Bồ-tát Quán Thế Âm và những hóa thân (kỳ 1)

Quan Thế Âm được biết đến từ rất sớm trong quá trình phát triển của các học thuyết Đại thừa và cho đến khi Phật giáo biến mất khỏi Ấn Độ, đã rất được sùng mộ tại đó. Việc thờ phượng Ngài chuyển từ Ấn Độ sang Đông Nam Á và Java - rất hưng thịnh tại đó một thời, và cũng ở Nepal, Tây Tạng (nơi Ngài đến cùng lúc với Phật giáo và tại đó vua Srong-btsan Sgampo, khoảng năm 617-650 được coi là sự nhập thế của Ngài), và ở Trung Hoa, từ đó Ngài tiến đến chinh phục Triều Tiên và Nhật Bản...
Quan Thế Âm được biết đến từ rất sớm trong quá trình phát triển của các học thuyết Đại thừa và cho đến khi Phật giáo biến mất khỏi Ấn Độ, đã rất được sùng mộ tại đó. Việc thờ phượng Ngài chuyển từ Ấn Độ sang Đông Nam Á và Java - rất hưng thịnh tại đó một thời, và cũng ở Nepal, Tây Tạng (nơi Ngài đến cùng lúc với Phật giáo và tại đó vua Srong-btsan Sgampo, khoảng năm 617-650 được coi là sự nhập thế của Ngài), và ở Trung Hoa, từ đó Ngài tiến đến chinh phục Triều Tiên và Nhật Bản...
NSGN - Trong Phật giáo, Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật.

Vị Bồ-tát lấy lòng từ bi cứu giúp chúng sinh làm bản nguyện, giúp chúng sinh trừ bỏ nỗi thống khổ, giành được sự an vui, là bản tôn kính ái tiêu biểu nhất, có thể giành được lòng yêu mến của tất cả chúng sinh, đồng thời có được trí thông minh, tăng thêm trí nhớ.

Hễ chúng sinh nào gặp khổ nạn mà tụng niệm danh hiệu Ngài thì tức thời Ngài liền quán sát âm thanh cầu cứu ấy mà đến cứu giúp, nên được gọi là Bồ-tát Quán Thế Âm. Lại do Ngài quán sát thông đạt tự tại đối với cảnh lý sự vô ngại nên được gọi là Bồ-tát Quán Tự Tại. Vị Bồ-tát này được miêu tả và thể hiện rất đa dạng trong các nền văn hóa khác nhau với tư cách là một nam nhân hoặc nữ nhân. Ở Trung Quốc, Đài Loan và các cộng đồng người Hoa khác, Quán Thế Âm Bồ-tát (Phạn: Avalokitesvara) đã phát triển thành Quan Âm (Guanyin hoặc Guanshiyin), còn được gọi là Kannon hoặc Kanzeon ở Nhật Bản,Gwanseum ở Hàn Quốc và Quán Thế Âm ở Việt Nam; Mật hiệu: Pháp Kim cương.

I. Từ nguyên

1. Avalokitasvara

Hình thức tiếng Phạn ban đầu của Bồ-tát Quán Thế Âm thực sự là Avalokitasvara chứa hình vị svara (“âm thanh, tiếng ồn”) và là một từ ghép có nghĩa là “người lĩnh hội âm thanh”, nghĩa đen là “người quán sát âm thanh” (tức tiếng kêu than của chúng sinh cần sự giúp đỡ(1). Đây là sự tương đương xác đáng với dịch thuật Guanyin trong tiếng Trung. Từ nguyên này được phổ biến ở Trung Quốc bởi xu hướng của một số dịch giả Trung Hoa, đặc biệt là Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva), sử dụng biến thể Guanshiyin, nghĩa đen là “người cảm nhận/lĩnh hội những lời than van của thế gian” - trong đó lok có đồng âm với cả hai nghĩa là “cái nhìn” và “thế giới/vũ trụ/vạn vật” (Phạn: loka; tiếng Trung: shì/thế)(2).

Tên gọi Avalokitasvara sau đó được thay thế bằng dạng thức Avalokiteśvara có chứa đuôi -īśvara, sau thế kỷ VII mới thấy xuất hiện trong tiếng Phạn. Hình thức ban đầu của Avalokitasvara xuất hiện trong các bản văn khắc tiếng Phạn của thế kỷ V(3). Ý nghĩa ban đầu của tên gọi “Avalokitasvara” phù hợp với cách hiểu của Phật giáo về vai trò của một vị Bồ-tát. Việc tái giải thích việc biểu thị Ngài như một īśvara cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của Hindu giáo, vì thuật ngữ īśvara thường được kết nối với ý niệm Hindu về Vishnu (trong Vaishnavism - giáo phái tôn sùng thần Vishnu) hoặc Siva (trong Shaivism - giáo phái tôn sùng thần Siva) là Chúa tể tối cao, Đấng sáng tạo và Người cai trị thế giới. Một số thuộc tính của một vị thần như vậy đã được truyền cho Bồ-tát, nhưng phần lớn những người tôn kính Quán Thế Âm ủng hộ sự bác bỏ của Phật giáo đối với học thuyết của bất kỳ vị thần sáng tạo nào(4).

Quán Thế Âm có lẽ là đối tượng được thờ phượng phổ biến nhất mà cũng phức tạp nhất trong Phật giáo. Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát, mà một số truyền thuyết cho rằng Ngài được sinh ra từ một tia sáng phát tán từ con mắt phải của Phật A Di Đà. Đặc biệt ở Đông Á, Quán Thế Âm được tin là tháp tùng A Di Đà để tiếp dẫn các linh hồn của những tín đồ mới lìa trần và đưa họ về Tây phương lạc cảnh

Quán Thế Âm có lẽ là đối tượng được thờ phượng phổ biến nhất mà cũng phức tạp nhất trong Phật giáo. Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát, mà một số truyền thuyết cho rằng Ngài được sinh ra từ một tia sáng phát tán từ con mắt phải của Phật A Di Đà. Đặc biệt ở Đông Á, Quán Thế Âm được tin là tháp tùng A Di Đà để tiếp dẫn các linh hồn của những tín đồ mới lìa trần và đưa họ về Tây phương lạc cảnh

2. Avalokiteśvara

Tên gọi Avalokiteśvara kết hợp tiền tố động từ ava “xuống”, lokita, một quá khứ phân từ của động từ lok “nhận xét, nhìn ngắm, quan sát”, ở đây được dùng với nghĩa chủ động; và cuối cùng là īśvara, “vị chúa tể”, “người cai trị”, “chủ quyền” hoặc “chủ nhân”. Phù hợp với quy tắc kết hợp âm trong tiếng Phạn/sandhi, a + īśvara trở thành eśvara. Kết hợp lại, các phần có nghĩa là “vị chúa tể nhìn xuống (nhìn xuống thế gian)”. Từ loka (“thế giới”) không có trong tên gọi, nhưng nó được hàm ý(5). Nó xuất hiện ở dạng thức của tên gọi tiếng Khmer là Lokesvarak.

Bách khoa toàn thư Britannica trích dẫn/viện dẫn Avalokiteśvara là vị thần sáng tạo của thế giới. Vị thế này được sử dụng rộng rãi trong kinh Trang nghiêm (Karaṇḍavyuha Sutra) với chân ngôn nổi tiếng oṃmaṇi padme hū(6). Ngoài ra, kinh Pháp hoa là nơi lần đầu tiên Đức Avalokiteśvara được đề cập đến. Chương 25 đề cập đến Ngài như là Lokeśvara “Vị thần chúa tể của tất cả chúng sinh” và Lokanātha “Vị chúa tể và người bảo hộ cho tất cả chúng sinh”, và mô tả các thuộc tính vô cùng thần thánh về Ngài.

Guānyīn dịch từ tiếng Phạn Avalokitasvara, tên của vị Bồ-tát Đại thừa. Một tên khác của vị Bồ-tát này là Guānzìzài, từ tiếng Phạn Avalokiteśvara. Ban đầu người ta cho rằng các dịch giả thời kỳ đầu đã nhầm AvalokiteśvaraAvalokitasvara và do đó đã dịch nhầm thành Guānyīn, điều này giải thích vì sao ngài Huyền Trang dịch AvalokiteśvaraQuán Tự Tại.

Trong tiếng Tây Tạng, Avalokiteśvara là Chenrézig, và được cho là bắt nguồn từ Đạt-lai Lạt-ma, Karmapa/hiện thân tất thảy Phật hạnh và các vị Lạt-ma cấp cao khác. Từ nguyên của tên tiếng Tây Tạng Chenrézikspyan “mắt”, ras “liên tục” và gzig “để nhìn”. Điều này mang lại ý nghĩa của một đấng luôn nhìn vào tất cả chúng sinh (với con mắt của lòng từ bi)(7).

3. Những tên gọi trong các ngôn ngữ khác của châu Á

Quán Thế Âm Bồ-tát, Phạn: Avalokitesvara, dịch âm tiếng Phạn: A-bà-lư-cát-đê-xá-bà-la, Hán âm: A-phược-lô-chỉ-đê-thấp-phạt-la. Còn gọi: Quán Thế Âm Bồ-tát, Quán Tự Tại Bồ-tát/Quan Tự Tại, Quán Thế Tự Tại Bồ-tát/Quan Thế Tự Tại, Quán Thế Âm Tự Tại Bồ-tát, Hiện Âm Thanh Bồ-tát, Khuy Âm Bồ-tát, Quang Thế Âm, Quan Âm, Thánh Quan Âm, Từ Tâm Bất Sát (Lokecvara), Cứu Thế Bồ-tát, Cứu Thế Tịnh Thánh/Cứu Thế Tĩnh Thánh, Liên Hoa Thủ Bồ-tát, Viên Thông Đại Sĩ, Thí Vô Úy Giá/Thí Vô Úy Giả, Phổ Môn, Đại Bi Thánh Giả…

Gọi tắt: Quán Âm Bồ-tát/Quan Âm Bồ-tát, Quán Thế Âm/Quan Thế Âm. Danh hiệu Ngài còn có tên Phạn khác là Aryavalokitesvara (Hán âm: A-rị-da-bạt-lô-chỉ-đê-thước-phiệt-ra), nghĩa là Thánh Quán Thế Âm(8).

Quán Thế Âm nghĩa là nghe xét hết các âm thanh của các chúng sinh trong pháp giới (hầu có hiện sức thần thông mà cứu vớt họ). Bồ-tát sẽ nghe thấy tiếng cầu niệm của họ lập tức đến nơi để cứu vớt giải thoát, cho nên được gọi là “Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ-tát”, gọi tắt là “Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát”.

Ở Trung Quốc, tùy theo từng phương ngữ, cách gọi tên Bồ-tát Quán Thế Âm này có ít nhiều sai biệt. Quán Thế Âm hầu như chỉ được gọi là Guanshiyin Pusa. Bản dịch tiếng Trung của nhiều kinh điển Phật giáo trên thực tế đã thay thế chuyển tự tiếng Trung của Avalokitesvara bằng Guanshiyin. Một số kinh sách của Đạo giáo cũng đề cập đến vị Bồ-tát này với những tên gọi khác nhau một cách không chính thức.

- Trong tiếng phổ thông Malaysia, Ngài có tên là Guanyin Pusa, Guan Shi Yin Pusa.

- Trong tiếng Tây Tạng, tên là Chenrézik Wangchuk hay Chenrezig, hoặc Tchenréjigs, hayWylie: Spyan ras gzigs/Spyan-Ras-gzigz.

- Trong tiếng Mông Cổ là Nidubarusheckchi.

- Trong tiếng Việt có tên là Quan Âm hoặc Quan Thế Âm.

- Trong tiếng Nhật, được phát âm là Kannon/Kanon, đôi khi làKan’on, hoặc chính thức hơn làKanzeon, hay Kouan non; cách viết Kwannon, dựa trên cách phát âm tiền hiện đại, đôi khi được thấy(9).

- Trong tiếng Hàn, được gọi là Gwan-eum hoặc Gwanse-eum hay Kwanum.

- Trong tiếng Khmer, tên gọi là Preah Mae Kun Si Im. Ngài còn được gọi là Preah Neang Kun Si Im. Nghĩa của từ “Preah” là Thần/Nữ thần và “Mae” có nghĩa là Mẹ. Tên đầy đủ của Bà luôn được sử dụng. Khi đề cập đến Bà nhiều hơn một lần, tên gọi có thể được rút ngắn lại thành danh hiệu của bà, Preah Mae (Nữ thần Mẹ).

- Trong tiếng Thái, cách phát âm là bản sao từ Phúc Kiến Kuan Im, Phra Mae Kuan Im (Phra Mae có nghĩa là “nữ thần”) hoặc Chao Mae Kuan Im (Chao Mae cũng có nghĩa là “nữ thần”).

- Ngoài ra, ở Thái Lan và Campuchia, Ngài còn được gọi là Lokesvara “Chúa tể của Thế giới”.

- Trong tiếng Miến Điện, tên là Kwan Yin Medaw, nghĩa đen là Mẹ Quan Âm (Nữ thần Quan Âm) hay Lokanatha “Đấng hộ thế” hoặc Lokanat hay Lokabyuharnat.

- Trong tiếng Indonesia, tên là Kwan Im hoặc Dewi Kwan Im. Bà cũng được gọi là Mak Kwan Im “Mẹ Quan Âm”.

- Trong tiếng Hmong, tên là Kab Yeeb.

- Trong tiếng Nepal, tên là Seto Machindranath.

- Ở Sri Lanka là Natha Deviyo

- Ở thung lũng Kathmandu, hình tượng này được biết đến như là Jana Baha Dyah, Karunamaya hoặc Seto Machindranath(10).

Ở những quốc gia này, biến thể Quán Tự Tại và những tương đương cũng được sử dụng, chẳng hạn như trong Tâm kinh và trong một số các nguồn khác.

Kinh Pháp hoa và 33 hóa thân khác nhau của Quán Thế Âm được mô tả, bao gồm cả các hóa thân của nữ giới
Kinh Pháp hoa và 33 hóa thân khác nhau của Quán Thế Âm được mô tả, bao gồm cả các hóa thân của nữ giới

II. Nguồn gốc

Quán Thế Âm có lẽ là đối tượng được thờ phượng phổ biến nhất mà cũng phức tạp nhất trong Phật giáo. Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát, mà một số truyền thuyết cho rằng Ngài được sinh ra từ một tia sáng phát tán từ con mắt phải của Phật A Di Đà. Đặc biệt ở Đông Á, Quán Thế Âm được tin là tháp tùng A Di Đà để tiếp dẫn các linh hồn của những tín đồ mới lìa trần và đưa họ về Tây phương lạc cảnh(11).

Quan Thế Âm được biết đến từ rất sớm trong quá trình phát triển của các học thuyết Đại thừa và cho đến khi Phật giáo biến mất khỏi Ấn Độ, đã rất được sùng mộ tại đó. Việc thờ phượng Ngài chuyển từ Ấn Độ sang Đông Nam Á và Java - rất hưng thịnh tại đó một thời, và cũng ở Nepal, Tây Tạng (nơi Ngài đến cùng lúc với Phật giáo và tại đó vua Srong-btsan Sgampo, khoảng năm 617-650 được coi là sự nhập thế của Ngài), và ở Trung Hoa, từ đó Ngài tiến đến chinh phục Triều Tiên và Nhật Bản. Những dân tộc này đã tưởng tượng về Ngài trong những hình tướng khác nhau tùy theo từng bản sắc và những nhu cầm tâm linh của riêng họ; Ngài cũng mang rất nhiều danh xưng khác nhau. Một vài môn phái công nhận một số hình tướng của Quan Thế Âm mà các môn phái khác lại phủ nhận. Đa số các hình tướng đều chỉ được tìm thấy nơi các mạn-đà-la đặc biệt hoặc các tranh ảnh, trong khi nhiều hình tượng khác có tính hòa đồng tôn giáo và thuộc về tín ngưỡng dân gian nhiều hơn.

Những hình tượng đầu tiên ở Ấn Độ về Quan Thế Âm, gần như giống với những hình tượng về Brahma và Siva, những vị thần sáng tạo và hủy diệt của Ấn giáo. Ngài mang vô vàn hình tướng khác biệt và cũng có rất nhiều tùy vật và thủ ấn khác nhau. Tuy nhiên, thủ ấn đặc trưng nhất của vị Đại Bồ-tát này là thủ ấn Thí nguyện/varada, biểu tượng của lòng từ bi và bố thí(12). Các hình tượng và ngôi chùa thờ tự Ngài hầu hết được tìm thấy ở trên núi và những địa hình đồi núi (vùng Kurunji, Maharashtra, Ấn Độ) như ngôi đền Arupadai Veedu ở bang Tamil Nadu của Ấn Độ ngày nay(13).

Cũng có nhiều hình tượng về Quan Thế Âm ở Sri Lanka, có niên đại chủ yếu từ thế kỷ VIII và thứ IX. Vào cuối thế kỷ IX, nhà chiêm bái Trung Hoa Pháp Hiển tường trình về sự thờ phượng Quan Thế Âm ở Mathura, Ấn Độ. Một vài biểu tượng về Ngài được tìm thấy ở Ajanta, Ấn Độ, trên các bức bích họa và trong điêu khắc, trên một ngôi đền ở Bhuvaneshvar và tại nhiều nơi khác ở Ấn Độ, chẳng hạn như ở Nalanda. Ở Đông Nam Á, những bức tượng giả đồng, tại Java và Sumatra, những tác phẩm điêu khắc và đúc đồng thời Angkor, cũng như những phù điêu trên các tháp ở Borobudur Java, cho thấy những bức tượng bốn mặt khổng lồ thể hiện Lokesvara (Quan Âm, theo tiếng Khmer), rất tiêu biểu cho thời kỳ Jayavarman VII (cuối thế kỷ XII); ở Campuchia, nơi những hình tượng cũng được tìm thấy về Lokesvara với toàn thân được bao bọc bằng hàng trăm bức tượng nhỏ về các vị “Tán quang Phật” và tại đó ít nhất có một điện thờ ở Neakpean, Angkor, thờ cúng Ngài. Ở Việt Nam và Campuchia, Quan Thế Âm đặc biệt được tôn vinh, nhất là từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII. Và tại Thái Lan việc thờ phượng Ngài cũng rất phổ biến. Ở Tây Tạng, Quan Thế Âm được liên kết với các vị Đạt-lai Lạt-ma, được coi là những Hoạt Phật, những hóa thân của Ngài. Cung điện Potala của Đạt-lai Lạt-ma ở Lhasa, trên thực tế mang tên cõi thiên quốc của Quan Thế Âm(14).

1. Kinh văn Đại thừa

Theo kinh Đại thừa trang nghiêm bảo vương (Karandavyuha Sutra), Đức Thế Tôn bảo rằng: Quán Tự Tại Bồ-tát, ở trong mắt của Ngài hiện ra mặt trời (aditya), mặt trăng (candra), ở vầng trán hiện ra trời Đại Tự Tại (Mahesvara), ở vai hiện ra trời Phạm Vương (Brahma raja), ở trái tim hiện ra trời Na La Diên (Narayaa), răng nanh hiện ra trời Đại Biện Tài (Sarasvati), miệng hiện ra Phong Thiên (Vayu), lỗ rốn hiện ra Địa Thiên (Prthivi), cái bụng hiện Thủy Thiên (Varuna). Thân của Quán Tự Tại hiện ra các trời như thế. Trong văn bản này và những văn bản khác, chẳng hạn như Vô lượng thọ kinh, Quán Thế Âm là một thị giả của A Di Đà.

Một số kinh văn đề cập đến Quán Thế Âm bao gồm:

- Hoa nghiêm kinh (Avatamsaka Sutra)

- Chuẩn-đề Đà-la-ni kinh (Cundi Dharani Sutra)

- Thập nhất diện thần chú tâm kinh

- Tâm kinh

- Vô lượng thọ kinh

- Kinh Pháp hoa

- Đại thừa trang nghiêm bảo vương (Karandavyuhasutra)

- Bi hoa kinh/Bi liên hoa kinh (Karunapundarika sutram)

- Đại bi tâm Đà-la-ni kinh (Nilakantha Dharani Sutra)

- Lăng-nghiêm kinh (Śurangama Sutra)

- Cao vương Quán Thế Âm kinh

Chúng ta bắt gặp tên gọi Avalokiteshvara trong kinh Hoa nghiêm, một bản kinh Đại thừa có trước kinh Pháp hoa(15). Tuy nhiên, vì sự phổ biến của kinh văn này ở Nhật Bản, và như là kết quả của các tác phẩm của những dịch giả kinh điển Phật giáo phương Tây sớm nhất, kinh Pháp hoa từ lâu đã được chấp nhận là tác phẩm kinh văn giảng dạy sớm nhất về những học thuyết của Đức Quan Thế Âm. Những điều này được tìm thấy trong chương 25 của kinh Pháp hoa: Phổ môn Quan Thế Âm Bồ-tát. Chương này được dành cho Quan Thế Âm, mô tả Ngài như một vị Bồ-tát từ bi, người luôn nghe thấy tiếng khóc than của chúng sinh, và người làm việc không mệt mỏi để giúp đỡ những ai khẩn cầu đến danh hiệu Ngài(16).

Đức Phật đã trả lời Bồ-tát Vô Tận Ý (Aksayamati) rằng: “Hỡi con trai của một gia đình đạo hạnh! Nếu hàng trăm ngàn vô số chúng sinh đang trải qua đau khổ nghe về Bồ-tát Quán Thế Âm và hết lòng niệm danh hiệu của Ngài, thì Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ ngay lập tức cảm nhận được tiếng nói của họ và giải thoát họ khỏi đau khổ”. (Kinh Pháp hoa).

Kinh Pháp hoa mô tả Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát có thể mang hình dáng của bất kỳ kiểu loại vị thần nào kể cả thần Đế thích (Indra) hay thần Phạm thiên (Brahma); bất kỳ kiểu loại vị Phật nào, bất kỳ kiểu loại vị vua hoặc Chuyển luân Thánh vương nào hoặc thậm chí bất kỳ kiểu loại vị thần bảo hộ nào bao gồm Kim Cương thủ và Tỳ Sa Môn Thiên vương cũng như bất kỳ giới tính nam hay nữ, người lớn hay trẻ em, con người hay phi nhân, để giảng dạy giáo pháp cho chúng sinh(17). Truyền thống dân gian ở Trung Quốc và các nước Đông Á khác đã tạo thêm nhiều đặc điểm và truyền thuyết đặc biệt cho Quán Thế Âm Bồ-tát. Quán Thế Âm ban đầu được mô tả là một vị Bồ-tát nam, và do đó, mặc quần áo hở ngực và thậm chí có ria mép. Mặc dù mô tả này vẫn còn tồn tại ở Viễn Đông, nhưng Quán Thế Âm thường được mô tả như một phụ nữ trong thời hiện đại. Ngoài ra, một số người tin rằng Quán Thế Âm là á nam á nữ hoặc có thể phi giới tính(18).

Kinh Pháp hoa và 33 hóa thân khác nhau của Quán Thế Âm được mô tả, bao gồm cả các hóa thân của nữ giới, tất cả đều phù hợp với tâm thức của nhiều chúng sinh khác nhau, được biết đã rất phổ biến trong Phật giáo Trung Quốc ngay từ thời nhà Tùy và nhà Đường. Ngoài ra, Tấn Chung lưu ý rằng theo các học thuyết của chính các bản kinh Đại thừa, không quan trọng việc Quán Thế Âm là nam, nữ hay phi giới tính, vì thực tại tối hậu là ở tính Không (Sunyata)(19). Chương này bao gồm cả phần văn xuôi và văn vần. Nguồn kinh điển sớm nhất này thường được lưu hành riêng lẻ thành kinh điển riêng, được gọi là Quán Âm kinh hay Quan Âm kinh, và thường được truyền tụng hoặc tụng niệm tại các ngôi chùa Phật giáo ở Đông Á.

Khi Tăng sĩ Trung Quốc Pháp Hiển đến Mathura ở Ấn Độ vào khoảng năm 400 CN, ông đã viết về các chư Tăng dâng lễ cúng dường cho Đức Quán Thế Âm. Khi Huyền Trang du hành đến Ấn Độ vào thế kỷ VII, ông đã cung cấp các chứng nhân tường thuật về những bức tượng Quán Thế Âm được các tín đồ từ mọi tầng lớp tôn kính: vua chúa, chư Tăng, đến cả những thường dân(20).

Còn Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ môn phẩm, Phạn: Samantamukhaparivarto namavalokitesvara-vikurvana-nir-desa, còn gọi Quán Âm kinh Phổ môn phẩm, Quán Thế Âm kinh, Quán Âm kinh, Phổ môn phẩm kinh, Phổ môn phẩm, 1 quyển, được xếp vào Đại chánh tạng, tập 9, là biệt hành của phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ môn trong kinh Pháp hoa 7.

Nội dung kinh này nói về diệu dụng thị hiện rộng khắp của Bồ-tát Quán Thế Âm được viết theo thể văn trường hàng và kệ tụng, nhưng trong các bản Hán dịch thì phần kệ tụng có nhiều sai khác.

Có 3 loại bản Hán dịch: 1. Quang Thế Âm Bồ-tát phẩm thứ 23, kinh Chánh Pháp hoa do ngài Trúc Pháp Hộ dịch; 2. Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ môn phẩm thứ 25, kinh Diệu pháp liên hoa do ngài Cưu-ma-la-thập dịch; 3. Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ môn phẩm thứ 24,kinh Thiêm phẩm Pháp hoa do ngài Xà-na-quật-da và Đạt-ma-cấp-đa cùng dịch vào đời Tùy.

Trong đó, kinh Chánh Pháp hoa thiếu hoàn toàn phần kệ tụng, kinh Diệu pháp liên hoa do ngài La-thập dịch lúc đầu cũng không có kệ tụng, đến thời ngài Xà-na-quật-đa đời Tùy mới soạn thêm phần tăng bổ, cho nên hoàn toàn giống với phần kệ tụng của kinh Thiêm phẩm Pháp hoa.

Phẩm Phổ môn được biệt hành rất sớm, ta có thể biết được điều đó nhờ y cứ vào kinh Quang Thế Âm 1 quyển (xuất xứ từ kinh Chánh Pháp hoa, có chỗ gọi là Quang Thế Âm Phổ môn phẩm), kinh Quán Thế Âm 1 quyển (xuất xứ từ kinh Thiêm phẩm Pháp hoa)… nói trong Xuất Tam tạng ký tập 4. Tín ngưỡng Quán Thế Âm xưa nay tại Ấn Độ, Trung Á, Trung Quốc, khu vực Tây Tạng, Nhật Bản… đều được lưu truyền rất rộng, thời gần đây còn tìm thấy các mảnh phẩm Phổ môn chép bằng tiếng Hồi Hột, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo sự nghiên cứu của các học giả, trong kinh văn của kinh này có 2, 3 chỗ trích dẫn thuyết của kinh Phệ-đà, cho nên kinh này có quan hệ sâu xa đối với tín ngưỡng của Bà-la-môn, do đó đa số các học giả khi bàn về nguồn gốc của Bồ-tát Quán Thế Âm thường đề cập đến thần Thấp-bà/Shiva của Bà-la-môn giáo. Ngoài ra, sách chú thích phẩm kinh này có: Quán Âm huyền nghĩa 2 quyển, Quán Âm nghĩa sớ 2 quyển của ngài Trí Khải đời Tùy, Quán Âm huyền nghĩa ký 4 quyển, Quán Âm nghĩa sớ ký 4 quyển của ngài Tri Lễ đời Tống(21).

Bên cạnh đó, Quán Thế Âm Bồ-tát thọ ký kinh, Phạn: Avalokitesvara-bodhisattva-mahasthama-prapta-bodhisattva-vyakarana sutra, 1 quyển, do ngài Đàm Vô Kiệt dịch vào đời Lưu Tống, Trung Quốc, được xếp vào Đại chánh tạng tập 12.

Nội dung kinh này trước là nói Đức Phật ngự trong vườn Lộc Uyển nước Ba-la-nại nói về việc dùng pháp vô y chỉ để được tam muội như huyễn cho Bồ-tát Hoa Đức Tạng nghe, các Chánh sĩ như Di Lặc, Văn Thù… và 2 vị Đại sĩ Quán Âm, Thế Chí ở cõi nước An Lạc đều chứng được tam muội này; kế là nói về nhân duyên phát tâm chánh đạo của Bồ-tát Quán Âm, Thế Chí và cho biết sau khi Đức Phật A-di-đà diệt độ thì Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ thành Đẳng chánh giác, hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai.

Kinh Đại A-di-đà, thượng, kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác 3, kinh Bi hoa 3, kinh Đại thừa bi Phân-đà-lợi 3… cũng có nói về việc Quán Âm, Thế Chí thành đạo, giống với ý thú của kinh này. Kinh này là cùng bản Phạn nhưng khác tên người dịch với kinh Quán Thế Âm Bồ-tát Đắc Đại Thế Chí Bồ-tát thọ ký (do ngài Trúc Pháp Hộ dịch), kinh Quán Thế Âm thọ ký (do ngài Nhiếp Đạo Chân dịch), kinh Như huyễn Tam-ma-địa vô lượng ấn pháp môn (do ngài Thi Hộ dịch)(22).

Còn trong Bi hoa kinh có chép rằng, vào thời viễn cổ có một cõi Phật gọi là San Đề Cang, Chuyển luân Thánh vương tại đây tên là Vô Tránh Niệm, ngài có một người con trai, thái tử gọi là Bất Tuần, chín người con còn lại lần lượt gọi là Đắc Đại Thế, Văn Thù, Kim Cương Trí, Hư Không Ấn, Hư Không Nhật, Sư Tử Hương, Phổ Hiền, A Súc. Toàn bộ vương thất đều phát tâm Bồ-đề, tu hành Phật pháp trong bảy năm, quốc vương được thọ ký thành Phật, tức là Vô Lượng Thọ Phật. Quốc vương sau khi thành Phật, thái tử Bất Tuần phát nguyện tu Bồ-tát đạo ở Phật độ của Vô Lượng Thọ Phật, đợi đến khi Vô Lượng Thọ Phật nhập Niết-bàn sẽ thành Phật. Vì thế Phật Bảo Tạng thọ ký cho thái tử, tức là Quan Thế Âm Bồ-tát. Đến khi Phật nhập diệt, Quan Thế Âm Bồ-tát liền ngồi trên kim cương tọa dưới gốc cây Bồ-đề mà thành Phật, hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, cõi Phật của Ngài là thế giới do tất cả châu báu tạo thành, trang nghiêm, kỳ diệu hơn cả thế giới Cực lạc(23).

Trong phái Thiên Thai, sáu hình thức của Quán Thế Âm được định rõ. Mỗi đặc tính trong sáu phẩm chất của Bồ-tát được cho là có thể phá vỡ các chướng ngại tương ứng lần lượt với sáu cõi hiện hữu: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, A-tu-la (Asura) và chư thiên.

Và cũng theo phần mở đầu của kinh Đại bi tâm Đà-la-ni (Nilakanha Dharani Sutra), Đức Phật Gautama đã nói với môn đệ Ānanda rằng Quán Thế Âm đã trở thành Phật từ hằng hà sa số kiếp trước đó, cũng là mười danh hiệu của Đức Phật bao gồm Như Lai/Tathagata (Nhất thiết trí/Người đã đến từ cõi Chân như), Arhat/A-la-hán (Ứng cúng/Người đáng được cúng dường), Saṃyak-saṃbuddha (Chánh biến tri/Người hiểu biết đúng tất cả các Pháp), Vidyacaraṇa-Saṃpaṇṇa (Minh hạnh túc/Người có đủ trí huệ và đức hạnh), Sugata (Thiện thệ/Người đã khéo đi qua cõi thế gian), Lokavid (Thế gian giải/Người đã thấu hiểu thế giới), Anuttara (Vô thượng sĩ/Đấng tối cao, không ai vượt qua), Purusa-damya-sarathi (Điều ngự trượng phu/Người đã chế ngự được bản ngã và nhân loại), Sasta deva-manuṣyanam (Thiên nhân sư/Bậc thầy của cõi người và cõi trời), Buddha-lokanatha hay Bhagavat (Phật Thế Tôn/Bậc giác ngộ được thế gian tôn kính).

Bởi vì sự từ bi vô hạn, bởi vì Ngài mong muốn sáng tạo những điều kiện hợp thức cho tất cả cấp bậc Bồ-tát, vì muốn đem lại hạnh phúc và an lạc cho chúng sinh hữu tình, Ngài đã trở thành một vị Bồ-tát, hiệu là Quán Thế Âm, thường trụ trong thế giới Ta-bà. Đồng thời, Quán Thế Âm cũng là thị giả của Đức Phật A Di Đà, hỗ trợ Đức Phật A Di Đà thuyết giảng Phật pháp trong cõi Tịnh độ của Ngài.

Ngoài ra, còn có những kinh văn về các hóa thân của Quán Thế Âm Bồ-tát. Đó là:

Trong Phật giáo Trung Quốc và Đông Á, những thực hành Tangmi (Mật tông đời nhà Đường, Trung Quốc) đối với hình thức 18 tay của Quán Thế Âm được gọi là Cundi/Chuẩn-đề rất phổ biến. Sự phổ biến của Chuẩn-đề được chứng thực bởi ba bản dịch còn lại của Chuẩn-đề Đà-la-ni kinh (Cundi Dharani Sutra) từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Quốc, được thực hiện từ cuối thế kỷ VII đến đầu thế kỷ VIII(24). Vào cuối thời vương triều Trung Hoa, những truyền thống bí truyền buổi đầu này vẫn phát triển mạnh mẽ trong các cộng đồng Phật giáo. Robert Gimello cũng đã quan sát thấy rằng trong những cộng đồng này, các thực hành bí truyền về Chuẩn-đề cực kỳ phổ biến đối với cả dân chúng và giới thượng lưu(25).

Trong Thiên thủ thiên nhãn Đà-la-ni kinh có ghi chép, Quan Thế Âm Bồ-tát thành Phật trước khi Đức Phật A Di Đà trở thành Phật, hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai. Khi Ngài thành Phật, Phật Thích Ca Như Lai mới chỉ là một vị sư khổ hạnh(26).

Quán Thế Âm Bồ-tát bí mật tạng Như ý luân Đà-la-ni thần chú kinh, gọi tắt: Quán Thế Âm Bồ-tát bí mật tạng thần chú kinh, Như ý luân Đà-la-ni thần chú kinh, 1 quyển, do ngài Thật-xoa-nan-đà dịch, được xếp vào Đại chánh Tạng tập 20.Kinh này chia làm 6 phẩm:1. Phẩm Trừ phá nhất thiết ác nghiệp Đà-la-ni;2. Phẩm Nhất thiết ái nhạo pháp; 3. Phẩm Hòa A-già-đà dược pháp linh nhân ái nhạo; 4. Phẩm Hàm dược;5. Phẩm Nhãn dược;6. Phẩm Hỏa án Đà-la-ni dược.Đồng bản dị dịch với kinh này là kinh Như ý luân Đà-la-ni do ngài Bồ-đề-lưu-chí dịch(27).

Quán Thế Âm Bồ-tát Như ý Ma-ni Đà-la-ni kinh, Phạn: Padmacintamanidharani-sutra. Gọi tắt: Như ý Ma-ni Đà-la-ni kinh, 1 quyển, do ngài Bảo Tư Duy dịch vào năm 706 đời Đường, Trung Quốc, được xếp vào Đại chánh tạng tập 20. Nội dung kinh này nói về công đức các bài chú: Căn bản chú, Tâm chú, Tùy tâm chú…, đồng thời còn nêu cách trị các bệnh. Đồng bản dị dịch với kinh này có: kinh Như ý luân Đà-la-ni do ngài Bồ-đề-lưu-chí dịch, kinh Quán Tự Tại Bồ-tát Như ý tâm Đà-la-ni chú do ngài Nghĩa Tịnh dịch, kinh Quán Thế Âm Bồ-tát bí mật tạng Như ý luân Đà-la-ni thần chú do ngài Thật-xoa-nan-đà dịch(28).

Ngoài ra, Quán Thế Âm ứng nghiệm ký là truyện ký, 1 quyển, được xếp vào Lục triều cổ dật Quán Thế Âm ứng nghiệm ký dích nghiên cứu, do ngài Mục Điền Lượng soạn. Sách này do hiệu đính truyện thứ 7 trong bộ Quán Thế Âm ứng nghiệm ký của ngài Phó Lượng (374-426), truyện thứ 10 trong Tục Quan Thế Âm ứng nghiệm ký của ngài Trương Diễn (sống vào nửa trước thế kỷ V), truyện thứ 69 trong Hệ Quán Thế Âm ứng nghiệm ký của ngài Lục Cảo (459-532) mà thành. Theo lời tựa của ngài Phó Lượng thì vào thời Đông Tấn, ngài Tạ Phu có soạn Quán Thế Âm ứng nghiệm truyện, tặng cho cha của ngài Phó Lượng là Phó Viện. Nhưng vào năm 399 gặp loạn Tôn Ân, bộ Ứng nghiệm truyện này bị thất lạc, ngài Phó Lượng liền dựa vào trí nhớ mà soạn bộ Ứng nghiệm ký 7 truyện(29).

Điều đáng lưu ý trong kinh văn Đại thừa, Bát-nhà Ba-la-mật-đa Tâm kinh được ghi chép hoàn toàn là về Quan Âm. Đây là điều độc đáo, vì hầu hết các kinh điển Đại thừa thường được ghi chép về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và những lời thuyết giảng, hành động/việc làm hoặc lời thệ nguyện của các vị Bồ-tát được mô tả bởi Đức Phật Thích Ca. Trong Bát-nhà Ba-la-mật-đa Tâm kinh, Quan Âm mô tả cho A-la-hán Xá-lợi-phất (Sariputta) bản chất của thực tại và bản chất của giáo lý Phật giáo. Câu nói nổi tiếng của Phật giáo “Sắc là không, không là sắc” xuất phát từ kinh tạng này.

Trong Phật giáo Tây Tạng, do sự nối kết Ngài với chân ngôn này, một dạng thức của Quán Thế Âm được gọi là Sadaksari “Vị chúa của sáu âm tiết” trong tiếng Phạn
Trong Phật giáo Tây Tạng, do sự nối kết Ngài với chân ngôn này, một dạng thức của Quán Thế Âm được gọi là Sadaksari “Vị chúa của sáu âm tiết” trong tiếng Phạn

2. Kinh văn Tiểu thừa

Sự tôn kính Quan Thế Âm Bồ-tát vẫn tiếp tục cho đến ngày nay ở Sri Lanka:

Trong quá khứ, cả Mật thừa và Đại thừa đều được tìm thấy ở một số quốc gia Phật giáo Theravāda, nhưng ngày nay Phật giáo của Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia hầu như chỉ là Phật giáo Theravāda, dựa trên kinh điển Pāli. Vị thầnĐại thừa duy nhất đã được thờ phụng ở các nước Phật giáo Theravāda là Bồ-tát Quan Thế Âm (Bodhisattva Avalokitesvara). Ở Sri Lanka, ngài được biết đến với cái tên Natha-deva và bị đa số nhầm lẫn với Đức Phật vị lai, Bồ-tát Di Lặc(Bodhisattva Maitreya). Tượng Quan Thế Âm thường được tìm thấy trong phòng thờ gần ảnh tượng Đức Phật(30).

Trong thời gian gần đây, một số tín đồ Theravāda ảnh hưởng/học tập phương Tây đã cố gắng đồng nhất Natha với Bồ-tát Di Lặc; tuy nhiên, các truyền thống và nghệ thuật hình tượng cơ bản (bao gồm hình ảnh của Đức Phật A Di Đà/Amitabha trên mặt trước của mũ miện) xác định Natha là Quan Thế Âm(31). Andrew Skilton viết:

...Từ bằng chứng điêu khắc, rõ ràng là Đại thừa tương đối phổ biến trên khắp Sri Lanka, mặc dù ghi chép hiện đại về lịch sử Phật giáo trên hòn đảo này ngày nay cho thấy một dòng truyền thừa thuần túy và không gián đoạn của Theravāda (Người ta chỉ có thể giả định rằng những xu hướng tương tự đã được truyền đến các vùng đất khác của Đông Nam Á với các dòng truyền thừa tôn phong của Sri Lanka). Có thể thấy di tích của một hệ thống thờ cúng tôn giáo rộng rãi về Quán Thế Âm trong hình tượng Natha ngày nay(32).

Quán Thế Âm được tôn thờ là Natha ở Sri Lanka. Truyền thống Phật giáo Tamil phát triển trong văn học Chola, chẳng hạn như trong Virasoliyam của Buddamitra, cho rằng nhà hiền triết Veda Agastya đã học tiếng Tamil từ Quán Thế Âm. Nhà du hành Trung Quốc Huyền Trang đã ghi chép về một ngôi chùa thờ Quán Thế Âm ở núi Potalaka, miền Nam Ấn Độ, một bản Phạn ngữ ở Pothigai, nơi truyền thống Hindu Tamil đặt Agastya đã học ngôn ngữ Tamil từ Shiva(33). Sự tôn thờ Quan Thế Âm trở nên phổ biến với sự phát triển của tu viện Abhayagiri của giáo phái Đại thừa Tamraparniyan.

Các học giả phương Tây đã không đạt được nhất trí về nguồn gốc của sự tôn kính đối với Quán Thế Âm. Một số người cho rằng Quán Thế Âm, cùng với nhiều đấng siêu nhiên khác trong Phật giáo, là sự vay mượn hoặc hấp thụ bởi Phật giáo Đại thừa của một hoặc nhiều vị thần từ Hindu giáo, cụ thể là thần Shiva hoặc Vishnu. Điều này dường như dựa trên tên gọi Quán Thế Âm(34).

Trên cơ sở nghiên cứu kinh điển Phật giáo, các nguồn văn học cổ Tamil, cũng như khảo sát thực địa, học giả Nhật Bản Shu Hikosaka đưa ra giả thuyết rằng, ngọn núi cổ Potalaka, trú xứ của Quán Thế Âm được miêu tả trong kinh Hoa nghiêm (Gandavyuha Sutra)Tây du ký của Huyền Trang, là ngọn núi Pothigai thực sự ở Ambasamudram, Tirunelveli, biên giới Tamil Nadu, Kerala, Ấn Độ(35). Shu cũng nói rằng ngọn núi Potalaka đã là một nơi linh thiêng đối với người dân Nam Ấn Độ từ thời xa xưa. Đây là nơi ở truyền thống của Siddhar Agastya, tại Agastya Mala. Với sự truyền bá Phật giáo trong khu vực bắt đầu từ thời vua Asoka vĩ đại vào thế kỷ III TCN, nơi đây đã trở thành một thánh địa dành cho tín đồ Phật giáo, những người dần dần trở nên bị ảnh hưởng bởi một số ẩn sĩ sống ở nơi đây. Tuy nhiên, người dân địa phương chủ yếu vẫn theo tín ngưỡng thuyết vật linh Tamil. Sự hỗn hợp của tín ngưỡng Tamil-Phật giáo đã lên đến đỉnh điểm trong sự hình thành hình tượng Quán Thế Âm(36).

Tên gọi Lokeśvara không nên nhầm lẫn với tên của Lokesvararaja/Thế Tự Tại Vương Phật, là một vị Tăng và đã phát nguyện 48 lời nguyện trước khi trở thành A Di Đà.

III. Chân ngôn

Phật giáo Đại thừa liên hệ Quán Thế Âm với chân ngôn sáu âm tiết om mani padme hum (Án ma ni bát mi hồng), ý nghĩa của nó có thể hiểu là “Quy mệnh thanh tịnh bảo liên hoa” (Hoa sen báu thanh tịnh để quy y Phật Pháp). Sáu chữ “Án ma ni bát mi hồng” còn được gọi là “Lục tự đại minh chú”, dịch âm từ tiếng Phạn, cũng có người dịch là “Án ma ni bát minh hồng” hoặc theo âm tiếng Tạng mà dịch thành “Ôn mô ni bối mê hồng”.

Tương truyền rằng Quán Âm Bồ-tát phát thệ nguyện là muốn phổ độ tất cả chúng sinh. Trải qua một thời gian dài vô hạn, Quán Âm đã cứu độ không biết bao nhiêu chúng sinh, không thể đếm hết được. Thế nhưng, khi quay trở lại với chúng sinh trong thế gian, Ngài thấy vẫn có biết bao nhiêu kẻ ngu si trụy lạc, những kẻ làm biết bao điều ác, những kẻ chịu trăm chiều thống khổ vẫn không ngừng tiếp tục xuất hiện. Quán Âm cảm thấy lo lắng, trước những nỗi khổ vô cùng vô tận của chúng sinh, Quán Âm cảm thấy khó lòng mà thực hiện được lời thề cứu độ tất cả chúng sinh.

Tâm lý thoái lui này vừa mới sinh ra thì bộ não của Quán Âm Bồ-tát bỗng nhiên tự vỡ thành muôn ngàn mảnh, giống như bông hoa sen ngàn cánh. Phật A Di Đà xuất hiện trong đầu của Quán Âm Bồ-tát khuyên răn Bồ-tát không thể từ bỏ lời thề của mình được, cần mẫn tiến lên, dưới sự tương trợ của các vị Phật, Bồ-tát, nhất định có thể thực hiện được thành tựu vĩ đại lớn lao là cứu độ hết tất cả chúng sinh. Ngay sau đó, Phật A Di Đà đọc lên sáu chữ chân ngôn này, Quán Âm Bồ-tát nghe được lời chân ngôn đó, trong chốc lát bỗng Ngài đại ngộ, tiếp tục giữ vững lời thề của mình, vĩnh viễn không thoái lui đầu hàng(37).

Chữ “Om” mang rất nhiều ý nghĩa, có thể lý giải là quy y; là từ phát âm trong tiếng Phạn, biểu thị bắt đầu niệm chân ngôn, toàn bộ thân, khẩu, ý cần phải hướng về sự bảo hộ của Phật, quy y cửa Phật, tập trung cao độ thì mới có thể thành hiệu lực. “Mani” là ngọc như ý có thể biến hóa tùy ý, dùng để so sánh bản tính của chúng sinh, vạn sự vạn vật đều là do nó biến hóa nên, biểu thị rằng Phật pháp có thể sinh ra mọi pháp thuật, không có gì mà Phật pháp không chứa đựng, thiếu hụt, gặp cái ác đến đâu cũng có thể phá bỏ, lên núi thì châu báu nào cũng có được, xuống biển thì tất cả ngọc ngà đều phải tụ hợp lại, cho nên có thể hiểu nó có nghĩa là “Tối bảo” (vật quý báu nhất). “Padme” là hoa sen, dùng để so sánh bản chất trong sạch không bị ô nhiễm, biểu thị Phật pháp giống như hoa sen vậy, thuần khiết không hề có tỳ vết, không hề dính một hạt bụi trần. “Hum” cũng có rất nhiều tầng ý nghĩa, có thể lý giải là phá vỡ tất cả chướng ngại, nhanh chóng hiển hiện công đức giác ngộ vốn có, nhanh chóng đạt đến mục đích cuối cùng; biểu thị điều cầu nguyện có thể đạt được thành công, ý nghĩa là dựa vào sức mạnh của Phật để phổ độ chúng sinh, đến bước cuối cùng mới có thể đạt được chánh giác.

Ý nghĩa do sáu chữ tạo thành là “Quy y Quán Thế Âm Bồ-tát, con nguyện thông qua sự gia trì to lớn của Ngài, khiến cho con có được sự thanh tịnh không ô nhiễm giống như Ngài, nhanh chóng hiển hiện công đức tự tính tùy ý biến hóa, tùy ý đạt đến nguyện của con, đạt được mục đích”. Sáu chữ chân ngôn ngày nay ta thường thấy được dùng để dán trên tường nhà, trên cửa, cũng có người dán trên cửa kính phía sau của xe taxi.

Sáu chữ chân ngôn này còn có cách lý giải khác, ví dụ như muốn cứu vớt phổ độ cho lục đạo chúng sinh (sáu loại chúng sinh), mỗi chữ tượng trưng cho một loại. “Án” là Thiên đạo, “Ma” là A-tu-la đạo, “Ni” là Nhân đạo, “Bát” là Súc sinh đạo, “Mi” là Ngạ quỷ đạo, “Hồng” là Địa ngục đạo(38).

Chủng tử tự của Quán Thế Âm Bồ-tát: “sa” hoặc “hrih”.

Trong Phật giáo Tây Tạng, do sự nối kết Ngài với chân ngôn này, một dạng thức của Quán Thế Âm được gọi là Sadaksari “Vị chúa của sáu âm tiết” trong tiếng Phạn. Tụng niệm chân ngôn này cùng lúc với việc sử dụng chuỗi tràng hạt trong cầu nguyện là phương pháp thực hành tôn giáo phổ biến nhất trong Phật giáo Tây Tạng. Mối liên hệ giữa chân ngôn nổi tiếng này và Quán Thế Âm lần đầu tiên được ghi lại trong kinh Đại thừa trang nghiêm bảo vương. Bản kinh này có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ IV CN đến đầu thế kỷ V CN(39). Trong kinh này, một vị Bồ-tát được Đức Phật dạy rằng việc trì tụng chân ngôn này trong khi tập trung vào âm thanh có thể dẫn đến việc đạt được tám trăm định(40). Kinh Đại thừa trang nghiêm bảo vương cũng cho thấy sự xuất hiện đầu tiên của đà-la-ni về Chuẩn-đề, xuất hiện ở cuối bản kinh(41). Sau khi vị Bồ-tát cuối cùng đạt được định với chân ngôn “om mani padme hum”, Ngài có thể quan sát 77 kotis (góc) của các vị Phật đã giác ngộ hoàn toàn đáp lời Ngài bằng một giọng nói với Chuẩn-đề đà-la-ni/Cundi Dharani: namah saptanam samyaksambuddha kotinam tadyatha, om cale cule cunde svaha(42).

Một chân ngôn khác về Quán Thế Âm thường được trì tụng trong Phật giáo Đông Á là Om Arolik Svaha. Trong tiếng Trung, nó được phát âm là An alulei ji suopohe. Trong tiếng Hàn, nó được phát âm là Om aroreuk Ge Sabaha. Trong tiếng Nhật, nó được phát âm là On arori kya sowa ka.

Thanh cảnh Quan Âm Đại bi chú/Nilakantha Dharani là đà-la-ni gồm 82 âm tiết cho Quán Thế Âm.

IV. Hình tượng

Quán Thế Âm Bồ-tát chính là vị Bồ-tát mang nhiều hình tướng nhất và được sùng bái nhất, phổ biến nhất trong điện thờ Phật giáo. Hình tượng của Quán Thế Âm Bồ-tát thiên biến vạn hóa, mỗi kinh điển miêu tả hình tượng của Ngài khác nhau. Quán Thế Âm Bồ-tát là một đề tài được mô tả rộng rãi trong mỹ thuật châu Á và được tìm thấy ở hầu hết các bảo tàng trên thế giới.

Ở Ấn Độ, hình tượng sớm nhất được tìm thấy về Quán Thế Âm (chẳng hạn trong các bức tranh ở các hang động Ajanta) được biết đến dưới danh xưng Padmapani (Bội Liên Tôn giả). Ngài được biểu thị như một thanh niên tuấn tú với trang phục của một hoàng tử, phong cách thân thiện, tay cầm đóa sen. Ngài đứng thẳng với đôi bàn tay trong tư thế giáo hóa ấn (vitarka mudra) và thí nguyện ấn (varada mudra). Các môn phái Mật tông biểu thị Ngài với bốn cánh tay cầm hoa sen, quyển kinh và như ý bảo châu (cintamani), nhưng họ cũng biểu thị Ngài trong nhiều phương diện khác. Ở Sri Lanka, đôi khi Ngài được biểu thị ngồi trong tọa thức đế vương thanh nhàn (rajalilasana) tay cầm đóa sen, một phong cách thường được lặp lại ở Trung Quốc. Qua danh xưng Simhanada (Sư tử hống), Ngài được biểu thị đứng gác một chân lên con sư tử nằm, hoặc ngồi trên tòa sen đặt trên lưng sư tử. Lúc đó, Ngài cầm đóa sen, cây kiếm, đinh ba hoặc sọ người. Thân thể Ngài màu trắng. Ngài thường được kêu cầu để chữa lành bệnh phong hủi.

Có dữ liệu lại cho rằng, Quán Thế Âm thường được biểu thị trong tư thế đứng, với một tượng A Di Đà trên búi tóc. Quán Thế Âm thường bắt ấn thí nguyện. Những tùy vật thông thường của Ngài là hoa sen (tượng trưng sự thanh khiết), bình nước cam lồ và tràng hạt với 14, 27, 54 hay 108 hạt. Vật cưỡi của Ngài là một con hạc hay con công, đôi khi được thay thế bằng chim phượng hoàng hay chim trĩ; nhưng những con thú này hiếm khi được biểu thị trong điêu khắc.

Ở Tây Tạng, Quán Thế Âm được biểu thị như một Bồ-tát, sắc màu trắng hay đỏ. Ngài đứng, phục trang như một Bồ-tát (có hoặc không có một tượng nhỏ A Di Đà trên búi tóc), đôi mắt nửa khép nửa mở, đôi tai rất dài và đôi khi có hàng râu mép mỏng, với những cánh tay rất dài thường trong tư thế thí nguyện ấn và luôn luôn cầm đóa sen nơi tay phải. Ở đây, những hình tướng Mật tông chiếm ưu thế và đôi khi Quán Thế Âm được biểu thị với tay phải cầm thiền trượng. Ngài cũng có thể khoác một tấm da sơn dương trên vai trái.

Ở Đông Nam Á, hình tượng Ngài được tìm thấy nhiều nhất ở Champa và Campuchia. Ngài thường được biểu thị với ngực để trần, khoác một chiếc sarong đơn sơ được thắt lại với một thắt lưng có trang trí. Đôi khi Ngài có con mắt thứ ba (tuệ nhãn) ở trên trán. Ngài có thể có từ hai tới tám tay, cầm nhiều tùy vật kể cả hoa sen, bình nước, ốc tù và cùng tràng hạt. Ngài có thể đứng hoặc ngồi trong tư thế đế vương thanh nhàn.

Ngài cũng được biểu thị ở Banteay Chmar, Angkor Thom (đền Bayon), ở Neak-pean và trên nhiều bia đá. Ở Thái Lan, hình tượng phổ biến của Ngài có bốn cánh tay và một mũ miện mang hình tượng A Di Đà. Nữ hiệp tá của Ngài, gọi là Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Prajnaparamita), được biểu thị thân trần đến ngực, không mang mũ miện, nhưng có hình tượng A Di Đà trên búi tóc và cũng có thể cầm một hay hai đóa sen(43).

Qua các hình tượng, tại phần lớn các nền văn hóa Phật giáo khác, Quán Thế Âm Bồ-tát được thờ phượng như một vị nam Bồ-tát, song đôi khi ở Đông Á như Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, Quan Âm lại có ngoại hình và tính cách nữ nhân hơn, được coi là nữ (Phật bà Quan Âm). Còn ở Tây Tạng tôn trí Ngài theo hình tượng nam nhân, cho rằng Ngài lãnh phần hỗ trợ xứ sở Tây Tạng. Họ lại cho rằng chính Ngài chuyển hóa vào thân Đức Đạt-lai Lạt-ma, mặc dù sự phân biệt này chẳng hề được bất cứ một kinh điển nào tán trợ. Vậy nên những định nghĩa trong các tài liệu thư tịch theo hàm ý chỉ định Ngài là nữ giới, đây là cách kiến giải hãy còn tồn nghi. Tuy nhiên, trong học thuyết Phật giáo Bắc tông, người ta thừa nhận rằng nữ giới cũng có thể được nhận vào cõi Tây phương Cực lạc của A Di Đà hay của các vị Phật khác song chỉ với điều kiện mang hình tướng nam giới: một số thần linh có khả năng kỳ diệu tự chuyển đổi giới tính. Cách kiến giải này vốn là một kiểu kiến giải dân gian và phát xuất từ một khuynh hướng trong những xã hội khẳng định ưu thế của nam giới. Ngoài ra, nam giới thường dễ bị cám dỗ nên mong muốn gán tính nữ cho tất cả những vị thần được phú cho các đức tính vốn dĩ được coi là thuộc về phụ nữ như lòng từ ái, dịu dàng, thiện tâm hay trong trắng. Đây là lý do tại sao người Trung Quốc hay Nhật Bản thường coi Quán Thế Âm như là “mẹ của chúng sinh” và về phương diện đó, Ngài được thờ phượng trong hình tướng nữ Bồ-tát(44).

Trong Phật giáo Đại thừa, giới tính không phải là trở ngại để đạt được giác ngộ (hay Niết-bàn). Khái niệm bất nhị của Phật giáo được áp dụng ở đây. Kinh Duy Ma Cật sở thuyết (Vimalakirti Sutra) minh họa rõ ràng một đấng giác ngộ cũng là nữ nhân và vị thần. Trong kinh Pháp Hoa, một thiếu nữ đã giác ngộ trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Quan điểm cho rằng Quán Thế Âm cũng là nữ thần Quan Âm dường như không mâu thuẫn với các tín niệm Phật giáo. Quan Âm đã được một vị Phật gọi là “Vô Lượng Quang Như Lai”.

Các biểu trưng về Bồ-tát ở Trung Quốc trước triều đại nhà Tống (960-1279) có vẻ ngoài nam tính. Những hình ảnh sau này hiển thị các thuộc tính của cả hai giới tính được cho là phù hợp với kinh Pháp hoa, nơi Quán Thế Âm có sức mạnh siêu nhiên để hóa thân vào bất kỳ hình thức giả định nào cần thiết để giải thoát mọi đau khổ, và cũng như quyền năng ban con. Bởi vì vị Bồ-tát này được coi là hiện thân của lòng từ bi và nhân hậu, một nữ thần mẹ và người bảo trợ của các bà mẹ và các thủy thủ/người đi biển, hình tượng này ở Trung Quốc đã được biểu thị ở dạng thức nữ giới hoàn toàn vào khoảng thế kỷ XII. Đôi khi, Quán Thế Âm cũng được miêu tả đang ôm một đứa trẻ sơ sinh để nhấn mạnh thêm mối quan hệ giữa Bồ-tát, thai sản và sinh nở(45). Trong thời hiện đại, Quán Thế Âm thường được thể hiện như một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng trắng, một miêu tả bắt nguồn từ dạng thức Bạch Y Quán Âm/Pandaravasini trước đó.

Trong một số ngôi chùa và tu viện Phật giáo, hình ảnh của Quán Thế Âm đôi khi là hình ảnh của một thanh niên mặc áo cà-sa Phật giáo thời Bắc Tống và ngồi một cách trang nhã. Ngài thường được miêu tả đang nhìn hoặc nhìn xuống, tượng trưng cho việc Quán Thế Âm không ngừng quán sát vạn vật/vũ trụ.

Ở Trung Quốc, Quán Thế Âm thường được miêu tả là một thiếu nữ khoác áo choàng trắng thướt tha, với những chiếc vòng cổ tượng trưng cho hoàng gia Ấn Độ hoặc Trung Quốc. Trong tay trái của Quán Thế Âm là một chiếc bình đựng nước tinh khiết, bên phải cầm một cành dương liễu. Mũ miện thường thể hiện hình ảnh của A Di Đà.

Ngoài ra còn có các biến thể địa phương về các hình tượng được miêu tả Quán Thế Âm. Ví dụ, ở Phúc Kiến, một mô tả phổ biến về Quán Thế Âm là một thiếu nữ mặc áo Hán phục nhà Đường mang một giỏ cá. Một hình ảnh phổ biến của Quán Thế Âm như cả Quan Âm Nam Hải và Quan Âm xách giỏ cá có thể được thấy trong các quyển bách khoa toàn thư của Trung Quốc vào cuối thế kỷ XVI và trong các bản in đi kèm với một cuốn truyện rất phổ biến.

(Còn tiếp)

________

(1)Theo:

- Lokesh Chandra (1984). “The Origin of Avalokitesvara” (PDF). Indologica Taurinensia. XIII (1985-1986): 189-190.

- Mironov, N.D. (1927).“Buddhist Miscellanea”.Tạp chí của Hiệp hội Hoàng gia Châu Á của Vương quốc Anh và Ireland. 59 (2) : 241-252. [https://www.jstor.org/stable/25221116].

- Pine, Red (2004).The Heart Sutra: The Womb of the Buddhas. Shoemaker & Hoard xb, tr. 44-45.

(2)Pine, Red (2004). Sđd.

(3)Studholme, A. (2012). Origins of Om Manipadme Hum, The: A Study of the Karandavyuha Sutra. Sưu tập sách UPCC về Dự án MUSE. Đại học Bang New York xb, tr.52-57.

(4)Studholme, Alexander (2002). The Origins of Om Manipadme Hum: A Study of the Karandavyuha Sutra. Đại học Bang New York xb, tr.30-31, 37-52.

(5)Studholme, Alexander (2002). Sđd, tr.52-54, 57.

(6)“Avalokiteshvara - Bodhisattva”. [https://www.britannica.com/topic/Avalokiteshvara]

(7)Bokar Rinpoche (1991). Chenrezig Lord of Love - Principles and Methods of Deity Meditation. Clearpoint xb, tr.15.

(8)Theo:

- Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, Tập 7: QU, S, T; tr.5800-5802.

- Mạc Chấn Lương (2009). Tạc tượng Phật & kiến trúc chùa. NXB.Mỹ Thuật, tr.101-118.

- Thích Minh Tuệ (2012). Thần bản tôn. NXB.Hồng Đức, tr.176-185.

- Đoàn Trung Còn (2011). Phật học từ điển. NXB.Tổng Hợp TP.HCM, tr.965-966.

- Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). 1.000 vấn đề Mật tông. NXB.Thời Đại, tr.391-392.

(9)“Kwanon name”. Canon.com.

(10)Iravatham Mahadevan (2003). Early tamil epigraphy, Tập 62, tr.169.

(11)Meher McArthur (2005). Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo. NXB.Mỹ Thuật, tr.55-59.

(12)Louis Frederic (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo. NXB.Mỹ Thuật, tr.240-256.

(13)Mae Hamilton (2-12-2022). “Chinese goddess - Guanyin”.

[https://mythopedia.com/topics/guanyin].

(14)Louis Frederic (2005). Sđd.

(15)Huntington, John (2003). The Circle of Bliss: Buddhist Meditational Art, tr.188.

(16)Baroni, Helen (2002). The Illustrated Encyclopedia of Zen Buddhism, tr.15.

(17)Kubo Tsugunari, Yuyama Akira (2007). The Lotus Sutra (In lần thứ 2). Trung tâm Nghiên cứu và Dịch thuật Phật giáo Numata - Đại học California, Berkeley, Mỹ; tr.311-312.

(18)Fu, James S. (1977). Mythic and Comic Aspects of the Quest: Hsi-yu Chi as Seen Through Don Quixote and Huckleberry Finn. Đại học Singapore xb, tr.26.

(19)Tan Chung (1998). Across the Himalayan Gap: An Indian Quest for Understanding China,tr.222.

(20)Ko Kok Kiang (2004). Guan Yin: Goddess of Compassion, tr.10

(21)Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.5803-5804.

(22)Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.5804.

(23)Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

(24)Studholme, Alexander (2002). Sđd, tr.175.

(25)Jiang, Wu (2008). Enlightenment in Dispute: The Reinvention of Chan Buddhism in Seventeenth-Century China, tr.146.

(26)Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

(27)Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.5802.

(28)Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.5803.

(29)Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.5807.

(30)Baruah, Bibhuti (2008). Buddhist Sects and Sectarianism. tr.137

(31)Art & Archaeology - Sri Lanka - Bodhisattva Avalokiteshvara”.

[http://www.art-and-archaeology.com/lanka/matara/we01.html]

(32)Skilton, Andrew (2004). A Concise History of Buddhism,tr.151.

(33)Theo:

- Iravatham Mahadevan (2003). Sđd.

- Kallidaikurichi Aiyah Nilakanta Sastri (1963). Development of Religion in South India, tr.15.

- Layne Ross Little (2006). Bowl Full of Sky: Story-making and the Many Lives of the Siddha Bhōgar, tr.28.

(34)Studholme, Alexander (2002). Sđd, tr.52-57.

(35)Hirosaka, Shu. The Potiyil Mountain in Tamil Nadu and the origin of the Avalokiteśvara cult.

(36)Läänemets, Märt (2006). “Bodhisattva Avalokiteśvara in the Gandavyuha Sutra”. Nghiên cứu Phật giáo Chung-Hwa 10, 295-339. [https://www.chibs.edu.tw/ch_html/chbs/10/chbs1011.htm]

(37)Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

(38)Theo:

- Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

- Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

(39)Studholme, Alexander (2002). Sđd, tr.2.

(40)Studholme, Alexander (2002). Sđd, tr.106.

(41)Studholme, Alexander (2002). Sđd, tr.175.

(42)“Saptakoṭibuddhamātṛ Cundī Dhāraṇī Sūtra”. Lapis Lazuli Texts.

(43)Louis Frederic (2005). Sđd.

(44)Louis Frederic (2005). Sđd.

(45)Artstor. “Artstor”. library.artstor.org.

(NSGN 345, 346)

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.