Nhận được nhiều kiến thức lợi lạc từ Học viện Phật giáo

GN - Trong số 58 tân thạc sĩ Phật học khóa I (2017-2019) của Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN) tại TP.HCM năm nay, mỗi vị đến với chương trình đào tạo cao học khóa đầu tiên của HVPGVN đều mang một tâm nguyện riêng.

Một vị sư người Khmer luôn ưu tư về những giá trị văn hóa dân tộc đang có nguy cơ bị lãng quên; một vị cư sĩ đang là giảng viên đại học, mong muốn có những phương pháp giúp cho các sinh viên của mình tiếp cận bài học một cách linh hoạt, sáng tạo theo tinh thần Phật dạy... Đó là hai gương mặt tiêu biểu, nằm trong top có số điểm bảo vệ luận văn cao nhất của khóa thạc sĩ Phật học đầu tiên tốt nghiệp (tổ chức vào ngày 25-10 vừa qua), Giác Ngộ xin được giới thiệu đến quý độc giả.

baiviet (4).jpg

ĐĐ.Thích Thiên Giả (giữa) cùng TT.TS.Thích Bửu Chánh, người hướng dẫn đề tài và Hội đồng chấm luận văn

ĐĐ.Thích Thiên Giả: “Thọ nhận rất nhiều từ Học viện”

Là một trong những học viên có điểm bảo vệ luận văn thạc sĩ khá cao (đạt 9 điểm) với đề tài “Nghiên cứu công tác bảo tồn Kinh tạng trên lá buông của Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ”, ĐĐ.Thích Thiên Giả cho biết kinh lá buông được xem là thư tịch cổ của người Khmer Nam Bộ, nhưng hiện nay di sản này lại đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Điều này xuất phát từ nhiều lý do như cách đọc viết các bản kinh văn trên lá buông rất khó, còn rất ít người đọc được, cũng như các nghệ nhân viết kinh lá ngày càng ít đi. Cùng với sự hiện diện của các văn bản được in ấn hiện đại hơn, dễ sử dụng hơn, kinh lá buông không còn được sử dụng thường xuyên trong các chùa chiền Khmer nữa.

Mang niềm đam mê với di sản vô giá này của Phật giáo, đồng thời muốn đưa kinh lá buông quay lại với đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng dân tộc Khmer, điều đó đã thôi thúc ĐĐ.Thiên Giả đến với đề tài nghiên cứu này. Mặc dù đây là đề tài nghiên cứu rất khó, các nguồn tư liệu về kinh lá buông không còn nhiều, nhưng ĐĐ.Thiên Giả vẫn bền bỉ với lựa chọn của mình.

“Tam tạng kinh điển của Phật giáo được lưu truyền trong cộng đồng Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ thông qua các bản kinh lá buông. Tôi nghĩ, việc nghiên cứu nội dung của các bản kinh lá buông cũng là một hành động nhằm góp phần giữ gìn vốn quý của văn hóa dân tộc và lời Phật dạy”, ĐĐ.Thiên Giả chia sẻ.

Với tâm nguyện “học, học nữa, học mãi”, ĐĐ.Thiên Giả cho biết sẽ tiếp tục nộp hồ sơ dự tuyển chương trình Nghiên cứu sinh khoa học tại HVPGVN - TP.HCM để có thể mở rộng thêm kiến thức nhằm giúp ích cho đạo pháp, dân tộc. Hiện tại, bên cạnh trách nhiệm trụ trì chùa Cosdon, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, ĐĐ.Thiên Giả còn thành lập Ban từ thiện xã hội, hỗ trợ bà con nghèo neo đơn mỗi tháng 200 ngàn dành cho 40 hộ gia đình, xây dựng 25 căn nhà đại đoàn kết. Vào các dịp lễ lớn, nhà chùa đều tổ chức tặng các phần quà đến bà con nghèo.

Với phương châm “nơi nào khó có ông sư”, dù trong hoàn cảnh nào, ĐĐ.Thiên Giả cũng nghĩ đến việc học và hành đi đôi với phục vụ cộng đồng, phụng sự đạo pháp trong vai trò một người tu sĩ, cũng như giữ gìn truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Phật tử Nguyễn Ao Quang Vinh: “Được học Phật pháp tại Học viện, đó là duyên lành”

Phật tử Nguyễn Ao Quang Vinh, pháp danh Thiện Kinh, hiện đang là giảng viên khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Lạc Hồng (Biên Hòa, Đồng Nai). Khi biết HVPGVN tại TP.HCM là nơi đầu tiên được cấp phép đào tạo thạc sĩ Phật học, anh đã đăng ký để trở thành một trong những học viên khóa đầu tiên của chương trình này.

baiviet (2).jpg
Phật tử Thiện Kinh - Nguyễn Ao Quang Vinh và TT.TS.Thích Viên Trí - người hướng dẫn đề tài

Anh Vinh cho biết, bản thân chọn theo học thạc sĩ Phật học bởi mong muốn có nền tảng Phật pháp vững chắc hơn, nhằm áp dụng trong quá trình dạy học nơi giảng đường, cũng là để tự chuyển hóa phiền não nơi mình.

Với trách nhiệm của một giảng viên và là một người Phật tử, anh luôn giữ gìn ý thức về việc “bản thân vẫn thường tự đánh giá lại mình có linh hoạt trong công việc giảng dạy, trong các mặt của đời sống hay chưa”. Anh nhận thấy, giáo lý về phương tiện thiện xảo nếu được áp dụng trong môi trường học đường sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn cho sinh viên và cũng như bản thân người thầy. Đó cũng là một phần lý do anh quyết định chọn nghiên cứu về phương tiện thiện xảo trong Kinh tạng Pāli khi làm đề tài tốt nghiệp.

“Khi nghiên cứu đề tài, trở về tìm hiểu các bản kinh tiếng Pāli, được tiếp xúc với mỗi bản kinh Pāli thể hiện tinh thần phương tiện thiện xảo của Đức Phật từ thuật ngữ cho đến tư tưởng, trong suốt quá trình nghiên cứu và tổng hợp tư liệu, tôi đã rút được những bài học quý báu. Đó có thể coi là những chỉ dẫn giàu tính ứng dụng trong công việc giảng dạy, đào tạo sinh viên cũng như trên con đường tu học của bản thân hiện tại và về sau”, anh Vinh chia sẻ.

Nói về những thử thách khi làm luận văn, anh Vinh cho hay, một trong những điều lớn nhất anh gặp phải đó là trở ngại về nền tảng Phật học. Bản thân anh vì được tuyển thẳng vào chương trình thạc sĩ, nên chưa tự tin về vốn kiến thức Phật học mà mình hiện có. Một khó khăn nữa đối với anh là trách nhiệm trong công việc mưu sinh và gia đình.

Giờ học tập, nghiên cứu để làm luận văn của anh Vinh luôn là nửa đêm hay thậm chí gần sáng. Vậy nhưng, anh bày tỏ: “Niềm hỷ lạc khi được học Phật một cách bài bản là động lực to lớn để tôi có thể quên đi những mệt mỏi khi thức khuya làm bài. Tại Học viện, tôi học được nhiều hơn về Phật pháp, hiểu sâu hơn về giáo lý, đó là hạnh phúc của một người con Phật”.

Trong khoảng thời gian đầu khi bảo vệ đề cương và sau đó là bảo vệ luận văn, anh Vinh rất lo lắng, tuy nhiên, chư tôn đức trong Hội đồng khoa học đã giúp anh có được sự bình tĩnh, khắc phục nhiều thiếu sót.

“Khi hiểu hơn về Phật pháp cũng là khi tôi nhận ra nhiều lỗi hơn nơi bản thân. Được học chung với chư tôn đức Tăng Ni và các tri thức cư sĩ trong môi trường tốt, nơi mà mọi người đều có tinh thần phụng sự, vị tha đã tạo cho tôi cơ hội quán chiếu lại bản thân.

Mong rằng, Học viện sẽ luôn mở rộng cơ hội nhằm khuyến khích cư sĩ tham gia học Phật, để mọi đối tượng đều được lợi ích từ lời Phật dạy, không chỉ cho tự thân của mỗi người, mà còn góp phần lan tỏa Phật pháp sâu rộng hơn trong xã hội”, anh Vinh bày tỏ.

Như Danh/ Báo Giác Ngộ

“Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM được phép thí điểm chương trình đào tạo thạc sĩ năm 2012. Chương trình thí điểm có 22 vị được cấp bằng thạc sĩ. Khóa I (2017-2019), có 58/86 vị bảo vệ thành công luận văn và được cấp bằng thạc sĩ Phật học. Khóa II tuyển sinh năm 2018, hiện có 35 vị đang làm luận văn. Khóa III tuyển sinh năm 2019 hiện có 53 vị đang theo học.

Các bài luận văn bảo vệ thành công trong khóa I được Hội đồng chấm luận văn là chư tôn đức Học viện và các vị giáo sư, phó giáo sư các trường đại học ngoài Bắc và trong Nam cùng tham gia vào Hội đồng đánh giá là ngày càng đi vào nếp khoa học, chất lượng các bài luận văn ngày càng được cải tiến, điểm ngày càng cao”.

TT.Thích Đồng Văn,
Trưởng phòng Sau đại học, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.