Nhớ về cô giáo dạy văn nơi mái trường Cưkuin

GNO - Hôm nay, đi ngang sân trường trung học tôi thấy người ta tổ chức hội ẩm thực, văn nghệ rôm rả để chúc mừng thầy cô giáo nhân ngày nhà giáo. Trên tay học sinh cũng như thầy cô  ôm đầy hoa và quà với những khuôn mặt hân hoan. 

Không khí này, làm cho tôi nhớ quá, nhớ thời học sinh cắp sách đến trường, nhớ đến thầy cô chân chất đầy tình người ở quê mình. Đã 12 năm hơn, tôi đã lớn, đã đi học nhiều trường khác nhau, nhiều thầy cô hơn nhưng trong lòng tôi không bao giờ nguôi nhớ đến thầy cô cũ.

11_1co1603-400.jpg

Từ lớp học đơn sơ này, chúng con đã lớn khôn, thành người - Ảnh minh họa

Quê tôi nằm ở một huyện miền núi của cao nguyên đầy nắng và gió, người dân ở đây đa số là đi kinh tế mới cuộc sống còn khó khăn. Và thầy cô tôi cũng vậy, mỗi ngày đến trường để dạy học, đi về có lẽ phải đạp hơn hai mươi cây số.

Ngày nắng còn đỡ còn như ngày mưa thì đường trơn như đổ mỡ, đất đỏ dẻo quẹo bám chân, bám xe đỏ loét nhưng thầy cô cần mẫn đi về.  Có khi đến lớp, học sinh vào mùa hái cà phê, ngày mưa, mùa đông rét, lớp lèo tèo vài đứa nhưng thầy cô vẫn cứ nhiệt tình dạy.

Hồi đó đến ngày nhà giáo trường không tổ chức lễ như bây giờ. Đến ngày 20-11 học sinh đóng góp tiền theo lớp hay theo nhóm đến từng nhà thầy cô chúc mừng và tặng quà.

Quà có khi chỉ là mấy bông hoa dại trong vườn cắt vào còn vương sương ướt, được bó một cách vụng về, hay gói kẹo được gói trong giấy đỏ đó là mừng cô. Còn quà của thầy có khi chỉ là gói thuốc hay gói trà, gói bánh hay kẹo gì đó. Quà thì đơn sơ giản dị là vậy nhưng thật vui. Ngày hôm đó giống như ngày hội vậy, các bạn cứ theo nhóm với nhau đạp xe đến từng nhà thầy cô.

Tôi còn nhớ, nhớ lắm ,nhất là cô giáo dạy văn đáng yêu, đáng kính của mình.

Quê tôi mùa tháng 11 là trời mưa lất bấc có khi cũng có nhưng cơn mưa to bất chợt kèm theo gió bắc lạnh lùa về, làm chúng tôi mỗi lần đi thăm như vậy có khi phải gặp mưa, đến nhà cô bạn có áo mưa còn đỡ, còn bạn không có áo mưa cô nhìn học sinh ướt nhẹp đến thương rồi mắng: “Sao các em không nấp mưa tạnh hẳn đi để ướt như vậy, sẽ bệnh đó.  Cô phải lấy khăn cho lau, mang áo quần con của cô thay cho đỡ lạnh. 

Cô trò ngồi bên nhau trò chuyện, cô đem bánh kẹo học sinh tới mừng cô chia ra cho mọi người cùng ăn, học trò mới học trò cũ, lần lượt hết nhóm này, đến nhóm khác vào, cô bảo: “Ngày hôm nay cô thấy vui nhất. Vì lại được chuyện trò với các em thật gần gũi, được hỏi thăm từng em, biết nhà em ra sao, được những tin vui của học trò cũ báo về, lại nhận được những bó hoa không có tên nhưng lại tươi tắn, khoe sắc hương. Cô chỉ mong cái em học tốt, làm một người tốt để tự lo cho bản thân và sau này giúp ích cho đời là món quà lớn nhất, và cô thấy vui nhất”.

Cô không chỉ hay trong lời văn, tiếng thơ dạy cho nó và cô còn hay trong cách ứng xử, cách quan tâm đến học trò có hoàn cảnh đặc biệt mà không làm cho người đó phải thấy mặc cảm.

Biết bao học sinh được cô cảm hóa từ người ngỗ nghịch đã nhận ra lỗi lầm để thành học trò giỏi và ngoan, cũng có đôi người không hiểu, ghét cô vô cùng, vì nghĩ cô này nọ nhưng cô chỉ cười. Và trong số đó lớn lên học thành tài đỗ đạt đã quay về xin tạ lỗi cùng cô, vì những suy nghĩ non nớt, đã nghĩ sai cho tấm lòng của cô, đã nghĩ sao cô ác với mình vậy.

Cô là vậy, bến đò trí tuệ ngày tháng cần mẫn đưa khách sang sông, dẫu biết rằng có khi khách đi rồi quên lãng hay chỉ đôi lần hỏi thăm thôi nhưng biết học trò thành đạt thì thầy cô đứng bên bờ luôn mỉm cười chúc phúc…

Gửi cô Hữu, giáo viên Trường cấp 2 Cưkuin, Daklak

Nguyễn Thị Huyền (Thủ Đức, TP.HCM)

-------------------------------

Ngày xưa bên cô thầy…

Em nhớ ngày xưa…Sắp đến ngày thi tú tài rồi mà chúng em chẳng ai lo học hành gì cả, vẫn còn ham chơi, vẫn còn xuống phố la cà tán gẫu, ăn kem… mặc cho thầy cô lo lắng, nhắc nhở, phê bình.

Rồi mùa thi cũng qua đi, may mắn là trong cả đám không đứa nào trượt - thầy cô thở phào nhẹ nhỏm về kết quả thi với sự chủ quan của chúng em.

Rồi tiếp theo là việc chúng em chọn ngành sư phạm mầm non, có lẽ một điều đơn giản là nghĩ đến ngày ra trường được tung tăng ca hát, nhảy múa và vui chơi cùng mấy đứa học sinh “nhí”  là tuyệt vời - là không còn gì hạnh phúc bằng!

1291362317-1-images445802_1.jpeg

Làm cô giáo mầm non không khó, nếu ta biết yêu nghề, yêu trẻ - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Khi ấy, mặc dù thầy cô phân tích cho chúng em biết những yêu cầu của sinh viên ngành sư phạm mầm non là rất cao, nhất là khả năng hiểu về tâm lý trẻ; chăm sóc và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho trẻ về mặt tâm lý cũng như sức khỏe;  về năng khiếu ca hát, kể chuyện diễn cảm… Và thầy cô cũng phân tích cho chúng em thấy rằng: Những thử sức đầu tiên trong giai đoạn đi thực tập sư phạm của sinh viên không phải lúc nào cũng đạt kết quả tốt. Chính những thất bại đầu tiên có thể sẽ làm cho chúng em giảm hứng thú với công việc.

Thầy cô kính mến!

Thật sự sau này, khi nhớ lại chúng em thấy mình có lỗi vì đã rất vô tình bỏ mặc lời dạy bảo của thầy cô lúc ấy!

Giờ đây tất cả đã trưởng thành và đang đi trên con đường đã chọn; nhiều lúc chúng em nghĩ: sao bước chân mình vẫn như đứa trẻ mới biết đi chưa vững vàng trên đường nghề nghiệp; ước gì lúc ấy có thầy cô bên cạnh nâng đỡ dạy bảo chúng em như ngày nào…!

Có lúc chúng em thật sự hụt hẫng khi phải đối diện với bao điều mà đôi khi muốn chạy trốn khi mới ra “trận” vì có quá nhiều điều phiền não, với bao nhiêu là chán nản do thiếu sự quan tâm của xã hội…

Nhưng thầy cô ơi! Những lúc như thế này và hơn bao giờ hết hình ảnh thầy cô năm xưa với lời dạy bảo đầy yêu thương lại giúp chúng em bình tâm nhìn lại mà không bỏ chạy.

Làm sao bỏ đi cho được khi mà hơn bốn mươi trẻ nhỏ vô tư và đáng yêu, chúng chưa thể tự bảo vệ được; thật sự khi nhìn các cháu lúc nào cũng như muốn nói “Cô ơi, đừng bỏ tụi con” - Có lẽ những lời động viên chia sẻ của thầy cô năm xưa đã giúp chúng em vượt qua khó khăn thử thách... Và rồi chúng em quyết định ở lại, ở lại vì đám trẻ nhỏ dễ thương và tiếp tục theo con đường đã chọn cho đến bây giờ.

Có lẽ chính bài học từ thực tiễn của thầy cô năm xưa đã giúp chúng em một lần nữa trưởng thành hơn. Ngày xưa còn khó khăn gấp bội lần mà sao thầy cô vẫn bám trường, vẫn bám lớp; vẫn chăm chút cho chúng em từng li, từng tí. Bọn em vẫn nhớ những ngày cao điểm phải ôn thi, thầy cô là người mua cho chúng em từng gói xôi, từng ổ bánh mì, từng ly nước mía... để chúng em no dạ ngồi lại học bài đến tối.

Giờ đây, sau giờ trả trẻ, ngồi một mình trong sân trường vắng vẻ, bỗng dưng những hình ảnh thầy cô và các bạn ngày xưa ấy cứ ùa về trong nước mắt…

 Ước gì gặp lại thầy cô để cùng chia sẻ nỗi nhọc nhằn mà thầy cô đã hy sinh quá nhiều vì chúng em.

Những điều ấy, bây giờ chúng em mới hiểu.    

Ngọc Hạnh 

Khúc tri ân được mở ra nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20-11, để quý bạn đọc của Giác Ngộ Online có thể gửi gắm, chia sẻ những kỷ niệm đẹp, những tình cảm ấm áp về thầy cô, người hướng đạo... cũng như những lời dạy ân cần, chứa đựng tình thương và lòng nhân ái… Bạn đọc gửi bài viết (khoảng 800 chữ) về cho Khúc tri ân, e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com hoặc bandocgiacngo@gmail.com.

Bài hay được chọn đăng sẽ có nhuận bút theo chế độ của tòa soạn.

Thời gian nhận bài đến hết ngày 20-11-2011.

PG-TT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.