Đôi khi tôi tự hỏi, con người sinh ra mỗi người phải mang một nghiệp duyên? Dường như chúng ta đến cuộc đời này là để trả nghiệp và tạo nghiệp? Càng lớn, tôi càng thấy rõ cuộc sống đau khổ nhiều hơn hạnh phúc. Có những khổ đau được bọc kỹ, khéo léo ngon ngọt như những viên thuốc đắng bọc đường.
Hợp tan, được mất là chuyện thường, dẫu biết là như vậy, nhưng tôi vẫn không thể ngờ nó lại xảy ra với đứa em gái nhỏ của mình. Em tôi xinh đẹp, đảm đang, lại hiền lành và học giỏi. Em cũng khá chững chạc so với lứa tuổi của mình. Bỗng một ngày, em đòi lấy chồng ở tuổi 20, khi vẫn còn cắp sách đến giảng đường. Người em chọn là cậu bạn thân học cùng cấp ba, nay đã định cư ở nước ngoài, với lời hứa rất đỗi nên thơ là khi lấy nhau rồi, em sẽ có cơ hội du học, trải nghiệm những thú vị ở xứ người. Bạn em và người lớn bên nhà trai cũng hết lời ngon ngọt để mong có được em làm con dâu quý. Mẹ và chị cũng không thể cản được khi em quá háo hức và mong mỏi ngày được thực hiện ước mơ của mình.
Thế là em lấy chồng. Ngày cưới, em rạng rỡ, tươi cười và hạnh phúc lắm. Tôi cũng hạnh phúc lây. Những tưởng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, mấy tháng sau em trở về nhà mẹ và quyết định ở đây luôn. Gặng hỏi mãi, em mới nói rằng, sau ngày làm cô dâu xinh đẹp, em đã sống như một địa ngục trần gian. Lời hứa định cư ở nước ngoài được nhà chồng khất lần mãi vì đủ lý do. Em vẫn ngoan ngoãn làm dâu và chờ đợi.
Lấy chồng được một tháng, chồng và mẹ chồng về nước. Còn mỗi em ở trong căn nhà sang trọng, rộng lớn cùng với bố chồng. Ngày ngày, em cơm nước phụng dưỡng cha chồng thật ngoan và giỏi. Nhưng rồi em sớm nhận ra, mình “được” đối xử như một osin không lương ở nơi sang trọng đó. Em làm việc quần quật, chăm lo nhà cửa, rồi lại tất tả đi học. Em không được giữ tiền, không được ra ngoài sau giờ học, không được qua lại với bạn bè. Em như con chim xinh đẹp được nuôi trong lồng son thếp vàng.
Ở tuổi hồn nhiên và năng động của mình, trong khi bạn bè tham gia chương trình này sự kiện nọ, em chỉ biết lủi thủi về nhà, dọn dẹp sau những buổi ăn nhậu đàn đúm của bố chồng. Và có những chuyện “vô tình” khó nói mà em phải ngậm đắng nuốt cay vì người say nên không tỉnh táo. Tất cả mọi thứ em đều cắn răng chịu đựng vì thương chồng và vẫn nuôi giấc mộng đoàn tụ một ngày không xa.
Rồi giọt nước cũng tràn ly, khi em vô tình nghe được cuộc nói chuyện của bố mẹ chồng về lý do rước em về làm dâu. Họ tính rằng, phải dụ em ở đấy để phụng dưỡng bố chồng, sau khi chồng em học xong thì sang phụng dưỡng tiếp cho chồng. Em vỡ mộng và sụp đổ thêm một lần nữa vì bị chồng đay nghiến khi em kể cho chồng nghe về cuộc trò chuyện ấy.
Em hoang mang và ngây dại khi những giấc mơ đẹp đẽ vỡ vụn. Em không còn nước mắt để khóc, không còn nụ cười tươi tắn ngày nào, gương mặt em luôn phảng phất một nỗi buồn khôn nguôi và khó tả. Em mặc cảm và tự ti. Em bắt đầu trốn tránh cuộc sống thường nhật và lầm lũi một mình. Tôi nhìn đứa em bé nhỏ ngày nào, đứa em bản lĩnh và yêu đời, nay chợt như ngọn nến phụt tắt và tàn lụi…
Thương em, tôi khuyên em hãy mạnh dạn cởi bỏ sợi dây xiềng xích ấy, dù mọi thứ có khó khăn đến dường nào. Tôi dành thời gian bên em, dắt em đi chùa, hướng dẫn em tụng kinh, niệm Phật để em thư thái và tĩnh tâm hơn. Tôi nói với em, dù sao đi nữa cũng phải tiếp tục đứng lên để sống. Hãy bắt đầu lại ở nơi ta vấp ngã, hãy chống tay và đứng lên ngay tại nơi đó như lời Đức Phật dạy năm nào. Hãy tin rằng mỗi người có một nghiệp riêng, nhưng sau cơn mưa trời lại sáng.
Những gì đã trải qua sẽ cho ta kinh nghiệm để khắc ghi. Nếm những viên thuốc ngọt đầy cay đắng để rồi em sẽ biết tỉnh táo hơn mà lựa chọn cho mình những điều tốt đẹp, phải không em?
Tặng em, đứa em gái nhỏ của chị.
Sài Gòn, 18-4-2014