Nuôi con bằng sự tỉnh thức & tình yêu thương

GN - Là cha mẹ, bất kỳ ai cũng đều có mong muốn con mình lớn khôn, khỏe mạnh, phát triển toàn diện và hạnh phúc. Định hướng là vậy, tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được cho mình lối đi. Có nhiều bạn trẻ hoang mang không biết bắt đầu dạy con từ đâu, phải nuôi con như thế nào, thậm chí rơi vào bế tắc khi không tìm ra hướng để giúp đứa con kém may mắn của mình trưởng thành.

Tiến sĩ Thái Kim Lan (ảnh), một trí thức Phật tử thuần thành giảng dạy Triết học tại Đức, dành cho Giác Ngộ cuộc trò chuyện, nhân một lần chị về quê nhà trong mùa Vu lan PL.2563.

TS.TKL (2).jpg

Mẹ thương con, sẽ hiểu con

Câu chuyện bắt đầu từ một người mẹ, có con tự kỷ. Chị C.L (Q.2, TP.HCM), chia sẻ trong nước mắt: “Bất kỳ lúc nào cũng có thể trở thành ‘tội đồ’ trên mạng xã hội khi hành động nào đó bị đám đông cho rằng không biết dạy con, chìu con quá, họ không hiểu đứa bé đang bị cái gì. Con nên nuôi dạy con thế nào? Rồi phải làm sao khi con mình nói ‘con ghét mẹ’. Nhiều lúc bế tắc không biết phải làm sao để con hiểu được mình thương nó?”, cũng là người mẹ, và là một Phật tử, chị có thể chia sẻ cách nghĩ của mình…

- Trước hết, khi chúng ta là mẹ nên khẳng định một điều: Tôi là mẹ và tôi sung sướng được làm mẹ của con tôi. Khẳng định như thế, để bác bỏ tiên quyết những những cáo buộc nặng nề của các ý kiến nhất thời trên các mạng xã hội, bởi vì mẹ không bao giờ là “tội đồ”, - không, đối với con, và không, với bất cứ lời bình luận nào, khi những bình luận ấy không nắm rõ tương quan của mẹ và con trong mỗi trường hợp. Thứ hai, khẳng định như thế để định lại tư thế độc lập, tự chủ cũng như trách nhiệm của người mẹ đối với con, đối với gia đình, với người chung quanh, với xã hội.

Vậy, bắt đầu từ đâu…

- Là mẹ, trước hết chúng ta biết chắc chắn và trực tiếp hơn ai cả, con của mình cần gì? Biết ở đây có nghĩa trước hết là cảm, là đánh hơi, là nhìn, là ôm, là đụng chạm đến trái tim của con qua trái tim của chính mình. Có ai biết đứa con mình hơn bằng cách ấy? Cho nên, là một người mẹ trẻ, dù không có kinh nghiệm, người mẹ cảm ngay làm thế nào nuôi con mình ấm áp nhất, để con được no, được ôm ấp, nhất là khi cho con bú, con ăn. Chúng ta chỉ cần đem hết tình thương ôm trọn lấy con, điều sung sướng nhất của người con là được mẹ nuôi nấng yêu thương mình. Từ trong bụng cho đến khi chào đời, cho đến khi biết đi, đứa con cần cảm nhận trực tiếp tình thương ấy và người mẹ cũng cảm nhận được ngay con mình đủ hay thiếu điều gì. Từ cơ sở yêu thương ấy, chúng ta có thể tham khảo những kinh nghiệm của những người đi trước, hay người đồng thời để bổ túc thêm và sửa đổi cách nuôi dạy của mình.

Ngày hôm nay những thông tin khoa học về cách nuôi dạy con cái được lan tỏa và truyền đi rất nhanh, nhưng không vì thế mà chúng ta chạy theo cách này cách nọ mà bỏ cách nuôi dạy con của chính mình, vì, như đã nói có ai biết con bằng mẹ. Vậy nên người mẹ trẻ trước hết hãy tự tin với tình yêu con chân chất từ tấm lòng mình, ngay cả khi đứa con có vấn đề với mẹ, hay nói “ghét mẹ”. Nên biết những phản ứng như thế chỉ nhất thời, nếu người mẹ kiên nhẫn để chứng minh cho con là con không thể ghét mẹ, vì mẹ là người duy nhất yêu con không ai bằng. Tỉnh thức trong đạo Phật nằm ở chỗ, ý thức được tình yêu con và kiên nhẫn trong mỗi sai lầm của con đối với mình, để bằng tình thương thuyết phục đứa con, hướng dẫn con cảm nhận mẹ là người thương con nhất. Vậy người mẹ trẻ nên vững tâm và đừng dễ bị tổn thương, mặc dù đây là điểm nhạy cảm nhất, khi bị phê phán là không biết dạy con, hay bị ngộ nhận mình không thương con, mà sống trong mặc cảm, chính mặc cảm này lại làm tổn thương tình mẹ đối với con.

Vững lòng và sẵn sàng bù đắp, sửa đổi không ngừng, đó là tư thế người mẹ tỉnh thức trong tình thương. Tỉnh thức cũng có nghĩa sáng suốt học hỏi thâu nhận, đối chiếu các kinh nghiệm để nuôi con mình, như thế tình thương không bị mù quáng, cũng không bị lung lay bởi những chê trách bên ngoài. Chính từ sự tự tin và vững chãi của người mẹ về tình thương con, đứa con mới có được niềm tin chắc chắn về tình thương của mẹ đối với mình, từ đó tâm thức của con được củng cố vững chãi như khi nó đứng vững trên hai chân để bước đi. Từ sự vững chãi tinh thần, đứa trẻ có thể tự lập và tự tin vào mình, từ sự tự tin, đứa trẻ mạnh mẽ không sợ hãi, bao dung và hòa ái với mọi người, vui vẻ và cởi mở.

Khi gia đình có đứa con có những biểu hiện ngỗ nghịch, làm sao để đồng hành, chuyển hóa tâm tính cho con trẻ? Để chuyển hóa phần nào nghịch duyên đó, người trẻ cần chuẩn bị gì trước khi mang thai và thai giáo có phải là cách tốt, thưa chị?

- Theo thuyết duyên sinh, mọi việc trên thế gian đều ở trong tương quan nhân duyên, nên thường có câu “con vào dạ, mạ đi tu”, không những người mẹ mà cả người cha đều ước muốn và tâm niệm sinh được một đứa con khỏe mạnh, lành lặn, xinh xắn, cho nên mẹ và cha đều “tu”. Chữ tu có nhiều nghĩa, không những chỉ là tinh thần mà vật chất, trong thời kỳ thai nghén, người mẹ ăn uống có ý thức để nuôi dưỡng bào thai, tâm hồn luôn giữ được cân bằng, bình an, lạc quan và đầy tình thương đối với đứa con trong bụng. Để tình thương được trọn vẹn, người cha cũng đóng một vai trò quan trọng không kém trong sự tương tác nâng đỡ người phụ nữ đang mang thai. Thân giáo của cha và mẹ cần thiết trong thời kỳ thai nghén, cũng như sau khi đứa con ra đời. Hiện nay thai giáo không còn là khái niệm xa lạ đối với các cha mẹ sắp sửa có bé chào đời. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngẫu nhiên không theo đúng với định luật nhân quả.

Trường hợp đứa con ngỗ nghịch, bất kính, người mẹ cần kiên nhẫn tìm hiểu trạng thái tâm sinh lý của đứa con để tìm cách giáo huấn, sửa đổi người con, điều kiện đầu tiên để giáo huấn con cái là tình thương không phân biệt đứa con ngoan, đứa con ngỗ nghịch. Với tình thương không phân biệt, người mẹ và người cha luôn sẵn sàng nói chuyện và tạo dịp cho con bày tỏ ý kiến, suy luận để tự bảo vệ mình cho đến khi thấy được mình làm sai và cha mẹ đã thông hiểu lỗi lầm của con. Ngay cả khi đứa con được sinh ra không bình thường, đau ốm thì tình thương của người mẹ đối với đứa con ấy vẫn tràn đầy, bởi vì không có người mẹ nào không thương con. Đứa con trong trái tim của người mẹ là bình đẳng, và mọi chúng sinh dưới ánh mặt trời cũng đều bình đẳng và đáng thương, đáng yêu như nhau. Ý nghĩa từ bi trong đạo Phật chính là nằm trong sự bình đẳng tình thương đối với sinh linh, mạnh hay yếu, giỏi hay dở ấy. Người Phật tử theo Phật hiểu rõ và thực hành tình thương sẽ mở rộng vòng tay và thông cảm nghịch cảnh mà con chịu đựng, cũng như sai lầm của đứa con. Thực hành được thế, người mẹ tự tạo cho mình sự tự tin và sức mạnh lạc quan dấn thân thay vì bi quan thất vọng hoặc sầu não, than thân trách phận. Với sự tự tin ấy, lạc quan của người mẹ sẽ truyền sang đứa con, tạo nên ý chí và lòng tin vào sự sửa đổi, tu tập để tốt hơn, từ đó sự bình an đâm chồi nảy lộc.

Muốn con có tâm yêu thương, phải giúp con gieo mầm

Thưa chị, giữa ma trận thông tin, hàng loạt các cách dạy con kiểu Nhật, kiểu Mỹ, rồi dạy con không đòn roi, kỷ luật con không nước mắt, thì đâu là nền tảng để dạy một đứa trẻ trưởng thành với tâm nhiều tình thương, sống hạnh phúc?

- Nền tảng cho các phương sách giáo dục, dù mềm hay nghiêm khắc, dù không đòn roi hay roi vọt, nền tảng vẫn là tình thương cho sự giáo dục con cái bao gồm thể xác và tinh thần, cả hai đều liên hệ mật thiết với nhau. Chính ở đây người mẹ cần tham khảo và trao đổi những kinh nghiệm của người đi trước, của bạn bè và những khảo nghiệm khoa học về cách nuôi nấng con có được thể xác lành mạnh và tinh thần tinh tấn.

Những tiến bộ của khoa học về thực phẩm dinh dưỡng cần được tham chiếu và dung hòa để tìm ra cách thích hợp bảo dưỡng thể chất và tâm lý của đứa con của mình. Ví dụ, ngày hôm nay “đường” và “sữa bò, sữa hộp, bột” không còn là thứ bổ dưỡng duy nhất cho trẻ con, sữa mẹ và các thứ rau củ nên được chú ý và áp dụng. Như thế khảo nghiệm khoa học lại chứng minh việc nuôi con bằng sữa mẹ theo luật tự nhiên vẫn là cách tốt nhất, chỉ trừ những trường hợp bất khả kháng. Con được khỏe mạnh thì tâm tính và tinh thần mới được quân bằng, thế nên mới có câu trong đạo Phật, thân tâm an lạc. Thức ăn lành mạnh đừng bổ dưỡng thái quá, hãy săn sóc tâm lý của con bằng sự quan tâm thường trực. Nghe ra thì tưởng rất khó, nhất là đối với những người mẹ có nghề nghiệp, phải đến sở hàng ngày. Điều ấy có thể sắp xếp để mẹ có thì giờ gần gũi với con trong một ngày, khi đi ngủ, khi ăn chung, tắm chung. Sự quan tâm này được thể hiện qua trao đổi, nói chuyện với con. Đối với trẻ sơ sinh, sự ôm ấp ấm áp là quan trọng - ánh mắt là quan trọng, giọng nói là quan trọng, cho nên mới có những bài ru con. Đối với con trẻ bắt đầu tập nói và biết nói, nói chuyện với con về những gì xảy ra trong thế giới chung quanh - nói là quan trọng. Trước khi đi đến trường học thầy học bạn, mẹ lắng nghe con và tập con lắng nghe sự vật, ngắm nhìn sự vật chung quanh, đọc sách cho trẻ con - chuyện cổ tích là quan trọng.

Phật giáo có ý nghĩa gì trong việc này, chị có thể chia sẻ cách của bản thân?

- Theo kinh nghiệm bản thân, có lẽ quan trọng nhất là gieo mầm “thương đến muôn loài”, gieo mầm “biết thương” từ thương ba mẹ cho đến ông bà, anh chị em… và rộng đến muôn loài nơi tâm khảm của đứa con. Đây là điểm đắc trong giáo dục theo con đường của Đức Phật: gieo mầm thương yêu, khởi đầu bằng niệm Phật cầu an lành cho những người thân và cho cả mọi người. Đến khi con biết nói, biết bày tỏ, cuộc nói chuyện với con tạo cơ hội cho con phát biểu ý kiến của mình, bày tỏ ý nghĩ của mình, tập suy luận, giải thích điều mình thấy, mình thích, hay không thích. Được nói chuyện và nghe chuyện tạo nên điều kiện cho mối tương quan giữa mình và tập thể.

Là người Phật tử, chúng ta có hình ảnh Đức Phật với nụ cười tỏa ánh sáng từ bi, chúng ta có thể hướng dẫn con rất nhẹ nhàng để nó thấm đượm ánh sáng ấy vào tận tim mà không có cảm giác bó buộc.

Khi tôi niệm Phật với con, điều ấy xảy ra tự nhiên, vì con thấy mẹ niệm Phật cầu an lành cho mọi người, ngay cả cho con, tự nhiên đứa con cũng muốn cầu cho mọi người thương yêu được bình an, từ đó nuôi dưỡng trong chính trái tim non nớt hạt mầm từ bi đối với mọi người.

thaikimlan.1.jpg


TS Thái Kim Lan và con - Ảnh: NVCC

Đọc quyển sách “Thư gửi con” của chị, cảm nhận giữa người mẹ và người con của mình luôn có kết nối, rất tình cảm, cả hai luôn dành thời gian cho nhau, dù có lúc rất bận rộn. “Công thức” nào để người mẹ và đứa con có thể gần gũi, trong con luôn có mẹ, nghĩ đến nhau như vậy, thưa chị?

- Sở dĩ tôi và con “rất tình cảm” như bạn đọc nhận xét, có lẽ chỉ nhờ vào điểm này: tôi luôn nói chuyện với con, lúc bé chưa hiểu nhiều thì tôi kể chuyện, bất cứ đề tài gì, cọng lúa, con sâu, con kiến, con nhện, con muỗi, mặt trăng, sao... cũng kể; chuyện Phật hiền như Bụt, không sát sanh, và cứu muôn loài, đến nỗi có lần con tôi không cho tôi đập con muỗi dù biết nó chích đau. Đến khi lớn bắt đầu hiểu biết, tôi cho con phát biểu và lý luận bảo vệ ý kiến của mình và phản biện ý kiến của tôi, những khi ấy chúng tôi ngang nhau, như bằng hữu, lắm khi con tôi là người bạn tôi hỏi ý kiến về những gì tôi đang thắc mắc. Tôi không ngại thú nhận hay phô bày yếu điểm của mình, chính vì thế lại chứng tỏ sức mạnh tự tin của mình. Như thế sự tin tưởng lẫn nhau dần dà bền chắc, và trên sự tin nhau ấy, tôi lại cho con tôi hiểu rằng mẹ vẫn là người đưa quyết định cuối cùng khi cần thiết. Trong gia đình thì tôi hướng dẫn các cháu đối với bà tuyệt đối vâng lời, vì hai lý do, bà già yếu và bà lớn tuổi nhất, cần tôn kính. Sự vâng lời tuyệt đối này được chấp nhận, một phần vì quyền uy, nhưng phần chính vì đánh động được lòng thương người già yếu nơi trái tim con trẻ và qua đó kích thích được lòng thương người của con trẻ...

Có nhiều người hỏi tôi điều gì tâm đắc nhất trong việc dạy con? Không suy nghĩ, tôi trả lời ngay là đã truyền đạt được cho con cái tâm nhiều tình thương, trong sáng và chân thành. Cái tâm đó đã làm cho nó hạnh phúc. Nó tự tin đứng trước người khác mà không sợ hãi, nhưng cũng đầy cảm thông và có thể ôm, bao dung với những người khác.

Trong cuộc sống nhiều vội vã, hiện đại, công nghệ phát triển như ngày nay, chị có thể chia sẻ phương cách làm cho người mẹ dễ tìm thấy bình an, cân bằng được nội tâm sau một ngày làm việc nhiều áp lực, mệt mỏi?

- Tôi biết một người đang ở trong hoàn cảnh như thế, một người mẹ trẻ giữa mọi người mẹ trẻ đang hàng ngày bận bịu công việc ở sở, từ 8 giờ sáng cho đến 10 giờ khuya; buổi sáng đem đứa con lớn đến trường, sau khi cho đứa nhỏ bú, rồi đi làm; buổi chiều về nấu ăn cho chồng, cho con bú, đọc sách trước giờ ngủ cho đứa lớn, trong lúc ôm đứa nhỏ cho bú, sau khi con ngủ lại còn xem lại kết quả làm việc trong ngày... Và trước khi thiếp ngủ không quên niệm Phật cầu an lành cho mọi người. Ngắm nhìn người đàn bà trẻ ấy, tôi như cảm nhận rằng có hai điều thật quan trọng trong đời sống nghe như tầm thường nhiều khi ta bỏ qua: tình thương như giọt sữa tự nhiên chảy tràn khi chưa kịp cho con bú và lời nguyện chân tâm mong an bình cho tất cả người thân sau mọi cố gắng làm tròn hết bổn phận - và nụ cười đầy trí tuệ chuẩn bị cho ngày mai. Tôi mong trong nhịp sống hầu như kín mít công việc và bổn phận ấy, có thể thấy hay nghe được gạch nối giữa hai đầu múi giờ: một giây thở ra thở vô và biết mình đang thở, có nghĩa ngồi yên tĩnh lặng cho mình - một hơi thở ra thở vô niệm Phật - có những giây phút như thế, người mẹ sẽ thu nhận năng lượng cho ngày hôm sau.

***

Và cuối cùng, nói với người trẻ, GS.TS Thái Kim Lan gửi gắm, tâm tình cởi mở: Lựa chọn thông tin là điều quan trọng trong thế giới hiện nay đang đầy tràn tin tức mỗi giây mỗi phút, thế giới đã mở rộng về mọi mặt, người mẹ trẻ cần mạnh dạn và thông minh để phân biệt được, sàng lọc được những điều mà mình thấy bổ ích cho con của mình. Tôi tin rằng đối với giới trẻ ngày nay, tinh thần độc lập cộng với sự thông minh sáng suốt là điều kiện cho sự thành công, không những cho nghề nghiệp mà còn cho sự giáo dục con cái.

Khánh Vi thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.