Những bộ phim Phật giáo ảnh hưởng đến tâm linh nhất

GNO - Các vai diễn ấn tượng về lối sống Phật giáo (PG) và những chân lý thuộc về tâm linh có lẽ rất khó mà diễn tả được sống động, còn mô tả những câu chuyện tôn giáo thực tế của phương Tây thì dễ dàng hơn nhiều. Tất cả cũng chỉ bởi vì Phật pháp hướng đến việc cảm hóa bên trong nhiều hơn.

Tu tập theo đạo Phật nghĩa là không cực đoan. Đó được gọi là con đường “Trung đạo”, có nghĩa là không vướng mắc vào tình cảm và ham muốn, và biết cách giải thoát mình khỏi những điều này bằng cách tỉnh thức và tự hiểu mình. PG dạy ta làm người bằng cách quán tâm, tự hỏi vì sao ta có những hành động như thế này hay thế khác.

“Một người trí tuệ, nhận biết thế gian này chỉ là ảo tưởng, nên không hành động như nó là thật. Vì thế người ấy thoát khỏi khổ đau” - Đức Phật

“Vấn đề lớn nhất trong nghệ thuật là dùng hình tướng để tạo nên ảo tưởng về một thực tế ngỡ cao cả hơn” - Goethe

“Bí mật của phim truyện là: đó chỉ là ảo tưởng”  - George Lucas

Như thế phải chăng không thể có nền điện ảnh giải trí cho PG?

Thật may mắn, câu trả lời là “có”. Để giữ cho tâm tránh khỏi cực đoan có thể tạo ra một cuộc đấu tranh rất ngoạn mục bên trong tâm mình. Có nhiều ví dụ trong đó nhà làm phim đã biến những hành vi “thụ động” như ngồi Thiền hay bất bạo động trở thành những tình tiết rất thuyết phục, làm nổi bật tính chiến đấu trong tâm ta.

Khi PG trở nên rất phổ biến ở Hoa Kỳ, thậm chí biến thành những phong trào mới, chẳng hạn như “Phong trào PG dấn thân”, phát triển mạnh mẽ, đi thẳng vào các hoạt động xã hội đặc trưng của tôn giáo khác, nhà làm phim phương Tây có nhiều cơ hội hơn để khám phá Phật Pháp từ những quan điểm mới.

Sau đây là danh sách những bộ phim của phương Đông lẫn phương Tây dẫn giải về lời dạy của Đức Phật, rất rõ ràng, và rất tinh tế.

8. Chiếc Cúp  (The Cup)

Kịch bản của nhà sư PG Khyentse Norbu, cũng là giám đốc của nhiều trung tâm tâm linh ở Ấn Độ và những nơi khác. Bộ phim mô tả một nhóm nhà sư trẻ tuổi người Tây Tạng ở Dharamsala, Ấn Độ, nơi Đức Dalai Lama và các vị Lạt ma Tây Tạng lưu trú. 

phorpa5.jpg

Chiếc Cúp là phương thuốc giải độc mới mẻ và thú vị so với một số bộ phim còn khá thận trọng và cung kính nói về đời sống tu hành của tu sĩ PG. Trong sinh hoạt hằng ngày ở tu viện, mặc dù hoàn cảnh khá khắc khổ và nhiệm vụ tôn giáo đè nặng, nhưng những tu sĩ cũng là những cậu con trai đích thực: bồn chồn không yên trong những giờ ngồi thiền, ham chơi, và thậm chí đôi khi cũng có hành động chống đối. Họ cũng thích bóng đá. Một trong số đó là Orygen (Jamyang Lodro đóng. Cha anh là một triết gia PG nổi tiếng) quyết định phải xem bằng được trận đấu bóng đá giữa đội Pháp và Ý. Sau khi bị bắt quả tang Orygen cố gắng lẻn ra ngoài xem bóng đá với hai bạn, Sư trụ trì quyết định cho phép Orygen “mang cả World Cup” vào tu viện bằng cách là thuê một ti-vi trong làng để xem.

Chiếc Cúp cũng nói về ảnh hưởng của việc toàn cầu hóa đối với những truyền thống cổ xưa, nhưng nó cũng rất vô tư và vui nhộn. Một mặt là tu tập tinh tấn, mặt khác là những hoạt động dường như rất “thế tục” - xem bóng đá - được đặt cạnh nhau, làm người xem rất thích thú và cảm mến nhân vật. Thực sự nó cũng đưa ra một bài học quý giá: Đừng quá nghiêm khắc với chính mình giữa những nỗ lực tâm linh đã đủ khắc khổ.

7. Sư Huynh (The Dhamma Brothers)

Bộ phim này muốn nói rằng Thiền có thể thay đổi, cảm hóa ngay cả những đối tượng không thể ngờ được. Hai giáo viên dạy Thiền quán cho một khóa tu chín ngày tại một nhà giam cực kỳ an toàn nhưng nổi tiếng là thô bạo ở bang Alabama .

ảnh 2_phim.jpg

Cảnh trong phim The Dhamma Brothers

Các giáo viên này cùng vào sống tại nhà tù. Họ cảnh báo tù nhân rằng khóa tu này đòi hỏi sự im lặng nghiêm ngặt và kỷ luật hơn trước đây. Kết quả thật là kỳ diệu. Những tù nhân tham dự khóa tu dần dần cảm thấy dấy lên những xúc cảm, và họ mô tả kinh nghiệm của những buổi tập Thiền khiến người xem vô cùng xúc động. Nhiều tù nhân ở đó đã phạm những tội ác kinh khủng, như giết người hay hãm hại người phải bị chung thân, không thể nào ra được bên ngoài. Vì thế nhà tù duy nhất họ có cơ hội trốn thoát là nhà tù do tâm họ tạo ra…

6. Chiến binh hòa bình (Peaceful Warrior)

ảnh 3_phim.jpg

Bộ phim kể về một huấn luyện viên thể dục có tài Dan Millman (Scott Mechlowicz đóng). Trong một tai nạn xe hơi anh biết mình sẽ không bao giờ thi đấu được nữa. Bị bắt buộc phải xem lại lối sống của mình, anh nhờ sự giúp đỡ người thầy tâm linh bí hiểm mà anh thường gọi là Socrates (Nick Nolte đóng), người mà anh gặp được tại sân ga. Cơn khủng hoảng khi phải xem xét lại mục đích của cuộc đời thường xảy ra ở hầu hết chúng ta. Tuy nhiên, lời khuyên và trí tuệ của Socrates lại không tầm thường chút nào và thực sự rất đáng giá.

Dan biết rằng, chấp nhận tất cả mọi thay đổi mà chúng ta không thể nào kiểm soát, và bình tĩnh trước thực tế khó khăn chính là những bài học luôn được mọi người nghiên cứu cẩn thận, để hiểu được những điều cơ bản của Thiền PG. Những lời giáo huấn trong phim xoay quanh những tình huống khó khăn phức tạp, kể cả khi thực hiện một việc đơn giản nhất: tỉnh thức.

5. Bánh xe Thời gian (Wheel of Time)

Đạo diễn người Đức Werner Herzog dùng tài năng đặc biệt của mình chuyển sang làm phim về cộng đồng PG Tây Tạng trên khắp thế giới. Chuyện phim nói về một người đàn ông đã đi bộ suốt ba năm trời, quỳ lạy qua hàng ngàn dặm đường để đến được Bồ-đề Đạo tràng. Cuối cùng Đức Dalai Lama lại không xuất hiện vì cơn bệnh đột ngột. Trong giây phút ta có thể cảm thấy rất thương cảm cho ông. Ngoài ra, đám đông vẫn kiên nhẫn chờ đợi nên càng gây được nhiều ấn tượng sâu sắc.

ảnh 4_phim.jpg

4. Người Sith trả thù (Revenge of the Sith – Star Wars Episode III)

Hình tượng của PG, đặc biệt là sự đa dạng của Thiền PG, đã luôn là yếu tố thẩm mỹ và triết lý của bộ phim Star Wars của đạo diễn George Lucas.

Câu chuyện Annakin Skywalker biến thành Darth Vader là một bài học mang tính PG: không thể chấp nhận cái không thể tránh được là cái chết của vợ mình, Annakin đi theo thế lực của bóng tối xấu ác, hy vọng sẽ dùng sức mạnh Sith của mình mà ngăn cản được điều đó. Anh ta cho thấy sự nguy hiểm của chấp thủ và sự si ngốc cố gắng tránh những đau khổ tất nhiên sẽ đến. Annakin muốn tìm ra một con đường tắt của Diệu đế thứ nhất trong Tứ diệu đế: Khổ.

ff_starwars_object_468.jpg

Sự lầm lạc đáng thương này có kết quả ngay. Anh không có khả năng chấp nhận những mất mát và những thay đổi tất yếu của cuộcđời, điều đó đã dẫn anh đến một dạng đau khổ hơn nữa, đó là ảo tưởng. Như Yoda đã nói: “Sợ hãi là con đường dẫn đến tăm tối. Sợ hãi dẫn đến phẫn nộ. Phẫn nộ dẫn đến thù ghét. Thù ghét dẫn đến đau khổ”.

3. Vì sao Tổ Bồ-đề Đạt-ma lại đến từ phương Đông? (Why Has Bodhi-Dharma Come From The East?)

Đây là một bộ phim của Hàn Quốc, cũng là một bộ phim cần suy ngẫm, nói về một vị lão sư. Đệ tử của ông tuổi trung niên, và một cậu thanh niên sống trong một tu viện miền quê yên tĩnh. Vì bộ phim ít lời thoại, và tiến triển chậm, thận trọng, nó có mục đích khiến người xem phải suy nghĩ nhiều hơn.

ảnh 5_phim.jpg

Trong phim ta thấy những công việc đời thường như chẻ củi, rót trà, gieo trồng… biến thành những cơ hội để được thấy mình đang tỉnh thức ở hiện tại. Bồ-đề Đạt-ma đã dùng một phương pháp rất trí tuệ, rồi sau đó là im lặng. Nó khiến ta như bị khiêu khích. Như khi Tổ nói về những nguy hiểm của thế giới bên ngoài, và lòng người luôn sai lạc vì chỉ nghĩ về cái Tôi, rồi mời chúng ta suy gẫm về điều đó. Bộ phim tái tạo lại một kinh nghiệm Thiền định. Nó cũng cho ta cơ hội nhìn thấy sự đấu tranh nội tâm của mỗi người  trong từng giai đoạn của Thiền.

2. Chiến Tuyến Đỏ (The Thin Red Line)

Thiền đối đầu với sức mạnh của sự hung ác, đối đầu với khả năng vượt trội của bạo lực bằng sức mạnh của tâm và hành động hy sinh. Bộ phim thể hiện nhiều giai đoạn phát triển tâm linh khác nhau.

wThin-Red-Line-DVD.jpg

“Trong thế giới này, người ta không là gì cả.” - “Không, bạn lầm rồi. Tôi còn thấy được một thế giới khác”.

Theo quan điểm PG, “thế giới khác” đó không phải là một nơi nào khác, mà chỉ là một tâm cảnh khác. Suốt bộ phim, nhân vật chính luôn giữ một vẻ hiên ngang trầm tĩnh của người biết buông bỏ và có lòng từ bi, như một vị Bồ-tát, luôn muốn cứu giúp chúng sinh mà tái sinh lại trong thế gian này.

1. Xuân, hạ, thu, đông . . . (Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring)

Đây là câu chuyện về một thiền sư và một đệ tử trẻ sống trong một tu viện nhỏ ở giữa một cái hồ. Sư phụ dạy đệ tử biết về sự bạo tàn của cuộc đời và sự đồng cảm. Khi lớn lên, người đệ tử rời tu viện để đi theo một người con gái đẹp và bắt đầu đối mặt với những xấu xa nhất của cuộc đời. Đời sống tu hành không luôn phải trong sạch, vô tội, hoặc tránh được những dụ dỗ của xúc cảm, mà là phải đi sâu vào tận mọi ngõ ngách của bản chất tâm linh của ta. Đó cũng là những bài học tâm linh khó học nhất.

Khi người đệ tử này trở về tu viện để chuộc lỗi với Thầy, giờ đây anh có thể nhìn thấu được bản chất bên trong mọi sự việc. Anh kéo tảng đá nặng hàng dặm đường để lên đến đỉnh núi. Tại đây anh có thể đặt xuống cái gánh nặng xuống (nghĩa đen và cả ẩn dụ) và ngồi thiền một mình trên đỉnh núi. Cảnh quay này là một trong những biểu tượng điện ảnh sâu sắc nhất, đáng kinh ngạc nhất về sự thực hành tu tập tâm linh trong PG.

Spring_Summer_Fall_Winter_and_Spring-882859688-large.jpg

Một số phim khác:

- Luân hồi (Samsara)

- Tất-đạt-đa (Siddhartha)

- Thiền (How to Cook Your Life for Zen in the kitchen)

- Kundun

- Ma trận (Matrix)

- Phim hài “I Heart Huckabees”

- Vẻ đẹp kiểu Mỹ (American Beauty)

- Tommy

- Fight Club

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.