Bài trên Báo Giác Ngộ số 1270 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Mẹ tỉ mẩn ngồi xếp từng thanh củi cho vào sân hóng chút nắng sớm mai, đặng chúng kịp khô khén còn lấy vô bếp thổi cơm. Cả đàn lợn trong chuồng kêu miết vì đói cũng chờ bàn tay mẹ nấu cám. Mọi thứ trước mắt ngổn ngang, hai bóng già cứ lăng xăng hết chỗ này tới chỗ kia, không biết phải bắt đầu dọn dẹp từ đâu.
Mấy chục năm sống trên đời là từng ấy năm chứng kiến mùa mưa bão to, bé. Cây mít già là một minh chứng cho dòng thời gian khắc nghiệt. Bao nhiêu nhánh chồi lên to xanh rồi lại gãy xuống. May mắn thay cái gốc nó to chắc ôm trọn vào lòng đất nên nó vẫn còn hiện diện cho đến tận bây giờ. Mẹ vừa làm việc vừa nhìn mấy quả mít non rụng lả tả dưới gốc tiếc rẻ. Nếu như không có cơn bão hôm qua thì chắc chỉ vài tháng nữa thôi là có mít chín để ăn rồi.
Rồi mẹ đi ngang về góc bên phải sân, nơi những cành hồng xiêm ngã rạp, trên cành vẫn còn những quả non chi chít. Vừa dọn, mẹ vừa xót. Tuy không nói ra nhưng cách mẹ lâu lâu sờ những quả non thì ai cũng biết bà đang tiếc của lắm. Mà tiếc chứ sao không? Nếu không có cơn bão đêm qua thì chỗ quả ấy sau này cũng được một phiên chợ bán, kiếm đồng ra đồng vào sắm được sách vở cho bầy con. Nếu không thì cả nhà cũng được những trái ngọt lành sau độ non tháng tới. Mẹ nói sau khi dọn xong, chiều nay sẽ gồng gánh ra đồng cào ít rạ ẩm gánh về ủ vào gốc cây mong cây phục hồi đi phần nào sau những hư hại do bão.
Ở góc sân ba ngồi chẻ từng thanh tre đóng cọc vào mấy cây cà tím đang ngã rạp. Có chú hàng xóm đi ngang thấy trêu đùa. Mấy cây cà đó cứu làm sao nổi, trồng thứ khác chắc có lẽ nhanh hơn. Ba nhìn lại không nói gì miệng mỉm cười còn tay vẫn tỉ mẩn làm việc. Ba nói, còn nước còn tát, miễn là cây còn xanh lá, ba cũng sẽ cứu nó tới cùng. Con nắng lên chừng nửa cái đầu, ba kêu bầy con lại bên hiên ngồi ăn đu đủ. Mấy quả đu đủ mới chín tới, ba gọt sẵn. Tuy chưa được ngọt như lúc chín mọng nhưng cũng đã ngon lắm rồi.
Ba lại nhắc nhớ chuyện cơn bão năm xưa. Cái hồi nhà là nền đất và vách nứa. Mỗi mùa bão về khổ vô cùng. Mưa gió tốc mái, ướt hết đồ đạc, lúa gạo. Gặp phải cơn bão to coi như năm đó cả nhà phải “màn trời chiếu đất” hay dắt díu đi ở nhờ bà con lối xóm. Bữa cơm mùa mưa bão đạm bạc: chỉ có ít cá khô, rau dại vườn nhà hay một chút vừng lạc giã nhuyễn nhìn bầy con trệu trạo ăn mà thương vô cùng. Hồi đó con cái chưa đứa nào lớn hẳn. Thằng anh lên năm, còn con em lên ba. Suốt những ngày bão cả hai anh em khóc phần vì sợ, phần nữa vì đói.
Mới đó, vậy mà thoắt cái, bầy con của ba mẹ lần lượt bước qua tuổi ba mươi, trở thành những người lớn. Về quê thăm nhà gặp đúng ngày mưa bão. Tuy nhà kiên cố hơn nhưng sau bão vẫn ngổn ngang, hỗn độn. Sau ngày bão ngồi bên hiên nhìn những tia nắng yếu ớt bắt đầu rọi xuống đống sình bùn. Chúng dự định sẽ đội nón mê cầm chổi dọn sân nhưng ba mẹ gàn kêu cứ ngồi nghỉ đã, dọn dẹp thì để sau. Rồi ba lóc cóc ra vườn nhặt nhạnh những trái cây rụng mang vô nhà. Trong rổ trái cây, vẫn không thể thiếu mấy trái đu đủ vừa chín tới. Mẹ mang theo tô đá bào, ít đường dằm cho bầy con ăn. Dẫu thời gian bầy con lớn tướng nhưng với ba mẹ thì vẫn là những đứa trẻ nhỏ. Vẫn được yêu thương và chiều chuộng.
Với bầy con mùa bão luôn đong đầy với nhiều ký ức và kỷ niệm. Nhưng lạ thay mỗi khi nghĩ về, nhắc nhớ, tuyệt nhiên những điều mất mát đau khổ xưa kia dần dần lùi lại nhường cho những yêu thương đong đầy bên ba mẹ, bên mái nhà và quê hương yêu dấu.