Mùa hoa ngô nở

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1232 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1232 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bây giờ đang là mùa đông. Tôi trở lại quê nhà sau nhiều ngày xa quê đằng đẵng. Xe khách chỉ dừng lại nơi con lộ to nhất mà không đi qua nhà tôi. Từ con lộ tôi phải cuốc bộ thông qua một con đường nhỏ mới có thể về tới nhà.

Con đường nhỏ ấy cũng là nơi ngăn cách hai nửa cánh đồng làng lúc nào cũng mượt mà xanh trù phú hoa màu. Bước chân tôi chậm rãi, đồng quê yên bình hiện ra trước mắt như một bức tranh thật tuyệt. Nổi bật trên bức tranh đó là màu hoa ngô trắng xóa đang đung đưa trước gió. Lúc đó tim tôi xốn xang một cảm xúc khó tả. Màu hoa ngô - gam màu bình dị đã gắn bó, nuôi nấng tâm hồn tôi từ thuở bé thơ cho đến lúc trưởng thành.

Cánh đồng làng thẳng cánh cò bay với hai vụ lúa và một vụ ngô vào dịp đầu đông là nơi đọng lại nhiều kỷ niệm của những người dân quê nghèo. Xong vụ lúa hè thu là người dân khẩn khoản làm đất, dẫn nước, mua giống rồi bắt đầu tỉa hạt. Có khi thì đúc sẵn những cây ngô ở sân nhà rồi bứng ra mang trồng. Làm cách này ngô phát triển khá đồng đều, nếu bị sâu, chuột cắn thì có thể dặm ngay.

Tôi nhớ ngày còn ở nhà, mùa ngô nào tôi cũng phụ giúp gia đình, mẹ đùa rằng tôi là một nhân lực chủ chốt, thiếu vắng sẽ hỏng việc ngay. Tôi có nhiệm vụ tra hạt vào lỗ, hoặc đặt cây giống bên mép lỗ để bố hoặc mẹ lấp đất. Mẹ dạy tôi phải nâng niu từng hạt giống nếu không mầm non sẽ bị gãy và cây ngô mọc lên không được năng suất.

Cây ngô lớn lên nhờ dung dưỡng thớ đất quê và sự cần cù chăm chỉ của người nông dân một nắng hai sương. Từng lá nhỏ mọc lên xanh mướt rồi thân cây cao vút lá xanh thẫm. Quẩn quanh lại đến kỳ cờ ngô nhú cao và nở trắng xóa. Có lẽ chẳng mấy ai nhớ hình thù hoa ngô như thế đâu. Nhưng riêng tôi thì lại nhớ rất rõ.

Đó là những ngày tháng đi thăm đồng với mẹ. Mẹ hay chỉ cho tôi tận tình từng bông hoa ngô, cách nó thụ phấn ra sao để cho ra những bắp ngô tròn mẩy và vàng óng. Trên đỉnh của cây là cụm hoa đuôi sóc hình chùy chứa các hoa đực. Lũ trẻ con trong làng vẫn thường gọi là cờ ngô. Thoạt đầu tôi nghĩ hoa ngô không có mùi nhưng sự thật thì chúng vẫn có mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng. Rất dễ chịu.

Đi thăm đồng về kiểu gì hoa ngô cũng bám dính lên tóc tôi một ít, làn gió đông thì cứ vương vất mang hương thơm thoang thoảng. Gót chân bám bùn, đầu bám hương hoa ngô. Hai thứ mùi quyện lẫn vào nhau tạo nên một thứ mùi thật khó diễn tả. Kiểu như một loại hương mà chỉ có đồng quê mới có. Dân dã và thật gần gũi. Chị gái tôi bảo, phải ai thật tinh tế mới nhận ra cái mùi ấy. Quả đúng là như vậy. Con người chúng ta nhiều khi vì quá tất bật lo toan mà đã quên đi những thứ bình dị. Trong đám ruộng có những cây ngô cao vút, hoa trắng xóa mà lạ thay không ra bắp, vươn râu để mà thụ phấn. Những cây ngô này bố mẹ tôi đốn về cho trâu bò ăn khỏi phí.

Tôi vẫn nhớ những trò chơi tuổi nhỏ, chúng tôi lấy hoa ngô làm cờ thay cây lau, sậy để chơi trò trận giả. Đứa nào đứa nấy hùng hồn cầm cây ngô đang còn những bông hoa mà chạy thục mạng hét hò ầm ĩ. Tuổi thơ cứ thế trôi qua hồn nhiên trong trẻo. Mỗi lần nhắc lại đứa nào cũng hoài niệm, tiếc nhớ, rồi lại tự hỏi, không biết bây giờ đám trẻ con có còn chơi trò giống mình ngày xưa?

Thời gian thấm thoát trôi đi, những đứa trẻ quê lớn lên và tới một vùng đất khác mưu sinh lập nghiệp. Chỉ còn mùa hoa ngô ở lại với những người nông dân tảo tần. Tôi trở về làng mình, ngang qua cánh đồng hoa ngô bung nở trắng xóa. Tôi lặng lẽ ngắm từng bông hoa ngô nở rồi mường tượng hình ảnh của mình thời tấm bé. Ký ức là một thứ gì đó khiến cho tôi luôn thổn thức, dẫu nó nhỏ bé như những bông hoa ngô đang đung đưa trước gió…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.