Những ngày con còn có ba

GNO - Bây giờ con chẳng gặp được ba nữa rồi. Con không thể tìm đâu cái dáng nhỏ thó của ba ngày xưa ấy. Cái dáng ba cho các con của ba tất cả. Thế mà ngày hôm qua con lại gặp dáng y hết ba chạy xe trên đường. Con định gọi ba. Nhưng con kịp nhớ lại vì…

Vượt lên con nhìn vào khuôn mặt có cái dáng giống ba. Không phải ba. Rồi con cho xe chạy theo cái dáng ba cho đến khi xe quẹo vào hẻm. Không biết theo sau như thế để làm gì nhưng con cứ theo. Nếu là ba, ba dừng xe lại và bảo con ngồi sau xe ba như ngày con còn nhỏ. Hạnh phúc nào lớn hơn khi ngồi sau lưng ba. Thế rồi xe khuất bóng, con trở về thực tại. Con kịp nhớ…

images725913_19.jpg

Ảnh minh họa

Những điều nhớ về ba không thắm thiết nồng nàn và da diết  như tình mẹ nhưng không có tình cha đời con nghèo biết bao nhiêu. Những ngày con còn nhỏ nằm lọt trong lòng ba mới thấy thương lắm. Con cứ tè trong mùa đông lạnh của rừng cao nguyên mà ba cứ để nguyên, sau đó ba mới thay cho con chiếc quần mới. Con ăn trong khó khăn mà ba cứ dụ con ăn từng miếng một để mẹ làm việc nhà. Ngày con biết chạy ba vui mừng ôm con vào lòng. Ngày con biết gọi tiếng ba đầu tiên trong đời khiến mẹ cười vui lắm. Con cứ bặm môi phun bao nước miếng mới gọi được một tiếng. Vui lắm hạnh phúc ngự trị trong gia đình mình không chỉ có con mà cả mấy đứa em con nữa. Ba đã cho chị em con ba có một tuổi thơ không giàu có về vật chất nhưng rất giàu về những ngày yêu thương không dễ gia đình nào cũng có.

Rồi những những ngày trong căn nhà nhỏ con và các em cứ đùa nghịch, mười bốn cái chân lớn nhỏ cứ chạy ra chạy vào đến chóng mắt mà ba vẫn cứ ngồi im làm việc mà không hề trách mắng. Mẹ trừng mắt. Cái đỉnh cao có hạ xuống đôi chút song đâu lại vào đấy. Nhìn bảy cái miệng cứ cười không thể mím vào được mẹ cũng đành quay đi. Tối đi ngủ cũng rúc rích. Mẹ phải la mới chịu ngủ.

Sau những ngày con lên lớp đến trường là cái nhìn của Ba lo lắng cho tụi nhỏ nhưng con nào có hay. Con vẫn đùa giỡn. Con học hành khi được khi không. Khi trình sổ điểm con mới thấy sợ. Ba bắt nằm đưa mông lên. Những cái nhịp roi sao mà nặng nề. Đến khi đánh chỉ là một roi nhẹ hều chưa từng có lịch sử dạy con trên thế giới này. Nhưng con vẫn nhảy lên ôm mông và khóc thiệt lớn như mình oan dữ lắm, thiệt tình bị oan. Ba bắt úp mặt vào tường rồi chị em thủ thỉ bên nhau:

- Chị đau không?

- Không.

- Sao chị khóc.

- Em cũng khóc vậy đó.

- Khóc để mai mốt Ba đừng đánh nữa.

Rồi Ba tha. Các con ba ríu rít nói cười. Tối đi ngủ ba hỏi:

- Hồi chiều ba đánh đau không?

- Hông!

- Sao con khóc?

- Con khóc để mai mốt ba đừng đánh.

Ba cười xoa tóc con và ôm bé nhỏ vào lòng:

- Học giỏi đi ba không đánh.

Và tháng sau mấy chị em cùng nhau vượt lên. Đấy, ba thương đám con nhỏ của ba vô cùng. Ba không muốn con thiếu thốn nhưng cái nghề y tá của ba chỉ thế thôi. Mẹ mong ba là cái trụ còn việc chạy chợ mẹ sẽ cố xoay. Ba thấy con ba thiếu thốn ba không đành lòng. Ba thấy con ba khổ ba không yên tâm. Mẹ cứ cản. Cứ là cái trụ cho con dựa: cái trụ về đạo đức. Biết thương người, biết chia sẻ với mọi người chung quanh dù ít nhiều. Những ngày tháng ăn bo bo ba mẹ cũng đong lít gạo đỏ cho nhà hàng xóm chúng thiếu ba mẹ. Ngày hôm ấy cả hai nhà cùng vui.

Nhớ lại ngày xưa ấy khi con mới chập chững bậc tiểu học ở tỉnh lẻ là những ngày ba công tác xa nhà liên miên và dưới mái nhà tranh vách đất mà thuê được chỉ còn lại mẹ và mấy đứa nhỏ. Những ngày không có tiền là ngày mẹ cho con ăn cơm mới mắm cả tháng. Các em thấy cơm là chúng úp mắt vào tường và khóc. Có ngày con đi hốt bắp trên sân kho gần nhà. Những hạt bắp Mỹ vàng và to rơi trên cát và sàng cát lấy bắp. Cả một thùng rồi hai thùng nhưng biết làm gì với bắp ấy. May bác bên nhà mua một thùng cho gà ăn. Với mấy đồng bạc lẻ mẹ mua chút thịt nấu canh rau cải, cái hột vịt chiên. Chưa bao giờ nhà mình có bữa cơm ngon như thế. 

Rồi những ngày ba nghỉ phép trên mâm cơm có thức ăn. Mấy đứa nhỏ vui lắm và được ba đưa đi học. Vui sao mà vui quá đi chứ…Con biết những ngày này ba suy nghĩ nhiều lắm khi biết con cái đói khổ. Ba trở lại nơi công tác và làm đủ mọi cách xin về Sài Gòn. Bây giờ khi con đã lớn mới biết đó là điều đột phá trong ba. Không thân thích, không quen biết mà ba dám đưa cả gia đình vào nơi phồn hoa đô hội và cùng nghĩa gì cũng mắc và một lần nữa thử sức với mẹ. 

Mẹ buôn bán, mẹ làm thợ may, khi sự quen biết mới bắt đầu. Nhưng ba quyết định phải đến chỗ ở mới và ba làm việc ở một bệnh viện mới. Nhưng điều ấy đúng. Một thời khó khăn. Đôi bông tai nhỏ xíu cứ giữa tháng ra tiệm cầm đồ, đầu tháng lại về nhà… Không biết bao nhiêu lần như thế. Có nhiều người hàng xóm hay bạn bè thân chân thành góp ý: cho mấy đưa con gái nghỉ đi. Học làm gì cũng lấy chồng thôi. Nó nuôi chồng nào nuôi cha mẹ. Nó có chồng lo rồi khỏi phải học. Vâng, chỉ mới học tiểu học và khờ khạo khi mọi người bàn. Nhưng ba vẫn quyết định là con cái phải đi học. Ba tôi thấm thía với cái vốn ít học của mình. Muốn vươn cao cũng khó.

Mọi khó khăn vượt qua và sự bình yên đã đến. Cái trụ của ba cứ đứng là trụ. Mẹ buôn bán xoay xoả gì đó bằng những hạt gạo, rau cải kiếm chút lời cho con. Khi thì cả nhà cùng may hàng bỏ mối. Khó khăn lắm những vất vả khi con cái lớn và sự tiêu pha càng nhiều. Mẹ nhịn ăn sáng, mẹ mặc áo vá quần lủng mông bằng những thứ vải rẻ tiền nhất. Khó khăn chồng lên khó khăn hàng chục năm trời. Lần hồi sự ổn định bình an đã đến.  

Người ta thấy đám nhỏ cũng lớn lên, cũng thi đậu, cũng đi làm mặc dù chúng vẫn ăn khoai sắn luộc mỗi sáng. Dần dần chúng cũng thành công trong cuộc sống. Bạn bè chúng đến xóm hỏi thăm mới biết chúng là thầy giáo, là kỹ sư, là bác sĩ. Ba chỉ cười:

- Các cháu mới ra trường đấy thôi mà.

Ba trả lời mà lòng vui lắm. Ba chia sẻ nhiều hơn với hàng xóm. Một chút thuốc ho cảm thông thường, vài chai thuốc đỏ, cuộn băng có chi mà không giúp. Trong bệnh viện con ba cũng thế. Giúp người hết lòng. Rồi một ngày tối 30 Tết, một người gọi cổng và 3 trái dừa tươi. Bà năn nỉ:

- Cho bà gởi cho bác sĩ. Không có bác sĩ bà chết từ lâu rồi. Bà nhớ lắm nhưng công việc nhiều quá chừ bà gởi mấy trái dừa làm mứt.

Ba và em không nhận. Nhìn khổ người gầy gò của bà không ai nỡ nhận. Cuối cùng ba chỉ nhận một trái cho bà vui. Và bà hoan hỷ ra về.

Đây là những ngày con ba bắt đầu lập gia đình và ra riêng. Bắt đầu từ đứa lớn và những đứa nhỏ nhưng chúng đều ở nhà thuê. Sáng nào ba cũng mua một hai tờ vé số vì ba không có tiền nhiều. Ba mong trúng số để mua cho con cái nhà. Nhưng vận may không đến.

Giờ con ba đã có nhà nhờ tích cóp từ đồng lương hàng tháng. Giờ cháu ba cũng có xe và tốt nghiệp đại học như con ba ngày xưa. Chỉ có ba ở xa các con…Con biết ba vui khi con ba làm đúng ý nguyện của ba.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.