Tủ quần áo 0 đồng” hay “Tủ quần áo quốc dân”, là một ứng dụng dịch vụ trực tuyến được anh Nghĩa lập nên với sứ mệnh kết nối cộng đồng người “dư” và “thiếu” cùng một lúc, trên cùng một nền tảng để tất cả mọi người đều có thể đóng góp, sẻ chia và đón nhận theo cách của riêng mình.
Quần áo cũ, ý nghĩa mới
Được lên ý tưởng từ cuối tháng 12-2020, REshare ra đời chỉ sau 4 tháng chuẩn bị. Dù vậy, anh Nghĩa vẫn tổ chức và vận hành dự án chỉn chu từ mặt kêu gọi và vận chuyển đến người đang cần. Theo anh, tâm huyết đó xuất phát từ một mục đích duy nhất: Phá vỡ mọi rào cản về không gian và thời gian của việc “cho đi” và “nhận lại”. “Trước đây, mình chỉ có thể quyên góp thông qua các tổ chức hoạt động từ thiện nên mình đem lại cách để tất cả mọi người đều có khả năng trao và nhận bằng hình thức trực tuyến”, anh Nghĩa chia sẻ.
Ra mắt ngay khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, anh và những thành viên trong đội ngũ vận hành dự án đã gặp không ít khó khăn. Những tưởng “đứa con tinh thần” chưa kịp phát triển đã bị đóng băng theo các các hoạt động xã hội khác, thế nhưng, trong cái rủi có cái may. Thông qua “Tủ quần áo 0 đồng” dưới hình thức trực tuyến, anh Nghĩa đã mang đến giải pháp hữu hiệu cho cả việc quyên góp và trao tặng những người có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian giãn cách. Không phân biệt giàu nghèo, anh khẳng định mô hình này được lập nên nhằm để tạo ra một không gian kết nối trực tuyến an toàn, là cơ hội để tất cả mọi người đều có thể mua lại những bộ quần áo với mức giá 0 đồng do người khác quyên góp.
Anh Nguyễn Trung Nghĩa, người sáng lập dự án REshare |
Sau gần 1 năm hoạt động, trái với những băn khoăn, lo lắng ban đầu, dự án đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ. Trong suốt quá trình thực hiện dự án đến nay, việc ấn tượng nhất đối với anh Nghĩa là nhận được lời cảm ơn chân thành của khách hàng. Trong thời gian dịch bệnh, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, nhờ có REshare, nhiều hoàn cảnh khó khăn đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí. “Không chỉ riêng tôi, mọi thành viên đồng hành cùng dự án đều cảm thấy vui khi nhận được phản hồi tích cực này. Nó giúp chúng tôi biết rằng mình đang làm một công việc có ý nghĩa”, anh Nghĩa chia sẻ.
Hiện tại, dự án đã thu gom và phân loại được hơn 20.000 sản phẩm, tuần hoàn được hơn 3.000 sản phẩm và phục vụ hơn 2.000 người.
Cho đi một cách tích cực
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thời trang đã mang lại mối nguy hại lớn cho môi trường tự nhiên. Mỗi năm, hàng nghìn trẻ em không có áo mặc, hàng triệu người vô gia cư co ro trong những ngày giá rét. Trong khi đó, vô số quần áo còn sử dụng được lại bị vứt bỏ vì nhiều lý do.
Nhận thức được thực trạng lãng phí quần áo và những tổn thương mà môi trường gánh chịu vì điều này, anh Nghĩa thực hiện dự án “Tủ quần áo 0 đồng” với hy vọng tạo ra một vòng tuần hoàn những sản phẩm thời trang đã qua sử dụng, không chỉ để tránh lãng phí mà còn góp phần giảm thiểu rác thải thời trang và tận dụng triệt để nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt.
“Tủ quần áo 0 đồng REshare” được tham khảo từ dự án Thredup tại Mỹ và được anh Nguyễn Trung Nghĩa sáng tạo để phù hợp với thị trường Việt Nam. Dự án được thực hiện trên nền tảng thương mại điện tử reshare.vn để tạo ra sự khác biệt trong việc kết nối những người “cho” và “nhận”.
Ban đầu, toàn bộ quần áo đều được bán với giá 0 đồng kèm phí vận chuyển, nhưng để duy trì mô hình, hiện nay, mỗi sản phẩm sẽ được tính thêm phí xử lý (làm sạch, phân loại) trị giá 9.000 đồng. Để tránh việc thu gom bán lại, REshare chỉ cho phép mỗi đơn hàng có tối đa 3 sản phẩm/1 ngày.
Tháng 2 vừa qua, kết hợp với Royal London Việt Nam, anh đã tổ chức thành công chương trình “Đổi quần áo lấy cây” để tiếp nối hoạt động “Green Up”. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, khi chuyển mình từ một người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sang ngành thời trang, anh Nghĩa cũng gặp nhiều chuyện dở khóc, dở cười. “Nhiều người nhầm lẫn REshare là một nơi xử lý rác thải. Số lượng lớn quần áo không còn khả năng tái sử dụng được gửi đến hàng loạt vô tình đã đặt áp lực lớn khi quy mô dự án còn nhỏ, không đủ nguồn lực nhưng mọi người đau đầu nghĩ đến phương án xử lý”, anh Nghĩa bộc bạch.
Cách giải quyết của anh Nghĩa và các bạn là, những loại quần áo không thể tái sử dụng sẽ quyên góp cho những tổ chức có giải pháp tái chế phù hợp, hoặc là trực tiếp gửi những sản phẩm đó đến những nhà máy băm bông, sau đó chuyển giao cho các cơ sở sản xuất khác để tạo ra những sản phẩm mới như thú nhồi bông, nệm, ghế sô-pha,... Không những có thể phục hồi giá trị của những sản phẩm không còn dùng được, phương án của “đội anh” đề ra còn giúp giảm thiểu tối đa lượng thải rác thải ra môi trường. Tính đến nay, dưới sự dẫn dắt của anh, dự án đã tái chế và chuyển cho nhà máy được hơn 2 tấn quần áo.
Việc thiện truyền trao
Anh Nghĩa lập nên REshare, tuy không định hình là một tổ chức từ thiện, nhưng hướng đến là một doanh nghiệp xã hội đồng hành cùng mọi người trong việc đóng góp giá trị cho cộng đồng, giúp việc tham gia vào các hoạt động xã hội trở nên dễ dàng, an toàn và hiệu quả hơn. Với anh, “dùng đúng mục đích cũng là một cách làm từ thiện”.
Nói rõ hơn về quan điểm này, anh Nghĩa cho biết: “Điều quan trọng nhất của hoạt động xã hội là đúng người, đúng đối tượng. Tôi muốn trực tiếp mang quần áo từ người quyên góp gửi đến những người thật sự cần. Không phân biệt giàu, nghèo, tất cả mọi đối tượng đều được tiếp cận với quần áo 0 đồng, miễn sao quần áo được sử dụng lại thay vì bị vứt đi”.
Nhiều quần áo được tái sử dụng với mục đích giúp đỡ cộng đồng, tránh lãng phí và giảm thiểu rác thải ra môi trường |
Trong mùa dịch vừa qua, khi biết được thông tin 150 em học sinh ở một trường tiểu học ở Điện Biên không có quần áo mặc trong thời gian cách ly, anh Nghĩa đã chủ động liên hệ trực tiếp với thầy hiệu trưởng của trường để chuẩn bị quần áo đủ cho 150 em và lập tức gửi đi chỉ trong một ngày. Gần đây, anh còn hỗ trợ 300 bộ quần áo và thú bông cho trẻ em khó khăn ở Vĩnh Long thông qua các chương trình do đoàn, hội địa phương tổ chức. “REshare sẵn sàng chia sẻ những gì mình có”, anh Nghĩa đúc kết về giá trị cốt lõi mà bản thân theo đuổi.