Niềm vui giản đơn

GN Xuân - Chuyện kể rằng có hai vợ chồng lớn tuổi, nghèo và không có con. Mặc dù hoàn cảnh sống khó khăn, nhưng tánh tình họ vui vẻ, hiền hậu. Một hôm gần Tết, nhà họ chỉ có một con bò. Bà vợ nói với chồng đem con bò ra chợ bán để lấy tiền mua gạo, đường, thực phẩm… ăn Tết.

Ông chồng dẫn bò đi bán, nửa đường gặp người hàng xóm dẫn con dê. Người hàng xóm hồ hởi nói: “Bác Hai đi đâu vậy, con bò mạnh mà dẫn nó chi cho cực. Tôi đưa con dê để bác dẫn cho khỏe”.

chu tieu2.jpg


Niềm hoan hỷ - Ảnh minh họa

Ông già thiệt thà nghĩ người hàng xóm muốn giúp mình, nên ông bằng lòng đưa con bò cho anh ta và lấy con dê cũng được.

Đi một đoạn đường, ông già gặp một bà ôm con ngỗng. Bà nọ hỏi: “Ông dắt con dê đi đâu vậy?”. Tôi đem dê ra chợ bán. “Ôi, ông già dẫn con dê làm chi cho mất công. Ôm con ngỗng nhẹ hều phải khỏe hơn không”. Ông cũng chịu và đưa con dê cho bà ta, rồi ôm con ngỗng đi tiếp.

Đi một đoạn nữa, ông già gặp bà xách túi mận. Bà bảo ông đổi con ngỗng lấy túi mận ăn cho khỏe. Mận này có vitamin C tốt cho sức khỏe đó. Không chút do dự, ông chịu đổi, nhưng cũng chưa yên đâu. Vì tin đồn được lan truyền khắp nơi rằng có ông già đã đổi bò lấy dê, rồi đổi dê lấy ngỗng và đổi ngỗng lấy mận.

Một bà nghe chuyện hấp dẫn quá, vội vàng chạy đi tìm ông già. Đến gần chợ, trời xui đất khiến sao mà bà ta gặp được ông già. Bà nghĩ lão già tốt bụng một cách khờ khạo đây rồi. Bà liền chặn ông lại và đưa túi phân Kali cho ông với lời quảng cáo rằng phân này bón vô cây gì cũng tốt. Thế là ông già lại đổi túi mận lấy túi phân Kali.

Sau đó, ông già ôm túi phân Kali vô quán uống nước. Hai ông nhà giàu ngồi gần ông già liền bắt chuyện. Ông già kể lại cuộc trao đổi của ông từ nhà đến chợ, bắt đầu là con bò đổi một hồi, bây giờ thì có túi phân Kali. Hai ông kia nghe câu chuyện phá lên cười, nghĩ rằng chưa có ai “thần kinh” như lão già này; cam đoan về nhà sẽ bị vợ chửi.

Hai ông bèn nói với ông già rằng nếu ông về nhà kể lại chuyện đổi con bò như vậy, mà ông không bị bà vợ chửi thì họ sẽ đưa cho ông mười lượng vàng. Sau đó, hai ông này hăm hở đi theo ông già về nhà, chắc mẩm là sẽ được chứng kiến một trận chiến vô cùng ngoạn mục giữa hai vợ chồng già.

Khi ông chồng bước vô nhà, bà vợ hỏi chuyện buôn bán con bò ra sao rồi. Ông chậm rãi kể mình đã đổi con bò lấy con dê. Bà vợ thản nhiên đáp: “Đổi bò lấy dê  hả. Cũng được, mỗi ngày tôi sẽ lấy sữa dê cho ông uống cũng bổ”.

Nhưng tôi đã đổi con dê lấy con ngỗng rồi, ông chồng nói tiếp. Bà vợ tỉnh bơ trả lời: “Ồ, con ngỗng cũng tốt, mình sẽ có trứng ngỗng ăn và lấy lông ngỗng làm gối cũng tốt”.

Nhưng mà tôi đã đổi con ngỗng lấy túi mận, ông chồng thản nhiên nói. Lần này bà vợ vui vẻ thốt lên: “Vậy sao, tui đang thèm mận đây. Ông thiệt là tài, biết đem về quả mận mà vợ đang muốn ăn”.

Nhưng bà ơi, tôi đã đổi túi mận lấy túi phân Kali rồi, bà chịu không? Bà vợ trả lời tỉnh khô: “Không sao, đổi lấy túi phân Kali cũng được thôi. Đưa túi phân đây để tôi ra vườn bón bắp cải. Tết làm dưa cho ông ăn nhe!”.

Hai ông đi theo chưng hửng đến lé mắt, vì chưa bao giờ họ thấy trên đời này lại có một bà vợ đối trước tình huống thê thảm do ông chồng gây ra mà không chửi ổng. Chẳng những bà này không tiếc của, không nổi giận, không xổ ra những lời lẽ thô bỉ với chồng, mà còn bình tĩnh, vui vẻ chấp nhận giải pháp của ông chồng đã đổi con bò, tài sản duy nhất trong nhà đến bốn lần, mà điều tệ hại là mỗi lần trao đổi thì giá trị của món hàng nhận được lại tụt xuống thấp hơn nữa.

Ni sư Như Đức trụ trì thiền viện Viên Chiếu với cách kể chuyện có duyên đã khiến tôi nhớ hoài chuyện này. Chuyện chỉ có tính cách ẩn dụ nhằm nhắc chúng ta nên vui sống với những gì hiện tại trong tầm tay mình. Khởi tâm muốn khác, muốn việc tốt hơn, trong khi những thành quả mà chúng ta “được”, hay “bị gánh chịu” trong cuộc sống này đều tùy thuộc ở phước báo và nghiệp lực của mình. Cho nên muốn khác, hay khởi tham vọng, xa rời thực tế chỉ khiến ta chuốc lấy phiền muộn mà thôi.

Nghe chuyện ẩn dụ rồi trở lại, nghĩ về mình, xem có thực sự vui sống với hiện tại hay không. Riêng tôi đang ở cái tuổi mà người ta thường nói là xưa nay hiếm có và lại độc thân, sống một mình. Vì vậy, bài học vui sống với cái hiện tại mà tôi đang áp dụng cho mình hàng ngày là “Hãy vui lên đi! Vui với cái thân già, vui với cái thân bệnh, vui được tự do chăm sóc mình. Hì hì!!”.

Nói vui thì hơi quá lố, chứ thiệt tình hàng ngày tôi vẫn chấp nhận một cách tự nhiên cuộc sống của người già, người bệnh sống một mình. Mà không chấp nhận sao được. Vì trước khi xuất hiện trên cõi nhân gian này, tôi đã ký kết một hợp đồng với điều khoản quy định rõ ràng là hễ mang thân người, thì phải chịu sự già nua, bệnh tật hoành hành thể xác một cách không khoan nhượng trong từng phút giây. Và cuối cùng, thân tứ đại của bất cứ người nào cũng phải chấm dứt và chấm dứt bất cứ lúc nào không cần mình chịu hay không.

Dù lúc sống có hét ra lửa thì đến hồi nhắm mắt xuôi tay, cũng phải ra đi với hai tay không và nhất là bị sợi dây thừng nghiệp báo siết chặt, lôi đi. Mà có oan ức gì đâu, vì cái sợi dây thừng nghiệp báo đó do mình tự kết lại từ vô thỉ kiếp, rồi tự đeo dính chặt vô mình, rồi tự khổ với nó, chứ có ai xen vô đâu. Cái nghiệp chi phối cuộc sống con người một cách chặt chẽ được kinh Pháp hoa ví như là cái đuôi của con trâu dính liền với con trâu.

Có người hỏi tôi sống một mình có ớn không, có sợ ma không, có buồn không, bệnh hoạn thì sao… Buồn hả? Lỡ buồn, tôi thường quán nhân duyên giúp mình vui vẻ chấp nhận nghiệp quả để tên giặc buồn không có lý do ở lâu bên mình. Tôi nghĩ mình đã ký tên một cái rẹt vô hợp đồng đi tái sanh làm người ở chốn nhân gian với nghiệp quả như vậy rồi, cho nên không được quyền thắc mắc gì cả. Hễ bệnh thì đi bác sĩ, phải uống thuốc hay bị giải phẫu đau đớn, ráng chịu, hoặc trời trở lạnh cũng nhức xương khớp thì lấy dầu nóng xức vô. Còn trời nóng quá thân nhiệt không thích nghi kịp, bị cảm mạo sụt sịt thì tự nấu nước lá xông hơi, không có lá xông thì đổ dầu nóng vô nước sôi rồi hít thở cho “phẻ”. Đơn giản vậy thôi.

Tuy nhiên, ngẫm nghĩ cho cùng, công bằng mà nói, cái thân tứ đại tuy có bức ngặt thân tâm, nhưng nó cũng giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Thật vậy, Đức Phật đã dạy rằng con người là số một trong các loài và chỉ có con người mới có thể tiến tu đến quả vị Vô thượng Đẳng giác. Vì vậy, được làm người là điều phước báo lớn và tuyệt vời hơn nữa, được hiểu biết và thể nghiệm Phật pháp trong cuộc sống hàng ngày giúp chúng ta thăng hoa trí giác, nuôi lớn tâm từ bi, phát triển đạo hạnh trong cuộc sống này.

Vì vậy, dù có bị bức ngặt của thân tứ đại, tôi vẫn giữ vững thời khóa công phu. Một mình thì tu kiểu một mình. Bệnh thì tu theo kiểu bệnh. Già thì tu theo kiểu già. Có lúc bệnh còn tu “gắt” hơn, vì nghĩ thời gian ở cõi hồng trần này đang bị rút ngắn lại. Và quen sống một mình, có lẽ ra đi dễ dàng hơn, chẳng bị vấn vương, dính mắc với ai. Dù sao, nói đi thì phải nói lại, cỗ xe tứ đại khiếm khuyết, bất toàn này cũng được việc cho tôi rất nhiều chứ bộ.

Thôi thì trông lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì còn sướng chán! Không còn gì hạnh phúc hơn là mỗi ngày được sống trong nhà Diệu Pháp, được làm việc đạo, được minh sư dìu dắt, được những thiện tri thức đồng hạnh đồng nguyện thương mến, giúp đỡ. Còn những chuyện khác thì vứt bỏ cho nhẹ lòng, đeo mang chi cho mệt, nhờ vậy nên cũng đỡ khổ tâm, đỡ nhức đầu, đỡ nhói tim…!

Xuân đến, kính chúc tất cả người con Phật thêm một tuổi đời thêm nhiều niềm vui cho mình, cho người, lúc nào cũng nở nụ cười từ bi hỷ xả của Đức Di Lặc, hằng vững chãi trên con đường Bồ-tát hạnh, thường vui san sẻ yêu thương, hiểu biết cho người hữu duyên trong cõi sống tạm bợ này nhưng vô cùng quý giá, mà chúng ta may mắn có được thân người và được tu học trong Chánh pháp với quyến thuộc Bồ-đề và minh sư chỉ dạy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.