Tết trên đất khách

Cận Tết Canh Dần 2010, chúng tôi có dịp đến thị xã ven biển Koh Kong và Cửa khẩu quốc tế Cham Yeam, tỉnh Koh Kong, Vương quốc Campuchia, gặp gỡ nhiều gia đình người Việt, cùng bà con đón xuân sớm trên đất khách. Không khí tươi vui, ấm áp nghĩa tình, nhưng lòng người vẫn đau đáu nhớ về cố hương.

Tha hương ăn Tết sớm
Tết trên đất khách ảnh 1

Dừa khô Việt Nam qua tới Koh Kong.

Gia đình ông Bảy Thi đón khách với đủ thứ bánh mứt, bánh tét, bánh ít và cả mấy chiếc bánh phồng mang từ quê nhà huyện Phú Tân (An Giang) sang, cùng cặp rượu Angkor, Bayon được xem là “đặc sản” của địa phương. Thấy có khách từ quê nhà sang, Bảy Thi mừng rỡ: “Mặc dù xa quê hương, nhưng phải có chút ít những thứ này, cho con cháu ăn để nhớ về truyền thống tổ tiên”.


Vợ chồng ông Bảy Thi sang Campuchia lập nghiệp đã hơn mười năm, bằng nghề buôn bán vải, đồ may sẵn ở khu Cửa khẩu Cham Yeam. Công việc ăn nên làm ra, mối lái liên lạc bỏ hàng suốt ngày, nhất là dịp cuối năm nên ông bà Bảy không còn đâu thời gian để tính chuyện về Việt Nam đón Tết. “Nói thiệt, Tết mà không được về quê, nhớ nhà lắm. Nhưng tính kỹ tiền bạc, đi lại xa xôi cách trở, rồi công việc làm ăn. Ngẫm nghĩ thấy ray rứt quá. Cuộc sống bắt buộc mình phải ăn Tết xa quê chứ có ai muốn vậy đâu”, vợ Bảy Thi phân trần.

Tết trên đất khách ảnh 2

Đi lại vùng ngoại ô Koh Kong.


Cách nhà ông Bảy Thi chừng trăm mét là gia đình ông Năm Say, trước ở Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Biết chúng tôi từ xứ nhà sang chơi, ông Năm vội triệu tập ngay mấy đứa cháu nội, cháu ngoại. Ông lão đã ngoài 80 tuổi, hơn nửa đời người sinh sống ở khu vực Cửa khẩu Cham Yeam, biết tới 3 thứ tiếng Việt  Nam, Campuchia và tiếng Thái. Trước đây, Tết năm nào ông Năm cũng tay xách nách mang bắt xe qua Cửa khẩu Khánh Bình, huyện An Phú, An Giang để về thăm quê và ở lại đến qua mùng mười mới sang. Nhưng năm nay đám con cháu khuyên ông đừng đi vì đường xá xa xôi mà sức khỏe ông ngày một kém.


Mấy ngày qua con cháu trong nhà chạy đôn chạy đáo, tìm kiếm đủ thứ, nào là ngũ quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, rồi dưa cải, thịt kho, ánh tét, cả cành mai vàng đang bung nhụy... để ông đỡ nhớ tết quê. Còn chị Tuyết Hồng, cháu dâu của ông Năm, chủ vựa trái cây vào loại lớn nhất nhì ở khu chợ này cho hay: “Năm rồi làm ăn thuận tiện, khá hơn đôi chút, nhưng do bận rộn buôn bán, cả nhà năm bảy đứa con nên không thể về một mình. Nhớ nhà lắm chứ, nhưng biết làm thế nào hơn. Công việc làm ăn phải ưu tiên hàng đầu chứ!”.

Tết trên đất khách ảnh 3
Phụ nữ và trẻ em người Việt ở biên giới Koh Kong - Cham Deam.
Cửa khẩu Cham Yeam, đầy ắp hàng hoá, nhưng phong phú nhất trái cây có nguồn gốc từ Thái Lan, vải vóc, mỹ phẩm, giày dép,... Đây là một trong những cửa ngõ về Phnom Penh. Cả ngàn người Việt đang sinh sống tại đây, chủ yếu bằng nghề kinh doanh. “Mừng năm mới trên đất nước Chùa Tháp, đâu có cảnh nhộn nhịp như bên quê nhà: Tay cầm khoanh bánh tét, bánh chưng, miệng uống ly trà xanh thơm ngát, rồi đi thăm, chúc Tết bà con láng giềng. Nhưng bù lại không khí tình đồng hương làm mọi người thấy ấm lòng hơn”- ông Bảy Thi tự an ủi.

Tuy xa mà gần…
Tết trên đất khách ảnh 4

Người Việt mua bán nhỏ tại thị xã.

Đường từ thủ đô Phnom Penh về Koh Kong phải băng qua cánh rừng nguyên sinh nổi tiếng của đất nước Chùa Tháp và cả khu vực Đông Dương. Chỉ khoảng 200 cây số, nhưng phải mất gần một ngày ngồi ôtô, qua nhiều đèo dốc và cả mấy chuyến phà vượt sông mới tới được thị xã Koh Kong.
Dưới chế độ Pol Pot, con đường này chỉ là lối mòn vô cùng hiểm trở, gần như không có khách vãng lai. Cách nay hơn 4 năm, Nhật Bản đã tài trợ dự án nâng cấp và xây dựng cầu, đường trị giá hàng trăm triệu USD, tạo điều kiện giao thương từ Koh Kong sang các thành phố Sihanouk Ville, Kompong Speau, Phnom Penh. Khi sân bay nội địa Koh Kong hoạt động mạnh trở lại, có thêm giao thông hàng không kết nối các thành phố lớn của Campuchia.


Tuyến đường biển Hà Tiên (nay là tỉnh Kiên Giang) - Kampot-Kompong Som - Koh Kong - Thái Lan nối liền ba quốc gia được khai thác du lịch và phát triển mạnh trong hơn năm trở lại đây. Con sông Koh Kong, đoạn qua thị xã Koh Kong rộng hơn 1.800 mét, giờ đã hiển hiện một chiếc cầu bê tông hoành tráng để người ta có thể đi thẳng sang đất Thái Lan trên con đường nhựa phẳng lì. Anh Kim Chasly, một thanh niên người địa phương đưa mắt nhìn qua bên kia sông, nói: “Chiếc cầu và con đường này do một ông chủ người Thái sang đầu tư và nó đã làm thay đổi cuộc đời chúng tôi, biến một khu vực rừng núi hoang vắng ở đây thành đô thị sầm uất”.

Tết trên đất khách ảnh 5

Chợ quê ngoại ô.

Ông Pich Han, một tiểu thương ở vùng Koh Kong nói: “Mỗi chiều buông xuống, đứng trên cầu Koh Kong, trông từ thượng nguồn ra cửa biển lòng bồi hồi nghe chuyện kể về quân tình nguyện Việt Nam và những tấm gương chiến đấu. Dòng sông chết tang thương trong thời sống dưới chế độ tàn độc của bọn  diệt  chủng Pol Pot... mãi in sâu trong tâm tưởng của tôi. Nếu không có bộ đội Việt Nam băng mình qua dòng sông này để tiến vào sào huyệt những kẻ diệt chủng thì không biết bao giờ vùng đấy này mới được hồi sinh như hôm nay”.


Đi ngang qua khu chợ trung tâm Koh Kong, Pich Han tranh thủ giới thiệu các cửa hàng, tiệm ăn uống của người Việt. Khi biết tôi từ quê nhà sang, người nào cũng mừng rỡ, hỏi thăm đủ điều, rồi khẩn khoản mời về nhà đón Tết xa quê! Chị Hai Liên, chủ sạp mỹ phẩm tại chợ Koh Kong, cởi mở: “Bạn ở bên Việt Nam qua, coi như mình là người quen rồi, phải đến nhà, ăn một bữa cơm với gia đình mình mới được về”. Quê hương ở xa vời vợi, hóa ra rất gần!

Toàn thị xã Koh Kong (tỉnh Koh Kong, Vương quốc Campuchia) có hơn 15.000 người, bà con Việt kiều chiếm khoảng 1/3, sống tập trung theo từng khu, đông nhất ở khu Cửa khẩu quốc tế Cham Yeam và quanh Tòa thị chính Koh Kong. Họ đến đây từ nhiều địa phương, chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Cộng đồng người Việt này sống chan hòa với người bản địa và được mọi người trân trọng vì đã có đóng góp cho sự phát triển thương mại của thị xã biên giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.