Sài Gòn - TP.HCM ơi, hãy cố lên

TP.HCM vắng lặng trong đêm giãn cách xã hội
TP.HCM vắng lặng trong đêm giãn cách xã hội
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đã tròn tháng nay, kể từ khi Sài Gòn giãn cách xã hội, Thành phố mang trong mình đầy vết thương do cơn đại dịch Covid-19 gây ra. Ngày nào vào mạng tôi cũng thấy tin về tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn, con số cứ thế tăng dần...

Đây không phải lần đầu tiên thành phố giãn cách nhưng có lẽ đây là đợt giãn cách lâu nhất, nặng nề nhất và hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, rất cần sự chung tay của toàn xã hội để chiến thắng dịch bệnh... Sài Gòn ơi, hãy cố lên!

Sài Gòn - TP.HCM được xem như quê hương thứ hai của tôi, bởi nơi đây có rất nhiều kỷ niệm vui buồn từ những ngày đầu khởi nghiệp cho đến hôm nay. Từ xưa đến nay, Sài Gòn vốn được mệnh danh là “một thành phố không bao giờ ngủ”. Vậy mà, những ngày này, thành phố ấy lại vắng lặng đến lạ thường, không còn những cảnh kẹt xe, hay những buổi tụ tập, “tám” chuyện của người dân ở công viên, các tụ điểm vui chơi đông đúc như chợ Bến Thành, phố tây Bùi Viện… Thay vào đó là những con đường lác đác chỉ vài bóng người, khắp các công viên, quảng trường đều bị căng dây phong tỏa, những tiếng xe cứu thương đưa người đi cách ly vội vã đến đau lòng…

Càng buồn hơn khi mỗi lần lên mạng, tôi thấy bạn bè mình ở Sài Gòn, liên tục cập nhật những hình ảnh từ nhiều khu vực bị phong tỏa, thông báo số ca mắc mới Covid-19 gia tăng mỗi ngày vào 3 khung giờ quen thuộc (6g sáng, 12g trưa và 18g chiều), tôi lại thấy nhớ và thương về thành phố này rất nhiều. Sài Gòn ơi, hãy cố lên!

Hình ảnh của một bé gái F0 mới chỉ có 5 tuổi, một mình ngoan ngoãn bước lên xe y tế của Bệnh viện huyện Bình Chánh để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị Covid-19 gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây, đã tô đậm rõ nét tình hình dịch bệnh tại Sài Gòn đang diễn biến rất phức tạp. Ở cái tuổi chỉ mới lên 5, khi mà những đứa trẻ bị bệnh thường nhõng nhẽo, đòi người lớn bế bồng, thì dường như cháu bé phần nào cảm nhận được mối nguy hiểm của đại dịch.

Hình ảnh ấy truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cho thấy sự khốc liệt, tác động khủng khiếp của dịch bệnh đến đời sống - sức khỏe - kinh tế của từng con người trong xã hội…Và trên hết, hình ảnh cháu bé còn phần nào chứng tỏ cho ý chí kiên cường của nhân dân thành phố mang tên Bác, quyết không gục ngã trước mọi khó khăn và thử thách.

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng với tôi Sài Gòn vẫn như một người anh với tinh thần trách nhiệm cao sẵn sàng san sẻ ngọt bùi, để những người anh em đang trong cơn “hoạn nạn” vượt qua giai đoạn khó khăn của mình. Nhớ những lúc khi người nông dân trên cả nước cần được giải cứu hàng nông sản như vải Bắc Giang, mận Sơn La, dưa hấu Gia Lai... thì người dân Sài Gòn lại xông xáo nhiệt tình kêu gọi từng nhóm, từng đoàn xe giải cứu. Rồi đến khi Đà Nẵng trong giai đoạn dịch bùng phát vào năm 2020, người Sài Gòn lại tiếp tế vật chất, huy động con người giúp sức, phát động các phong trào như vẽ tranh để động viên tinh thần người dân trong tâm dịch. Hay trong những đợt bão lũ của miền Trung, người Sài Gòn cũng luôn “tiên phong” đi đầu trong công tác vận động, kêu gọi chung tay hướng về người dân vùng lũ.

Sài Gòn với với tôi không phải là một phương trời nào thật xa lạ, bởi nơi đây có những người bà con thân yêu, anh, chị, em, bạn bè của tôi vẫn đang từng ngày đối diện với những khó khăn của những ngày chống dịch. Những ngày này, qua trang Facebook của anh, em, bạn bè nhìn thấy đường phố, hàng quán vắng tanh mà lòng dâng lên niềm thương vô cùng. Người anh trai tự lực tự cường ấy mạnh mẽ là thế cũng có lúc gặp phải những cơn trái gió trở trời.

Người dân cả nước vẫn đang hằng ngày lo lắng và dõi theo luôn hướng về Sài Gòn trong sự thắt thỏm, qua tin tức được cập nhật mỗi ngày. Giãn cách nhiều nơi trong thành phố; Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Thành phố vốn là tuyến đầu chống dịch cũng bắt đầu có những ca lây nhiễm; nhiều quận, huyện đã bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng... Vấn đề tối trọng, không kém phần quan tâm lúc này là Bệnh viện Chợ Rẫy và một số bệnh viện khác đang có nguy cơ cạn nguồn máu dự phòng...

Sài Gòn “đổ bệnh” không ít người dân lao đao, nhất là những người lao động chân tay, cố gắng mưu sinh hàng ngày để lo từng bữa ăn thì biện pháp giãn cách xã hội càng khiến cuộc sống của họ khổ càng thêm khổ. Trong tâm thức ai ai cũng hướng nguyện mong thành phố này mau chóng lấy lại hình ảnh hoa lệ, tươi trẻ đầy năng động của mình. Dù có thể chúng ta chưa thấy những chuyến xe hàng cứu trợ nối dài, những ủng hộ vật chất có thể chưa tạo nên làn sóng lan rộng, nhưng tôi tin rằng dân tộc Việt Nam với truyền thống đoàn kết tương thân tương ái sẽ có những động thái thiết thực hơn nữa cùng chung tay với người Sài Gòn để dìu nhau vượt qua giai đoạn khó khăn thử thách này. Sài Gòn ơi, hãy cố lên!.

Bài viết về Sài Gòn mùa giãn cách của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Sài Gòn mùa giãn cách).

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.