Nhà sư dạy ngữ văn miễn phí nơi cửa thiền

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1170 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1170 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tu học tại chùa Huyền Không (Thừa Thiên Huế) từ năm 2018 đến nay, bốn năm qua, sư Minh Giải xuyên suốt tổ chức lớp dạy Văn miễn phí cho người học năm cuối cấp, chuẩn bị thi tốt nghiệp. Đây là kỳ 4 của tuyến bài "Tu sĩ trẻ dấn thân" trên trên ấn phẩm tuần báo Giác Ngộ.

Hiện sư Minh Giải đang là học viên cao học chuyên ngành quản lý văn hóa thuộc khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. Nói về công việc tình nguyện đặc biệt này, vị sư từng được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Sao Tháng Giêng cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên (năm 2015) này cho biết:

- Nhân duyên để tôi bắt đầu công việc này chính là do tôi được Hòa thượng Pháp Tông - sư phụ của mình giao cho việc dạy dỗ và quản lý các chú tiểu. Những buổi đầu vào chùa tu học (cuối năm 2018), khi được đảm nhận công việc này, tôi có phần bỡ ngỡ vì những người học đều là tu sĩ và còn đang nhỏ tuổi mặc dù trước đây tôi đã từng đứng lớp giảng dạy khi chưa xuất gia. Tuy nhiên chỉ khoảng hai tháng, tôi đã quen và làm tốt công việc mà mình được giao.

Nửa năm sau đó, tôi vẫn tiếp tục dạy và đã bắt đầu ghi hình lại các buổi giảng để đăng tải lên trang cá nhân, nội dung tôi dạy chủ yếu là môn Văn, nằm trong khối kiến thức dành cho học sinh THCS và THPT. Đến cuối năm 2019, tôi nhận được nhiều phản hồi, nhất là phản hồi cũng như sự quan tâm của các tu sĩ. Chính từ đây, tôi manh nha hình thành ý tưởng mở lớp dạy miễn phí cho các tu sĩ cũng như các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Đầu năm 2020, một số tu sĩ trẻ theo học tại Trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên Huế đã chính thức có lời mời để tôi mở lớp dạy Văn. Do đó, tôi đã xin phép và được Hòa thượng sư phụ của mình đồng ý cho mở lớp ngay tại khuôn viên trong chùa để dạy học. Và đến thời điểm hiện tại, tôi đã thành công với ba khóa học.

Tâm huyết và niềm vui

* Trong quá trình đứng lớp, sư chuẩn bị ra sao? Và đã truyền thụ những nội dung nào đến học viên?

- Lớp học đã duy trì được ba năm, mỗi khóa học sẽ diễn ra khoảng 5-6 tháng, một tuần hai buổi, mỗi buổi từ 1,5 - 2 giờ học. Trong quá trình đứng lớp, tôi chuẩn bị tài liệu dạy chi tiết hơn so với khi còn dạy ngoài đời, soạn nhiều bộ đề để cho học sinh ôn luyện. Ngoài kiến thức trọng tâm môn học, tôi còn trang bị cho người học phương pháp học, số hóa những nội dung cần thiết để khi đi thi sẽ nắm chắc đề bài và đạt điểm tuyệt đối những phần dễ lấy điểm.

* Kết quả của những vị đã theo học với lớp sư Minh Giải như thế nào? Họ tiến bộ ra sao và có ý kiến phản hồi như thế nào, để sư có thay đổi trong việc giảng dạy được tốt hơn?

- Tôi rất vui vì 3 khóa tôi giảng dạy thời gian qua, khi đi thi tốt nghiệp, xét vào đại học, các học viên đều đạt điểm cao. Trong quá trình học tập, có những tu sĩ tiến bộ rất nhanh, thậm chí có người từ việc rất tự ti với môn Văn đã thay đổi hoàn toàn, chủ động trong học tập, tìm tòi và nâng cao chất lượng bài viết của mình ở mỗi buổi luyện đề.

Ấn tượng hơn nữa, tại khóa 2, có những tu sĩ tuổi đời đã ngoài 40 nhưng vẫn theo học và vượt qua kỳ thi với số điểm ngoài sự mong đợi của họ. Chính những tu sĩ đó là động lực để tôi cố gắng hơn, nỗ lực hơn, kiên trì nhiều hơn trong việc đứng lớp. Và cũng từ kết quả học của người học, mỗi năm tôi đều tự làm mới hoặc nâng cao giáo án của mình sao cho phong phú về nội dung mà vẫn đảm bảo thu hút được người học. Mặc dù các khóa học đã kết thúc, nhưng đến bây giờ tôi vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn, điện thoại của các thầy, các sư cô là học viên của tôi - không chỉ dừng lại ở việc dạy Văn, tôi còn hỗ trợ cho những người theo học với mình khi họ học tập ở bậc đại học.

Giỏi văn có khó không?

* Làm sao để học Văn tốt? Và thi Văn được điểm cao?

- Theo quan điểm của cá nhân tôi, để học tốt môn Văn, trước hết không nên sợ môn Văn, bởi nếu còn sợ thì việc tiếp cận và học tập môn học này sẽ có nhiều trở ngại. Tôi được nghe chia sẻ từ nhiều học sinh, đa phần sợ môn Văn là do hiện nay Văn là môn thi duy nhất còn tồn tại dưới hình thức tự luận nên điều đó là một trong những “ám ảnh” với rất nhiều người.

Thứ hai, để học tốt môn Văn, người học không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu kiến thức trọng tâm trong các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa mà còn phải đào sâu, chăm chỉ tìm hiểu và đọc thật nhiều các nội dung khác liên quan đến các kiến thức về xã hội, lịch sử, văn hóa... Lý do, vì đề thi Văn hiện nay đã có thêm yêu cầu làm đề nghị luận xã hội, viết và trình bày hiểu biết của người học về các vấn đề xã hội, lịch sử, các tư tưởng, đạo lý của người Việt... Do đó, nếu chỉ dừng lại học trong sách giáo khoa là chưa đủ.

Ba là, môn Văn với cá nhân tôi không phải là môn học thuộc, ngay như việc đi thi tôi cũng không khuyên các học sinh nên học thuộc mà nên đọc nhiều để có cảm nhận. Văn học là để cảm nhận chứ không phải để học thuộc, nếu học thuộc sẽ chỉ là những bài văn mẫu, là văn của người khác chứ không còn là của mình.

Thứ tư, luyện viết thật nhiều, câu mà tôi vẫn thường hay nhắc học sinh là “trăm hay không bằng tay quen”, viết thật nhiều thì khả năng viết sẽ nâng lên...

* Theo sư, môn Văn được ứng dụng như thế nào trong đời sống? Đó có thể xem là động lực để người học nỗ lực giỏi lên thay vì chỉ nghĩ rằng môn Văn là năng khiếu rồi vui vẻ chấp nhận kết quả “sao cũng được”?

- Môn Văn được ứng dụng rất nhiều vào trong đời sống. Với bản thân tôi, học Văn không chỉ dừng lại ở những bài kiểm tra, bài thi mà học Văn giúp tôi có nhiều trải nghiệm, nhiều kiến thức. Trên nền tảng đó giúp tôi có được cái nhìn và những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, về con người, về những mối quan hệ trong xã hội và hình thành trong tôi cách đối nhân xử thế phù hợp.

Bên cạnh đó, người học ở bất cứ chuyên ngành nào, kể cả là khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên, chúng ta đều thấy được tầm quan trọng của việc học Văn và ứng dụng môn học này vào đời sống.

Quan điểm cho rằng, Văn chỉ là năng khiếu rồi vui vẻ chấp nhận kết quả “sao cũng được” là một thực tế đang tồn tại ở một bộ phận học sinh. Tuy nhiên, vấn đề này ngoài chủ quan và tư duy của người học, còn phải được nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc từ những người đóng vai trò định hướng giáo dục ở các cơ quan quản lý giáo dục và ở mỗi giáo viên. Khi làm tốt các vai trò từ hai phía người định hướng giáo dục, người dạy và người học thì chúng ta mới có thể hy vọng về một viễn cảnh tốt hơn trong việc dạy và học tốt môn Văn.

* Ngoài Văn, theo sư, người học cần hoàn thiện kỹ năng hay giỏi môn gì để tự tin hơn, thành công sau này?

- Ngoài môn Văn, theo tôi nghĩ cần trau dồi và tìm hiểu thêm về các môn học khác như Lịch sử, Địa lý, Văn hóa, Ngoại ngữ. Đó là những môn học mà tôi nghĩ rất quan trọng trong việc hình thành nên nền tảng kiến thức, sự hiểu biết của mỗi người.

Đặc biệt, tôi nhấn mạnh tới kỹ năng học và sử dụng ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Vì tiếng Anh rất cần thiết cho mỗi người trong thời buổi hội nhập. Việc học tốt tiếng Anh cũng giúp chúng ta tìm hiểu thêm được nhiều kiến thức, cụ thể như một tu sĩ như tôi, học tốt tiếng Anh giúp tôi giao tiếp, nghiên cứu tài liệu, cả các tài liệu cổ và chuyên sâu về Phật học.

Bên cạnh đó, thành thạo công nghệ thông tin trong thời buổi số hóa như hiện nay cũng là một lợi thế.

Xin cảm ơn sư!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.