Trời vẫn còn nhá nhem, âm thanh của những côn trùng cứ râm ran, dăm ba tiếng gà gáy sáng thỉnh thoảng vang lên… Tôi ngồi đó, lắng nghe từng sự chuyển biến nho nhỏ xung quanh mình, lòng trào dâng những nỗi niềm...
Sài Gòn với tôi là khu vườn ươm mầm những thiện duyên dẫu rằng tôi chẳng thể gắn bó lâu dài với nơi này. Nhớ ngày rời Sài Gòn khoảng 3 tháng trước, tôi còn viết một status trên Facebook cá nhân, hẹn gặp lại Sài Gòn vào một ngày sớm nhất để hoàn thành những việc còn dang dở. Thế rồi ai ngờ, Sài Gòn lại đổ bệnh...
Tôi xa Sài Gòn, trở về nhà để làm tròn bổn phận một người con. Cha tôi bị ung thư trực tràng, phát hiện hơn một năm rưỡi, bệnh tạm ổn một thời gian rồi tái phát lại. Mẹ tôi bị tai biến liệt nửa người gần 3 năm, mọi sinh hoạt đều cần người khác giúp đỡ.
Nhờ Phật pháp, những nội kết giữa tôi và cha mẹ dần được chuyển hóa, bởi tôi hiểu, lòng tôi đã đổi thay theo hướng tốt hơn. Tôi dặn lòng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng sẽ sống và cống hiến với một niềm vui và lòng tin thâm trầm vào những điều tốt đẹp trong con người, trong cuộc sống. Thế là gác lại bao dự định, bỏ qua những kế hoạch, tôi về nhà để chăm sóc cha mẹ.
Ở vùng quê hẻo lánh, dù bận rộn với hai “bệnh nhân” tại nhà, nhưng ngày ngày tôi vẫn dành thời gian để theo dõi tình hình dịch bệnh tại Sài Gòn. Lòng se thắt lại khi số ca dương tính cứ tăng lên từng ngày. Để rồi đến một hôm, người bạn nhắn vào Messenger nhờ hỗ trợ thức ăn về trường hợp cả gia đình ba thế hệ, 4 F0 nhưng chưa được đưa đi cấp cứu, trong nhà hết lương thực vì bị phong tỏa. Tôi hiểu, đó không phải là trường hợp duy nhất… Lòng tôi lặng đi…
Nhìn thư kêu gọi Tăng Ni, Phật tử tham gia vào công tác phòng chống dịch tại TP.HCM của Giáo hội TP.HCM mà lòng tôi day dứt. Tôi ước giá như… Giá như cha mẹ tôi khỏe mạnh, giá như có ai đó có thể thay thế tôi trong lúc này… để tôi có thể tình nguyện lên đường. Nhưng điều ước đó là hoàn toàn không thể.
Tình nguyện viên Phật giáo hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến thu dung số 14 |
Ngày đọc thông tin các tình nguyện viên của Phật giáo và những tôn giáo bạn lên đường đến các bệnh viện dã chiến, tôi xúc động, cảm tác:
“Ta tạm ngưng dời non lấp biển
Làm dăm điều nhỏ xíu có được không? (*)
Nhìn bạn bè bước vào vùng tâm dịch
Nơi quê nhà chỉ có thể thầm mong
Chúc nguyện người đi - về trong an khỏe
Lòng như nhiên dù bước giữa cuồng phong”.
(*) thơ của Lai Thượng Hưng
Thông tin y tế quá tải, thư kêu gọi tình nguyện tham gia chống dịch gửi đến những ai có trình độ y khoa cứ xuất hiện trên newsfeed của tôi kèm theo đó là những hình ảnh các y bác sĩ kiệt sức, ngất xỉu... Thật xót xa!
Từng khoác lên mình chiếc áo blouse, tôi hiểu được phần nào những áp lực, những vất vả lẫn nguy hiểm nghề nghiệp của các nhân viên y tế. Khi nhìn những gương mặt đầy vết hằn do đồ bảo hộ và khẩu trang để lại, tôi thấy lòng hổ thẹn khi chỉ có thể dõi theo tin tức từ xa và trải qua những ngày yên ổn tại vùng quê rừng núi.
Những vết hằn cắt trên mặt, trên tay của bác sĩ Linh, Trưởng Khoa hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy lộ ra khi cởi bỏ lớp đồ bảo hộ sau nhiều giờ làm việc liên tục - Ảnh: Hải Long/Dân Trí |
Tôi có thể làm gì khác hơn? Nhiều bạn bè mừng cho tôi vì tôi không ở trong vùng dịch. Thế nhưng thật lòng, tôi mong giá như lúc này đây, tôi có thể đứng giữa đất Sài Gòn - TP.HCM, cùng Thành phố trải qua những ngày tháng chống chọi với dịch bệnh nhiều đau thương nhưng cũng rất ấm áp tình người. Giá như tôi có thể kề vai sát cánh cùng những y bác sĩ nơi tiền tuyến. Giá như tôi có thể một lần, một lần sẻ chia được nỗi vất vả mà Sài Gòn đang oằn mình gánh đỡ… “Xin lỗi nhé, Sài Gòn ơi!”, tôi nấc lên nghẹn ngào.
Không thể trực tiếp góp sức người, cũng không có nguồn tài chính để góp sức, ngày ngày, tôi chỉ có thể thực hành chánh niệm miên mật hơn; quan sát kỹ hơn mỗi hành động, lời nói, ý nghĩ của mình, ngăn ngừa những bất thiện tâm mống khởi, tập chế tác những niệm thiện lành rồi cụ thể hóa nó bằng việc làm. Để rồi âm thầm hướng nguyện, gửi những năng lượng tích cực nhỏ bé ấy về Sài Gòn với tất cả sự tin yêu.
Mong sao Sài Gòn - TP.HCM sớm khỏe lại.
Bài viết về Sài Gòn mùa giãn cách của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Sài Gòn mùa giãn cách).
Tòa soạn