Thờ tượng Phật ngoài trời tại tư gia có phạm pháp?

GN - Phật tử thờ tượng Bồ-tát lộ thiên ở trên sân thượng, trong sân vườn tại tư gia là truyền thống lâu đời.

Quan Am.jpg
Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm - Ảnh chỉ mang tính minh họa

HỎI: Cách đây 7 năm tôi có thỉnh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm về thờ lộ thiên trong sân vườn, chỉ dành riêng cho gia đình tôi chiêm bái. Nay cán bộ xã đến nhà yêu cầu đem tượng vào trong nhà hoặc đem lên chùa, chứ không cho thờ ngoài trời nữa. Tôi có xin cán bộ xã cho xem quyết định hoặc văn bản pháp luật của ban ngành nào quy định về việc cấm “thờ tượng Phật ngoài trời”, nhưng cán bộ xã không đưa ra được bất cứ văn bản nào mà chỉ truyền đạt bằng miệng rằng có nghị định mới và kiên quyết yêu cầu tôi dẹp tượng.

Tôi là Phật tử chân chánh, luôn tôn trọng pháp luật nhưng tôi thật sự bối rối và không biết nên làm thế nào vì không có văn bản pháp luật thật rõ ràng để người dân căn cứ vào đó mà thi hành. Nếu cán bộ xã cứ ra lệnh bằng miệng rồi bắt tôi chấp hành thì thật khó cho tôi. Mong quý Báo hướng dẫn cho tôi nên làm như thế nào trong trường hợp này?

(TRẦN THỊ HỒNG GẤM, sinh.ngoc.le@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Trần Thị Hồng Gấm thân mến!

Trước hết chúng tôi hoan nghênh tinh thần “là Phật tử chân chánh, luôn tôn trọng pháp luật” của bạn. Là một công dân tốt, một Phật tử mẫu mực thì điều đầu tiên phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật.

Nói về pháp luật thì đương nhiên là đúng đắn, quy định cụ thể, chi tiết và ngày tháng rõ ràng. Pháp luật luôn được công khai, mọi người đều biết rõ để cùng nhau chấp hành. Trường hợp cán bộ xã buộc người dân thực thi pháp luật mà chỉ nói chung chung, ra lệnh bằng miệng, cố tình giấu giếm hoặc không dựa vào văn bản pháp luật hiện hành nào cả là điều không thể chấp nhận.

Bạn là người dân nên vốn không mấy am tường về các văn bản pháp luật, nhất là các nghị định, nghị quyết… mới, nên có quyền yêu cầu cán bộ hướng dẫn cụ thể để hiểu và chấp hành. Nếu cán bộ không đưa ra văn bản pháp luật nào mà bắt buộc hay cưỡng chế người dân di dời một công trình nào đó thì chính các cán bộ ấy vi phạm pháp luật.

Có hai vấn đề cần đặt ra trong trường hợp của bạn, nếu thực sự có văn bản pháp luật mới quy định cấm “thờ tượng Phật ngoài trời” tại tư gia thì phải xem thời gian ra đời của văn bản đó. Bạn đặt tượng từ 7 năm trước, nay mới có quy định thì chắc chắn bạn không vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, cán bộ nên ân cần vận động, nhẹ nhàng giải thích, hỗ trợ nhiều cách cho người dân hiểu vấn đề để họ tự nguyện thực thi pháp luật vì lợi ích chung. Ngược lại, nếu bạn dựng tượng sau ngày ban hành văn bản pháp luật thì bạn đã phạm pháp. Trường hợp này cán bộ mới có quyền xử lý người vi phạm theo pháp luật hiện hành.

Về phương diện văn bản pháp luật, chúng tôi đã tìm hiểu Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo (số 21/2004/PL-UBTVQH11, ngày 18-6-2004), Nghị định số 92/2012/NĐ-CP (do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 8-11-2012 về tín ngưỡng, tôn giáo), Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tu chỉnh lần 5), Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương (tu chỉnh lần 4)… và cũng chưa tìm thấy quy định cấm “thờ tượng Phật ngoài trời” tại tư gia Phật tử.

Điều đáng nói là hiện nay, một số địa phương trên cả nước vẫn tồn tại việc chính quyền yêu cầu người dân Phật tử tháo dỡ, di dời tượng thờ lộ thiên tại tư gia (ra lệnh bằng miệng) mà hầu như không đưa ra một văn bản pháp luật nào cả. Điều này khiến cho không ít Phật tử bức xúc phản đối cũng như tạo ra sự lúng túng trong khi xử lý vấn đề của chính quyền địa phương. Thiết nghĩ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phối hợp với các ban ngành chức năng của Nhà nước sớm ban hành quy chế cụ thể về tượng thờ lộ thiên (như địa điểm và cách thức tôn trí, kích thước tôn tượng…) để người Phật tử được tự do thể hiện tín ngưỡng cũng như sự quản lý của Nhà nước được thuận tiện và rõ ràng.

Cần nói thêm rằng, trong đời sống thực tiễn xã hội, việc Phật tử thờ tượng Bồ-tát lộ thiên ở trên sân thượng, non bộ và trong sân vườn tại tư gia Phật tử là truyền thống lâu đời và rất phổ biến. Trong tín ngưỡng thờ phụng của Phật giáo, hầu hết các vị Phật và Bồ-tát, Thánh tăng thường thờ trong chánh điện, đặc biệt riêng Bồ-tát Quán Thế Âm thường được thờ ngoài trời, ngoài biển, ngoài vườn (quen gọi là Quán Âm lộ thiên).

Trở lại vấn đề, bạn đang sống trong một xã hội với hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh và nghiêm minh. Vì thế, nếu chính quyền xã nơi bạn cư trú không đưa ra văn bản nào của Nhà nước quy định cấm “thờ tượng Phật ngoài trời” tại tư gia Phật tử thì bạn không có nghĩa vụ chấp hành, và bạn hoàn toàn không vi phạm pháp luật.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.