Những ngày cận Tết

Những ngày cận Tết
0:00 / 0:00
0:00
Trên con đường làng ngày thường vốn lặng lẽ, nay đã lao xao tiếng nói cười, tiếng chào nhau thăm hỏi của những người làm ăn xa xứ khắp trời cùng chốn quay về vui Tết đón xuân...

Tôi thường thích không khí chộn rộn của những ngày sắp Tết. Hình như, với tôi đó là những ngày mà mùi của Tết thấm đượm hơn cả chuỗi dài ra Giêng nô nức yến anh dập dìu chơi xuân, trẩy hội. Mua sắm chộn rộn, dọn dẹp chộn rộn, đi đi về về chộn rộn và không biết bao nhiêu thứ được lắp ghép thêm trong một ngày vốn vẫn chỉ là hai mươi tư tiếng.

Bước qua tháng Chạp, mùi Tết bắt đầu váng vất trong gió, trong khí trời lạnh se sắt, trong những câu chuyện dài quanh bếp lửa với đủ thứ những thanh âm rộn rã, âu lo. Lúa tháng Giêng tiền tháng Chạp, ai cũng biết có ba ngày Tết thôi nhưng dường như quang gánh nhọc nhằn cả năm dồn lại. Nỗ lực sau cùng dồn hết vào thời gian cấp tập này để gương mặt ngày Tết được là gương mặt của sự tươi mới, của biết bao niềm hân hoan sau thanh tẩy bớt muộn phiền. Ở quê tôi, mươi mười ngày đầu tháng Chạp là thời gian sửa sang vườn tược, tảo mộ, dọn cỏ. Trên ruộng dưới đồng, các mẹ, các chị chăm sóc lúa vụ đông xuân hãy còn dư dả chút thời gian để nghỉ thêm nửa buổi, nửa chiều. Nhưng cận Tết, nhất là thời điểm bắt đầu gần tết Ông Táo Ông Công, thời gian không phải được đếm bằng mỗi ngày mỗi giờ mà gấp gáp hơn, hối hả hơn, bằng công lên chuyện xuống, bằng những tấp nập việc vàng.

Trên con đường làng ngày thường vốn lặng lẽ, nay đã lao xao tiếng nói cười, tiếng chào nhau thăm hỏi của những người làm ăn xa xứ khắp trời cùng chốn quay về vui Tết đón xuân. Thực ra vui Tết đón xuân chỉ là duyên cớ, vì nơi đâu trên đất nước này, vùng văn hóa nào là chẳng có Tết, nhưng cơn cớ quan trọng nhất của mỗi người quê xa xứ thì chỉ có Tết thôi mới đủ sức trìu kéo bước chân tha hương nhất định phải trở về. Và trong cuộc hồi hương đông vui ấy, tình yêu của mẹ vĩ đại trung du lại ban thêm cho họ nguồn năng lượng dồi dào để tiếp tục ra đi.

Những ngày lao xao này, tôi thường tự tay làm thêm một vài món bánh mứt và dăm món ăn dự trữ cho ngày Tết. Giữa thời đại con người có thể được trang bị tận răng với một vài cú nhấp chuột, tôi vẫn giữ nếp quê nhà để hít hà những khí vị riêng tư của ngày Tết. Tôi thích mùi thơm lừng của những loại mứt dừa, mứt gừng, mứt trái cây… bay tứ tung nơi không gian sống của mình. Những giờ phút bận rộn hương thơm ấy, tôi có thể cùng những đứa trẻ trong nhà lăng xăng dọn dẹp, ngồi kể chuyện xưa chuyện nay chờ mẻ mứt ra lò rồi cùng nhón tay ăn thử một miếng, đi qua đi lại nhón thêm miếng nữa. Màu tươi nguyên của gấc, của lá dứa, lá cẩm, lá vang có sẵn vườn nhà vốn không xa lạ trong những bữa ăn thường nhật nhưng thể nào, món bánh mứt ngày Tết vẫn cứ đem lại hằng hà sa số những nỗi vui riêng. Chủ quan tôi tin rằng, không có đứa trẻ nào không chộn rộn chờ Tết, và hương thơm của những hoa, những cây, những thức vị đặc biệt của ngày Tết nhất định phải đi cùng mùi hương kỷ niệm. Vì thế, tôi chưa bao giờ ngừng ước ao những đứa trẻ mắt biếc ngây thơ và tâm hồn dung dị sẽ được lớn lên bằng sự rung động của những cảm xúc ngọt ngào rất riêng ngày Tết.

Ngày cận Tết, có thể đi qua rất vội vì mãi đến 30 vẫn còn một vài việc gì đó bất chợt nhớ ra mà chưa kịp làm. Vườn đã sạch cỏ, mai đã lác đác bói hoa, nhà cửa đã gọn ghẽ tinh tươm… nhưng nhất định vẫn còn một vài việc nào đó còn đang dang dở. Nguồn năng lượng dồi dào còn mãi cho đến giờ trừ tịch, sau khi đã ngay ngắn lễ nghi cúng tiết giao thừa thì dường như mọi thứ mới bắt đầu bước vào một quỹ đạo mới, để lại phía sau những ngày cận Tết thương nhớ khôn nguôi.

Nguyễn Thị Thanh Thảo (Liễu Quán số 22)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.