Sách mới: Tinh thần Phật giáo bàng bạc trong “Muôn kiếp nhân sinh” phần 2

Sách “Muôn kiếp nhân sinh” phần 2 vừa ra mắt bạn đọc
Sách “Muôn kiếp nhân sinh” phần 2 vừa ra mắt bạn đọc
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chấp niệm, nhân quả, luân hồi… - những bài học Phật giáo được thể hiện dễ hiểu và cuốn hút trong “Muôn kiếp nhân sinh” phần 2.

Nhân vật chính Thomas trong Muôn kiếp nhân sinh là một doanh nhân thành đạt người Mỹ, cũng là người bạn tri kỷ của tác giả Nguyên Phong. Trong phần 1, Thomas đã trải qua các kiếp sống huyền bí, từ nền văn minh Atlantis hùng mạnh đến vương quốc Ai Cập cổ đại của các Pharaoh quyền uy cho đến nước Mỹ thời hiện đại.

Trong phần 2, Thomas tiếp tục hành trình nhân sinh của mình qua ba kiếp sống Assyria, Hy Lạp và thời hiện đại cùng với một đồng môn bí ẩn từ muôn kiếp trước là Kris. Những câu chuyện lạ thường xen kẽ của hai người đã lý giải một cách dễ hiểu những bài học Phật giáo - từ chấp niệm đến nhân quả, luân hồi…

Chấp niệm vẫn còn lại sau cái chết

Chuyện kể rằng, nhân một ngày Thomas đang tham quan ngôi nhà cổ của người bạn cũ, doanh nhân này bỗng nhiên nhìn thấy một ông lão kỳ lạ, hóa ra là một vong linh đã qua đời từ hàng chục năm trước. Linh hồn người kế toán này khẩn khoản nhờ Thomas thực hiện một nguyện vọng: Tiêu hủy giấy tờ ghi lại những khoản chi sai trái của người chủ cũ, bởi vì qua đời đột ngột mà người kế toán đã không thể thực hiện được.

“Đã hơn 80 năm rồi, tôi vẫn canh cánh điều đó trong lòng và chưa bao giờ dám rời khỏi ngôi nhà này. Tôi phải ở đây để giữ cuốn sổ, tránh nó rơi vào tay người khác”, ông lão nói. Nghĩa là, chỉ vì một nhiệm vụ chưa hoàn thành đó mà vong linh của ông mãi không thể siêu thoát.

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Thomas với vong linh người kế toán già có thể giúp chúng ta lý giải bản thân ở đâu trong dòng sông vận mệnh. Gặp gỡ là vận mệnh, được làm việc với ông chủ là nhân sinh; những khoản chi trong bóng tối là nhân, còn cuốn sổ ghi chép là quả. Chấp niệm của người kế toán già là bí mật của ông chủ vốn không nên được lưu giữ, những bí mật mà có thể gây ảnh hưởng tới danh tiếng cho người mà mình từng phục vụ. Nó đã trở thành một phần được lưu trữ trong tàng thức của kiếp này.

“Khi qua đời, con người rời bỏ xác thân vật chất và hiện hữu dưới hình thức khác gọi là thân trung ấm (Bardo) hay vong linh (Spirit). Đây là trạng thái trung gian giữa cái chết và lần tái sinh tiếp theo. Thứ duy nhất thật sự hiện hữu là tàng thức, nó là căn bản của sự tồn tại, là nền móng của mọi tâm thức. Mọi tư tưởng, lời nói, hành động trong một kiếp sống, dù tốt hay xấu, đều tạo ra nhân, hay chủng tử, được lưu trữ trong tàng thức, không bao giờ mất đi”, cuốn sách lý giải.

Muôn kiếp nhân sinh phần 1, 2 - Tác giả: Nguyên Phong

Muôn kiếp nhân sinh phần 1, 2 - Tác giả: Nguyên Phong

Gieo nhân hái quả

Đời người như giấc mộng, nó quá ngắn để chúng ta dừng lại và suy ngẫm cái gì là gây nhân, tạo quả để rồi bước tới thế giới vong linh còn lại chỉ là chấp niệm. Những cuộc gặp gỡ trong Muôn kiếp nhân sinh phần 2 đôi khi quá đỗi đời thường, giống như những gì chúng ta đã và đang trải qua. Nhưng đọc đến sau cùng, ta mới nhận ra, hóa ra mọi hành động hằng ngày đều có thể gây nhân tạo quả, điều mà không ai có thể kiểm soát được.

Thomas và Don C (người chủ mới ngôi nhà của vong linh người kế toán) kết bạn từ mối quan hệ đồng nghiệp đồng thời cũng là kết nhân quả cho cả 2 người. Thomas gặp gỡ vong linh là một phần nhân sinh, giải tỏa chấp nhiệm cho vong linh trả lại bình yên cho nhà Don C là một phần hái quả.

Nhưng cũng có thể là Thomas đang trải lại nhân quả kiếp trước, hoặc nhân mới trong tương lai. Còn theo Muôn kiếp nhân sinh phần 2, khi nào nhân trổ quả thì còn tùy vào nhiều yếu tố khác như chiêu cảm, hành vi tiếp theo và công đức mỗi người.

Nhân quả nương nhau biểu hiện: “Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt”. Đó cũng chính là duyên, nhân duyên sinh. Những hành động nhỏ của chúng ta mỗi ngày có thể tạo ra một kết nối khổng lồ theo thời gian.

Sứ mệnh của luân hồi

Con người chúng ta vốn là loại hữu tình và như trong thuyết Duyên khởi của Phật giáo thì có thể vướng mắc mãi trong vòng luân hồi. Một vòng gieo nhân quả không ngừng rồi vong linh có thể chuyển kiếp tới lục đạo trong luân hồi: Cõi trời, cõi người, cõi Atula, cõi súc sinh, cõi quỷ đói, cõi địa ngục.

Hành trình muôn màu ngược về kiếp trước của Thomas, qua "vùng sa mạc Lưỡng Hà Assyria cho đến Hy Lạp, Ba Tư, Ấn Độ cổ đại qua những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế” đã lý giải cho chúng ta rõ hơn về kiếp sống luân hồi của một con người.

Thomas và người bạn bí ẩn Kris đã cùng nhau tu luyện nhiều kiếp, tuy con đường không giống nhau, nhưng mối liên kết duyên sinh đã khiến họ gặp lại để hoàn tất những lời hẹn và sứ mệnh từ trước. Hay Thomas đã gặp lại những người bạn từ những kiếp sống để học lại những bài học cần học.

Đã có nhân thì ắt có quả, do đó hai người cứ vay trả, trả vay lẫn nhau, kéo dài qua nhiều kiếp sống không chấm dứt. Đó là sự phức tạp của nhân quả trong vòng luân hồi. Và nhiệm vụ của mỗi người là sống một đời biết mở rộng tấm lòng đến mọi người, phát triển tình yêu thương và học những bài học cần học, “thay vì chỉ lo tô điểm cho thể xác vốn nay còn mai mất, trôi nổi từ kiếp này đến kiếp khác trong dòng chảy bất tận của luân hồi”, như Thomas đã giãi bày.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.