Pho tượng đồng bí ẩn ở Phật viện Đồng Dương

Năm 1978, những người dân đi dò tìm phế liệu phát hiện ở Phật viện Đồng Dương một bức tượng phụ nữ bằng đồng thau, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm-pa Đà Nẵng. Thế nhưng xung quanh bức tượng này, còn nhiều câu chuyện bí ẩn...

Phật viện Đồng Dương nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình, Quảng Nam là khu di tích (KDT) quan trọng bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chăm-pa. Trải qua thời gian bị tàn phá bởi thiên tai và chiến tranh, hiện KDT gần như là một phế tích... Năm 1901, L.Finot - học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật tìm thấy ở Đồng Dương, trong đó có tượng Phật bằng đồng cao 108cm, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Năm 1902, H. Pamentier - nhà khảo cổ học người Pháp tiếp tục khai quật khu Đồng Dương, đã tìm thấy khu kiến trúc chính của thánh địa này cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá... Tới năm 1978, những người dân đi dò tìm phế liệu lại phát hiện ở Đồng Dương một bức tượng phụ nữ bằng đồng thau, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm-pa Đà Nẵng. Thế nhưng xung quanh bức tượng này, còn nhiều câu chuyện bí ẩn...

wwwTTWA.jpg

 Tượng Nữ thần được người dân Đồng Dương phát hiện năm 1978,
hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Trở lại chuyện tìm thấy tượng Nữ thần

Qua nghiên cứu từ nội dung tấm bia tìm thấy ở KDT Đồng Dương, theo các nhà nghiên cứu về khảo cổ học năm 875, vua Indravaman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmidra Lôkesvara Svabhyada. Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua các nội dung bi ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Cũng theo nội dung văn bia này, thì đây cũng là nơi xây dựng kinh đô mới của triều đại vua Indravaman II, với quy mô, chiều dài kinh thành 1.330m, trong đó riêng khu Phật viện gồm nhiều đền tháp có thành vây quanh dài 326m, rộng 155m. Đây là một quần thể kiến trúc Phật giáo Chăm-pa được đánh giá là lớn nhất ở Đông Nam Á.

Ông Trà Tấn Túc - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, toàn bộ KDT Phật viện Đồng Dương nằm trên địa phận thôn Đồng Dương của xã. Ông Túc và ông Nguyễn Tấn Năm - cán bộ phụ trách tuyên giáo của xã cùng góp chuyện: Sau năm 1975, cũng như nhiều KDT văn hóa lịch sử khác, Phật viện Đồng Dương cũng không nằm trong sự quản lý của chính quyền và ngành chức năng nào, người dân tha hồ tự do đi vào KDT đào bới lấy gạch đá về xây dựng nhà cửa, các công trình phục vụ cho sản xuất như lò ép mía, bể nước, thậm chí cả chuồng heo, chuồng bò... Đặc biệt, ở địa phương lúc đó rộ lên “cơn sốt” đi tìm kho báu, vàng, đồ quý hiếm ở khu Phật viện và các di tích, mộ chí cổ của người Chàm xưa... KDT Phật viện bị đào bới, đã tan hoang lại càng tan hoang hơn.

Vào giữa năm 1978, một nhóm người dò tìm phế liệu ở làng Đồng Dương bất ngờ phát hiện và đào đươc một pho tượng phụ nữ bằng kim loại, có chiều cao khoảng 1,2m, nặng chừng hơn 100kg. Bức tượng được đúc là một phụ nữ, có gương mặt tròn, mái tóc được búi cao hình chóp, phía trên có hình Phật A di đà, giữa trán có con mắt thứ 3. Thân trên tượng để trần, có bộ ngực lớn và tròn, thân dưới tượng mặc sarong dài chấm mắt cá chân, tấm choàng ngoài sarông xếp nếp hình luống cày, cuộn vào trong lật một múi ra ngoài. Bức tượng đứng thẳng, hai tay để trần dọc theo theo thân, hai cánh tay đưa về phía trước.

Theo ông Túc và ông Năm, một tay bức tượng cầm một nhánh trái cau, tay kia cầm một quả đào, hay quả lựu gì đó. Bức tượng được người dân cất giữ trong làng như một báu vật, mãi đến năm 1981, thông tin bị tiết lộ ra ngoài, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ra quyết định thu hồi, rồi ngành chức năng về yêu cầu người dân phải giao nộp, đưa bức tượng ra Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lưu giữ. Cho rằng bức tượng là tài sản riêng của làng, nhiều người dân làng Đồng Dương đã khiếu kiện, họ không tin bức tượng đang được Nhà nước quản lý mà đã rơi vào tay cá nhân nào đó. Để giải quyết sự việc, cơ quan chức năng đã phải cho xe về đón những người khiếu kiện ra Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng để họ tận mắt chứng kiến bức tượng đang được lưu giữ tại đây. Ông Túc bảo, trong số khoảng 60-70 người được đi xem bức tượng hồi đó, có cả ông cùng tham gia.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là bức tượng Bồ tát Laskmindra-Lokesvara, bức tượng Nữ thần bằng đồng lớn nhất trong nghệ thuật Chăm-pa, quan trọng nhất ở vùng Đông  Nam Á. Cũng theo các nhà nghiên cứu, trên tay bức tượng này cầm hai đóa hoa sen...

Pho tượng đồng bí ẩn ở Phật viện Đồng Dương ảnh 2

 Tấm bia ký còn lại tại KDT Phật viện Đồng Dương, được các nhà khoa học xác định về nguồn gốc lịch sử khu kiến trúc Phật giáo Chăm-pa. Ảnh: H.T

“Báu vật” đã qua 5 đời Chủ tịch xã cất giữ

Sẽ chẳng có gì để nói nữa, khi bức tượng Nữ thần đã được giao cho ngành chức năng quản lý như đã nêu. Thế nhưng ít ai biết được, trước khi giao bức tượng cho cơ quan chức năng, người dân đã bẻ những vật trên tay bức tượng, mà như ông Túc và ông Năm đã kể là một nhánh cau và một trái đào, hay lựu gì đó. Biết được chuyện, UBND xã đã yêu cầu người dân giao nộp cho UBND xã, mà trực tiếp ông Huỳnh Công - Chủ tịch UBND xã lúc đó tiếp nhận và cất giữ. Chẳng biết có bí ẩn gì từ những vật cầm trên tay bức tượng này hay không mà việc quản lý, cất giữ những vật này của Chủ tịch UBND xã cũng vô cùng... bí mật. Không ai biết chính xác nó nằm ở đâu, hình thù thế nào, bằng kim loại gì? Người ta chỉ xầm xì, bàn tán với nhau đó là những vật rất quý, có thể được đúc bằng vàng, hay đồng đen. Có thể gọi nó là “báu vật”. Ở UBND xã cũng chỉ có ông Chủ tịch xã và ông Bí thư Đảng ủy xã được quyền quản lý “báu vật”. Cứ thế, hết thời ông Công làm Chủ tịch, “báu vật” lại chuyển sang cho ông Điển, rồi ông Thiệp, ông Việt... và đến bây giờ là ông Trà Tấn Túc cất giữ, quản lý (ông Túc nhận chức Chủ tịch UBND xã từ năm 2001).

Trong chuyến thực hiện bài viết này, gặp ông Túc, ông Túc thừa nhận và khẳng định, đúng là “báu vật” đã “truyền” tới ông là 5 đời Chủ tịch UBND xã quản lý. Thế nhưng khi đề nghị ông Túc cho chúng tôi được xem “báu vật”, nhưng ông Túc vẫn nhìn chúng tôi đầy dò xét, ngờ vực... Lúc đầu ông đồng ý sẽ cho chúng tôi xem, nhưng không được chụp ảnh. Thế nhưng ngay sau đó ông thay đổi ý định, mặc cho chúng tôi tìm mọi cách thuyết phục và cả giải thích bằng “lý luận” pháp luật. Ông rút điện thoại ra nói là báo cáo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã xem thế nào đã, nhưng ông lại gọi cho một cán bộ văn phòng ủy ban, dẫn chúng tôi ra KDT Phật viện, rồi trả lời thẳng: “Không được, các anh muốn xem phải có một cuộc họp thường vụ đã...”.

Tại KDT Phật viện đổ nát nằm giữa làng Đồng Dương, thấy chúng tôi đến, bà con kéo ra rất đông. Ông Trà Diếu (84 tuổi), một trong những người biết rõ về việc dân làng đào được bức tượng nữ thần năm 1978 lại cho chúng biết: “Không phải những vật cầm trên tay bức tượng là nhánh cau với quả đào đâu, đó là hai búp sen đấy. Nhưng hai vật đó từ lâu các ông Chủ tịch UBND xã cất giữ, người dân chúng tôi cũng không biết họ cất ở đâu, để làm chi cả, chịu thôi... nhưng đó là “báu vật” đấy...”.

Được biết, tháng 8-2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã có hội thảo bàn về công tác quy hoạch, khôi phục lại KDT Phật viện Đồng Dương. Nơi đây vẫn là một đề tài nghiên cứu vô cùng giá trị của các nhà khoa học và các cơ quan chức năng về văn hóa, kiến trúc lịch sử Chăm-pa và nhân loại. Việc cất giữ những hiện vật như đã nói trên ở UBND xã Bình Định Bắc, rất cần các ngành chức năng địa phương đến T.Ư xem xét và có biện pháp thu hồi, quản lý theo đúng quy định Luật Di sản Văn hóa, phục vụ cho công tác bảo tồn, bảo tàng và nghiên cứu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.