đẹp, đất nước mình rất xinh tươi với con người luôn bình dị và nhân ái. Chúng bay và đi đến những nơi xa, nơi mà cuộc sống đang mở ra phía trước.

Đôi chim bố mẹ vẫn quyến luyến khu vườn của ngoại. Mỗi ngày, chúng bay đi tìm thức ăn và lại bay về, đậu trên miệng tổ. Có lẽ chúng cũng đang nhớ đến những tháng ngày cả gia đình bên nhau đầm ấm, nhớ đến những ngày dài gian khổ nuôi con, nhớ đến những buổi tập cho con bay. Chúng nhớ bà cụ và đứa cháu luôn luôn chăm sóc và bảo vệ khi chúng bị đe dọa bởi tụi con nít. Những hình ảnh thân thương đó vẫn còn in sâu trong đôi mắt chúng.

Chiều, ngoại tôi ra vườn rải thóc cho chim. Nhìn đôi chim bố mẹ hàng ngày vẫn bay đi, bay về, đậu trên miệng tổ. Bà tôi bất giác thở dài, lẩm bẩm: “Đời chim có khác chi đời người, có sum họp rồi cũng có chia ly!”. Ngoại tôi nhìn đăm chiêu về phía khu gò đất cao, có cây trứng cá, nơi mà chim bố mỗi khi ăn xong lại cất tiếng gọi bầy. Bà muốn tìm lại những kỷ niệm về bầy chim, muốn được nghe tiếng chim gọi bầy của những ngày xa cũ. Nhưng bây giờ đã rất xa, tất cả chỉ còn trong ký ức.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.