Ngay sau đó, Báo Giác Ngộ đã trao đổi thông tin với Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM và được khẳng định Phước Nguyên không phải giảng viên chính thức của Học viện. Vậy, với việc được cho là tác giả của loạt công trình nghiên cứu Phật học giá trị xuất bản từ năm 2016, liệu Phước Nguyên có đạo văn hay không, và nếu có thì chứng cứ ra sao? Để cung cấp cho bạn đọc, đặc biệt là Tăng Ni trẻ có thêm thông tin, cũng như rộng đường dư luận, chuyên mục Diễn đàn của Giác Ngộ online xin giới thiệu bài viết sau của tác giả Hải Hạnh.
Nguyễn Thành Long (ảnh chụp ở Huế, 2013) và "giáo thọ sư cổ ngữ - Đại đức Thích Phước Nguyên", 2019 |
Tản mạn về “nhân tài” Phước Nguyên
Cách đây mấy năm, khi trên bầu trời học thuật bỗng xuất hiện một cuốn sách, có cái nhãn là Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà gắn với một cái tên lạ hoắc. Đây là điều hiếm có trong giới nghiên cứu, lĩnh vực không như showbiz, có thể nổi lên chỉ nhờ một vài tài lẻ hay công nghệ tạo ngôi sao của các ông bầu.
Chúng tôi bèn ra tiệm sách mua về để coi. Đọc vào, lạ, văn phong những lời nói đầu với nội dung chính không ăn nhập gì nhau. Một đằng thì ủy mị và sến sụa, một đằng trí tuệ, quảng lãm.
Ngay từ lời tựa, có vẻ tác giả cố ý sử dụng lối ám thị tưởng như lãng đãng, trích dẫn những câu thơ của Hòa thượng Tuệ Sỹ, cùng lời “dâng lên Sư phụ”, dẫn dụ người đọc đến ý nghĩ rằng Phước Nguyên là “pháp khí” của Hòa thượng Tuệ Sỹ. Tuy nhiên, cũng có người lấy làm thắc mắc sách thuộc thể loại khảo cứu rất kén độc giả sao lại xuất hiện giới thiệu ở những nơi xô bồ?
Chúng tôi không quan tâm vì vấn đề không liên quan. Cho đến một ngày, chúng tôi được một số huynh đệ và quý Sư bà ở cố đô Huế vui mừng cho biết có “thầy trẻ” đệ tử của Hòa thượng Tuệ Sỹ từ TP.HCM ra vận động tiền để in kinh sách. Chuyện chưa từng có. Trong tâm niệm chung, được cúng dường đối với các bậc thức giả là niềm hạnh phúc, nên nhiều người đã mở hầu bao để “hùn phước” theo gợi ý một cách ỡm ờ của “chú đệ tử”, trực tiếp hay chảy vào tài khoản của tên Nguyễn Thành Long (tức Phước Nguyên).
Tiếp xúc với chư vị Tăng Ni sinh ở một vài trường Phật học, đa số đều tiếp nhận được các thông tin na ná giống nhau rằng Phước Nguyên là “đệ tử chân truyền” được Hòa thượng Tuệ Sỹ đào tạo từ khi mới năm tuổi, đã viết và xuất bản nhiều công trình nghiên cứu Phật học “đẳng cấp thế giới” khi chỉ mới xong lớp 12,… Chưa hết, còn có không ít lời xưng tụng lên đến tận mây xanh dành cho người này: giỏi như Hòa thượng Tuệ Sỹ (Tuệ Sỹ 2), thậm chí là giỏi hơn cả thầy mình khi cùng tuổi vì đã không thể có nhiều tác phẩm đẳng cấp như thế, trong đó nổi bật nhất là công trình nghiên cứu Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà, v.v…
"Đại đức Thích Phước Nguyên" là một trong những học giả có bài được chọn thuyết trình tại diễn đàn hội thảo tiếng Việt trong khuôn khổ Đại lễ Vesak LHQ 2019 ở chùa Tam Chúc - Ảnh: undv2019vietnam.com |
Lối giới thiệu có tính dẫn dắt dư luận đó được TT.Thích Nhật Từ, lúc đang là Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Triết thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM nói trước Tăng Ni sinh, ghi hình truyền thông trên mạng xã hội, sau đó giao Phước Nguyên việc đứng lớp giảng dạy thay cho mình 45 tiết môn Thành Duy thức luận.
Không những thế, “Đại đức Thích Phước Nguyên” được chọn thuyết trình tại diễn đàn hội thảo (tiếng Việt) của Đại lễ Vesak LHQ ở chùa Tam Chúc vào tháng 5-2019, và hội thảo tại Học viện tháng 12-2019 về chủ đề giáo dục Phật giáo. Qua đó, “sự nghiệp” đồ sộ của Phước Nguyên được hợp thức hóa cho người này bằng lời giới thiệu của vị điều phối diễn đàn. Những hình ảnh, đoạn phim đó được trích xuất độc lập, phổ biến trên internet, đăng tải tại tài khoản Phước Nguyên, Thích Phước Nguyên…
Chính điều trên vô tình bảo chứng cho một Phước Nguyên - “nhân tài” của Phật giáo Việt Nam, như TT.Thích Nhật Từ khẳng định chắc chắn là tác giả của các công trình nghiên cứu Phật học chưa có, hoặc chưa được dịch ra tiếng Việt!
Cùng với những thêu dệt về xuất thân tu học với Hòa thượng Tuệ Sỹ từ nhỏ, nối kết sự liên tưởng đến “hiện tượng Tuệ Sỹ” thời Đại học Vạn Hạnh trước 1975 đã làm nên một “kỳ tài” Phước Nguyên có sức hấp dẫn công chúng thích yếu tố độc và lạ.
Tuy nhiên, với nhiều anh chị đang sinh hoạt Gia đình Phật tử, con người này không xa lạ gì. Phước Nguyên chính là Nguyễn Thành Long, từng sinh hoạt Gia đình Phật tử với vai trò huynh trưởng tập sự. Năm 18 tuổi (2013), Long từ Bình Phước ra Huế xin vào làm tiểu ở chùa Phước Duyên được 5 tháng. Với lá thư giới thiệu của một vị giáo phẩm (sau này mới bị phát giác là giả mạo) và bằng cách nào đó Long đã lọt vào chỗ Hòa thượng Tuệ Sỹ. Ở đó, Long làm nhiều “phi vụ” lục lọi máy tính, bị bắt và tái phạm, rồi bị đuổi khi chưa hề có một giới pháp nào của người xuất gia. Đó là quá khứ của Nguyễn Thành Long được những người quen cũ cũng như liên đới trách nhiệm cho biết.
Chỉ ít lâu sau khi bị đuổi, mới có 20 tuổi, Long bỗng được hóa thành… “Đại đức Thích Phước Nguyên” mà không hề có sự kiểm chứng, người này đã cho xuất bản ngay cuốn sách Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà, Nxb.Hồng Đức. Sau bản in lần đầu trót lọt, êm thấm (năm 2016), Long rao mời “hùn phước” và tái bản, tặng cho Tăng Ni và một số trường Phật học ở các tỉnh.
Với đoạn “đầu xuôi…”, Long cho xuất bản liên tiếp các ấn phẩm nghiên cứu và dịch mới Phạn bản kinh Lăng-già, dịch - chú các bộ luận A-tỳ-đạt-ma..., cũng do Nxb.Hồng Đức cấp phép, có cuốn được chùa Giác Ngộ liên kết xuất bản “đội nón” Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Nếu là người theo dõi tình hình nghiên cứu và học thuật, đặc biệt về Phật học tại nước ta, sẽ không quá khó khăn nhận ra là sự trùng khớp gần như hoàn toàn giữa loạt sách này với phong cách, hành văn, dẫn nguồn, cả cách bỏ dấu, cước chú, phụ chú, thư mục, chỉ mục v.v… đặc trưng Hòa thượng Tuệ Sỹ. Cái khác chỉ là cái tên: Phước Nguyên, Thích Phước Nguyên, Tỷ khưu / Tỷ kheo Thích Phước Nguyên, thay vì…
Nhiều sách nghiên cứu Phật học với tên tác giả là Phước Nguyên xuất bản liên tục từ năm 2016 |
Với thời gian chừng ấy, một người có trình độ khả dĩ tốt nghiệp cử nhân ngành nhân văn, nếu dốc sức ngồi chép không thôi, cũng không đủ thì giờ, huống nữa là tự thân thực hiện. Điều đó chỉ với những ai có thói “đốt giai đoạn”, hoặc tin thụ động vì “người lớn” nói, mới có thể bày tỏ sự thán phục cảm tính, như trò “sơn đông mãi võ” diễn buổi xế chợ làm cho trẻ con mê tít.
Cái danh xưng ma mị “tài không đợi tuổi”, gương mặt “Tăng” trẻ có những công trình nghiên cứu Phật học “đẳng cấp thế giới”... từ cửa miệng của một vị chức sắc kèm học vị cao làm quần chúng tin sái cổ mà không cần xác minh nhân thân, xét quá trình tu và học, bỏ qua cả việc thẩm định năng lực, kiểm chứng thực lực với một trường hợp có dấu hiệu “lệch pha” và quá bất thường.
Bản thân chúng tôi với công việc được chư Tôn túc giao, đã tiếp nhận nhiều nguồn thông tin, cũng từng báo cáo, chia sẻ với chư Tôn túc và các chức sắc liên đới trong việc bảo hộ và lăng-xê Phước Nguyên. Thậm chí nhiều tháng trước đây, chúng tôi còn chỉ đích danh cuốn sách được “nhân tài” Phước Nguyên “mượn”, rút nội dung rồi dán tên mình thành tác giả. Nhưng rồi đâu lại vô đó, cậu ta vẫn được mời giảng dạy, sách vở đứng tên cậu ta vẫn được in ấn đều đặn với sự bảo chứng hẳn hoi về pháp lý của Nxb.Hồng Đức. (Điều này cũng tương tự trường hợp các Nxb.Hồng Đức, Tôn Giáo… cấp phép cho loạt sách xuyên tạc Phật giáo một cách nguy hại, Giáo hội đã giao cho Viện Nghiên cứu Phật học VN nhận định để trình Ban Tôn giáo Chính phủ xem xét xử lý.)
Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng như câu nói của triết gia Nietzsche mà Phước Nguyên trích dẫn trong lời nói đầu cho cuốn Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà của… mình: “Thà chun qua lỗ khóa còn dễ hơn đi qua những cánh cửa mở rộng”. Thủ đoạn có tinh vi bao nhiêu, mưu chước có tài tình cách mấy đi nữa, đến một lúc nào đó, mọi thứ dối gạt, trí trá cũng sẽ bị phơi bày. Phước Nguyên đã thực tế hóa hình ảnh “chun lỗ khóa” bằng cách xây dựng “công trình học thuật” của mình bằng chất liệu là một công trình tầm cỡ khác ra đời vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước.
Đối với giới hiểu biết và theo dõi tình hình nghiên cứu Phật học ở nước ta, công trình này không mấy xa lạ. Chúng tôi sẽ đề cập trong một dịp khác.
Hải Hạnh
(Đón đọc: Phước Nguyên đạo văn có còn là nghi án?)