Với sự phản ứng của giới Phật giáo và những người làm văn hóa, con đường đã được “nắn” lệch, đi ngang trên đầu tháp, phá vỡ khung cảnh tôn nghiêm cần có của một di sản tôn giáo. Con đường xem như đã hoàn thành, nhưng ngôi tháp cổ vẫn ở trong tình cảnh đáng buồn, ngổn ngang giữa đất đai cày xới và hàng rào kẽm gai do chùa Quốc Ân rào bảo vệ tạm thời… Đất đai hai bên đường được san ủi để bán cho dân làm nhà ở, trong tương lai gần, khu vực núi đồi thơ mộng này sẽ thị thành hóa, và như thế, ngôi tháp tổ cổ kính, một di sản văn hóa thiêng liêng của Phật giáo, nếu không kịp thời có kế hoạch bảo vệ thì sẽ có nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng. VHPG bước đầu phản ánh về vấn đề này.
Toàn cảnh tháp Tổ Nguyên Thiều - Ảnh: Nguyễn Thịnh
Cho đến đầu thế kỷ XX, Thừa Thiên-Huế đã được xem là trung tâm Phật giáo của xứ Đàng trong. Mục Tự quán Sách Đại Nam Nhất Thống Chí Thừa Thiên Phủ (thời Duy Tân) có nói đến 45 ngôi chùa, trong đó có 3 ngôi quốc tự (Thiên Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế), nhiều tổ đình (Quốc Ân, Thuyền Tôn, Từ Đàm, Thiền Lâm, Tây Thiên, Từ Lâm), nhiều chùa Sắc tứ (Quốc Ân, Báo Quốc, Tường Vân…), nhiều chùa quan (Ngọc Sơn, Long Quang, Giác Hoàng, Linh Quang, Từ Ân)… Trong mục Tăng Thích, sách trên nêu tên ba người. Đó là các ngài Tạ Nguyên Thiều, Giác Linh và Nguyễn Mật Hoằng.
Ngài Tạ Nguyên Thiều sinh năm 1648, người Triều Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), 19 tuổi xuất gia, thọ giới với Hoà thượng Khoáng Viên, ở chùa Báo Tư. Năm 1677, Ngài qua Qui Nhơn (Bình Định) lập chùa Thập Tháp Di Đà. Từ Qui Nhơn, qua dư luận, Ngài nghe Hiền Vương rất mộ đạo Phật nên vài năm sau Ngài giao chùa Thập Tháp lại cho môn đồ rồi lên đường ra lập chùa Quốc Ân (vào khoảng 1682-1684), và tháp Phổ Đồng nằm dưới chân hòn Thiên (núi Bân) xứ Thuận-Hóa (nay thuộc phường Trường An TP Huề), sau đó lập thêm chùa Hà Trung (cuối thế kỷ XVII) thuộc huyện Phú Vang. Ngài lập ra tông phái Thiền Lâm Tế, có ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo xứ Đàng trong. Sau khi Ngài viên tịch (ngày 9.10 năm Mậu Thân), để lưu niệm, chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) đã đích thân viết bài ký và minh khắc trên bia đá gắn vào bình phong phía trong cổng tháp của Ngài ở phía Nam đàn Nam Giao (xã Cư Hóa, nay là Ấp thượng 1, xã Thủy Xuân, Huế). Công đức của Ngài Nguyên Thiều được ghi trong bia đá:
“Đến đời Thánh khảo tiền triều ta sắc mệnh thiền sư về tỉnh Quảng Đông, nước Trung Hoa mời và rước Hòa thượng Thạch Liêm chùa Trường Thọ cùng các vị cao tăng đại đức và cung thỉnh tượng Phật, pháp khí về nước Đại Việt ta. Ngài đã nhiều lần đi lại, hoàn thành sứ mệnh, công đức rất nhiều. Từ đó, Ngài vâng sắc chỉ trú trì chùa Hà Trung, tham thiền hồi quan tự chiếu, phân tích và điều hòa sự lý, giảng giải lẽ huyền, chép đủ những điều đã nghe, bỏ dối theo thật, rồi dạy những pháp thiền này cho kẻ hậu học và cho các môn đồ bổn chúng thọ giới pháp cụ túc” (*).
Sớm nhận thức được vị trí quan trọng của Tổ Nguyên Thiều, sau khi Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué-BAVH) ra số đầu (Tháng Giêng-Ba/1914), L.Cadièrre cho đăng ngay vào số 2 (Tháng Tư-Sáu/1914) bài nghiên cứu La Pagode de Quấc-Ân: le fondateur (Chùa Quốc Ân - người sáng lập, tr.146-161). Tác giả rất quan tâm đến khu tháp Tổ Nguyên Thiều. Minh họa cho bài nghiên cứu có bức ảnh đen trắng do H.de Perey chụp (x.A2). Xem kỹ tấm ảnh chụp năm 1914 của H. de Perey, tôi rất mừng khi thấy cảnh quan khu tháp Tổ trải qua hơn 90 năm vẫn giữ hầu như nguyên vẹn (x.A3).
Năm 1983, Tổ đình Quốc Ân được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia, khu tháp Tổ Nguyên Thiều là một bộ phận quan trọng của Tổ đình nên cũng được xem là di tích đã được xếp hạng. Cách đây chừng 5 năm, chính quyền Thừa Thiên Huế phóng một con đường song đôi lớn từ xã Thủy Dương lên lăng Tự Đức, và phải điều chỉnh nhích lên hướng Bắc một chút để tránh khu tháp của Tổ. Nhằm bảo vệ khu di tích, tăng chúng Tổ đình Quốc Ân cho rào chung quanh khu tháp bằng dây kẽm gai. Nhờ thế mà khu tháp không bị xâm hại suốt thời gian xe máy, thợ thuyền lui tới lao động hoàn thành con đường lớn ở vùng đồi phía Tây
1. Chính quyền Thừa Thiên Huế đã làm một việc tốt là điều chỉnh “đại lộ” Thủy Dương-lăng Tự Đức để giữ nguyên khu tháp Tổ Nguyên Thiều. Nay nên tiếp tục thực hiện việc làm tốt đó bằng cách dành khoảng đất nối liền khu tháp với “đại lộ” để làm khu vực 1 bảo vệ di tích như trong luật Di sản đã quy định;
2. Chính quyền Thừa Thiên Huế nên giao cho Ban Trị sự Phật giáo TTH và Tăng chúng Tổ đình Quốc Ân tôn tạo khu vực tháp Tổ Nguyên Thiều thành một khu tháp có đủ điều kiện để bảo vệ, tôn kính, phục vụ Phật tử và khách du lịch gần xa đến chiêm bái;
3. Ban Trị sự Phật giáo TTH và Tăng chúng Tổ đình Quốc Ân lập kế hoạch vận động Phật tử trong và ngoài nước góp công góp của tôn tạo khu vực tháp Tổ Nguyên Thiều thành một khu tháp có đủ điều kiện để bảo vệ, tôn kính, phục vụ Phật tử và khách du lịch gần xa đến chiêm bái như ý kiến thứ hai vừa nêu trên;
4. Trước mắt, Phật tử và Tăng chúng Tổ đình Quốc Ân xin phép chính quyền san ủi hai nửa mô đất còn lại để cho khách bộ hành qua lại trên “đại lộ” Thủy Dương - lăng Tự Đức có thể nhìn thấy khu tháp cổ vô cùng quý giá của vị Tổ phái Thiền Lâm Tế ở Đàng Trong - Ngài Nguyên Thiều.
Vẫn còn cơ hội để tôn tạo khu tháp Nguyên Thiều. Nếu không kịp thời nắm lấy cơ hội ấy thì sẽ không lường hết được những thiệt hại về tinh thần và vật chất trong mai hậu như nhiều nơi đã diễn ra. Hy vọng lắm thay.