Xét ra câu trả lời này đúng, nhưng chưa đủ, vì nó chỉ mới trình bày được nhân, được một phần. Định nghĩa đầy đủ cả hai phần nghiệp nhân và nghiệp quả, hay nghiệp tội và nghiệp báo, có lẽ là như thế này: Nghiệp là những hành vi tạo tác của thân, miệng, ý, đã tạo ra mọi quả báo trong ba cõi sáu đường. Với định nghĩa này thì nghiệp chính là vật liệu xây dựng nên thế gian này, mà Duy thức học đã đúc kết thành một câu: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức!”, nghĩa là “Ba cõi do tâm vọng, vạn vật do thức biến!”.
Nói chung đa số người tu đi theo con đường thiện pháp,
còn người có căn tánh Bát-nhã thì đi con đường tánh pháp - Ảnh minh họa
Trong dân gian có một câu đố thường được người ta trêu ghẹo nhau:
Cái chi không bóng không hình
Đã vướng vào mình đố gỡ cho ra?
Theo câu hỏi, người ta trả lời: Đó là cái mũi tên của thần tình ái chăng? Nếu nói là cái mũi tên thì đã xác định là vật có bóng có hình rồi. Vậy nó là cái tình, cũng là cái tâm ái, cái tâm thương chăng? Quả thật chính tình ái là cái lưới nhện không bóng không hình, khi vướng vào rồi thì khó gỡ ra!
Cái tình cũng chính là cái nghiệp. Có 3 nghiệp căn bản là nghiệp của thân, của miệng và của ý, tùy theo tốt xấu mà tạo thành 10 nghiệp thiện và 10 nghiệp ác… Cuộc sống muôn hình vạn trạng xung quanh chúng ta đây đều là sự biểu hiện của nghiệp, là những dòng nhân quả ta đã tạo ra và phải chịu báo ứng, hoặc thiện, hoặc bất thiện. Thế gian là ảnh hiện của cái nghiệp. Kinh Mười thiện nghiệp đã giải thích rõ điều đó.
Thế nhưng, không dừng lại ở phương diện bỏ ác, hành thiện, dứt nghiệp xấu, tạo nghiệp tốt, ta xem xét đến điều mà kinh Mười thiện nghiệp đã nói thoáng qua là “vô tác giả, vô thọ giả”, tức là “không có người làm và không có người chịu”, và chú ý tư tưởng “Bồ-tát độ hết các loài hữu tình vào Niết-bàn mà không thấy có kẻ nào được cứu vớt” của kinh Kim cương.
Nếu tư tưởng “không kể công” của kinh Kim cương là thái độ cần có của những Phật tử đang lấy môi trường thế gian làm cơ hội lập công bồi đức, thì tư tưởng “không tác giả” và “không thọ giả” của kinh Mười thiện nghiệp cũng cần được quan tâm đến.
Trong khi đã xác định cả ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc, cả sáu đường Trời, Người, Thần A-tu-la, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục đều là cái nghiệp, là những dòng nhân quả bất tận của chúng sanh, thì sao lại khẳng định chân lý “các pháp vô ngã” như trong Tứ niệm xứ, hay “không tác giả” và “không thọ giả” như trong kinh Mười thiện nghiệp?... Thật ra nghiệp nhân và nghiệp quả là hiện tượng giới, còn vấn đề đang được chú trọng ở đây là bản chất của những hiện tượng đó.
Trong Bồ-tát giáo, Tổ sư Minh Đăng Quang đã trình bày cái thấy của ngài về cuộc sống qua một bài kệ thế này:
Ta coi cái sống như chiêm bao
Trong giấc chiêm bao thật huyên náo
Thức rồi, muôn vật thảy đều hư
Đồng như cái biết trong khi ngủ.
Người trí biết nó là chiêm bao
Kẻ mê tin theo cho là thật.
Tỉnh mê hai thứ tuồng khác nhau
Một ngộ, ngoài ra có chi ngộ?
Giàu sang, nghèo hèn cả hai bên
Đi, lại đều không riêng khác ngộ!
Tất cả đều là những cái biết trong khi ngủ, chính khi thức dậy rồi mới biết đó là chiêm bao ngàn đời! Ngộ rồi mới biết được bến mê. Nói cách khác thì biết được chúng sanh mới biết được Phật, biết được vì sao ta là kẻ phàm tục thì sẽ biết được vì sao người là bậc Đại sĩ, hiểu được lý do ta không lý giải nổi chú Đại bi ắt sẽ hiểu do đâu Hòa thượng Tuyên Hóa làm được điều đó… Mọi cái biết đúng đắn đều là một ngộ, bất nhị. Còn kẻ đang bị cuốn theo dòng xoáy, không biết gì hết, là chưa giác ngộ.
Trong dòng xoáy nhân quả ba cõi sáu đường, cuộc sống có nhiều điều kỳ thú lắm. Ở Mỹ có một vũ nữ và một người ăn xin tình cờ gặp nhau, để lại một câu chuyện cho người khác thỉnh thoảng nhắc đến. Một lần, trên đường từ vũ trường về, vũ nữ gặp một ông lão ngồi bên đường. “Sao lại có người bất hạnh đáng thương thế này!”, nghĩ vậy vũ nữ chia sẻ với ông lão ít tiền cô có được. Hành động tốt đẹp của cô đã được phản hồi tức thì. Ông lão ngẩng đầu lên nhìn nhà hảo tâm, nói: “Cám ơn cô. Cô thật tốt bụng. Cầu Chúa ban phước lành cho cô!”.
Vũ nữ mỉm cười tiếp tục đi về. Hôm sau, trên đường về, tại một nơi khác vũ nữ lại gặp một người ăn xin. Ông lão này trông còn thảm thương hơn nữa. Xúc động trước những mảnh đời bất hạnh, cô lại biếu cho ông lão ít tiền. Thế rồi ông lão ngẩng lên cảm tạ người hảo tâm. Trong một thoáng, nghe giọng nói cô nhận ra được đây cũng là ông lão hôm qua.
Cô hỏi: “Ông đấy à! Sao hôm nay ông lại hóa trang cho khác đi?”. Ông già đáp: “Tôi phải làm thế thì người ta mới động lòng. Cô thông cảm nhé.”. Thế rồi ông hỏi cô đi đâu về. Cô đáp là mới từ vũ trường về, mỗi ngày đều đến đó nhảy múa giúp vui cho mọi người… Bấy giờ ông lão chợt móc nón lấy số tiền cô đã cho gởi trả lại. Cô gái ngạc nhiên: “Sao ông làm thế? Cháu ngại quá.”. Người ăn xin trả lời: “Chúng tôi có một nguyên tắc là không bao giờ xin của người cùng nghề. Cô làm vũ nữ cũng như tôi làm kẻ ăn xin, đều phải hóa trang và làm những điệu bộ cho mọi người vui lòng móc túi ra. Chúng ta không phải đồng nghiệp sao?”…
Bây giờ, chúng ta hãy tự hỏi lại câu hỏi của ông lão ăn xin ở Mỹ xem: Chúng ta chẳng phải là đồng nghiệp sao?
Quả thật là chúng ta đồng một nghề, suốt ngày loay hoay lo ăn, ngủ, học tập, lao động, cưới hỏi và sanh đẻ, rồi chết. Tên chung của nghề nghiệp này là gì? Nó là nghề vọng động, nó là nghiệp chúng sanh, là chiêm bao, là sanh tử... Người đời cho thế gian là thật, kẻ tu lắm người cũng thế, đều đồng nghiệp chiêm bao, đều không dám tin và không dám nghe những lời dạy cao siêu của Phật.
Kẻ tạo nghiệp có thật không? Người lãnh hậu quả có thật không? Chuyện được xếp vào mục chiêm bao sao lại nói là thật hay giả? Đây là giáo pháp Bát-nhã, là giáo pháp nhìn thẳng đến tính chất của mỗi pháp, từ đó hình thành riêng một hệ thống, phù hợp với những căn cơ trình độ đặc biệt khác với số đông. Như mộng, như huyễn, như bọt nước trôi sông, như bóng hình, như hạt móc đeo trên ngọn cỏ, như ánh chớp… là những gợi ý về tính chất của các pháp mà giáo pháp này đã hướng dẫn cho người học cách tư duy, thiền quán (kinh Kim cương).
Trong bài kệ truyền pháp của Đức Phật Thích Khí, có dạy:
Pháp lành khởi vốn xưa là huyễn
Nghiệp dữ gây cũng huyễn mà ra!
Mình bọt đậu, gió lòng qua
Không căn, không thật, pháp là huyễn thôi.
(Thích Hồng Tại dịch từ kinh A-hàm)
Thân thể do cha mẹ sanh như một bọt nước trong cái không cùng, tâm như một cơn gió gá vào, hình thành nên một tổ hợp năm uẩn gọi là một hữu tình, lăn lóc trong sanh-già-bệnh-chết. Vận dụng giáo pháp này, Thiền tông chủ trương kiến tánh khởi tu. Thấy tánh rồi mới bắt đầu tu thì quá trình dụng công để thấy tánh có phải tu không? Cũng như kẻ biết trâu rồi mới biết cách chăn trâu, bằng như chưa giác ngộ tâm thì tu tâm thế nào?
Nói chung đa số người tu đi theo con đường thiện pháp, còn người có căn tánh Bát-nhã thì đi con đường tánh pháp. Con đường này chỉ thiết lập một bậc nhân quả là kiến tánh - thành Phật, không kể Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Hiền thánh gì nữa…
KS.Minh Bình