Công điện gửi UBND TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nội dung công điện nêu rõ: Yêu cầu đi lại của người dân ở TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An (gọi chung là "Khu vực") với các tỉnh, thành phố khác là rất lớn và chính đáng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong "Khu vực" dù đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn phức tạp do dịch bệnh đã nhiễm sâu trong cộng đồng.
Mặt khác, người dân trong "Khu vực" đã được ưu tiên tiêm vắc-xin mũi 1 nhưng vẫn có thể bị nhiễm virus và lây truyền cho người khác trong khi độ bao phủ vắc-xin tại các địa phương khác còn thấp; nếu dịch bệnh lan rộng sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra vào "Khu vực". Việc đưa đón người ra, vào "Khu vực" phải được chính quyền các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" và tỉnh, thành phố khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo. Chính quyền TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, thành phố khác ngoài "Khu vực".
Các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" tuyên truyền, vận động và có sự hỗ trợ cần thiết để động viên nhân dân không tự ý di chuyển về quê. Phối hợp đưa công nhân, người lao động đã về quê trở lại các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" để khôi phục sản suất, kinh doanh.
Các tỉnh, thành phố bên trong "Khu vực" thống nhất phương án quản lý người dân di chuyển bên trong "Khu vực" tạo thuận lợi cho khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường các điểm kiểm soát ra vào "Khu vực" đảm bảo trật tự và an toàn.
Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 phối hợp với Bộ Y tế theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo mới khi tình hình thay đổi.
Tối ngày 30-9, Bộ Y tế công bố 7.937 ca ở 36 tỉnh thành, giảm 807 ca so với hôm qua; Có 3.387 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (giảm 373 ca), 4.550 ca cộng đồng (giảm 434 ca).
Trong số ca nhiễm mới, TP.HCM ghi nhận 4.372 ca (giảm 327 ca so với hôm qua). Bên cạnh đó, hôm nay, Bộ Y tế cập nhật bổ sung mã 3.417 ca dương tính phát hiện bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại TP.HCM đã được thông tin vào ngày 28-9. Như vậy tổng số ca nhiễm ngày 28-9 TP HCM là 3.794 ca (Số bổ sung mã này không ghi nhận vào số ca hôm nay).
Như vậy, số ca ghi nhận mới nâng tổng số ca nhiễm trong nước ở đợt dịch thứ 4 này lên 786.208 ca, trong đó tổng số ca nhiễm ở TP.HCM là 388.659.
Có 25.322 người khỏi bệnh trong ngày 30-9, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 608.831.
Trong ngày ghi nhận 159 ca tử vong tại: TP.HCM 106, Bình Dương 30, An Giang 7, Đồng Nai 6, Kiên Giang 3, Tiền Giang 2; Đồng Tháp, Gia Lai, Tây Ninh, Cần Thơ và Quảng Bình mỗi nơi 1 ca.
Bộ Y tế cũng bổ sung 44 ca tử vong trong thời gian trước đó tại: Bình Dương 28 ca, Long An 14, Quảng Bình 2.
Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 19.301 ca, TP.HCM có 14.718 ca.