Tri ân Bồ-tát Quán Thế Âm

Học theo hạnh Ngài là lắng nghe với tánh giác thanh tịnh
Học theo hạnh Ngài là lắng nghe với tánh giác thanh tịnh
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi xin kể ra đây ba trường hợp rất nhiệm mầu mà chính tự thân đã trải nghiệm về việc xưng niệm Bồ-tát Quán Thế Âm như là tấm lòng tri ân sâu sắc đến Ngài. Với riêng tôi, Bồ-tát Quán Thế Âm là bậc thánh giả giải thoát trọn vẹn, là hiện thân sống động của tinh thần từ bi, vô ngã vị tha.
Vẫn biết, học theo hạnh Ngài là lắng nghe với tánh giác thanh tịnh, gọi là phản văn văn tự tánh. Nhưng Ngài còn có bản nguyện lắng nghe âm thanh thế gian để cứu khổ ban vui cho chúng sanh trong những lúc hiểm nghèo với ý nghĩa cụ thể, chân thực nhất.

***

Hồi nhỏ tôi thường đến chùa Sắc tứ Tịnh Quang ở Quảng Trị, trong chùa có thờ một bảo tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, tôi thường ngồi chơi trước tượng cùng với mấy chú tiểu trong chùa. Thuở đó tôi chưa quy y Tam bảo, chưa biết các hình tượng Phật trong chùa, cũng chưa rành một câu niệm Phật. Một hôm, tôi hỏi chú tiểu rằng: Tượng này tên gì? Chú trả lời: “Đây là tượng Phật Bà Quán Âm, ai mà bị nạn kêu Bà thì Bà liền cứu giúp cho”. Dù là câu nói ứng khẩu của một chú tiểu, nhưng thực sự là bài pháp ngắn gọn lần đầu tiên tôi được nghe về Bồ-tát Quán Thế Âm.

Tôi nhớ vào mùa nước lũ năm ấy, nước trên sông chợt lớn rất nhanh, những khúc cây lớn bị nước cuốn trôi vùn vụt. Khi ấy tôi đang loay hoay trên chiếc ghe, chưa kịp chèo chống gì thì bị gió thổi mạnh và trôi ra giữa sông. Vì gió mạnh quá, sóng đập ào ạt quanh ghe, tôi sợ hãi, tay chân luýnh quýnh và bị té nhào xuống sông.

Dù biết bơi nhưng vì chiếc áo ấm dày quá, bên ngoài lại thêm tấm áo mưa cột choàng bó chặt vai và cổ nên thật khó dang tay cử động khi người bị rơi xuống nước. Đầu tôi ngụp xuống, vừa ngẩng lên thì thấy chiếc ghe đã rời xa tôi khoảng hơn mười mét và tiếp tục trôi nhanh. Lúc ấy trên sông không một bóng người, trời lại mưa to, chỉ có gió thổi và nước sông cuồn cuộn. Vùng vẫy trên mặt nước để cầu thoát thân, tôi bị ngụp đầu hai lần và đã uống hai ngụm nước lớn, cảm giác như bị ngộp thở. Trong giây phút hiểm nghèo ấy, bất ngờ trong đầu tôi lóe lên câu nói của chú tiểu: “Đây là tượng Phật Bà Quán Âm, ai mà bị nạn kêu Bà thì Bà liền cứu giúp cho”.

Liền khi ấy, tôi kêu lên: “Phật Bà ơi, cứu con với! Phật Bà ơi, cứu con với!”. Tôi không biết niệm danh hiệu Bồ-tát, chỉ kêu như vậy xong thì đầu tôi bị nhấn chìm và uống ngụm nước thứ ba. Tôi cố hết sức ngoi lên lần nữa. Kỳ lạ thay, gió xuôi theo dòng nước đẩy chiếc ghe trôi rất xa, nhưng khi tôi ngoi đầu lên thì trán tôi đụng phải thành ghe! Như có ai đó kéo chiếc ghe về lại cho tôi. Tôi nhanh chóng níu thành ghe và trèo lên, chiếc ghe chao đảo bị nghiêng, nước tràn vào một ít nhưng tôi đã ngồi được trong ghe. Tôi từ từ đứng lên với đôi chân run rẩy, loạng choạng cầm lấy mái chèo, dốc hết sức bình sinh chèo chống, cuối cùng chiếc ghe cũng được vào bờ.

Tôi thoát chết và giấu kín chuyện này không dám kể cho ai trong gia đình nghe. Chuyện đã xảy ra trên ba mươi năm, khi nghĩ lại lòng tôi vẫn còn khắc sâu từng chi tiết. Riêng tôi thì tin chắc rằng nhờ kêu cứu Phật Bà nên được thoát chết.

***

Sau khi đi tu, tôi xin cố Hòa thượng Thích Nhật Liên vào ở tại chùa Long Thọ (Long Khánh, Đồng Nai). Ở đây một thời gian, tôi muốn được đi học Phật pháp nhưng cha mẹ thì ở xa, không có Phật tử ngoại hộ, suy nghĩ mãi mà vẫn không biết làm sao, lòng tôi bơ vơ khó tả. Mỗi đêm mọi người đi ngủ, tôi ra trước tượng Quán Thế Âm lộ thiên ngồi trì chú Đại bi và niệm danh hiệu Ngài. Thực sự, tôi trì chú theo thói quen mà chẳng biết công hiệu của thần chú ấy thế nào, vì chưa được học giáo lý, chỉ công phu tụng niệm mà thôi. Nhưng tôi cảm nhận được sau mỗi lần trì niệm xong thì thân tâm rất nhẹ nhàng, thơ thới như được an ủi, chở che. Một đêm, tôi đang ngủ, bỗng thấy Bồ-tát Quán Thế Âm vô cùng cao lớn đứng tận trên không trung.

Lạ thay, khi ấy tôi suy nghĩ một cách tỉnh táo, tại sao thân tượng cao lớn màu trắng ấy mà mình thấy được? Tự tâm thức của tôi liền phán đoán, đây chỉ là hình tượng hay là Bồ-tát thật? Liền ngay lúc ấy, từ thân tượng phát ra ánh sáng nhiều màu xuyên qua cả màn trời xanh. Đột nhiên tôi cảm thấy bừng tỉnh như chưa từng ngủ trước đó. Tôi ngồi dậy, lòng thấy nhẹ nhàng lâng lâng khó tả, tự linh cảm rằng mong ước đi học Phật pháp của tôi sẽ đạt được.

Quả nhiên sau đó vài hôm, tôi có duyên lành được gặp cố Thượng tọa Thích Minh Phát (ở chùa Ấn Quang, TP.HCM) giới thiệu về Đại Tùng Lâm (bấy giờ là ngôi trường Phật học danh tiếng) và ngài còn cho thêm một khoản tiền để chi phí trong lúc khó khăn đó. Tiếp theo tôi được đi học, thỏa mãn niềm mong ước được học Phật pháp bấy lâu. Sau này, mỗi lúc nhớ lại lần gặp Bồ-tát Quán Thế Âm trong lúc vừa tỉnh vừa mơ ấy, tôi tin chắc rằng, nhờ trì chú Đại bi và niệm Bồ-tát Quán Thế Âm nên tôi được Ngài giúp đỡ, vượt qua bế tắc trong cuộc sống.

***

Tôi được chính thức nhập học Trung cấp Phật học Bình Thuận cũng nhờ một cơ may. Nhưng do những năm tháng lang thang trong núi rừng và nương rẫy nên tôi thường bị sốt rét hành hạ. Rồi tôi lại bị đau ở đốt xương sống phía giữa hai vai nhức nhối vô cùng. Lúc ấy, tôi chỉ có một cái rương bằng gỗ và một chiếc xe đạp, tiền đâu mà đi khám bệnh, chỉ uống thuốc nhà trường cho. Tôi nhớ, bác sĩ Nhật và cô Hương ở phòng thuốc có cho thuốc uống nhưng không lành, vẫn cứ đau từng cơn bất chợt. Đau đớn làm tôi buồn lắm.

Tôi biết, ngài Hiệu trưởng là cố Hòa thượng Thích Chơn Thành rất thương tôi, nhưng tôi không muốn nói đến bệnh tật của mình cũng như cầu xin giúp đỡ. Trường Phật học hồi đó cũng rất nghèo, tôi không dám làm phiền bất cứ ai. Sáng hôm đó, trong cơn đau âm ỉ nhưng tôi cũng ráng tắm rửa sạch sẽ và xếp áo quần vào rương, định trưa xin ngày mai sẽ rời trường này, lòng buồn vô hạn nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Điều thất vọng trong tôi là lang thang lận đận gần sáu năm tu học ở miền Nam nhưng vì chuyện giấy tờ (ngày ấy bất cứ người tu nào di chuyển nhiều cũng khổ vì giấy tờ), chịu cực từ lúc vào chùa cho đến nay chính thức được đến trường lại bỏ cuộc!

Còn nhớ, chỉ trong một ngày đêm, bệnh thì ít mà suy nghĩ và thất vọng thì nhiều đã làm tôi tiều tụy. Trong cơn đau âm ỉ, tôi nằm nhiếp tâm niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát”. Tôi cứ niệm thầm hoài, vì không muốn suy nghĩ nhiều.

Từ trưa đến tối, có lúc ngủ thiếp một tiếng đồng hồ, vừa tỉnh tôi liền niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát”. Về khuya tôi đi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Tự nhiên, trong trạng thái vừa mơ vừa tỉnh, tôi thấy một ông già tóc bạc trắng xóa, khuôn mặt đỏ tươi, mặc áo dài rất trang nghiêm xuất hiện. Ông lão dắt tôi ra trước phòng học, ấn đầu tôi xuống và rút sau lưng tôi ra một cái đinh dài khoảng hơn một ngón tay. Ông lão đưa cái đinh trước mặt cho tôi nhìn thấy và tung cái đinh lên không trung rồi biến mất. Lập tức tôi ngồi bật dậy trong đêm tối, mồ hôi tháo ra ướt đẫm. Trong tôi như có một sinh lực mới, tinh thần phấn chấn lạ lùng, tự biết cơn đau và nỗi buồn đã hết. Tôi nhẹ nhàng nằm nghiêng người, niệm thầm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát” rồi ngủ tiếp.

Sáng mai thức dậy, ngày mới bắt đầu, tôi đi ăn cơm và lên lớp học bình thường, khỏe mạnh như không có chuyện gì xảy ra.

***

Về sau, tôi có duyên học về kinh luận Đại thừa, Duy thức học, tôi cũng khó kiến giải cho mình về những trải nghiệm ấy một cách thỏa đáng. Đôi lúc tôi kể lại những chuyện trên với các bậc thầy đi trước, có vị giải thích rằng: “Thầy có duyên với Bồ-tát Quán Thế Âm, chuyện cũng hơi đặc biệt”. Lòng tôi vẫn chưa thỏa mãn, và tôi luôn dùng lý trí tìm hiểu những triết lý trong kinh luận bàn về bản chất của tâm cũng như năng lực tương quan với ngoại tại.

Tôi thấy, giáo lý Thiên Thai có câu: Một niệm ba ngàn thế giới (Nhất niệm tam thiên (1)). Tôi thừa nhận chủ quan rằng, một niệm khởi duyên khắp mười pháp giới(2). Pháp thân Phật trùm khắp pháp giới, cho nên khi khởi tâm niệm chư Phật, Bồ-tát thì giao cảm với năng lực từ bi của các Ngài.

***

Ai đã từng học kinh Phổ môn, kinh Lăng nghiêm, hay kinh Hoa nghiêm và những kinh điển Đại thừa khác đều biết đến công hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm. Tu theo Bồ-tát là trở về tánh giác thanh tịnh vốn có, phát huy từ bi và trí tuệ thành tựu quả vị giải thoát.

Dẫu biết rằng, hình ảnh chư Phật và Bồ-tát trong triết lý cao siêu của giáo lý Đại thừa là tượng trưng cho chơn tâm, giác tánh hay lý tưởng Bồ-tát hạnh, là phương pháp tu tập đoạn trừ phiền não để hướng đến giác ngộ. Nhưng chúng ta cũng không quên rằng, năng lực cứu khổ ban vui của các Ngài đối với người hữu duyên cũng là những hiện tượng có thực ở trong đời.

Thích Đức Trí/Báo Giác Ngộ

__________________________

(1) Nhất niệm tam thiên: Thuật ngữ triết học Thiên Thai tông chỉ bản chất vũ trụ gồm tâm và pháp tương dung tương nhiếp lẫn nhau, siêu việt không gian và thời gian. Đó là một thực tại, mười pháp giới (thế giới) dung nhiếp lẫn nhau thành 100 thế giới. 100 thế giới duyên 10 Như thị bằng 1.000 thế giới. 1.000 thế giới có trong ba thời: Quá khứ, hiện tại và vị lai thành 3.000 thế giới; gọi tắt: Một niệm ba ngàn thế giới.

(2) Mười pháp giới: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A-tu-la, Người, Trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.