Sao còn khổ đau?

GNO - Bạn hỏi tôi: Đã đọc, đã biết và đã hiểu nhiều giáo lý của Phật sao bản thân còn khổ đau, còn chưa thoát khỏi những vấn đề của chính bản thân mình?

Tôi chia sẻ rằng, giáo lý Đức Phật thậm thâm vi diệu, có thể cả đời này ta cũng chưa thể thấu suốt. Phật là một đại lương y, và giáo pháp của Ngài là thứ thuốc quý có thể giúp chữa lành những tâm bệnh, đau khổ của cuộc đời này. Triết lý Phật giáo cũng là triết lý nhân sinh, triết lý của cuộc đời. Tất cả đều rất gần gũi và thiết thực chứ không hề mang chút màu sắc huyền bí hay siêu nhiên.

Sao còn khổ đau.jpg
Học Phật ta phải ứng dụng vào đời sống thì giáo pháp mới có tác dụng chữa trị khổ đau.
Và khi ấy ta cũng trở thành hoằng pháp viên với bài pháp "thân giáo" - Ảnh: Nguyễn Mậu Lê Quang

Sở dĩ, tôi hay người còn khổ là vì khả năng chuyển hóa những hiểu biết từ giáo lý của Đức Phật vào thực tế bản thân mình, vào hoàn cảnh của bản thân mình còn chưa tốt. Có thể chúng ta tường tận được đâu là nguyên nhân của sự khổ của chính mình; chúng ta biết cách làm thế nào để hết khổ đau nhưng bản thân ta chưa thật sự “hành” được, vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi đó, đạo Phật quan trọng là pháp hành, chính bản thân mỗi người phải hành, phải làm để thay đổi cho chính bản thân mình chứ chỉ có niềm tin thôi và ngồi yên một chỗ để chờ đợi sự thay đổi như chính mong muốn của mình là điều không khả dĩ.

Chúng ta biết rằng mỗi sự biến xảy ra cho ta và xung quanh ta đều có nhân duyên của nó. Đó có thể là nghiệp báo của nhiều đời kiếp, có thể là quả của những hành vi mà chúng ta đã tạo tác trước đó - trong kiếp sống này (nhân), nhưng chúng ta vì cố chấp, hoặc vì chưa đủ trí tuệ mà không nhận ra hoặc không chịu thừa nhận.

Chúng ta chấp nhận vô thường nhưng không chấp nhận mất mát tiền tài danh vọng; không thấy quy luật của đời người là sinh - lão - bệnh - tử mà luôn tiếc thương trước sự ra đi của người thân quý; không chấp nhận lý nhân duyên sinh - trụ - hoại - diệt trong sự hình thành, cao trào và suy tàn của một quan hệ, của những mối nhân duyên mà luôn dằn vặt, đau khổ trước những đổ vỡ, chia ly. Như vậy, có nghĩa là ta chỉ mới chấp nhận bề nổi của hai chữ vô thường thôi.

Chúng ta biết sự công bằng của quy luật nhân - quả nhưng không chấp nhận hậu quả được tạo tác từ chính hành vi của chúng ta!

Có lẽ ai ai cũng đọc, cũng hiểu những giá trị mà triết lý đạo Phật mang lại. Nhưng cái chướng ngại lớn nhất lại nằm ở chỗ chính bản thân chúng ta. Trước vật chất danh vọng, chúng ta luôn có nhu cầu truy cầu. Nếu được chúng ta hạnh phúc, sung sướng; còn khi không được hoặc được rồi mà đang có nguy cơ mất hoặc đã mất thì chúng ta đau khổ.

Và để đạt được mong muốn đang truy cầu hoặc chống lại nguy cơ mất mát đối với những thứ ta đang có, đang sở hữu mà có lúc chúng ta bị dẫn dắt đến hàng loạt các hành vi tiêu cực. Đây chính là cái nhân của những đau khổ về sau. Và khi cái quả này trổ ra, chúng ta lại đau khổ và không chấp nhận đó là những nhân mà chính bản thân ta, chứ không ai khác là người gieo trồng. Về tinh thần, trước cái đẹp, cái dễ mến, dễ chịu ta thường phát sinh ái - thủ - hữu. Chính ham muốn sở hữu ấy là ta đôi khi trở nên ích kỷ, và khi không còn giữ được những gì muốn giữ ta lại có thể là tác nhân của những hành vi tiêu cực; và lại sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu sau này.

Chúng ta đã sống quen với thói thường của cuộc đời. Đó là những thứ được huân tập từ rất lâu và trở thành một thuộc tính ăn sâu, bám rễ của chúng ta. Nhưng để có sự an lạc, tự tại thực sự thì chúng ta phải làm khác đi những gì chúng ta quen và thích làm trong quá khứ và hiện tại.

Không ai khác, không một thế lực vô hình hay siêu nhiên nào có thể giúp chúng ta mà tự thân mỗi người nếu muốn cuộc đời mình thay đổi thì chính bản thân mình phải thay đổi. Bao giờ cũng thế, hành mới khó. Ta có thể nói rất hay, nhưng người thành tựu là người làm được và thấy được sự thay đổi của chính bản thân mình. Đó là kết quả của quá trình tự thay đổi của bản thân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.