Tôi có một nhóm bạn, vốn là những đồng nghiệp cũ, giữ liên lạc thường xuyên với nhau qua một “nhóm chat” Facebook.
Những ngày giãn cách xã hội, phải ở nhà nhiều, nhóm chat dường như trở nên sôi nổi hơn. Câu chuyện xoay quanh nhiều nhất về bếp núc, những việc lặt vặt trong cuộc sống mà vốn dĩ, khi cuộc sống hoạt động bình thường, có khi chẳng cần bận tâm đến.
Đùng một cái, dịch bùng phát, rồi giãn cách xã hội.
TP.HCM những ngày giãn cách |
Mới đầu, nhiều người trong nhóm cứ tưởng giãn cách dăm bữa nửa tháng như hồi năm ngoái, ai cũng mạnh miệng nói lo gì, đơn giản mà! Rồi một tháng, hai tháng, ba tháng,… Dịch cứ kéo dài, giãn cách cứ tăng dần từng cấp độ. Cái việc ở yên trong nhà, tưởng giản đơn nhưng hóa ra lại không đơn giản chút nào.
Ở nhà, người ta phải đối diện trăm thứ lo. Người có gia đình thì lo chuyện ăn uống cho đám con nhỏ, cho bà má đã ngoài 70, lo chuyện tiêm, chuyện nhiễm. Người độc thân ở trọ thì thấy ngột ngạt bởi có khi nào phải ở trong cái phòng trọ loanh quanh mấy chục mét vuông lâu vậy đâu. Rồi người thì mất việc, nhà thì hết dần thực phẩm loay hoay chưa biết cách đặt mua, người lại hết… tiền, trăm thứ lo thay phiên nhau kéo tới...
Chuẩn bị cho ngày mai... |
Mọi khi, lo lắng hay buồn bực còn được đi ra ngoài dạo một vòng quanh phố, ngồi cafe vỉa hè, tán gẫu với bạn bè,… Nhưng mấy tháng rồi, ai có ra sao thì chỉ còn thấy mặt nhau qua màn hình điện thoại, muốn trò chuyện thì chỉ cầm điện thoại lên hí hoáy bấm. “Giờ mà ra đường chắc quên luôn cách đi xe mấy ông bà ơi!”, một thành viên trong nhóm bạn của tôi tếu táo.
Cũng vì ở nhà đã quá lâu rồi, nên tin vui nhất trong mấy ngày qua đó là việc thành phố thông báo sắp chuyển sang bình thường mới, sắp mở cửa trở lại. Sáng nay, trước khi vào làm việc, tôi lướt một vòng Facebook, phương tiện tương tác nhiều nhất suốt mấy tháng qua của tất cả chúng ta, những bài báo được “share” liên tục, rồi những thẻ xanh, những “comment” chỉ dẫn người này người kia cài app để ngày mai còn ra đường, còn đi “dòm mặt phố” ra sao sau mấy tháng “quẩn quanh trong tổ”.
|
Sau thời gian dài buồn bã vì những thông tin về người nhiễm, người qua đời do Covid-19 nhiều quá, lên con số hàng nghìn, giãn cách cũng từ đó kéo dài theo, rồi cũng tới một lúc người thành phố có được tin vui, cái tin mà có lẽ ai cũng hơn một lần chờ đợi.
Chiều nay, rời tòa soạn, thay vì về nhà, tôi quay đầu xe rảo quanh một vòng trung tâm thành phố. Những chốt kiểm soát, hàng rào đã được tháo dỡ, người đi ngoài phố đã nhiều hơn chút, dù ngày mai mới chính thức bước sang bình thường mới. Hai bên đường, những tiệm cafe, quán ăn lác đác mở cửa dọn dẹp, sắp xếp lại sau mấy tháng im ỉm, buồn thiu. Ngang mấy tiệm sửa xe, tiệm nào cũng có đôi ba người ngồi chờ tới lượt sửa xe sau mấy tháng “đắp chiếu”…
Đội ngũ tuyến đầu tranh thủ ngày 30-9-2021 để giữ lại khoảnh khắc đặc biệt nơi thành phố này |
Mấy tuần trước, cũng trên Facebook, tôi đọc được nhiều nỗi lo âu rằng liệu sau thời gian giãn cách kéo dài, thành phố có gượng dậy nổi không, liệu người thành phố có vui nổi không, rồi chúng ta sẽ sống tiếp thế nào đây,… Cũng phải thôi, có bao giờ thành phố nằm yên lâu đến vậy đâu, có bao giờ người Sài Gòn phải đóng cửa ở nhà lâu đến vậy đâu.
Bao nhiêu năm, người ta nhắc đến thành phố này với sự sầm uất, nhộn nhịp, đông vui, nên khi tất cả đột ngột dừng lại, ai mà không lo cho được. Nhưng hình như cũng với nếp sôi động tích lũy qua bao đời đó, thành phố lại mang trong mình một sức sống mãnh liệt hơn bất cứ đâu. Sức sống ấy giúp người ta gắng gượng đi qua đoạn khó khăn vừa qua, đùm bọc nhau, che chở nhau, san sẻ mỗi người một chút, động viên nhau cố mà sống tiếp.
Không gian này có lẽ sẽ không trở lại... |
Chiều nay đi làm về, vào xóm, tôi thấy người trong xóm bắt đầu mở cửa nhà sau mấy tháng đóng kín vì… sợ dịch. Mấy sợi dây phong tỏa, bảo vệ vùng xanh, vùng đỏ được tháo đi, người ta đứng sau cổng ngõ, cười nói rôm rả từ nhà này với sang nhà khác. Câu chuyện cũng quanh quẩn ở ngày mai, sau giãn cách. Mấy chú bộ đội ngồi trực gác bình thường luôn im lặng vì tập trung cao độ kiểm soát người đi lại, nay trò chuyện, tán gẫu, rồi giơ máy “selfie” ghi dấu lại một nhiệm vụ có lẽ là quá đặc biệt…
Tôi mở điện thoại lên kiểm tra tin nhắn, thấy một clip được gửi từ người bạn ghi lại cảnh nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn mỉm cười rồi cố gắng thổi lại những nốt nhạc ngắn ngủi. Anh đã có một sự bình phục kỳ diệu sau cơn bạo bệnh. Nhiều người sẽ không quên tiếng kèn đầy xúc cảm của anh trong buổi biểu diễn đặc biệt tại bệnh viện dã chiến. Tiếng saxophone được truyền đi trên mạng xã hội đã thay lời động viên, an ủi cho tâm hồn người thành phố trước một biến cố quá lớn lao.
Thành phố, hôm nay, đang cựa mình thức dậy sau giấc ngủ “dưỡng thương” thật dài.