Nữ Phật tử trẻ với con đường học Phật

Phật tử Lệ Ánh trong ngày nhận bằng tốt nghiệp cử nhân Phật học năm 2022
Phật tử Lệ Ánh trong ngày nhận bằng tốt nghiệp cử nhân Phật học năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
GN - Học ở Học viện là một duyên lành, để từ đó tôi thấy rõ hơn con đường sáng cho chính mình”, đó là chia sẻ của Phật tử trẻ Bùi Nguyễn Ngọc Ánh (pháp danh Lệ Ánh, sinh năm 1995, quê ở TP.Tân An, tỉnh Long An).

Phật tử Lệ Ánh là một trong số 170 học viên vừa được trao bằng tốt nghiệp Khoa Đào tạo từ xa - Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.

Ước mơ từ Học viện

Một chiều tháng 5-2022, sau khi kết thúc khóa tu tại cửa thiền, Lệ Ánh đã dành thời gian kể chúng tôi nghe về nhân duyên đưa mình đến với Phật pháp. Bạn cho biết gia đình mình theo đạo Phật, nhưng chỉ đi chùa vào ngày rằm và không biết gì về giáo lý. Cho đến khi lên TP.HCM học đại học, bạn mới có duyên tìm hiểu nhiều hơn về đạo Phật. Sau khi tốt nghiệp, đọc thông tin tuyển sinh Khoa Đào tạo từ xa ở Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, vậy là bạn nộp hồ sơ.

“Hồi nhỏ nhìn thấy hình ảnh Tăng Ni đi học ở Học viện, tôi từng có suy nghĩ ước gì sau này cũng sẽ được như vậy. Có lẽ là duyên đã gieo, tới thời điểm thích hợp thì ước nguyện thành hiện thực”, Lệ Ánh chia sẻ.

Để theo học chương trình Phật học, Lệ Ánh sắp xếp công việc của một nhân viên văn phòng làm từ thứ 2 đến thứ 6 và để dành hai ngày cuối tuần cho việc học ở Học viện. “Khi học phải dành cái tâm của mình rất nhiều, phải đam mê, vì có nhiều người bị đứt gánh giữa đường”, Lệ Ánh nói.

Mỗi ngày, sau giờ làm về nhà, Ánh lại dành thời gian để nghiên cứu thêm sách vở. Có những ngày chuẩn bị thi cử, bạn phải thức tới 2, 3 giờ sáng để học bài. Có lẽ cũng vì khó để sắp xếp việc riêng như vậy nên khóa 5 của Khoa Đào tạo từ xa mà Ánh theo học, thời gian đầu có trên 500 vị, tới khi tốt nghiệp chỉ có 170 vị.

“Bí quyết của tôi khi học ở Học viện là phải cần cù chịu khó. Không phải tới kỳ thi thì thức đêm học là xong, mà trong những khoảng thời gian hàng ngày vẫn phải đọc sách, nghiên cứu, nghe lại những file âm thanh giảng của quý thầy, nếu có những điều chưa hiểu thì tôi hỏi quý thầy và các bạn trong lớp để giải thích cho mình hiểu”, Lệ Ánh cho biết.

Ngoài ra, theo Lệ Ánh một động lực nữa khiến bản thân tinh tấn đi học đều mỗi tuần, đó là trong lớp học của bạn có rất nhiều người lớn tuổi trên 60, 70, dù nhà ở các tỉnh nhưng không có buổi nào họ vắng mặt. “Tôi nghĩ việc học là thử thách trong cuộc đời phải trải qua. Chinh phục được nó cũng là đã hoàn thành một phần tâm nguyện nhỏ sau này có thể giúp cho đạo pháp được phát triển”, Ánh nói.

Để có thêm chất liệu hỗ trợ và nâng đỡ trong quá trình học, Lệ Ánh cũng thường xuyên tham gia khóa tu tại các chùa, nghe các bài pháp của quý thầy được đăng tải trên YouTube. Sau 4 năm theo học ở Học viện, Lệ Ánh cho biết cách nghĩ cách nhìn vấn đề và đánh giá mọi thứ của bạn không còn chủ quan nữa mà đã mở rộng trên mọi phương diện. “Tôi có thể hiểu nhiều người khác hơn, và có thể đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn nhận vấn đề và lắng nghe họ, vì không phải ai cũng giống nhau, mỗi người đều có môi trường hoàn cảnh khác nhau và nỗi khổ của riêng mình”, Ánh cho biết.

Trong khả năng của mình, Lệ Ánh mong sẽ giúp được nhiều người có duyên với mình biết đến con đường Phật pháp, bằng cách giới thiệu cho các bạn cùng tham gia khóa tu ở chùa. Với một số bạn bè thân thiết, gặp khó khăn trong cuộc sống cần giúp đỡ, Ánh luôn sẵn lòng lắng nghe và chia sẻ với các bạn.

Học Phật để chuyển hóa khổ đau

Lệ Ánh cho biết một trong những nhân duyên đưa bạn đến với đạo Phật, đó là nỗi đau khi ba mẹ ly thân. Từ nghịch duyên đó, bạn đi chùa nhiều hơn, tiếp xúc được quý thầy, rồi tham gia các nhóm nấu cơm ở bệnh viện, tặng quà từ thiện. Cũng nhờ vậy, Ánh bắt đầu thấm nhuần tư tưởng về tình thương của đạo Phật, nên cảm thông với ba mẹ nhiều hơn.

“Bây giờ tôi nhận ra đó là nghiệp duyên của mình và khi có vấn đề xảy ra, mình hiểu và chấp nhận nó và sống với nó, chứ không trốn tránh. Tôi luôn thực tập chánh niệm, sống với thực tại. Mình biết mình đang làm cái gì, hiện tại mình làm việc đó thì phải làm tròn việc đó, chứ đừng nhớ tới quá khứ mơ tới tương lai”, Lệ Ánh bày tỏ.

Lệ Ánh đã quy y và ăn chay được 6 năm nay. Sau quá trình học và hành pháp, với sự chuyển hóa của bản thân, Lệ Ánh cũng giúp mẹ hiểu thêm về đạo Phật và phát tâm ăn chay một tháng 10 ngày.

Với tâm nguyện sẽ lấy sự nghiệp của cả cuộc đời hướng đến trí tuệ, đến sự tu tập chuyển hóa thân tâm, hiện tại mỗi ngày Lệ Ánh đều sẽ dành 20 đến 25 phút ngồi thiền, và đọc từ 20 đến 40 trang sách. “Dù bận thế nào cũng phải làm việc đó, đó là cách tôi rèn luyện để nhắc nhở chính bản thân mình, để không bị thối tâm và bình an trong cuộc sống”, Ánh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.