Như một nhánh bìm xanh

GN Xuân - Đứng trước những bông hoa là đứng trước cái mê diệu. Hẳn đó là lúc thơ ca ra đời.

Nhưng đó là thơ ca của đời sống, không phải thơ ca của siêu hình.

Vì thế mà Whitman ca hát:

Một nhánh bìm xanh biếc bên cửa sổ tôi còn cho tôi đầy niềm vui hơn những siêu hình sách vở.

(A morning-glory of my window satisfies me more than the metaphysics of books).

Lời thơ ấy nằm trong “Bài hát chính mình” (Song of Myself) của Whitman và ở khúc 24, Whitman tìm thấy cái chính mình trong một nhánh bìm xanh biếc, sau khi nhìn thấy mình ở khắp mọi nơi, mơn trớn mọi thứ trên đời, là “người mơn trớn cuộc đời” (the caresser of life) như ông tự nhận.

Đối với Whitman, lá cỏ, cái kiến, hạt cát, chim sẻ, hoa bìm bìm… đều là hoàn hảo, cao trọng, tuyệt vời, sánh ngang tinh tú và xứng đáng làm đẹp sảnh thiên đàng.

Với phong vị thơ ca đó, dù thơ ông thường dài dằng dặc, nó vẫn gần gũi với thế giới thơ haiku.

bim1.jpg

Cái nhánh hoa bìm (morning - glory) mà Whitman vừa nhắc tới vẫn thường xuất hiện trong thể thơ haiku tuyệt ngắn Nhật Bản với cái tên là hoa asagao (triêu nhan: nhan sắc ban mai).

Như trong bài haiku rất lạ của thi hào Bashô:

Ai biết khóc hay cười

Khi đến thời khô héo

Cành triêu nhan của tôi.

(Warau beshi naku beshi

Waga asagao no

Shibomu toki).

Lạ vì bài haiku này có đến 21 âm tiết (9-7-5) thay vì 17 âm (5-7-5) thường tình. Chữ “waga” (của tôi) đứng trước hoa asagao bất ngờ lạ hóa, hài hóa và tục hóa hình ảnh cành triêu nhan.

Nhưng dẫu sao đi nữa, cái nhìn của hai nhà thơ Whitman và Bashô rất là đồng điệu. Cành triêu nhan của họ là Thực, là Đẹp cho dù nó đang tốt tươi hay khô héo.

Vì có thời của nẩy nở và có thời của tàn phai. Đừng hiểu khóc hay cười là vấn đề. Bashô chỉ đùa. Không có vấn đề. Nhà thơ đang chơi đùa với hoa triêu nhan.

Trò chơi của thiền và thiền của trò chơi.

Hoa triêu nhan dường như tham dự vào những sinh hoạt khác nhau của các nhà thơ Nhật Bản, kể cả tụng kinh:

Ôi hoa triêu nhan

Giữa hồi kinh tụng

Nở ra huy hoàng.

Kyoroku

(Kankin no

Ma wo asagao no

Sakari kana).

Trong tụng kinh, nhà thơ cũng nở rộ tâm mình. Như hoa triêu nhan. Tụng kinh buổi sáng, tâm nhà thơ cũng trở thành hoa triêu nhan.

Nhưng trong ý nghĩa sâu thẳm hơn nữa, có thể hiểu rằng lời kinh thì bao la, viên dung nên có ý nghĩa cứu độ và có ý nghĩa siêu độ, dành cho cả thời hoa nở và dành cho cả thời hoa tàn, dành cho cả người khóc và dành cho cả người cười.

Có vấn đề ư? Thiền đáp rằng Không.

Nên hoa triêu nhan vẫn nở và hoa triêu nhan vẫn tàn. Và có khi tàn mà lại tươi như lời thơ kỳ diệu của Nguyễn Du: “Hoa tàn mà lại thêm tươi”.

Vì tố chất của hoa là cho đi, là trao tặng. Như lời thơ hiền minh của Tagore:

Em tựa hồ như một cây hoa

Khi em ngạc nhiên nghe ta ca ngợi

Về những gì em tặng trao ta.

(You are like a flowering tree, amazed when I praise you for your gilfs).

Hãy thử đứng trước hoa mà ca ngợi. Sắc và hương của hoa không ngớt tặng trao đời. Và tặng vật của em sao mà tuyệt thế!

Thì biết đâu hoa sẽ đáp: Tự nhiên thôi, bình thường thôi mà!

Chính vì vậy mà Tagore từng nói: “Không chỉ trong thiên nhiên hoa mới có vai trò, hoa còn có vai trò lớn lao khác nữa trong tâm hồn con người”.

Và Hàn Mặc Tử cũng viết:

Tôi với hồn hoa vẫn nín thinh

Ngấm ngầm trao đổi những ân tình.

Đó là người đi vào hoa và hoa đi vào người. Vô ngại.

Hoa và người trao đổi nhau bằng gì? Bằng cái “ngấm ngầm” bằng chính niềm im lặng, và cả bằng “những lời năn nỉ của hư vô”:

Những nét buồn buồn tơ liễu rủ

Những lời năn nỉ của hư vô.

Hàn Mặc Tử

Hoa đi vào người như thế nào, bằng phương tiện gì của hoa? Bằng cái mà ta có thể gọi là “độ lượng hoa”:

Với người bẻ cành

Cành hoa mơ ấy

Tặng làn hương thanh.

Chiyo

(Taoraruru

Hito ni kaoru ya

Ume no hana).

Bởi vì hoa không biết hờn oán. Hoa chỉ biết trao hương.

Còn người, người đi vào hoa như thế nào? Có thể là, bằng cách nhờ hoa nói thay mình một điều gì đó, nhắn nhủ thay mình. Như Tagore:

Khi trên đất này ta không còn nữa,

Cây ơi, mỗi độ xuân về thay lá mới,

Thì xin hãy thay ta,

Nhắn người lữ khách đi qua

Rằng thi nhân ấy đã là tình nhân.

(When I am no longer on this earth, my tree,

let the ever renewed leaves of thy spring murmur to the wayfares:

The poet did love while he lived).

Đó là bài thơ mà Tagore soạn năm 1926 khi dưỡng bệnh ở bên hồ Balaton xứ Hungary. Xứ lạ, nằm bệnh, Tagore mơ mình chuyển thế thành một cây xanh bên đường.

Và đời sống không phải là một cuộc chuyển thế liên tục hay sao?

Con người và cây cỏ thực sự đi vào nhau, chuyển hóa nhau, tương nhập và tương tức. Mọi hiện tượng khác cũng thế.

Con người mang trong mình mọi hóa thân trước đây để rồi lại tiếp tục hóa thân cho đến khi trở về với hư không. Thi hào huyền bí Rumi của Ba Tư từng hát:

Từ khoáng vật chết đi, tôi làm cây cỏ

Cây cỏ chết rồi, tôi làm thú hoang

Con thú chết đi, tôi hóa con người

Dẫu là con người, lẽ nào không chết

Sau hóa thần linh bay lượn giữa trời

Và cả thiên thần cũng đến ngày mất chỗ

Bởi mọi điều chung cuộc sẽ tan thôi

Tôi sẽ là Hư không! Bài ca lên tiếng

Ta đi đâu rồi cũng trở về người!

Không có chỗ nào riêng, không có đường biên.

bim4.jpg

Tất cả chúng ta, theo kinh Pháp hoa, chẳng khác nào cỏ cây đủ loại được tưới tắm dưới vầng mây Như Lai rộng lớn thênh thang: “Những đám cỏ, bụi cây, các loài dược thảo, thân cây, cành lá, nhánh nhóc còn non… mỗi cây đều tùy sức, tùy phần, tùy thế mà hút lấy nước mưa đổ xuống từ vầng mây lớn kia… mà nẩy nở, mà hoa đơm trái trổ. Từ đó có những tên gọi khác nhau”. (xem Diệu pháp Liên hoa kinh, phẩm Dược thảo, Phật học Tòng thơ)

Chỉ những tên gọi khác nhau. Cỏ cây nào chẳng là cỏ cây.

Kể cả trong hoang tàn đổ nát:

Ôi nhánh bìm tan

lê mình trên đất

trong sân nhà hoang.

Shiki

(Asagao no

Chi wo haiwataru

Akiya kana).

Thiền sư Đại An ở núi Quy từng thuyết: “Câu có câu không như bìm leo cây”. Sơ Sơn tìm đến hỏi:

- Khi cây ngã bìm khô thì thế nào?

Đại An chỉ cười ha hả.

Về sau, gặp một bậc thầy khác, Sơ Sơn cũng hỏi y như thế và nghe đáp:

- Ông chỉ làm Đại An cười ha hả lần nữa! Sơ Sơn bất chợt hội hết toàn bộ đại sự và bảo rằng:

- Trong cái cười của Đại An có dao! Rồi hướng về núi Quy bái tạ. (Xem Thiền, D.T. Suzuki, Thuần Bạch dịch).

Dường như trong triết lý, Có và Không luôn luôn là vấn đề. Tồn sinh hay không tồn sinh. Tiếng cười ha hả của Thiền muốn hất ta ra khỏi vấn đề đó.

Có vấn đề gì đâu. Chỉ có tiếng cười vô thanh Niêm hoa vi tiếu của Như Lai. Chỉ có tiếng cười ha hả của Đại An thiền sư. Cứ đến đi như thế mà bình an.

Như một nhánh bìm, một nhánh triêu nhan. Khi thì xanh biếc, khi thì tàn khô. Đầu mùa và cuối mùa. Như hoa đào:

Gió và mưa

Giữa những cơn cuồng dại

Những cánh hoa đầu mùa.

Chora

(Ame  - kaze no

Araki hima yori

Hatsu – zakura).

Hoa sẽ nở hết mình. Dẫu thừa biết có đầu mùa và cuối mùa.

Những lá xanh đầu mùa phản chiếu trong từng hạt thủy tinh của một xâu chuỗi là một hình ảnh bất ngờ mà nhà thơ haiku hiện đại Bôsha trao tặng ta:

Lá non tươi

Thủy tinh lần hạt

Lung linh chiếu ngời.

(Suichô no

Nenju ni utsuru

Wakaba kana).

Bôsha đang lần tràng niệm châu (nenju) và nhìn thấy lá non trong từng hạt thủy tinh một.

Tràng niệm châu ấy dường như là hình ảnh thu nhỏ của lưới trời Đế Thích (Indra) nơi mỗi hạt châu phản chiếu lẫn nhau trong mối tương quan vô tận dưới cái nhìn Hoa nghiêm.

Hình ảnh ấy cũng tương tự như một dụ ngôn trong thiên luận “Hoa nghiêm huyền tán” của Đại sư Trừng Quán:

“Một nhà sư đang thuyết pháp cho đệ tử của ông trong một căn phòng có treo một tấm gương. Tấm gương, nhà sư và người đệ tử biểu trưng tuần tự cho chân tâm, Đức Phật và Con người… Đức Phật vốn ở bên trong tâm của con người, đang thuyết pháp cho con người vốn ở bên trong tâm của Phật; và con người vốn ở bên trong tâm của Phật, đang lắng nghe lời thuyết pháp của Đức Phật vốn ở bên trong tâm của con người”. (Thích Thiện Sáng dịch)

Nhưng cũng chẳng cần những liên tưởng trên hình ảnh lá non tươi phản chiếu trên tràng niệm châu thủy tinh của Bôsha đã đủ tuyệt diệu khi nhìn đời sống với một tâm thiền xanh biếc.

Hoặc là nhìn cuộc sống hiện tiền với một tình yêu nồng nàn của một nhà thơ haiku hiện đại:

Tôi yêu đời mình

Dẫu cho còn một thoáng

Như một nhánh bìm xanh.

Fusei

(Asagao no

Hanada no awaki

Inochi oshi).

Từ nhánh bìm xanh biếc của Whitman đến những nhánh cành hoa cỏ thơ ca khác, ta sống trong thế giới của hương. Cõi Ta-bà có thể là cõi hương. Như “hương gây mùi nhớ” của Nguyễn Du. Như “Bút thơ đã chép hương còn bén” (Quốc âm thi tập) của Nguyễn Trãi. Màu xanh và hương thơm ấy vượt hết mọi siêu hình sách vở.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.