Nhật ký thành phố :Chợ và chùa

Gửi nhật ký,
Tôi sống trong một khu nhà trọ tập thể dẫn vào một con hẻm ở Sài Gòn. Bạn biết đấy, Sài Gòn và hẻm là chuyện bình thường. Chỉ có điều con hẻm tôi đang sống khá đặc biệt, ít nhất là với tôi.

Từ đầu hẻm đi vào, qua một đoạn cầu ngắn là một ngôi chùa. Kể từ vị trí đặt ngôi chùa này trở về sau là khu chợ tự phát. Ai cũng biết chùa là nơi để tịnh tâm tu hành, chợ là nơi trao đổi buôn bán. Một nơi thừa sự yên tĩnh và một nơi thừa sự ồn ào. Đặt một sự yên tĩnh bên cạnh một sự ồn ào, hay một sự ồn ào bên cạnh một sự yên tĩnh liệu có gây nên một sự ảnh hưởng nào không?...

Thật lòng mà nói tôi cũng chẳng rõ, chỉ trộm nghĩ chùa đặt cạnh chợ thì thật bất tiện quá chừng!

Những nhà sư tụng kinh gõ mõ trong kia chẳng biết có nghe thấy những âm thanh hỗn độn ở ngoài này, có nghe thấy tiếng người chửi bới nhau, có nghe thấy tiếng còi chan chát từ những vòng xe hối hả quay, có nghe được những toan tính trong lòng người không? Chẳng biết, chỉ biết cổng chùa vẫn mở mỗi sớm dù ngoài kia là những hỉ nộ ái ố của người đời.

Trước khi phát hiện điều lạ lùng này, tôi là người có nhiều dằn vặt từ những gì tôi nghe, tôi thấy, tôi làm. Tôi luôn cảm thấy bất an giữa cuộc sống có quá nhiều xào xáo và thay đổi này. Nhưng khi tôi phát hiện ngôi chùa, khu chợ và sự sắp xếp giữa chúng, tôi bắt đầu cảm thấy yên lòng hơn. Có một niềm tin nào đó dù là mơ hồ lắm xuất hiện trong tôi.

Chợ đặt cạnh chùa, hay chùa đặt cạnh chợ không còn là điều quan trọng nhất nữa. Bởi vì tâm hồn và ý chí con người là một tường thành vững chắc nhất, chỉ cần có nó, những nhỏ nhen tầm thường không thể nào vượt qua được. Nhật ký có tin điều đó không?

NGUYỄN THỊ MINH LY

Nạng gỗ và bút

Những bậc tam cấp của tòa nhà nhiều tầng như thách thức chiếc nạng gỗ đang nâng đỡ bước chân của vị khách nước ngoài. Nhiều người xuất hiện trong buổi chiều Hà Nội hôm nay để tham gia cuộc hội thảo bàn về xu hướng kinh tế hậu khủng hoảng. Là một chuyên gia, người chống nạng gỗ không thể bỏ cuộc. Vị khách di chuyển chậm chạp trong ánh mắt có phần ái ngại của nhiều người xung quanh.

Nhiều ý kiến phản hồi, nhiều câu hỏi khai thác tối đa thông tin, chưa kể cánh phóng viên báo chí tác nghiệp. Ngôn ngữ đối thoại không đứt quãng, vị diễn giả kê chân trên chiếc nạng, giữ đúng phong thái làm việc nghiêm túc. Lắm lúc, ông đưa chiếc khăn tay gạt những giọt mồ hôi.

Cây bút trên tay ông gần như không đứng yên. Đoản văn hoặc dấu chấm hỏi, hoặc một gạch chân tô đậm... đều có trên tập văn bản ông đang sử dụng. Ông sẵn sàng trả lời đến nơi đến chốn các thắc mắc của người khác. Một lần nữa, cái chân giả làm ông khó khăn khi đứng lên mà chưa kịp lấy nạng.

Hội thảo tan, mọi người nhanh bước ra về. Lặng lẽ, vị chuyên gia nước ngoài ấy lần xuống những bậc tam cấp. Một cánh tay ghì chặt cái nạng gỗ. Đôi chân khập khiễng dạo phố trong đêm. Thỉnh thoảng, ông ngước nhìn hàng xà cừ cao lớn, rồi mỉm cười như bắt gặp một ý nghĩ tốt lành hoặc hài hước. Điều này sẽ không thể có nếu ông chọn một chiếc taxi hay dùng một chiếc xe hơi sang trọng.

Nhật ký ơi, nếu có một phép toán: nạng gỗ + bút=?, tôi sẽ không ngần ngại thay chỗ dấu chấm hỏi kia bằng một từ duy nhất. Đó là: lạc quan.

TRẦN ANH (Hà Nội)

Bà “Tây” trên phố Bạch Đằng

Nhật ký thân mến,

Một phụ nữ nước ngoài đã gây quan tâm cho nhiều người Đà Nẵng đang tập thể dục buổi sáng trên đường Bạch Đằng.

Sáng sớm cách đây một tuần bà xuất hiện, tay dắt theo hai con chó. Khi đến đường Bạch Đằng, bà tháo dây, hai con chó được tự do, hiền lành chạy theo chủ. Những ngày đầu, nhiều người hiếu kỳ đứng nhìn theo hai con chó, chúng thật đẹp, thật ngoan. Sau đó không ai để ý nữa.

Sáng hôm qua, bà “Tây” lại xuất hiện. Sau khi tháo dây đeo cổ, theo thói quen bà cứ đi trước, hai con chó lon ton chạy theo. Thế nhưng bất đồ cả hai dừng lại và...ị. Bà đi trước đã hai chục mét, khi quay đầu thấy “sự cố” đó vội vàng quay lại. Người đi đường tò mò nhìn theo. Bà chạy đến nơi, lấy trong túi xách đeo trước bụng ra cái túi nilông, lồng bàn tay vào đó và ngồi xuống nhặt cho kỳ hết mấy cục phân.

Túm bao nilông lại, bà nhìn quanh. Không thấy cái cần tìm, bà xách túi nilông đi. Đi cả trăm mét mới thấy thùng rác công cộng, bà bỏ túi nilông vào đó.

Sáng hôm nay, bà “Tây” lại dắt chó đến. Tôi nhận ra có sự khác biệt trong thái độ của người dân Đà Nẵng tại đây với bà. Có người vẫy tay chào, có người “hello”. Bà “Tây” cũng vẫy tay và “hello” lại, miệng cười tươi.

KHẢI MINH (Đà Nẵng)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.