Chư vị tiền bối đã nhân đó nêu lên tầm quan trọng của giới đàn trong sinh hoạt Phật giáo cũng như công cuộc chấn hưng đang tượng hình.
Giới đàn trong sinh hoạt Phật giáo
Đầu thế kỷ trước, với công cuộc Chấn hưng Phật giáo, yêu cầu phục hoạt đoàn thể Tăng-già được đặt ra để làm cơ sở phát triển chủ thể chấn hưng. Báo chí Phật giáo trong thời kỳ này, giữ vai trò hoa tiêu cho việc chấn hưng đã có những bài viết sắc bén nêu lên các đề xuất cụ thể.
Để phục hoạt đoàn thể Tăng-già, theo dẫn dắt của các bậc tôn túc thể hiện qua báo chí Phật giáo, cần phải thực hiện hai nhiệm vụ, thứ nhất phải phục hoạt lễ nghi truyền thọ giới luật mà Phật chế định đúng như pháp; thứ hai cần chỉnh đốn phục sức, nghi lễ thiền môn sao cho thống nhất để tạo tính hòa hợp của đoàn thể.
Truyền thọ giới luật là sinh hoạt đặc thù của Tăng sĩ Phật giáo. Tăng sự đó bấy lâu nay đều thực hành phi pháp phần nhiều, như Hòa thượng Tố Liên nhận định: “Trong chốn thuyền lâm nước ta hiện nay vẫn còn giữ được khuôn phép đàn giới. Nhưng lễ nghi phần nhiều đơn sơ lắm, không có gì là nghiêm mật, ông thầy truyền giới, học trò thụ giới phần nhiều cẩu thả, làm việc như chiếu lệ cả, không có một chút tinh thần gì, thực là một sự đáng buồn”. (“Tấm gương nước ngoài: Đàn giới ở Trung Hoa”, Đuốc Tuệ, số 46, 27-10-1936, tr.3).
Sự tổ chức thiếu thống nhất, sơn môn nào cũng có thể tổ chức cho truyền thọ giới luật mà không kiểm soát được cũng là nguyên nhân khiến đoàn thể Tăng-già thời bấy giờ có phần thiếu mất sự trang nghiêm.
Một điều tệ lậu hơn nữa, đôi khi đàn giới mở ra nhưng không có người thọ giới. Chính điều đó làm cho sinh hoạt Tăng sự mất đi giá trị của chính nó. Tăng-già mất đi vị trí của chính mình trong Giáo hội. Từ nguyên nhân này mà một số tôn giáo phát sinh từ Phật giáo đầu thế kỷ XX ở nước ta đề xướng ra những lập thuyết mới chỉ tôn thờ nhị bảo là Phật và Pháp. Do đó, báo chí Phật giáo cũng đề xướng chỉnh đốn sinh hoạt Tăng sự “cho người ngoài trông thấy biết rõ trật tự, biết rõ chân giả đều là những vấn đề cần thiết trong việc chấn hưng”. (Trí Hải, “Vấn đề chỉnh đốn phục sức của Tăng giới Bắc Kỳ”, Đuốc Tuệ, số 114, 15-8-1939, tr.3).
Vì vậy, lập đàn giới như pháp được đề xướng, vì “giới luật tuy nhiều mà pháp thọ giới thì rất giản và rất thiệp, vì cái đại ý của Phật muốn cho những người cầu giới đặng lãnh thọ cho đặng cái giới pháp mà thôi, nên pháp giới đàn nói trên đó tức là trường kỳ”. (Hòa thượng Bích Liên, Từ Bi Âm, “Pháp trường kỳ thọ giới”, số 28, 15-2-1933, tr.7).
Việc tổ chức giới đàn qua tư liệu xưa
Đầu những năm 1933, Hòa thượng trú trì chùa Bích Liên, đạo hiệu Thích Trí Hải, chủ bút tạp chí Từ Bi Âm đã có loạt bài dài kỳ viết về Đại giới đàn, để làm mô phạm, cương kỷ cho thiền môn và phổ biến tri thức cho quần chúng được tri tường. Đại giới đàn được Hòa thượng Bích Liên mô tả đầy đủ về hình thức lẫn nội dung trong loạt bài đó.
Đại giới đàn chúc thọ tổ chức tại chùa Từ Hiếu (kinh đô Phú Xuân) năm 1924, dưới thời vua Khải Định |
Để một đàn giới như pháp được thiết lập, cần phải có quần chúng cầu thọ. Hòa thượng chỉ ra rằng: “Chừng nào có thập phương giới tử đến thỉnh cầu thì mới khai kỳ thí giới”. (Từ Bi Âm, “Pháp trường kỳ theo kiểu kim thời”, số 40, 15-8-1933, tr.37). Người Phật tử chân chính thì luôn luôn cần cầu giới pháp để làm chỗ y cứ tu tập. Vì lợi ích của số đông, “xưa Phật Thích-ca khi gần nhập diệt thì di chúc lại trong hàng đệ tử rằng: ngày sau phải lấy giới làm thầy.
Còn Đức Lục tổ Huệ Năng, khi đã đắc truyền tâm ấn với ngài Ngũ tổ Nhẫn - thiền sư rồi mà sau còn phải thọ giới nữa”. (Từ Bi Âm, “Pháp trường kỳ theo kiểu kim thời”, số 40, 15-8-1933, tr.33). Bởi lẽ, “chữ giới tiếng Phạn gọi là ‘ba-la-đề-mộc-xoa’, Tàu dịch là ‘bảo giải thoát’, nghĩa là giúp đỡ cho những người tu hành giải thoát đường sanh tử mà tới đặng cảnh giới Vô thượng Bồ-đề. Vậy thì biết ‘giới’ đó tức là thầy ‘Đạo sư’ bậc ‘tối thượng thừa’ và cũng là con đường tắt Vô thượng đại diệt độ”. (Hòa thượng Bích Liên, Từ Bi Âm, “Pháp trường kỳ thọ giới”, 1-7-1933, số 37, tr.14).
Đại giới đàn Long Khánh (Bình Định) năm 1968 |
Nói về giới học, chúng ta cần phải nhận thức đầy đủ, “tuy giới do lòng mà phát, nhưng ‘thọ’ phải đợi thầy truyền”. (Hòa thượng Bích Liên, Từ Bi Âm, “Pháp trường kỳ thọ giới”, số 32, 15-4-1933, tr.9). Chính vì lẽ đó, ngoài việc hàng tại gia cần cầu giới pháp thì việc kiến đàn, thí giới là việc của Tăng-già.
Pháp kiến đàn “chủ lập mười vị Tăng mà thôi: một vị Hòa thượng, một vị Yết-ma, một vị Giáo thọ, và bảy vị Tôn chứng, gọi là ‘Thập sư’, ngoài số ấy thì không đặng thêm nữa. Hòa thượng gốc là tiếng Phạn, Tàu dịch là ‘lực sanh’ nghĩa là giới luật hay sanh đặng pháp thân cho những người hậu tấn. Yết-ma, Tàu dịch là ‘tác pháp biện sự’, nghĩa là làm các pháp và biện các sự truyền giới. Giáo thọ nghĩa là chỉ dạy oai nghi và pháp tắc cho giới tử. Tôn chứng nghĩa là làm chứng cho giới tử thọ giới. Giới tử nghĩa là người cầu thọ giới”. (Hòa thượng Bích Liên, Từ Bi Âm, “Pháp trường kỳ thọ giới”, số 28, 15-2-1933, tr.8).
Đại giới đàn chùa Quán Sứ (Hà Nội) năm 1939 |
Đại giới đàn kiến khai, trước hết thí Thập giới cho Sa-di, thứ đến thí Cụ túc giới cho Tỳ-kheo, sau cùng đàn thứ ba thí giới Bồ-tát cho đại chúng. Theo đó, “khai giới đàn khai chung-bảng vừa xong, thì giới tử và mấy người chức sự nhóm lại mà lạy Phật, rồi rước Hòa thượng nhập đàn thăng tọa”. (Hòa thượng Bích Liên, Từ Bi Âm, “Pháp trường kỳ thọ giới”, số 29, 1-3-1933, tr.3) để khai đạo cho giới tử.
Nhị đàn truyền Cụ túc giới tác thành giới thể cho Tỳ-kheo, để chính thức dự vào hàng Tăng-già, đặc trưng bởi việc tác pháp yết-ma. Theo Hòa thượng Bích Liên, khi đó, Yết-ma A-xà-lê “đương trước chúng Tăng, một lần cáo bạch về việc thọ giới và ba lần hỏi về sự nên hay không mà quyết đáng, gọi là ‘bạch tứ yết-ma’, thì các người [thọ giới] phải nghe cho kỹ, rồi khởi lòng xét nghĩ, hễ bạch tứ yết-ma rồi, tức là các người [thọ giới] đều đắc giới cả”. (Hòa thượng Bích Liên, Từ Bi Âm, “Pháp trường kỳ thọ giới”, số 34, 15-5-1933, tr.16).
Tam đàn truyền giới Bồ-tát “là một pháp thọ giới lớn hơn hai pháp trước, chẳng luận là người đạo hay là người tục đều đặng thọ cả”. (Hòa thượng Bích Liên, Từ Bi Âm, “Pháp trường kỳ thọ giới”, số 37, 1-7-1933, tr.12). Giới Bồ-tát này còn gọi là Đạo tục thông hành giới, đối tượng thọ trì bao gồm hết tất cả chúng hữu tình phát khởi tâm Bồ-đề thực hành pháp và cần cầu thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì thế giới thể Bồ-tát thành tựu cũng như đài gương sáng tuy bị bụi bám vào nhưng vẫn giữ được bản thể trong sáng vốn có.
Thọ giới tức là gieo hạt Bồ-đề vào tâm thức, để chờ đủ nhân duyên mà hiện hành, ví như người mù đứng dưới ánh mặt trời, tuy không thấy được mặt trời rực rỡ nhưng ánh sáng của mặt trời không vì thế mà không lưu nhuận trên khắp thân thể họ. Tâm địa pháp môn mà Bồ-tát giới xiển dương là vì lợi ích rộng lớn cho tất cả chúng sanh mà tuyên hành. Do đó, vì diệu dụng như thế mà nên khởi phát niềm tin chân thực không thối chuyển vào pháp ấy.
Sau khi đã lãnh thọ giới pháp, tất cả giới tử đều phải trân trọng và ghi nhớ cũng như thực hành đầy đủ. Việc ôn tụng giới luật, cũng được Hòa thượng Bích Liên nhắc nhở, “các người ngày nay đã thọ rồi, thì từ nầy về sau cứ nửa tháng y theo luật Phật mà tụng Bồ-tát giới, chứ không đặng biếng nhác mà bỏ qua”. (Hòa thượng Bích Liên, Từ Bi Âm, “Pháp trường kỳ thọ giới”, số 39, 1-8-1933, tr.8).
***
“Pháp thọ giới là một pháp rất quan hệ trong đạo Phật, nên xưa nay những kẻ tu hành chơn chánh đều noi theo cách thức dạy trong sách ‘Hoằng giới đại học’ đã nói rõ trên đó mà làm mới đúng”.(Phạm Quang, Từ Bi Âm, “Lời của bổn chí về đàn thọ giới”, số 230-231, 2-3-1945, tr.13).