Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Kon Tum lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2027, Hòa thượng Thích Quảng Xả, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum đã có buổi chia sẻ với báo Giác Ngộ. Nói về công tác Phật sự của tỉnh nhà trong 5 năm qua, Hòa thượng cho biết:
- Trong nhiệm kỳ vừa qua, tất cả 9 huyện trên toàn tỉnh đều đã có một ngôi chùa là điểm sinh hoạt tôn giáo cho các tín đồ người Kinh và dân tộc thiểu số, giúp họ có cơ hội tiếp cận với Phật giáo, hướng đến một cuộc sống tốt đời, đẹp đạo hơn. Ban Trị sự huyện Đắk Hà được thành lập, văn phòng đặt tại chùa Khánh Phước là điểm nhấn đáng chú ý nhất, tạo điều kiện rất lớn trong việc điều hành các hoạt động Phật sự phục vụ bà con vùng sâu vùng xa.
Số lượng Tăng Ni cũng có sự chuyển biến, con số 75 tu sĩ đang hoạt động Phật sự so với 40-50 vị của các nhiệm kỳ trước đây cho thấy nhân sự kế thừa đang được quan tâm chú trọng. Trình độ, đạo hạnh của các vị này được đào tạo bài bản, quy củ cùng với lòng nhiệt huyết phụng sự đạo pháp sẽ là tiền đề giúp Ban Trị sự hướng đến bà con dân tộc vùng sâu hơn.
Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ban Trị sự cũng đồng tâm, chung tay với chính quyền tỉnh Kon Tum ủng hộ vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn. Chính từ sự đồng bộ, kịp thời đó mà không có một trường hợp nào bị bệnh nặng hoặc tử vong, đây là một thành công lớn trong việc chăm lo đời sống người dân của Phật giáo tỉnh.
Hòa thượng Thích Quảng Xả, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum |
* Thưa Hòa thượng, vậy có phải con người là nhân tố chính mang đến những thành công của Ban Trị sự trong nhiệm kỳ vừa qua?
- Có thể khẳng định như vậy, từ chư tôn đức thường trực cho đến các thành viên trong Ban Trị sự, Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn là nhân tố mang đến sự thành công của Phật giáo tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ vừa qua. Thường trực Ban Trị sự đều tổ chức các kỳ họp định kỳ vào mỗi tháng để bám sát tình hình, hướng dẫn, nhắc nhở Tăng Ni trong mọi hoạt động Phật sự. Sự ổn định, đoàn kết nội bộ tạo nên động lực to lớn để Ban Trị sự hướng đến các hoạt động bên ngoài.
Chư tôn đức lãnh đạo cũng thường xuyên đến các vùng sâu vùng xa để thăm hỏi bà con dân tộc thiểu số, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của họ để đưa ra các phương hướng hoạt động phù hợp. Tăng Ni trụ trì trên địa bàn tỉnh luôn chấp hành hiến chương của Giáo hội, pháp luật của Nhà nước và phổ biến bà con chấp hành thông qua các khóa tu học định kỳ. Điều này góp phần mang Phật pháp đến gần với người dân hơn, tạo nên sự hòa hợp giữa các tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc.
Sự tin tưởng, hỗ trợ của chính quyền các cấp, từ UBND, Ủy ban MTTQVN, Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum cũng là nhân tố mang đến sự thành công của Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ vừa qua. Nhờ vậy mà công tác xây dựng, trùng tu cơ sở Phật giáo trên địa bàn của Ban Trị sự đã có một bước tiến so với trước đây.
* Hòa thượng nhấn mạnh rằng đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng hướng đến trong mọi công tác Phật sự, việc đó được Ban Trị sự hiện thực hóa như thế nào?
- Chúng tôi hiểu rằng, mong muốn thiết thực của bà con tín đồ vùng sâu vùng xa đó là có một điểm sinh hoạt tôn giáo để phục vụ nhu cầu tâm linh của mình. Những ngôi chùa ở các huyện miền núi không chỉ là nơi để bà con dân tộc thiểu số đến chiêm bái, lễ Phật mà còn là cầu nối vững chắc giữa các dân tộc anh em nơi đây, góp phần tạo sự gắn kết lâu dài, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của họ. Vì vậy, trong các nhiệm kỳ đã qua, Ban Trị sự tập trung xây dựng nhiều ngôi chùa vùng sâu vùng xa để hiện thực hóa ước muốn của người dân.
Những ngôi chùa ở các huyện miền núi không chỉ là nơi để bà con dân tộc thiểu số đến chiêm bái, lễ Phật mà còn là cầu nối vững chắc giữa các dân tộc anh em nơi đây, góp phần tạo sự gắn kết lâu dài, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của họ.
Ngoài ra, các khóa tu định kỳ tổ chức tại chùa Huệ Chiếu, Trung Khánh, Khánh Lâm và các chùa huyện…thu hút đông đảo bà con các nơi về tham dự, số lượng đạt đến 200-300 tín đồ. Tăng Ni trong Ban Hoằng pháp cũng thường xuyên về tận nơi để hướng dẫn tu tập cho đồng bào Phật tử là người dân tộc thiểu số, giúp họ hiểu rõ hơn về giáo lý trong kinh điển để áp dụng trong đời sống hàng ngày nhằm mang đến một đời sống tinh thần tốt đẹp hơn.
Ban Từ thiện - Xã hội phối hợp với Ban Trị sự thực hiện các hoạt động hỗ trợ đời sống vật chất cho bà con. Bên cạnh phần quà hỗ trợ những gia đình khó khăn thì những suất học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn là nguồn động lực to lớn giúp các em an tâm học tập, phát triển tương lai, sau này quay lại phục vụ địa phương.
Tuy nhiên, 33 cơ sở tôn giáo (27 ngôi chùa, 6 tịnh xá) trên toàn tỉnh Kon Tum hiện tại là con số quá ít ỏi, không thể đáp ứng hết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho bà con nơi đây. Nhiều người phải vượt hàng chục cây số để đi lễ Phật vì chỗ họ ở không có ngôi chùa nào cả. Điều này cũng mang đến nhiều trở ngại khi phổ biến các hoạt động Phật sự hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số.
* Như vậy trọng tâm hướng đến của Ban Trị sự nhiệm kỳ mới là gì, thưa Hòa thượng?
- Trong nhiệm kỳ mới, Ban Trị sự tỉnh bên cạnh việc duy trì sinh hoạt tôn giáo cho người Phật tử đồng bào dân tộc thiểu số sẽ cố gắng phối hợp với chính quyền thành lập các Ban Trị sự ở 8 huyện còn lại và TP.Kon Tum, cũng như thành lập 15 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung cho bà con nếu thuận duyên.
Để hoàn thành các việc trên, tôi mong sao Trung ương Giáo hội, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương mà cụ thể là Phân ban Phật tử Dân tộc quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho bà con 5 tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Với Tăng Ni trên địa bàn, mỗi người hãy cố gắng nhiều hơn nữa, dấn thân phụng sự để đưa Phật pháp đến với bà con vùng sâu vùng xa, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.