Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.2 Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì các thầy phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ. Như người mắt sáng khi lội vực sâu hay leo lên đỉnh núi thì phải chú tâm, giữ gìn thân, dè dặt từng bước. Cũng vậy, Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Tỳ-kheo Ca-diếp được ví như mặt trăng, như người mới học, vì khi đi vào nhà người thầy ấy luôn điều phục tâm, chế ngự thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ. Cũng giống như người mắt sáng khi lội vực sâu hay leo lên đỉnh núi thì phải chú tâm, giữ gìn thân, bước đi trong chánh niệm tỉnh giác.
Phật bảo Tỳ-kheo: Ý thầy nghĩ sao? Như thế nào là một Tỳ-kheo xứng đáng khi đi đến nhà người?
Các Tỳ-kheo bạch Phật: Thế Tôn là cội nguồn của giáo pháp, là Pháp nhãn, là nơi y cứ của giáo pháp. Kính mong Ngài thuyết giảng cho chúng con. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ và phụng hành.
Phật bảo các Tỳ-kheo: Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng cho các thầy.
Nếu có Tỳ-kheo nào đi đến nhà người mà tâm không dính mắc, không bị trói buộc, không tham đắm dục lạc, thấy người khác được lợi, người khác làm việc công đức thì trong lòng hoan hỷ như chính mình có được, không sanh tâm ganh tỵ, cũng không tự đề cao mình mà hạ thấp người. Tỳ-kheo phải có tâm như vậy mới nên vào nhà người.
Bấy giờ, Thế Tôn đưa bàn tay vẫy giữa hư không, rồi hỏi các Tỳ-kheo: Bàn tay này của Ta có bị dính, bị trói hay bị nhiễm bởi hư không chăng?
Tỳ-kheo bạch Phật: Thưa không, bạch Thế Tôn!
Phật bảo Tỳ-kheo: Pháp tu tập của Tỳ-kheo phải luôn như vậy, khi vào nhà người thì phải giữ tâm không dính mắc, không ràng buộc, không đắm nhiễm. Tỳ-kheo Ca-diếp khi vào nhà người là không có tâm dính mắc, không bị ràng buộc và không đắm nhiễm. Khi thấy người khác được lợi, người khác làm việc công đức thì trong lòng hoan hỷ như chính mình làm được, không sanh tâm ganh tỵ, cũng không tự đề cao mình mà hạ thấp người. Tỳ-kheo Ca-diếp thật xứng đáng đi vào nhà người.
Bấy giờ, Thế Tôn lại đưa bàn tay vẫy giữa hư không, rồi hỏi các Tỳ-kheo: Ý các thầy thế nào? Bàn tay này của Ta có bị dính, bị trói hay bị nhiễm bởi hư không chăng?
Các Tỳ-kheo bạch Phật: Thưa không, bạch Thế Tôn!
Phật bảo Tỳ-kheo: Tỳ-kheo Ca-diếp luôn có tâm như vậy, khi vào nhà người với tâm không dính mắc, không ràng buộc và không đắm nhiễm.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Thế nào là Tỳ-kheo thuyết pháp thanh tịnh?
Các Tỳ-kheo bạch Phật: Thế Tôn là cội nguồn của giáo pháp, là Pháp nhãn, là nơi y cứ của giáo pháp. Kính mong Ngài thuyết giảng cho chúng con. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ và phụng hành.
Phật bảo Tỳ-kheo: Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ giảng nói cho các thầy.
Nếu có Tỳ-kheo nào thuyết pháp cho người khác mà khởi tâm nghĩ như vầy: “Ta đã vì người kia thuyết pháp, thế nên họ phải khởi tâm kính tin đối với ta rồi cúng dường y phục, thức ăn uống, ngọa cụ và thuốc thang trị bệnh cho ta”. Ai thuyết pháp như vậy gọi là thuyết pháp không thanh tịnh.
Nếu lại có Tỳ-kheo nào thuyết pháp cho người và khởi nghĩ như vầy: “Giáo pháp Thế Tôn, thiết thực hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí, tự mình giác hiểu3; nhưng chúng sanh đang bị đắm chìm trong cảnh già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não, nếu họ nghe được Chánh pháp thì sẽ được nhiều lợi ích và an lạc dài lâu. Nay ta đem Chánh pháp này giảng nói cho người vì tâm từ bi, vì lòng thương xót, vì lòng ai mẫn, với tâm nguyện mong muốn Chánh pháp được trụ lâu ở đời, đó gọi là thuyết pháp thanh tịnh".
Tỳ-kheo Ca-diếp mới có tâm thanh tịnh đem giáo pháp và giới luật của Như Lai giảng nói cho người... cho đến với tâm nguyện mong muốn Chánh pháp được trụ thế lâu dài mà vì người thuyết pháp.
Thế nên này các Tỳ-kheo! Hãy học điều này, nên giảng nói giáo pháp và giới luật của Như Lai như vậy… cho đến với tâm nguyện muốn cho Chánh pháp được trụ lâu ở đời mà vì người thuyết pháp.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
_______________
(1) Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1136. 0299c06). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别 雜 (T.02. 0100.111. 0414a18); Nguyệt dụ kinh 月喻經 (T.02. 0121. 0544b12); S.16.3 - II.197.
(2) Bản Tống Nguyên Minh: Vương Xá thành (王舍城).
(3) Nguyên tác Thế Tôn hiện Chánh pháp luật, ly chư xí nhiên, bất đã thời tiết, tức thử hiện thân, duyên tự giác tri, chánh hướng Niết-bàn (世尊顯現正法律, 離諸熾然, 不待時節, 即此現身, 緣自覺知, 正向涅槃).