Thư viết cho người đã… quyên sinh

(Nhân đọc bài về “Vấn nạn tự tử ở người trẻ”, Giác Ngộ số 717, 718)

GN - Chào em, có thể em không biết tôi, còn tôi thì biết đôi chút về em. Sau sự việc em tự tử năm ấy, báo đài nhiều lần đưa tin với những tiếc thương vô cùng. Tôi cũng là một trong những người đã cầm bút, cũng là một trong những người tiếc thương em. Hôm nay, tôi muốn viết cho em vài dòng.

anh minh hoa cho bai.jpg

Con người vốn yếu đuối, em là một minh chứng cho điều đó.
Và những người yêu thương em đang đứng bên cạnh em, họ cũng yếu đuối như vậy
- Ảnh minh họa

Có một câu hỏi tôi luôn đau đáu khi nghe về những câu chuyện tự tử, đó là không lẽ những con người đã chọn cách quay lưng với cuộc sống ấy, trong suốt bao nhiêu năm sống ở đời, họ chưa từng có một niềm vui ít ỏi nào hay sao? Nếu có, tại sao họ không nắm lấy những niềm vui đó, trân trọng chúng, nương tựa chúng và bồi đắp cho chúng nhiều hơn? Em có nghĩ như vậy không, rằng bản năng của con người chúng ta là hướng tới niềm vui và yêu thương? Bởi vì chỉ có niềm vui mới xoa dịu nỗi buồn, chỉ có yêu thương mới chuyển hóa hận thù, thưa em - Tâm An

Em biết không, câu chuyện của em khiến tôi tự vấn lòng mình rất nhiều. Em là một học sinh lớp mười mới vào trường, còn bỡ ngỡ với bạn bè, thầy cô, trường lớp mới. Bạn cùng lớp với em kể cho tôi nghe rằng, em là người bạn hiền lành, hòa đồng với bạn bè. Điều duy nhất có vẻ như là khó khăn với em, đó là em chưa theo kịp bài học của một thầy giáo đứng lớp nên bị thầy giáo “ghét”. Mọi thứ chỉ mới bắt đầu, nhưng dường như với em, tất cả đã quá đủ để lùi lại sau quyết định quyên sinh. Những năm tháng cấp ba tươi đẹp đã vĩnh viễn dừng lại ở đó với em. Cuộc sống này khắc nghiệt quá, em nhỉ?

Ở gần đạo tràng mà tôi đang tu học, có một người thanh niên đã ngồi xe lăn tới nay tròn hai mươi tư năm. Giống như em, người thanh niên này cũng bị cuộc đời thử thách ý chí rất nhiều lần. Năm anh hai mươi tư tuổi, anh phát hiện trong não của mình có một chú vi trùng lao.

Chú vi trùng lao này đã mon men tới tủy sống của anh, và ăn gặm một vài đốt tủy sống. Cho tới khi bác sĩ phát hiện ra và phẫu thuật để lấy chú vi trùng tinh nghịch này ra, mọi việc tưởng như đã ổn thỏa. Nhưng không, ngặt nghèo ở chỗ, những vết thẹo sau phẫu thuật trên tủy sống của anh không lành lặn và biến mất như người thường. Chúng lớn dần theo thời gian, đè lên tủy sống, chặn đứng những xung thần kinh truyền từ não bộ để điều khiển các bộ phận trên thân thể.

Sau bốn lần phẫu thuật, bác sĩ cũng đã từ chối chữa trị. Anh thanh niên ấy đã phải sống tới hai mươi tư năm trên xe lăn, với những cánh tay bàn chân dần dần yếu đi, dần dần không thể tự mình phục vụ chính mình được nữa. Từ việc dịch chuyển từ giường nằm qua xe lăn mỗi sáng tối, đến việc tắm rửa, vệ sinh, nếu không có người hỗ trợ, anh ấy không thể tự làm một mình.

Em có tưởng tượng được không, cuộc sống như vậy không phải chỉ một hai ngày chóng vánh, đến nay đã hai mươi tư năm trời, khắc nghiệt tới chừng nào?

Có lần vì lo lắng mà tôi hỏi anh, anh có đã bao giờ nghĩ đến tự tử hay chưa. Anh cười và nói, sau tất cả, anh hiểu ra rằng, tự tử không hề giải quyết được vấn đề gì. Người thanh niên mỗi sáng thức dậy đã từng trách trời than Phật, từng khóc hết nước mắt dưới những gốc cây vắng trong công viên, từng nghĩ đến rất nhiều cách để tự tử, đã nói với tôi như vậy. Em trai của tôi, anh thanh niên ấy vẫn sống từng ngày, vẫn đối diện với những thử thách của cuộc đời từng ngày từng giờ, và quan trọng hơn hết, anh vẫn không ngừng làm lớn mạnh niềm tin vào cuộc sống trong chúng tôi. Bằng cách nào em biết không? Bằng cách rộng mở tâm lượng mà đón nhận tất cả từ cuộc đời, dù tốt hay xấu, anh đều bình thản đón nhận.

Bây giờ em cảm thấy sao, em trai? Sau những chuỗi ngày đầy nước mắt và đau đớn của gia đình và bạn bè trước di ảnh của em, em cảm thấy sao? Sau những lần ngất xỉu vắt kiệt sức lực của mẹ và những giọt nước mắt như xé lòng của cha, em cảm thấy sao? Sau những tai tiếng dư luận mà người thầy giáo của em phải lãnh chịu vì những lời nói xuất phát từ yêu thương nhưng đã vô tình tổn thương đến em, em cảm thấy sao? Em chọn cái chết để “giải thoát” chính mình, vậy thì ai đã cầm tù những con người còn ở lại cuộc đời này?

Em đã tự “giải thoát” cho chính mình, vậy thì ai sẽ giải thoát bản án chung thân là một nỗi đau mãi mãi không thể xóa nhòa trong tâm hồn họ bây giờ đây?

Em trai của tôi, mỗi con người sống trên cuộc đời này đều có một vị trí không thể thay thế trong lòng những người yêu thương chúng ta. Chúng ta đứng cạnh nhau, bao bọc lẫn nhau, đan xen vào nhau để dắt dìu nhau cùng vượt qua những khó khăn. Cuộc sống là như vậy. Không ai có thể đứng một mình, và không ai muốn đứng một mình. Khi một mắt xích trong cuộc sống này bị yếu đi, hoặc biến mất, nó sẽ ảnh hưởng đến những mắt xích khác. Thậm chí, sự biến mất ấy có thể phá hủy hàng loạt những mắt xích liên kết với nhau bằng sự yêu thương.

Con người vốn yếu đuối, em là một minh chứng cho điều đó. Và những người yêu thương em đang đứng bên cạnh em, họ cũng yếu đuối như vậy. Tôi ước mong, giá mà trước khi em quyết định vứt bỏ cuộc đời này, em có thể nghĩ cho những sự yếu đuối đáng thương kia thì có thể mọi việc đã khác.

Cuộc sống luôn chuyển động, em có thấy không? Cho dù là núi cao biển sâu, cho dù là trời mây trăng gió, mọi thứ đều luôn chuyển động không ngừng, thay đổi không ngừng. Trong cái guồng chuyển động vô hình và vô hạn ấy, con người cũng bị chi phối cả về thể xác và tâm hồn. Hôm nay chúng ta vui, ngày sau chúng ta buồn, đó cũng là một sự chuyển động không ngoại lệ. Những nỗi buồn của em cũng sẽ chuyển động như vậy. Chúng có thể lớn lên, hoặc biến mất, tùy vào cách em lựa chọn điều khiển cảm xúc của mình.

Có một câu hỏi tôi luôn đau đáu khi nghe về những câu chuyện tự tử, đó là không lẽ những con người đã chọn cách quay lưng với cuộc sống ấy, trong suốt bao nhiêu năm sống ở đời, họ chưa từng có một niềm vui ít ỏi nào hay sao? Nếu có, tại sao họ không nắm lấy những niềm vui đó, trân trọng chúng, nương tựa chúng và bồi đắp cho chúng nhiều hơn? Em có nghĩ như vậy không, rằng bản năng của con người chúng ta là hướng tới niềm vui và yêu thương? Bởi vì chỉ có niềm vui mới xoa dịu nỗi buồn, chỉ có yêu thương mới chuyển hóa hận thù, thưa em.

Nói những lời này có thừa thãi không, khi em đã rời xa cuộc đời này rồi? Tôi hy vọng rằng không. Tôi hy vọng rằng, nếu có một cơ hội để làm lại, em sẽ chọn ánh sáng thay vì bóng tối, chọn hướng tới niềm vui thay vì giữ chặt nỗi buồn, chọn đối thoại thay vì quay lưng, chọn đồng đội thay vì một mình. Em có tất cả những sự lựa chọn đó, xin đừng từ bỏ một niềm hy vọng nào cho dù là nhỏ nhất.

Nguyện cầu cho em sớm được siêu thoát.

Nguyện cầu cho những người còn ở lại sớm vượt qua được niềm đau khôn nguôi khi nghĩ về em.

Tâm An (Toronto, Canada)

* Đọc thêm:

>> Đừng tự chết vì bất cứ lý do gì
>> Chọn cái chết!
>> Vấn đề tự tử nhìn dưới góc độ tâm lý và Phật học
>> Vấn đề trợ tử

____________________

* Bạn đọc có ý kiến gì về vấn đề này? Vui lòng gửi bài viết về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.