Rừng đã xanh chân sóng

GN - “Ông đã biết tin gì chưa? Tay Năng vừa được đề bạt lên chức Phó Chủ tịch tỉnh rồi đấy!”, một người nói với tôi qua điện thoại. Tôi không ngạc nhiên với tin sốt dẻo này, vì mỗi khi nhận xét về Năng, bạn bè hay những người tôi gặp đều bảo: Hắn sẽ còn tiến xa!

Năng là người có bản lĩnh và biết nhẫn nhịn, giỏi hơn sếp nhưng biết thua sếp, nên được cấp trên hài lòng cất nhắc. Tôi và Năng sinh ra ở cùng huyện, lên đại học lại ngồi chung lớp. Cùng một lứa, mà thân phận mỗi người khác nhau. Trong khi con đường quan lộ của Năng lên như diều gặp gió, thì tôi giờ vẫn là anh công chức quèn ở Phòng Nông nghiệp huyện.

aminhhoa st.jpg
Ảnh minh họa

Lên tỉnh mừng ông bạn đồng môn, hay là thôi kệ người ta? Tôi dắt xe máy dong ra bờ biển. Những mầm cây non đang nhú và tiếp tục bền bỉ lan ra hướng biển, chim bay về ngày càng nhiều. Con đê này, rừng ngập mặn này từng một thời tôi và Năng chung lưng đấu cật, với biết bao trở trăn. Vùng biển quê tôi chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nước biển dâng, gây xói lở bờ biển. Nói theo kiểu thời thượng là hậu quả của biến đổi khí hậu.

Dải cát ven bờ nơi đây, xưa kia có hàng trăm héc-ta rừng ngập nước. Một dạo, sóng biển đã làm vỡ nhiều đoạn đê biển dài cả cây số, “quét sạch” rừng ngập mặn. Nước biển tràn vào, đất trồng lúa, hoa màu của người dân bị nhiễm mặn, đành bỏ hoang hóa. Để sống qua ngày, nhiều người dân đã phải bỏ đất, bỏ làng đi nơi khác kiếm kế sinh nhai.

Thuở ấy, tôi đã là Trưởng phòng đê điều và phòng chống lụt bão của huyện, còn Năng thì mới chân ướt chân ráo được điều về làm cấp phó cho tôi. Chúng tôi được UBND huyện giao nhiệm vụ hàn gắn lại con đê, phục hồi rừng ngập mặn. Sau khi đê biển được hàn gắn, nâng cấp, chúng tôi huy động người dân chủ động ra vùng ngoài đê trồng cây lấn biển. Thế nhưng mọi cây non đều chết. Cứ trồng cây xuống cát dưới mặt nước, chỉ vài ngày là bị sóng đánh nổi trôi lềnh phềnh. Rốt cuộc nhiệm vụ trồng rừng ngập mặn thất bại. Quan sát đê, Năng nói:

- Gia cố, nâng cấp đê thế này vẫn chưa ổn, nếu bão to sóng lớn thì đê cũng sẽ vỡ thôi. Cậu để ý mà xem, dân công lấy ngay đất ở phía dưới chân đê để đắp lên hàn gắn đê. Như vậy, vô tình đã khoét sâu xuống làm yếu nền móng, thì làm sao đê đủ sức chống chọi trước sóng gió?

Tôi băn khoăn đáp lại:

- Nếu đưa hàng nghìn khối đất từ nơi cách xa cả km ra đây thì đòi hỏi kinh phí lớn lắm. Để lúc nào tiện đề xuất cấp trên, chứ giờ xin tăng nguồn ngân sách cho đê e khó được chấp nhận.

Năng đưa ra lời nhận xét:

- Cấp trên tin tưởng vào khối kè bê-tông chắn sóng, nhưng khả năng chắn sóng của bê-tông sao đọ được với sức bền của dải rừng ngập mặn. Nay dải rừng ngập mặn mất rồi, nguy cơ vỡ đê sẽ luôn hiện hữu hàng năm.

Quả lời Năng nói không sai. Chỉ vài tháng sau, cơn bão số 4 đổ bộ đúng lúc triều cường. Những tấm kè bê-tông bị sóng đánh bật ra khỏi đê, cả mảng lớn đất đá bị cuốn trôi. Đê vỡ toác nham nhở. Ông Thành - Chủ tịch huyện được tin vội vã đội mưa ra thị sát hiện trường, theo sau là các cán bộ văn phòng ủy ban huyện và các phòng ban. Vừa nhác trông thấy tôi, Chủ tịch huyện đã lên giọng mắng xơi xơi về cái “tội” quản lý, hộ đê kém cỏi, chểnh mảng để đến nỗi đê năm nào cũng bị vỡ.

Tôi cãi: “Thưa chủ tịch, quy trình kỹ thuật nâng cấp đê còn nhiều bất cập! Dân công lấy đất ở ngay sát phía dưới chân đê để đắp lên đê. Làm vậy, tức là đã khoét sâu xuống làm yếu nền móng của đê, không vỡ mới là lạ. Đề nghị cho tăng kinh phí ở khâu đắp đê, vận chuyển đất từ chỗ khác đến đắp đê, thì mới chống được sóng, bão”.

Không đợi tôi trình bày hết, ông Thành sẵng giọng:

- Anh đừng trứng khôn hơn vịt! Tôi cũng từ công tác đê điều mà lên, kinh nghiệm đầy mình, lại không hiểu bằng anh phỏng? Từ xưa đến nay, đắp đê đều theo quy trình như thế này. Có bao giờ phải vận chuyển đất từ nơi khác đến đâu? Nay, đê còn được gia cố bằng kè bê-tông, vậy là công nghệ cao hơn hẳn, thì còn bất cập ở chỗ nào? Đê vỡ là do các anh chểnh mảng, không tuân thủ phương châm “bốn tại chỗ”. Nghe chửa!

Tôi tiếp tục cãi, cố phân tích, mong muốn ông nhận ra vấn đề. Nhưng trước đám “bộ hạ”, dường như ông cố tình không hiểu. Sau một hồi sa sả mắng tôi như kiểu cả vú lấp miệng em, ông Thành bỏ về huyện. Chủ tịch huyện đi rồi, Năng mới bảo tôi: “Sao cậu tranh luận hơn thua với cấp trên thế? Muốn sáng kiến được cấp trên tiếp nhận thì phải thật khéo. Hãy biến sáng kiến của mình thành sáng kiến của sếp, cậu hiểu chứ”.

Năng nói tiếp:

- Nếu sếp thấy chúng ta giỏi hơn ông ấy, là chúng ta đang tự tìm rắc rối cho mình đấy. Đừng tỏ ra mình giỏi hơn mà hãy khiêm nhường, thậm chí phải cố tỏ ra ngu ngu một tí.

Rồi Năng kể chuyện lịch sử Trung Quốc thời Xuân thu Chiến quốc. Ngũ Tử Tư được Ngô vương là Hạp Lư phong làm đại tướng, mang quân đánh nước Sở. Ông vạch một kế hoạch tác chiến tài tình đến mức chỉ một trận là vua quan nước Sở đều phải đầu hàng. Ngũ Tử Tư rất tài, song ông cũng là người rất dại. Cái dại lớn nhất của Ngũ Tử Tư là luôn chứng tỏ mình tài hơn vua. Khi Hạp Lư chết, con là Phù Sai tôn Ngũ Tử Tư là á phụ (như chú ruột) và phong làm tướng quốc. Nhưng, Ngũ Tử Tư luôn để lộ, khoe cái tài của mình, nên rốt cuộc bị Phù Sai giết chết. “Cấp dưới có thể rất giỏi, nhưng không được phép giỏi hơn sếp. Đây là một nguyên tắc sống bất di bất dịch. Nếu nhân viên luôn chứng tỏ mình giỏi hơn sếp thì chắc chắn sẽ bị đuổi việc”, Năng nói, rồi ôn tồn:

- Thiên hạ nhiều người tài lắm, nhưng người tài nhất là người biết giấu tài của mình. Lão Tử - nhà triết học lỗi lạc được cả thế giới tôn là “túi khôn của nhân loại” nhưng sinh thời, ông sống khiêm nhường đến mức không ai biết ông là người đại tài. Nếu như thời đó Lão Tử cũng hàng ngày xông vào triều, dạy vua rằng phải làm thế nọ, phải làm thế kia thì chắc chắn ông đã bị phanh thây.

*

Chúng tôi tiếp tục được chỉ đạo phải hàn gắn lại đê bị vỡ. Năng “tham mưu” cho tôi, phần lớn đê vẫn đắp theo quy trình cũ, chỉ dành ra một đoạn khoảng 50 mét là đắp theo sáng kiến mới, vận chuyển đất từ nơi khác đến đắp. Mùa mưa bão năm sau, lặp lại kịch bản vỡ đê. Riêng đoạn đê thí điểm của Năng thì vẫn đứng vững. Lần này ông Thành lại đi thị sát. Tôi muốn tránh mặt ông Thành, để cho Năng tiếp Chủ tịch huyện. Ông Thành nói gì, Năng cũng chỉ vâng dạ. Khi đi trên đoạn đê không bị vỡ, tự nhiên ông Thành nhíu mày suy nghĩ, rồi hỏi Năng:

- Với kinh nghiệm của tôi, đoạn đê chỗ này vốn xung yếu nhất, lẽ ra nó phải vỡ cả đoạn này nữa mới phải. Cậu thử suy nghĩ xem, đoạn đê chưa vỡ này có gì khác với dải đê bị vỡ không?

Lúc này, Năng mới nhẹ nhàng:

- Thưa Chủ tịch! Chỗ đê này năm trước cũng bị xói lở hết, không còn đất để đắp, nên người dân phải lấy đất từ xa đem đến đây gia cố đê. Có lẽ vì không lấy đất dưới chân đê đắp lên mặt, nên đê vững hơn ạ.

Nghe xong, ông Thành không nói gì, tiếp tục đi thị sát những đoạn đê bị vỡ.

Mùa hàn gắn gia cố đê năm ấy, chúng tôi thấy ông Thành trực tiếp đến đôn đốc tại công trình. Khi chứng kiến dân công đắp đê theo quy trình cũ, thì ông Thành sốt sắng chỉ đạo:

- Sao các cậu tối dạ thế! Làm việc phải biết vắt óc suy nghĩ, tìm ra giải pháp hiệu quả chứ! Nghe tôi chỉ đạo đây: Hãy lấy đất từ xa đến đắp đê. Tôi sẽ ký quyết định tăng kinh phí cho khâu vận chuyển đất đến. Không được đào đất sát chân đê, sẽ làm yếu đê, dễ vỡ hiểu chưa?

Rồi ông quay ra nói với đám “bộ hạ” là lãnh đạo các ban ngành trong huyện:

- Tôi làm việc gì cũng phải suy nghĩ, tìm ra giải pháp hiệu quả.

Thế rồi năm ấy, mùa mưa bão đến mà đê không còn bị vỡ nữa. Trong một hội nghị toàn tỉnh, rồi hội nghị trung ương về công tác đê điều, người ta thấy ông Chủ tịch huyện tôi đăng đàn, trình bày về cái sáng kiến cải tiến trong khâu đắp đê, đã đem lại hiệu quả thiết thực. Dĩ nhiên là ông khẳng định, cái giải pháp mới này là do ông trăn trở phát kiến ra.

Tôi hậm hực bảo Năng: “Rõ ràng sáng kiến đó của chúng ta, thế mà ông ấy lại khoe là của ông ta”. Năng an ủi: “Không nên tranh luận sáng kiến đó là của ai, cậu ạ! Điều quan trọng là giải pháp tốt đã được ứng dụng để đem lại hiệu quả”.

Tôi và Năng tiếp tục trăn trở tìm ra giải pháp khôi phục rừng ngập mặn. Thấy nguyên nhân cây chết là do thiếu sự bảo vệ bởi lực tác động của sóng trong giai đoạn tăng trưởng của cây giống. Năng nghĩ ra cách dựng hàng rào bằng cọc phi lao, cọc gỗ để phá sóng và giữ bùn, giảm đến mức thấp nhất sức mạnh của sóng làm xói lở bờ biển. Hàng rào phá sóng được bố trí lớp ngoài, hàng rào giữ bùn được dựng bên trong, rồi sau đó mới đặt những bầu cây ngập mặn xuống dưới nước biển. Quả nhiên cây mới trồng không bị sóng đánh bạt đi và không còn bị nhổ lên nữa. Trồng cây thành công rồi, nhưng Thành dặn tôi:

- Cậu đừng vội khoe, hay kiến nghị giải pháp này lên cấp trên nhé. Ông Thành không thích cấp dưới có sáng kiến giỏi hơn mình. Muốn giải pháp này được nhân rộng, chúng ta phải khéo léo biến sáng kiến đó thành sáng kiến của Chủ tịch huyện.

Một thời gian sau, người ta thấy ông Chủ tịch huyện chỉ đạo áp dụng kỹ mới trong việc trồng rừng ngập mặn, với hàng rào chắn sóng đi trước, cây ngập mặn theo sau. Cả huyện đều nghĩ đây là sáng kiến của ông Thành, chỉ riêng tôi biết chính Năng mới là tác giả của kỹ thuật đó. Người ta lại thấy ông Thành trình bày sáng kiến mới này ở trên tỉnh và trung ương, sau đó được cả tỉnh, rồi Bộ cũng chỉ đạo áp dụng.

Rồi một ngày, Năng được cất nhắc lên thay vị trí trưởng phòng của tôi, tôi bị đẩy xuống làm phó cho Năng. Tôi biết mình kém tài hơn Năng, nên vui vẻ chấp nhận. Đường công danh của Năng lên như diều gặp gió, chẳng mấy chốc nhảy ngay lên chức phó chủ tịch huyện. Khi ông Thành lên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì Năng lên Chủ tịch huyện. Rồi ông Thành lên Phó chủ tịch tỉnh, Thành cũng khăn gói lên tỉnh làm Giám đốc Sở. Với sự trải nghiệm, Năng lại sống khép mình giả bộ khiêm nhường. Hắn biết tại sao ông Thành lại chọn mình. Ông Thành không muốn chọn thằng giỏi hơn để khó sai bảo, vớ vẩn có khi nó làm phản như chơi. Đã có nhiều người là cấp dưới của ông Thành giỏi thật sự, chỉ hơi nổi trội một tý đã bị cho ra bã, phải tìm cách bán xới. Riêng Năng thì luôn được ông Thành ưu ái, coi như tay chân thân tín. Một bận, Năng bảo tôi: đã làm cấp dưới thì  phải có bản lĩnh của cấp dưới! Muốn trụ được, cơ hồ có cơ hội thăng tiến, thì trước cấp trên, phải biết nhẫn nhịn và im lặng. Có sáng kiến thì đừng vội bù lu bù loa lên, sẽ chẳng ai dùng, mà phải biết khéo léo dâng sáng kiến đó lên cấp trên.

Mối quan hệ của Năng ngày càng được mở rộng. Hắn tâm niệm: Làm quản lý bây giờ trình độ chỉ cần ba mươi phần trăm, thậm chí chả phần trăm nào, vì chỉ phán đại vài câu, làm cụ thể đã có bộ máy giúp việc, nhưng quan hệ dứt khoát phải trên bảy mươi phần trăm, bởi quan hệ không tốt, cấp trên và các đối tác không ủng hộ, giỏi mấy cũng vứt. Chỉ cần vài ông có thẩm quyền lúc uống rượu gật gù: “Cái thằng ấy được đấy”. Thế là đời lên tiên. Tôi thì không biết ứng dụng những “sách lược” như Năng. Và thế là từ chức Phó phòng, tôi bị đẩy xuống làm nhân viên quèn.

Chiều nay tôi lại đứng trước biển. Ngắm nhìn những mầm cây non đang nhú và tiếp tục bền bỉ lan ra hướng biển. Chim bay về ngày càng nhiều. Rừng ngập mặn liên tục hồi sinh, đê biển vững vàng trước sóng gió. Đã lâu rồi Năng không trở lại nơi này để nhìn thành quả trồng rừng cứu đê biển. Bạn tôi còn mải bận bịu với biết bao “công to việc lớn”.

Mặc kệ ai đó bươn chải trên đường công danh. Đứng trước biển, đứng trước rừng ngập mặn xanh ngút ngàn - lá chắn che chở cho xóm làng, cho đời người, lòng tôi vô cùng thanh thản.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.