Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong trả lời phỏng vấn báo chí trong triển lãm sáng nay, 1-8 |
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong mở đầu câu chuyện về sách ảnh “Nghề truyền thống Việt”: “Như một định mệnh, cơ duyên đã đưa đẩy và thôi thúc tôi với những hành trình xuôi Nam, ngược Bắc... để len lỏi vào các làng bản, ngõ hẻm, nơi có nhiều làng nghề truyền thống làm những sản phẩm thủ công đặc trưng, tinh tế của mỗi vùng miền đất nước.
Tôi đã đến và thấy, mới cảm nhận được những nét đẹp lao động bình dị, tình yêu nghề, tâm huyết của các nghệ nhân làng nghề. Họ luôn cố gắng 'giữ lửa' cho nghề truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của làng nghề".
Sách ảnh "Nghề truyền thống Việt" của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong không chỉ đơn thuần là một bộ ảnh đẹp, mà còn là một dự án mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống Việt Nam |
Và, 45 chỉ là con số được chọn lọc tự nhiên từ trong hàng trăm, ngàn làng nghề truyền thống ở khắp mọi nơi tại Việt Nam mà nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong có nhân duyên, may mắn được trải nghiệm và lưu lại những hình ảnh, nét đẹp lao động chân chất. Cùng với nhiều cảm xúc, khoảnh khắc mang giá trị sống đời thực các nghệ nhân đã khắc họa đường nét rất riêng, chăm chút thổi hồn vào những tác phẩm thủ công từ đôi bàn tay tài hoa, tỉ mỉ.
45 bộ ảnh trong sách tương ứng với 45 nghề truyền thống. Đây là những làng nghề còn giữ được cách làm thủ công, hầu như chưa có nhiều sự xuất hiện của máy móc công nghiệp như: nghề làm nón lá (Thừa Thiên Huế), nghề làm tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), nghề làm chiếu cói (Phú Yên), nghề làm gốm Bát Tràng (Hà Nội), nghề làm hương Quảng Phú Cầu (Hà Nội), nghề dệt lụa Mã Châu (Quảng Nam), nghề làm lồng đèn (TP.HCM), nghề làm lư đồng Gò Vấp (TP.HCM), nghề làm xơ dừa (Bến Tre), nghề dệt thổ cẩm (An Giang),...
Đặc biệt có những nghề đã mai một như viết chữ trên lá buông (An Giang), hiện nay nghệ nhân nhân dân như Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, chùa Soài So, H.Tri Tôn (là đệ tử truyền thừa thứ 9), hiện được xem là người cuối cùng viết kinh bằng chữ Khmer cổ trên kinh lá buông.
Nghề đúc gang tại Hải Nhiếp ảnh |
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cũng cho biết, đây là cuốn sách được anh chăm chút kỹ nhất. Bên cạnh việc giới thiệu nét đẹp về nghề truyền thống đến độc giả trong nước, anh còn muốn chung tay quảng bá văn hóa, di sản Việt đến bạn bè quốc tế.
“Những con người tôi gặp dọc miền đất nước khi tích góp dữ liệu cho cuốn sách đặc biệt này đều có điểm chung là yêu nghề, quyết bám nghề đến cùng dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Có người ngồi cả ngày trời chỉ kiếm được vài chục nghìn nhưng vẫn muốn giữ cho làng nghề không mất đi. Có người dành trọn tâm huyết truyền nghề cho rất đông học trò rồi chỉ lác đác vài người trụ lại, vậy mà họ chưa hề có ý định bỏ cuộc. Tôi trân quý và muốn tôn vinh họ. Tôi gọi đây là cuốn sách hạnh phúc vì trong quá trình thực hiện nó, tôi may mắn được nghe rất nhiều câu chuyện hay trong hành trình cuộc đời của họ”, Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ.
Bộ ảnh về nghệ nhân Trần Thị Có, người khiếm thị làm nghề nón lá hơn 50 năm qua, trong sách ảnh "Nghề truyền thống Việt" của Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong. |
So với 18 lần triển lãm trước đây, triển lãm sách ảnh “Nghề truyền thống Việt” của Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong lần này chỉ diễn ra trong một ngày, để gia tăng trải nghiệm cho người xem.
Là ấn phẩm đặc biệt, Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong quyết định chỉ in giới hạn 100 cuốn. Trong mỗi cuốn sách, Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đính kèm thêm một tờ giấy được anh mua từ làng nghề làm giấy độc bản truyền thống ở Cao Bằng. Trên giấy có phần viết tay nội dung chứng nhận đây là cuốn sách giới hạn, giá bán 9.999.999 đồng/cuốn.
Hình ảnh tại buổi triển lãm, ra mắt sách ảnh "Nghề truyền thống Việt" của Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong: