Phật của ngoại

Phật của ngoại

Phật của ngoại nhỏ xíu, chỉ cao hơn gang tay tôi một chút - dĩ nhiên, đó là gang tay của một cậu bé mười tuổi. Phật cũng không đẹp chi lắm, chẳng những không "môi son má thắm" mà nét mắt nét môi cũng đã bị mờ nhòa. Phật chỉ đơn điệu với chiếc áo màu xanh ngọc cũ kỹ, tay ôm chiếc bình bát màu đen đất bùn, trông chân chất và rất đỗi… quê mùa!

Ấy là tôi nghĩ vậy, chứ trong tâm ngoại, ông Phật bé tẹo đó là nhất. Ngoại thờ Phật ở gian giữa. Phật nhỏ nên chiếc tủ thờ cũng nhỏ. Ngược lại, bộ chuông mõ lại to kềnh và cũng không kém phần cũ kỹ. Thuở nhỏ, tôi hay giật mình thức giấc vì tiếng niệm Phật của ngoại vào lúc giữa khuya. Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật… Cứ đều đều như thế, ngoại không hề thấy chán. Và, cũng với câu niệm Phật ấy, tôi đã được ru êm vào giấc ngủ an lành không mộng mị.

Mãi sau này tôi mới biết pho tượng đó không phải là "A Di Đà Phật" như ngoại thường niệm, mà là Đức Dược Sư, thuộc dòng tượng gốm Biên Hòa - chân chất, mộc mạc như thể tượng mục đồng; nghe đâu một vị sư ở trong Nam ra hành đạo đã tặng cho ngoại. Ngoại trân quý lắm. Nhiều người thấy ngoại thờ pho tượng chẳng rõ mắt môi, nên không ít lời nói ra nói vào, có người còn đề nghị biếu cho ngoại pho tượng Phật khác, nhưng ngoại chỉ mỉm cười, bảo pho tượng đó có bề ngoài giống… ngoại!

Mà gần như thế thật, vì ngoại cũng đâu có cao sang gì. Thuở nhỏ ngoại đi chăn bò thuê, lớn lên có được mảnh vườn, mảnh ruộng, lập gia đình, nuôi đến 13 người con. Mẹ tôi là con thứ ba, không được may mắn như dì cả và cậu thứ; mẹ chỉ được học kiểu bình dân học vụ, vừa biết đọc, biết viết. Bù lại, mẹ thông minh nhanh nhạy, nên cũng tinh tế trong cách làm ăn, ứng xử.

Lúc nhỏ, khi ba mẹ còn ở cạnh nhà ngoại, tôi thường chạy qua chạy về, ăn ngủ ở nhà ngoại còn nhiều hơn ở nhà mình. Ngóc ngách nào trong nhà ngoại tôi cũng rành và đều cảm thấy thân thương, quen thuộc. Thân thương nhất có lẽ là pho tượng Phật. Tôi thấy Phật của ngoại sao mà gần gũi, không quá nghiêm trang như pho tượng Phật sứ ở nhà bác Chín Chuyên, mắt môi đường nét tất thảy đều sắc sảo.

Bác Chín Chuyên ở cạnh nhà ngoại, giàu có từ thuở xa xưa. Trong nhà bác, cái gì cũng sang trọng, kể cả bộ bàn ghế uống trà đặt ở chái hiên. Bác không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Hàng ngày, bác chỉ lo chăm sóc vườn hoa, cây cảnh. Bác ăn chay, niệm Phật và rất nghiêm giáo, thế nhưng không hiểu sao hai người con gái của bác đều lấy chồng khác đạo và bỏ hẳn việc ăn chay, lễ Phật.

Trong xóm, hầu như bác chỉ kết thân với ngoại, thỉnh thoảng qua lại uống trà, đàm đạo. Bác cũng là người duy nhất trong xóm xuýt xoa khen pho tượng Phật của ngoại là đẹp và… hiếm. Bác còn phát tâm cúng hoa cho "Phật của ngoại" mỗi tháng hai lần vào ngày rằm, mùng một. Nhờ vậy mà ngoại không phải đi chợ mua hoa - còn trái thì hầu như có sẵn trong vườn - và tôi cũng được qua lại nhà bác, mỗi tháng hai lần đều đặn ôm về một bó hoa tươi thắm trước những cặp mắt ngưỡng mộ của những đứa bạn cùng trang lứa - những tụi khỉ (cùng với tôi nữa) đã không ít lần vạch rào, lẻn vào vườn nhà bác hái trộm trái cây…

***

Hai mươi năm… Một quãng thời gian quá dài, tôi trở về thăm ngoại. Cuộc sống thành phố hầu như đã biến tôi thành người khác: sang trọng, kiểu cách và chuộng cái vẻ bề ngoài hơn. (Ấy vậy cho nên tối hôm đó tôi đã đề nghị với ngoại một điều không nên chút nào!).

Ngoại giờ đây đã già, rất già; mái tóc bạc phơ và bước chân run run, chiếc lưng khòm như tựa hẳn vào cây gậy trúc vàng. Điều tôi lấy làm ngạc nhiên là căn nhà của ngoại vẫn vậy: mái tranh, vách ván và gian giữa vẫn là pho tượng Phật bé xíu cùng với cái tủ thờ cũ kỹ; bộ chuông mõ vẫn còn đó, ngoại vẫn ngày hai thời tụng kinh, niệm Phật. Trong gian thờ ấy, dường như thời gian đang ngưng đọng lại. Thắp nén hương lên bàn Phật mà lòng tôi không khỏi bồi hồi, pha lẫn chút ngậm ngùi, tiếc nuối. Tôi bỗng thấy mình trẻ lại, như cái thuở lên mười đêm đêm nghe tiếng niệm Phật lầm rầm của ngoại, và mỗi tháng hai lần chạy qua nhà bác Chín Chuyên hái hoa đem về cúng Phật. Cái thuở ấy, thanh bình làm sao…

Bác Chín Chuyên đã mất cách đây mười năm. Con gái bác dọn về đó ở, và việc đầu tiên cô ấy làm là hạ pho tượng Phật sứ xuống cất đi, rồi đặt khung ảnh của bác lên thờ. Vườn hoa năm xưa giờ cũng chẳng còn… Vườn hoa ấy như đã được "dọn" sang nhà ngoại, vì tôi thấy trước vườn, chỗ những luống rau ngày xưa, là một vườn hoa tươi thắm.

Buổi tối, tôi pha trà cho ngoại - ngoại có thói quen uống trà trước khi đi ngủ và vào mỗi buổi khuya thức dậy. Hai ông cháu cùng trò chuyện. Tôi hăng hái hứa với ngoại là sẽ dành dụm tiền để cho ngoại sửa lại gian thờ. Ngoại cười. Và tôi đề nghị ngoại cất pho tượng Phật cũ kỹ "mắt mũi kèm nhèm" ấy đi; tôi sẽ thỉnh cho ngoại một pho tượng Phật khác, đẹp hơn, tốt hơn. Ngoại cũng cười. Nhưng cười mà không đồng ý! Nhấp một ngụm trà, ngoại nói: "Phật nào cũng là Phật, nhưng đây là Phật của ngoại. Phật của ngoại là vậy đó, mắt mũi kèm nhèm rất… giống ngoại, con không thấy à? Ngoại ở với Phật gần trọn một đời rồi, giờ đây ngoại cũng đã sắp về với ngài. Con để dành số tiền đó mua hoa cúng Phật, mỗi tháng hai lần". Tôi biết mình lỡ lời, ân hận quá mà không biết nói gì, chỉ cúi đầu, lí nhí "dạ".

Khuya hôm đó, tôi thức dậy cùng ngoại. Cùng uống trà. Cùng tụng kinh, niệm Phật. Nam mô A Di Đà, Nam mô A Di Đà… Tiếng niệm Phật ấy ngày xưa đã đưa tôi vào giấc ngủ. Bây giờ, cũng tiếng niệm Phật ấy, đã khiến cho tôi tỉnh giấc - một giấc mộng dài, tưởng như đời mình không bao giờ thoát ra được…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.