Chắc chắn ít có ai tránh khỏi một vài lần phải chịu cảnh ngộ khó xử như vậy, nghĩa là cảm giác xấu hổ trước người khác mà người ta thường bảo là “thiếu đường chui xuống đất” cho xong. Phải đấy nhưng cũng thật may cho bạn, vì như thế tức là hệ “thần kinh” hổ thẹn của bạn còn hoạt động tốt và bạn còn có cơ hội để tiến bộ. Không ai là người hoàn hảo cả, nhưng người ta sẽ khó hy vọng tiến bộ nếu không biết xấu hổ.
“Tàm, quý” trong giáo lý Phật giáo là một pháp tu, một tâm lý thiện lành - điều kiện cần có trong việc xây dựng phẩm cách. Cho nên người xưa dạy: “Có tàm, có quý là có tư cách của một con người”. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là để xứng đáng làm “một con người viết hoa”. Và nếu bạn thấy khó hiểu với hai chữ “tàm quý” đó, bạn hãy nhìn lại những trạng thái tâm lý của bạn khi hành xử với mọi người và đánh giá của bạn trước hành xử của người khác thì nó rất dễ hiểu, dù rằng nó không chuyên chở hết ý nghĩa của hai đức tính này theo giáo lý Phật giáo. Nhưng với bấy nhiêu thôi cũng đã góp phần “làm đẹp” chính mình rồi
Cảm giác mắc cỡ hay tâm lý hổ thẹn là cơ sở làm nên những gì gọi là văn hóa. Nó là thiên tính vốn có trong mỗi người, có chức năng giúp điều chỉnh và hoàn thiện nhân tính của bạn. Hổ thẹn tạo cảm giác bối rối nhất thời cho bạn nhưng nó khiến cho bạn ngày càng tiến bộ và đẹp ra.
Thử quan sát trạng huống người nào đó đang tỏ ra ân hận, hổ thẹn ta sẽ thấy người ấy đẹp và thánh thiện vô cùng. Bởi tính tích cực của nó, đạo Phật xem tâm lý xấu hổ là nét đẹp bộc lộ đức tính thuần khiết của con người, được ví như phục sức, nhưng là “phục sức quý giá nhất trong mọi thứ phục sức”. Đạo Phật cho rằng mỗi người sinh ra ở đời đều có sẵn các đức tính tốt, có thể vận dụng làm thăng hoa cuộc sống của chính mình và góp phần hoàn thiện đời sống xã hội.
Trong cuộc sống hàng ngày, giả sử bạn lỡ có một biểu hiện đáng tiếc nào đó trong lời nói hay trong việc làm, thậm chí một ý tưởng không tốt thoáng nảy sinh trong tâm bạn và bạn cảm thấy ăn năn xấu hổ về suy nghĩ, hành động ấy của chính mình, tâm lý ấy đạo Phật gọi là “tàm”. Tương tự, nếu bạn nói hay làm điều gì đó không đúng, hay một ý tưởng bất thiện nảy sinh và bạn cảm thấy thẹn với người khác, tâm lý ấy Phật giáo gọi là “quý”. Như vậy, “tàm” là tâm lý hổ thẹn về các hành vi không tốt của chính mình, “quý” là tâm lý thẹn với người.
Hai đức tính này có sẵn ở trong bạn, nhờ đó bạn có cơ hội để cân nhắc và điều chỉnh mọi hành vi của mình - ý nghĩ, lời nói và việc làm – sao cho chúng không còn làm bạn phải xấu hổ và sợ hãi trong cuộc sống, đặc biệt là khi đối diện với chính mình. Hiểu rõ sức mạnh tích cực của chúng nên đạo Phật khuyên mỗi người cần phải nuôi dưỡng và phát huy tâm lý tàm quý để xây dựng cuộc sống hạnh phúc an lạc cho tự thân, đồng thời góp phần làm đẹp và mang niềm vui đến cho cuộc đời.