Những cảm xúc ấy, tôi không thể lý giải được. Kiểu như một vị Tăng bảo Phật hoàng Trần Nhân Tông chỉ đang “dùng công án cũ”, ngài đáp: “mỗi lần nêu ra một lần mới”. Thì vậy, mỗi lần Phật đản là một lần tinh khôi - “Tuyệt vời bảy bước chân sen, trang nghiêm cho cõi bùn đen nhiệm mầu. Giữa lòng biển lệ thiên thâu, chợt nghe lóng lánh xưa sau nụ cười” (thơ Trụ Vũ).
Tôi yêu nụ cười lóng lánh giữa cõi bùn đen. Tôi yêu từng cánh sen thơm nâng gót chân Phật. Mỗi đóa sen là một nụ cười. Phật đản sinh, bảy nụ cười sen nở thơm cả ngàn thế giới, đặc biệt: nở thơm cho cõi uế, cõi đau này!
Tuổi thơ tôi vui ít, buồn nhiều. Khi chưa biết Phật, những khi buồn quá, không biết gọi ai, tôi bèn nhìn lên cao gọi trời. Trời thăm thẳm, không biết Người ở đâu. Đến khi biết Phật, thì tôi gọi Phật. Phật, trong ký ức đầu tiên của tôi, giản dị lắm. Ngài đứng ở cái bục cao chỉ tay lên trời, nhưng không cao xa cách biệt, vì Ngài cũng chỉ trạc… tuổi tôi lúc đó.
Đó là mùa Phật đản, tôi đâu tầm 6 tuổi, theo ba mẹ đi chùa. Chùa quê nghèo nhưng Phật tử rất đông. Lễ đài Phật đản thiết trí ngay trước chánh điện. Đức Phật đản sinh được khéo vẽ trên tấm gỗ carton trông rất dễ thương. Tôi hỏi mẹ (một câu hỏi rất bất kính): “Đứa nào vậy mẹ?”. Mẹ hoảng hốt: “Đừng nói vậy con. Phật đó!”.
Phật đó. Vị Phật đầu đời của tôi. Sau này, khi lớn lên, tôi còn biết những vị Phật rất khác nữa. Nhưng hình ảnh vị Phật đầu tiên ấy vẫn không bao giờ phai nhòa. Phật đó. Phật ở trên cao kia nhưng vẫn rất gần. Tự dưng tôi thấy thích đến chùa, thích lễ Phật, thích tắm Phật, thích ngắm những vị Phật đản sinh. Tôi thích những vị Phật không nặng triết lý, vị Phật “vào trong đất như vào trong nước, đi trên nước như đi trên đất”. Vị Phật đó chắc chắn sẽ an ủi tôi khi tôi khóc, cười cùng tôi khi tôi vui. Một vị Phật của tuổi thơ tôi.
Nên chi với Phật, tôi hoài không lớn. Không dưới một lần, tôi đã ôm chân Phật khóc nức khi người bạn thân nhất bỏ tôi mà đi. Tôi khóc với Phật khi người tôi thương không còn thương tôi nữa. Tôi cũng khóc với Ngài khi rơi vào cảnh bế tắc tột cùng. Khóc xong, tôi thấy lòng mình nhẹ lại, nỗi buồn vơi đi. Nhìn lên, tôi thấy Phật cười, đầy yêu mến. Bạn nói, tôi đến với Phật như vậy là không đúng. Nhưng, cuộc đời này, biết đúng sai thế nào? Rất có thể lúc nào đó tôi cũng sẽ lớn lên. Nhưng bây giờ, tôi vẫn cứ “nhỏ” mãi vậy để trạc với vị Phật sơ sinh thuở nào.
Niềm vui của tuổi thơ tôi nhiều khi rất lạ. Đó là nhiều khi cả nhà đi vắng, tôi tới trước bàn Phật, tay chuông tay mõ tụng kinh râm ran theo cách của mình. Tôi nghĩ lòng thành thì Phật sẽ chứng.
Tôi tụng khá nhiều kinh, và đọc khá nhiều sách, đủ để hiểu Phật dạy những gì. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích gần Phật ở khía cạnh “tâm linh” hơn.
Có những ngày tồi tệ rất kỳ lạ, tôi cứ ẩn nhẫn chịu đựng thời gian trôi đi. Trôi hết một ngày thì mình hết đau khổ - tôi tự nhủ thế. Mọi thứ vô thường, các pháp vốn không có đặc tính cố định, nên tất thảy sẽ chuyển biến, tròn có thể méo và khuyết có thể đầy, tất nhiên buồn rồi có thể vui. Nhờ vậy mà tôi bước qua được tuổi thơ nhiều nỗi đau, bước qua được những ngày vụng dại đầy dẫy lỗi lầm.
Có hôm lạy Phật, ngũ thể đầu địa, tôi thấy mình đang thật hôn lên chân Phật. Tôi cảm như tà áo Ngài chạm khẽ vào đầu tôi. Ngẩng lên, tôi thấy như có dáng người đang tan khuất vào không gian. Tôi lại cúi xuống, khóc thật lâu…
Cuộc đời mình, tôi đã đi tìm rất nhiều điểm tựa. Nhưng điểm tựa nào rồi cũng như củi mục; thậm chí có điểm tựa còn tệ hơn, như cánh cửa xe bus, làm tôi té thẳng xuống đường. Đau lắm!
Khổ quá, nhiều khi nghĩ dại, tôi muốn mình cứ tự nhiên như vậy mà tan biến đi, hóa hẳn thành tro bụi để bay hết vào không gian. Tôi muốn chết. Tự dưng tôi nghĩ đến vị-Phật-của-mình. Tôi nhớ thuở ấu thơ tôi từng “làm bạn” với Người. Thốt nhiên tôi muốn tặng cả cuộc đời tôi cho Phật. “Thân con đây, con muốn cúng dường cho Phật, Phật ơi”, tôi thốt lên. Cúng dường cho Ngài rồi thì tất cả những thứ bu bám vào thân tôi sẽ rụng hết đi. Tôi sẽ trong Phật và Phật sẽ trong tôi. Tôi thuộc về Phật và Phật cũng thuộc về tôi.
“Phật với chúng con tánh vốn thanh tịnh, nên sự cảm ứng thật bất tư nghì. Như những viên ngọc ảnh hiện với nhau, mười phương chư Phật ảnh hiện nơi con, thân con hiện trước mười phương chư Phật: con đem đầu mặt lạy sát chân Phật”.
Và rồi, tôi cũng được quy y Phật, được nương tựa Phật, không còn phải nương tựa vào những thứ tạm bợ, ruỗng mục, vô thường và đầy cạm bẫy kia nữa. Như đứa bé được tựa vào lưng cha, ôm lấy cha để khóc, để đòi. Tôi cũng vậy, ngoài việc nương vào Phật để tu để học, tôi còn tự cho mình cái quyền rất trẻ con là nương vào Phật để khóc để đòi. Con cần an vui đó, Phật cho con đi. Con cần nụ cười quá, Phật đơm lên môi con nhé. Con bắt đền Phật đó, sao Phật để cho người thương của con ra đi… Khóc với Ngài, cười với Ngài; con gục xuống chân Ngài và cũng đứng lên ngay chân Ngài. Phật của con đó, con có thể nương tựa - theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Một ngày nào đau khổ quá, bạn thử khóc với Phật đi. Thật đó. Bạn sẽ thấy Phật đến bên bạn, ôm bạn vào lòng, hỏi: “Sao con khóc?”. Bạn sẽ cứ khóc nữa, khóc nhiều lên, Phật bảo: “Con đừng khóc nữa, Phật sẽ mãi bên con”. Bạn ngước lên, đôi mắt đẫm lệ nhìn Phật, nũng nịu: “Phật hứa nhé”. Phật cười: “Phật không cần phải hứa, vì Phật là người nói sao thì làm vậy, làm sao thì nói vậy”.
Phật đó, chính là chỗ nương tựa vững chãi nhất, cho cả tôi-trẻ-thơ lẫn tôi-người-lớn. Nên chi, Ngài xứng danh Như Lai.