Tuy nhiên, con ma ngũ dục không phải lúc nào cũng hiện nguyên hình xấu xí để cho người ta tránh mà có khi lại hiện ra dưới hình thức rất đẹp đẽ, nếu không cảnh giác ta khó lòng nhận ra.
Một buổi giảng pháp - Ảnh minh họa |
Trước đây, tôi thấy có một “Nhóm Phật tử yêu thích thầy...”. Tôi chỉ chép miệng cười nghĩ rằng thôi thì một số Phật tử ngưỡng mộ thầy nào đó thành lập một nhóm để chia sẻ động viên nhau tu học theo lời giảng của vị thầy đó cũng tốt. Nhưng gần đây tôi lại thấy xuất hiện thêm một nhóm nữa tên là “Nhóm Phật tử Bắc Trung Nam yêu thích thầy…”, thì tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn, dường như có sự cạnh tranh giữa vị này với vị kia, rằng người ta được yêu thích thì mình cũng phải được như vậy chứ lẽ nào chịu kém hơn sao được. Cứ cái đà nhóm sau phải hoành tráng hơn nhóm trước thì thế nào rồi cũng sẽ có “Nhóm Phật tử quốc tế, Nhóm Phật tử toàn cầu yêu thích thầy…”. Rồi các nhóm có khi lại cạnh tranh nhau, nói không tốt về nhau. Và Phật giáo lại có nguy cơ thêm một phen xào xáo, cho thiên hạ đàm tiếu.
Theo tôi, Phật giáo không nên thành lập những nhóm Phật tử như vậy, dù là nhóm Phật tử của chùa này hay của thầy nọ. Người Phật tử quy y Tam bảo trong mười phương chứ không phải quy y một chùa nào hay một vị thầy nào. Vị thầy quy y truyền giới chỉ là người đại diện cho Tăng bảo trong mười phương. Thế thì đâu cần thiết phải tôn sùng cá nhân vị thầy nào. Hơn nữa, việc lập nhóm như vậy còn có nguy cơ đưa đến rất nhiều hệ lụy khác.
Phật giáo ngày nay nhìn thấy rất phát triển. Từ cơ sở vật chất cho đến việc tổ chức hoằng pháp đều rất quy mô, quý Tăng Ni có trình độ cũng nhiều, nên cũng rất dễ được nổi tiếng. Nhưng nếu không khéo thì cũng rất dễ bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, rơi vào cái bẫy của ngũ dục, trong đó nguy hiểm nhất là ma danh tiếng. Con người nói chung rất khao khát cái danh, khao khát được người khác biết đến tên mình, và càng khao khát được khen, được tôn sùng, được thần tượng. Một vị thầy hay giảng sư có thể không cần tài, sắc, thực, thùy nhưng khó có thể bỏ được cái danh, nhất là vị ấy có nhiều hoạt động hay giảng kinh thuyết pháp hay, được nhiều người mến mộ. Nhưng càng được nhiều người mến mộ mà thiếu quán chiếu thì cái ngã càng lớn, và bao nhiêu tệ hại và rối ren cũng từ đây mà sinh ra cả.
Phật giáo ngày nay rõ ràng làm được rất nhiều việc, nhưng không biết sao vẫn không làm cho người ta cảm thấy yên tâm. Đạo tràng tu học cho Phật tử, trại hè cho tuổi trẻ, rồi các ban ngành Phật giáo tổ chức khóa này khóa nọ… rất khí thế và cũng rất hữu ích, nhưng dường như vẫn còn thiếu một cái gì đó. Một cái để cho người ta tìm về nương tựa hay an ủi tâm hồn giữa cuộc đời vốn đã nhiều ồn náo. Tôi không định nghĩa được cái thiếu đó là cái gì, nhưng so với sự tu học hiện nay thì những đoạn kinh kiểu như là: “Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống, hãy tu tập Thiền định. Chớ có phóng dật. Chớ để hối hận về sau”... vẫn có cái gì đó yên ả và cuốn hút lạ thường.
Trong kinh Tán-đà-la (thuộc Trường A-hàm), Đức Phật dạy rằng: “Phật bảo Phạm chí: Ngươi sẽ chẳng nói rằng Phật vì lợi dưỡng mà thuyết pháp chăng? Chớ móng tâm như thế. Nếu có sự lợi dưỡng nào, Ta cũng cho ngươi hết. Pháp được Ta nói, là vi diệu đệ nhất, để diệt trừ bất thiện, tăng trưởng thiện pháp. Rồi Phật lại bảo Phạm chí: Ngươi sẽ chẳng nói rằng Phật vì tiếng tăm mà thuyết pháp chăng? Vì để được tôn trọng, vì để đứng đầu, vì để có những người tùy thuộc, ví để có chúng đông, mà thuyết pháp chăng? Chớ móng khởi tâm ấy. Nay những người tùy thuộc ngươi vẫn là tùy thuộc của ngươi. Pháp mà Ta nói là để diệt trừ bất thiện, tăng trưởng thiện pháp”.
Thuyết pháp không vì lợi dưỡng, không vì tiếng tăm, không vì người tùy thuộc. Thật rất đáng để cho chúng ta khắc cốt ghi tâm và làm hành trang cho sự tu tập và hoằng pháp hiện nay vậy.