NSGN - Trong kinh Dược Sư, Đức Phật Thích Ca nói rằng khi còn sống, tu theo Phật Dược Sư để thoát khỏi nạn nghèo đói, bệnh hoạn, tật nguyền, oan ức… Kinh Dược Sư giải quyết những vấn nạn này ngay trong cuộc sống chúng ta.
Thực tế cho thấy từ xưa đến nay, có giải quyết được đời sống tốt đẹp, mới được xã hội quý trọng. Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh được chính quyền trọng thị, vì chúng ta đóng góp khá nhiều các việc từ thiện lợi ích cho cộng đồng xã hội.
Tôn tượng Phật Dược Sư trang nghiêm tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn
Kinh Dược Sư giải quyết cuộc sống hiện tại và giải quyết luôn sau khi chết. Nếu có Phật tử tu theo Tịnh độ, nhưng chưa quyết tâm, đến lúc lâm chung mà nghe danh xưng Nam-mô Dược Sư Phật, thì sẽ được Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, Quan Thế Âm Bồ-tát, Đắc Đại Thế Bồ-tát, Vô Tận Ý Bồ-tát, Bảo Đàn Hoa Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Dược Thượng Bồ-tát, Di Lặc Bồ-tát từ khắp mười phương chỉ lối đưa đường đến ao thất bảo, sanh trong sen báu của Phật Di Đà, hoặc lên cõi Trời đời đời hưởng phước. Tuổi trời khi hết, sanh lại nhân gian, làm Chuyển luân vương, được người tôn kính….
Như vậy, ngoài việc vãng sanh thế giới Cực lạc, còn có lên Trời hưởng phước, vẫn theo Phật được. Vì có người nói về thế giới Phật không vui, họ muốn lên Trời vui hơn, Phật đưa thêm kinh Dược Sư.
Ai muốn về Cực lạc thì về. Ai thích lên Trời thì lên. Mở cánh cửa mới để đáp ứng nhu cầu xã hội, mới có người tu, Phật giáo mới tồn tại. Còn Phật giáo đóng khuôn, chỉ thích hợp với người này, thích hợp với thời kỳ này, quốc độ này, không thể thích hợp với người khác, nơi khác, thời kỳ khác, thì tự bó hẹp mình lại, cho đến bị tiêu diệt. Phật pháp muốn tồn tại phải thích ứng với nhiều quốc độ, ở nhiều thời kỳ và làm cho nhiều người an lạc, cho nên pháp môn hành trì tất yếu phải khác nhau.
Nhận thức như vậy, chúng ta tu, có cái nhìn toàn diện. Tu niệm Phật, hay Thiền, hoặc tu theo kinh Dược Sư, hoặc tu Tứ niệm xứ quán… đều tốt, nếu giải thoát.
Chê bai pháp Phật là phá hại, vì chúng ta đều là người mù rờ voi. Thực tập pháp môn thích hợp với mình, thăng hoa trí tuệ và đạo hạnh, có cái nhìn toàn diện hỗ tương nhau, đó là đi đúng con đường Phật pháp.
Riêng tôi có duyên với Đức Phật Dược Sư, khi tụng kinh này, tôi nghĩ ngay đến Phật Dược Sư, nhận được ánh quang của Ngài gia bị cho tôi.
Chúng ta hướng tâm đến Phật Dược Sư, nhờ có căn lành, nên Phật Dược Sư xuất hiện trong tâm ta và ta xuất hiện trong thế giới của Phật Dược Sư; đó là sự nhiệm mầu. Nếu không có tâm đó, không có hạnh đó, không thể hiểu kinh Đại thừa. Đức Phật Dược Sư phóng quang đến ta và ta nương theo ánh quang đó mà về được thế giới của Ngài. Phật Thích Ca nói rằng điều này khó tin và khó làm, nhưng có thật.
Tuy nhiên, ngày nay chúng ta hiểu được lý này. Với mạng truyền thông toàn cầu Internet mà chúng ta đã kết nối với máy vi tính, hoặc với máy điện thoại di động, thì có thể xem được những thông tin, những dữ liệu có trên mạng.
Cũng vậy, chúng ta không có căn lành trong tâm cũng ví như không có máy, không thể tiếp nhận được lực gia bị của Phật. Người có căn lành mới tu được, vì căn tu để giúp chúng ta thấy Phật, tin Phật, hiểu Phật. Không có căn tu thì hoàn toàn tuyệt phần, không thể nào tin Phật, không thể nào hiểu Phật, nói chi là thấy Phật.
Tuy nhiên, chúng ta có căn lành, nhưng không gặp duyên là thầy hiền bạn tốt chỉ dạy, căn lành này cũng không thể phát khởi. Thật vậy, nếu chúng ta sanh ở nơi không có Phật pháp, thì Phật chủng là hạt giống Phật không đủ duyên để sanh khởi. Thí dụ có Phật tử nghe pháp thấy hay, mới tặng bạn đĩa giảng Phật pháp, nhưng họ nghe không vô, vì hạt giống Phật không có, mà họ lại có ác nghiệp, nên thích nghe chuyện xấu hơn.
Hạt nhân bên trong là gì thì gặp duyên, cái nhân đó sẽ phát khởi. Phật dạy rằng khi tái sanh, có người từ thế giới Phật, hay từ cõi Trời, hoặc từ người sanh lại; đó là ba điều tốt nhất để chúng ta tu. Vì ở thế giới Phật sanh lại, người này sẽ có tướng hảo, thông minh, tâm thanh tịnh, nên gặp thầy hiền bạn tốt khai thị, những điều tốt đẹp này phát lên, tu nhanh đắc đạo. Nếu từ cõi Trời sanh lại, họ sẽ thông minh, ngoại hình tốt, sức khỏe tốt, họ dễ dàng trở thành lãnh tụ. Nếu là người sanh lại, thì thường là người có đức hạnh, được quý trọng. Vì vậy, kinh Dược Sư nói rằng tu đúng đắn theo kinh này, sẽ sanh Cực lạc, hay sanh lên Trời hưởng phước, hoặc sanh lại làm người cũng được phước trọn vẹn.
Trong kinh Pháp hoa, Phật đã khẳng định rằng Ngài giáo hóa ở Ta-bà, có tên Thích Ca, nhưng ở quốc độ khác, Ngài có tên khác, điển hình là ở Cực lạc, Phật có tên A Di Đà, vì người ở đó muốn sống lâu và có phước đức nhiều, trí tuệ rộng. Thế giới đó hoàn hảo như thế, thì Phật phải như thế. Đạo lực của Đức Phật thì thiên biến vạn hóa, nhưng ở đây nói giáo lý không nghe, phải lao động thôi.
Ngoài ra, Phật cũng cho biết qua thế giới Tịnh Lưu Ly, có Phật Dược Sư. Tôi thấy Phật Dược Sư cũng là hóa thân của Phật Thích Ca, không phải Phật khác. Đây cũng là pháp môn tu, để đưa đến kết quả là về thế giới Phật; nói cách khác, Phật giới thiệu thế giới khác, để chúng ta thích hợp tu hành.
Thật vậy, Ta-bà là thế giới tạp, có đủ thành phần tốt xấu. Vì vậy, Phật Thích Ca phải xây dựng thế giới phương Đông và phương Tây, hai thế giới này gần chúng ta nhất, để chúng ta tới được, tu được.
Còn Thường Tịch Quang Tịnh độ là thế giới chính, thì khó tu, khó tới.
Trạm trung chuyển là Cực lạc hoàn toàn an vui, hay thế giới Tịnh Lưu Ly hoàn toàn thanh tịnh, hai thế giới này chúng ta tới được.
Điều chính yếu của người tu là phải tới thế giới Thường Tịch Quang, nhưng vì không thể trực tiếp tới đây được, nên phải qua hai trạm trung chuyển là Cực lạc và Tịnh Lưu Ly để đến Thường Tịch Quang. Thí dụ, trước kia, tôi qua Mỹ, phải qua Paris, đổi máy bay, rồi qua New York.
Ở Ta-bà nhìn ra bốn phía có những trạm trung chuyển do hóa thân của Phật Thích Ca tạo ra, kinh gọi là thiên bá ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật.
Phật Thích Ca nhập diệt, chúng ta có căn lành, tu hành sẽ thấy Phật xuất hiện ở nhiều nơi mà đến đó, chúng ta tu được. Gần chúng ta nhất, là phương Đông và phương Tây có Phật Di Đà và Phật Dược Sư, trên Trời thì có Di Lặc, đó là ba trạm trung chuyển để chúng ta về Phật.
Và tới phương Đông của Phật Dược Sư, người ta tu thiền định, tu học bằng ánh quang, nên về Tịnh Lưu Ly, Phật ngồi yên, giáo hóa bằng ánh quang. Ánh quang Phật chiếu đến người có duyên, họ phát tâm. Vì chúng sanh ở đó, tâm đã thanh tịnh, nên họ tiếp nhận được ánh quang Phật, hiểu rồi, Phật không cần đi nữa.
Ngày nay, chúng ta có thể hiểu ý này là thông tin đưa lên mạng, chỗ nào có nối mạng là nghe được, thì không cần đi nữa. Có người nói rằng những thập niên trước, tôi qua Pháp, Mỹ giảng pháp, nhưng người nghe không nhiều. Nay, tôi không đi, nhưng người nghe tôi giảng nhiều hơn qua You tube, hay Google.
Phật Thích Ca Niết-bàn là không đi, không ai thấy Phật, nhưng người nào uống thuốc, tức thực hành đúng đắn giáo pháp Phật để lại, nói cách khác là nối mạng được, thì huệ có, sẽ thấy được thế giới Phật.
Thật vậy, chúng ta lắng lòng yên tĩnh, Phật sẽ hộ niệm tâm ta, hay ta thấy ánh quang Phật là Phật thuyết pháp bằng ánh quang. Nói cách khác, lấy tâm thanh tịnh để chúng ta thấy Phật, lấy tâm thanh tịnh để thấy ánh quang. Ý này được ngài A Nan dạy rằng không nghe mà nghe. Vì vậy, Phật tử tụng kinh Dược Sư, tập tụng bằng tâm, nghe pháp bằng tâm và thấy Phật bằng tâm; đó là yếu nghĩa của nguyện thứ nhất của Phật Dược Sư.