Thấy vậy chưa chắc vậy

GN - Cách đây mấy bữa, tôi ghé một ngôi chùa và trầm trồ về những trụ đá ở hành lang thì ngay đó, thầy trụ trì giải thích rằng: đó không phải đá thật đâu, chỉ là phun sơn giả đá. Tôi ồ lên vì nhận ra, nó giống đá thật mà hóa ra không phải đá thật.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta nhìn hay nghe thấy một câu chuyện, một sự việc, hiện tượng không đầy đủ có khi mình sẽ ngộ nhận, tưởng đâu đó đã là một-bức-tranh-đầy-đủ rồi vội vàng đánh giá, nhận xét, thậm chí lên án các kiểu.

thayvay.jpeg


Thấy vậy không phải vậy - Ảnh minh họa

Mà nào phải chỉ mình ta, ngay cả vị thầy lỗi lạc như Khổng Tử còn có khi nhầm. Đó là một bài học sâu sắc cho cả thầy và trò: trong một lần Khổng Tử thấy học trò mình bốc cơm ăn ngay trong nồi, bữa đó, trước khi ăn - ông quở đồ đệ sao ăn vụng trước thầy cùng huynh đệ. Người học trò nghe xong, nói rằng, “con xin thầy thứ lỗi, con không ăn vụng mà là trong lúc nấu, vô tình tro bếp bay vô góc nồi, con lấy cơm có dính tro ấy ăn vì không muốn thấy và huynh đệ bị ảnh hưởng”.

Bấy giờ, Khổng Tử mới than: “Đúng là ta trách oan trò, vì sự vội vàng nhận định của mình - bằng mắt thấy tai nghe”. Rồi Khổng Tử dạy, có những việc mắt thấy tai nghe chưa hẳn đã đúng, đừng vội phán xét mà oan cho người. Giai thoại ấy thật đáng gẫm!

Nhưng mấy ai làm được điều đó, nhất là thời đại ngày nay - khi con người tiếp xúc với thông tin ngồn ngộn trên mạng xã hội, nhiều nội dung bị cắt, ghép, quy chụp thiếu kiểm chứng nhưng dễ dàng được share (chia sẻ) về hoặc bình luận chửi bới - “ném đá” các kiểu.

Đắng cay hơn, có những người lợi dụng những người hay vụ việc được xem là “hot” để đăng tin một cách vô tội vạ nhằm câu like, view mà không cần biết sự đúng sai của sự vụ! Hiện tượng này cộng đồng mạng gọi là đu “trend”, hễ thấy gì nổi lên liền “va” vào để “ăn theo”, tạo ảnh hưởng, khuếch trương tên tuổi một cách bất chấp, cơ hội.

Ví dụ như vụ việc những người giả sư đánh nhau tại một buổi lễ đầu năm mới tại thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai) vừa rồi. Mạng xã hội chỉ thấy người trong hình thức sư đánh nhau là ngay lập tức share và có lời miệt thị, quy chụp. Hay một tờ báo mạng lấy hiện tượng chùa còn hình thức cúng sao giải hạn đã viết bài “Vì sao con tôi đi tu” - quy chụp lên tất cả người xuất gia đều có ý niệm vụ lợi, bỏ qua rất nhiều vị có lý tưởng, làm đẹp cuộc đời, xuất gia vì đại nguyện. Còn vụ “độ ta không độ nàng” mới thật buồn cười vì có quá nhiều người đi quá giới hạn của việc đu trend, để rồi hiện tại bẽ bàng vì ồn ào chuyện bản quyền bài nhạc.

Tỉnh thức để nhìn cho rõ, nếu không mình sẽ giống như những ông thầy bói mù xem voi! Mình sẽ dễ dàng bị sập bẫy vì những hình ảnh được cắt bớt, không nói đủ một câu chuyện, một sự vụ.

Đến đây, chợt nhớ tới câu trong kinh tạng Pàli: “Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài” (Yo sàro so thassati). Theo lời Bậc Đại giác ngộ, thì chỉ có lõi cây, là tâm giải thoát bất động (định-tuệ) mới là sự nghiệp của người tu đạo, còn việc chạy theo bên ngoài, nhất là cái bên ngoài (giả, ảo) đó không nên đu theo, vì nó chẳng tác động gì đến mình…

Lưu Đức Bình Minh

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PGTT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.