Phật trong đời

GN - 1. Thi thoảng bạn vẫn thường tới chùa, dẫu bạn chưa phải là Phật tử theo nghĩa “quy y Tam bảo”, có pháp danh, có phái quy y như mình. Bạn đến chùa không phải để cầu xin một điều gì cho mình mà tới để ngắm Phật, để cảm nhận lòng mình bình an lạ lùng - theo cách bạn nói.

Phật trong đời.jpg

Đức Phật hiện diện trong cuộc sống của mỗi người khi mình sống có chánh niệm - Ảnh minh họa

Bạn kể: “Mỗi khi tới chùa tớ như quên hết ưu phiền của thế gian, những được, mất, hơn, thua hay những lao chen của cuộc sống bộn bề không còn “đất” sống khi tớ ngồi trước tôn tượng Đức Thế Tôn, khuôn mặt Ngài lúc nào miệng cũng mỉm cười, đôi mắt nhìn xuống đầy từ bi...”.

Nghe bạn chia sẻ, mình hiểu “cảnh giới” bình an mà bạn trải qua vì mình đã từng rất nhiều lần đến chùa giống bạn, cảm giống bạn; hồi đó mình cũng chỉ mới là người mến đạo chứ chưa quy y như bạn bây giờ. Mà thực ra, khi mình hiểu yếu nghĩa của hai từ quy y, thì mình ngộ ra rằng mình đã là Phật tử ngay từ khi mình quay về nương tựa Phật, “giao phó” thân tâm của mình cho Phật khi đối trước Ngài với một niềm tin yêu sâu sắc.

Thiền và Định. Ngắm Phật và lắng dịu mọi lao xao. Đó chính là thiền-định. Mình “cắt nghĩa” như thế cho mình và cho bạn khi mình cùng bạn đi chùa, cùng ngồi ngắm Đức Thế Tôn. Tới chùa để không nghĩ ngợi quá khứ, không lo âu tương lai chính là đang hành thiền, mình nói vui với bạn rằng đó là thiền “ngồi chơi với Phật”. Bạn cười tủm tỉm xem chừng hiểu và tâm đắc với điều mình nói.

2. Một sáng, mở facebook ra xem và thấy trên trang chủ có phần bài viết của bạn với một “góc tĩnh lặng” gồm một tượng Phật, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, một bình hoa, một cái chuông nhỏ, kiểu chuông Huế xinh xinh. Bạn khoe với thế giới bạn bè: “Đây là góc tĩnh lặng của tớ”. Và bạn kể về những công phu của bạn nơi góc trọ nhỏ xinh mà có lần mình ghé sang thăm (chừng 10m2) như: công phu “ngồi chơi” với Phật, công phu uống trà, công phu nói chuyện với hoa, công phu lắng nghe chính mình…

Sở dĩ bạn nâng những hoạt động đó thành “công phu” là bởi bạn cần một thời khóa nghiêm túc chứ không phải thích hoặc rảnh thì làm, không thích thì thôi, lăn ra ngủ khi lười biếng. Và hơn hết, theo bạn, khi ngồi chơi, hoặc uống trà, ngắm hoa một cách có ý thức, chánh niệm thì khi đó mình cũng đang “công phu”, thực tập theo lời Phật dạy.

Bạn bè, trừ mình, dạo này thấy bạn “khác khác”. Không khác sao được, khi ngày xưa bạn lúc nào cũng buồn bã, than chán, than cuộc sống bất công, than về chỗ làm không như ý… mà nay thì gặp ai bạn cũng mỉm cười bảo cuộc sống vốn cần những lúc không như ý để thấy nó có giá trị rèn bản thân mình lắm; đừng phụ rẫy những lúc khó khăn, bởi nó là cơ hội để mình… trả nợ!

Mình đọc được tâm tư của bạn bởi bạn đã “chậm” hơn kể từ khi biết đi chùa, rồi đến thi thoảng đến chùa và ngồi chơi với Phật, để khi về nhà thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản như không mang một thứ gì trong tâm. Có lẽ vì mình và bạn đều đã quay về nương tựa Phật và thấy Phật rất gần gũi nơi mình, như là sớm mai lạy Phật, nghe tiếng chuông và xả bỏ những ghét ganh, chỉ giữ lại mỗi tâm niệm: nguyện cho ai cũng an lạc, hạnh phúc, thảnh thơi, ai cũng bỏ hết những “cục đá” ở trong lòng…

3. Thời hiện đại, người ta mang “đá” (phiền não, bạo động…) nhiều lắm! Bạn viết status như thế. Có người hỏi bạn đã bỏ đá chưa, sao mà thấy đá hay vậy. Bạn bảo đã và đang bỏ dần dần. Thấy đá vì biết lắng nghe hơi thở, thấy hơi thở vào-ra nên tiếp xúc được với hiện tại, và thấy Phật về trong từng hơi thở vào-ra đó.

Có người cắc cớ hỏi Phật là gì? Bạn khéo léo trả lời: “Phật không phải là tượng xi-măng hoặc tượng đồng ngồi trong chánh điện, mà Phật là bậc tỉnh thức, có trí, bi viên mãn; bạn nói theo cách mà thầy Làng Mai định nghĩa. Rồi bạn bảo khi mình quay về nương tựa Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng) thì mình sẽ bỏ được mớ đá trong lòng, bởi khi đó mình thấy được mọi cái đều vô thường, đều là giả tạm, do nhân-duyên mà hợp rồi tan…

Mỗi khi vào “nhà” bạn trên mạng internet (facebook) mình lại thấy an ủi, thấy nhẹ cả người như là đang thực tập thở, như là khi đang ngồi chơi trong căn gác trọ cùng bạn, có lẽ vì bạn đã diễn bày những điều rất thật từ cái thấy, từ thực chứng của bạn chứ không phải là những ba hoa, sách vở. Phật đã có mặt trong bạn khi bạn biết quay về lắng nghe hơi thở, lắng nghe bi-trí vốn có trong bạn, trong chất Phật (Phật tánh) mà bạn đã lãng quên cũng như mình từng quên lãng.

Từ khi gặp thầy, gặp Phật giữa “gió xuân” nơi cao nguyên đó mình đã lột xác, và bạn đã lột xác khi cùng mình ngồi chơi với Phật lần đầu tiên. Lần đó, hai đứa đã ngồi ngắm Phật mà không nói năng chi hết, chỉ nghe hơi thở vào-ra mà thôi. Đến bây giờ, sau nhiều lần “ngồi chơi”, nhiều lần trải nghiệm với hơi thở và học hỏi lời Phật dạy, bạn đã dọn sẵn cho mình một con đường đi, rằng mỗi khi đi, đứng, nằm, ngồi phải luôn nhớ Phật. Nhớ Phật là nhớ lời dạy của Ngài về bi, trí, về khổ đau và con đường giải thoát những nỗi khổ niềm đau ấy. Thế là lại nhẹ tênh, dẫu cuộc đời hoang phế, những tâm hồn cằn cỗi vì mọc lên trên đá của những người trẻ trong thời đại này có đang nhiều lên gấp bội lần.

4. Học ở bạn, mình học được một niềm tin bất diệt rằng: “Cuộc sống này là một điều đáng trân quý, nên phải sống có ý nghĩa, sống có chánh niệm, yêu thương và lắng nghe để hiểu và thương cho đúng…”.

Phật đối với mỗi người có khác nhau về cách nhìn bởi mỗi người đến với Phật bằng một ý niệm khác nhau. Ai tìm về với Phật là vì muốn tìm về với thật tâm (chứ không phải để cầu xin đủ thứ, như bạn) thì sẽ thấy Phật là một bậc giác ngộ gần gũi, ở trong mình và bên mình mỗi ngày chứ không phải xa xôi ở thế giới nào đó. 

Và khi mình sống có chánh niệm, biết thương yêu thì mình cũng là “sứ giả” của Như Lai, chính mỗi người Phật tử (theo nghĩa quay về nương tựa Phật, bậc tỉnh thức vẹn toàn chứ không phải chỉ là người được làm lễ quy y, có phái quy y) là người làm cho những lời dạy, những nguyên tắc đạo đức, những giá trị bình an, giải thoát của Phật được tuyên lưu giữa nhân gian, giữa cuộc sống này một cách tinh tế, thật nhất, đẹp nhất… Đấy chính là những Phật tử chân chánh như bạn, đã làm cho hình ảnh Phật sống động giữa cuộc sống, nơi công sở, trên đường phố, trong quán ăn… chứ không phải chỉ có ở những nơi thâm nghiêm, khói trầm nghi ngút rồi phụt tắt giữa biển đời chìm nổi với những lao chen, tham đắm ngút ngàn.

Mình nghĩ thế và trân trọng nhìn ngắm Phật trong nếp sống chan hòa của bạn, trong tư thế ngồi khi uống trà, trong cách bạn sống sẻ chia khi có duyên với ai đó, khi nghe một chương trình thiện nguyện đến với trẻ em nghèo, người già neo đơn ở đó đây, bằng tất cả hiểu biết, thương yêu và tâm lượng mong cho người ta biết khổ, bớt khổ, biết quay về nương tựa Phật trong mình, “thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ-đề”...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.