GN - Ở làng tôi từ con nít đến ông già bà lão ai cũng biết mụ Thẻo, bởi đơn giản mụ Thẻo là người thỉnh chuông chùa làng sớm hôm mỗi ngày. Chuông hôm điểm lúc mặt trời xế bóng, gà vừa lên chuồng. Nghe tiếng chuông, nhà nhà đều biết đã đến lúc thắp ngọn đèn dầu trên bàn thờ và ngày rằm, mồng một thì thắp nén nhang thơm cúng Phật, tưởng nhớ gia tiên.
Tiếng chuông sớm điểm khi trời còn chưa sáng, người và mọi vật đang còn chìm trong giấc ngủ say. Tiếng chuông là tín hiệu âm thanh đánh thức cho những người phụ nữ dậy sớm để lo cơm nước cho chồng con và chuẩn bị mớ rau xanh cho phiên chợ sáng mai. Qua tháng, qua năm tiếng chuông chùa của mụ Thẻo cứ đều đặn, thong thả và cần cù như thế…
Mụ Thẻo sống một mình ở chùa làng. Ngày ngày làm vườn, ăn chay, tụng kinh và thỉnh chuông chùa. Nguồn sống của mụ là vườn rau trong khuôn viên chùa quanh năm xanh tốt và hai sào lúa ruộng chùa.
Còn nhớ, những năm đầu hòa bình, khi thành lập hợp tác xã nông nghiệp, tất cả các diện tích ruộng lúa đều trưng thu thành của công hết. Nhưng ruộng của chùa làng thì vẫn giữ lại cho người ở chùa, bởi nghe đâu khi đại hội xã viên hợp tác xã, có người nêu ý kiến: “Nếu lấy luôn ruộng của chùa thì mụ Thẻo lấy lương thực mô ra mà sinh sống và rồi ai sẽ thỉnh chuông cho chùa làng?”. Tất cả mọi người đều đồng ý cả, bởi nhà ai cũng không thể thiếu tiếng chuông chùa của mụ Thẻo hàng đêm…
Nhưng đã có một tuần lễ vắng tiếng chuông chùa vì mụ Thẻo bị bệnh, mà là tâm bệnh. Chuyện là từ hồ sen trước sân chùa. Cả làng chỉ có độc nhất hồ sen này. Sen được trồng để tạo cảnh quan cho chùa và vào mùa sen nở thì mụ Thẻo cứ mỗi buổi sáng lội xuống hồ hái hoa sen cúng Phật. Nhưng hồi đó, kinh tế khó khăn vất vả lắm. Người dân đến lễ chùa hàng đêm thưa vắng dần. Có những ngày rằm, chùa chỉ có một mình mụ Thẻo gõ mõ tụng kinh niệm Phật. Một lần mụ Thẻo đi công chuyện xa suốt ngày, trở về thì thấy hồ sen trước chùa đã bị ai đó phá nát để đào củ nấu ăn. Mụ Thẻo như người mất hồn, bỏ ăn mà đổ bệnh…
Những trưa hè nắng oi ả, một trong những điểm lý tưởng để lũ con nít trong làng đến tránh nóng là chùa làng. Sân vườn chùa là những cây cổ thụ xanh mát, thềm chùa thoáng rộng lại được lát bằng xi-măng Hà Tiên xanh bóng có thể nằm lăn ra mà hứng gió. Nhưng như thế vẫn chưa đủ với lũ con nít; có hai điểm mát mẻ hơn cả thềm chùa đó là hai các gác chuông trống, có thể trèo lên đó và nằm nghe chim hót, nghe ve kêu và ngủ…
Có những lần mấy thằng đánh một giấc trên gác chuông đến khi mụ Thẻo ra thỉnh chuông hôm mới tỉnh. Có những lần sau đêm rằm, mồng một hay những dịp lễ vía Đức Phật, lũ trẻ qua chùa chơi được mụ kêu vô cho ăn chè, ăn chuối và luôn dặn dò là mấy đứa con không được phá phách chùa mà tội. Rồi mụ kể cho lũ trẻ nghe chuyện cổ tích, chuyện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời và bước trên bảy đóa sen mà đứa mô cũng thích.
Nhớ nhất là câu chuyện mụ Thẻo kể về một ông làm nghề mổ heo, cứ nghe tiếng chuông chùa điểm canh ba là thức dậy hành nghề. Đêm hôm đó, người thỉnh chuông chùa nằm mơ thấy có mấy mẹ con tới nhà van xin là đừng thức dậy thỉnh chuông như mọi khi. Không nghe tiếng chuông nên ông mổ heo cũng không dậy sớm để hành nghề. Sáng mai ra, một sự lạ đã diễn ra là con heo đã sinh được một đàn con. Từ đó ông mổ heo bỏ luôn nghề…
Tôi lớn lên xa làng. Biết tin mụ Thẻo mất mà xa quá không về viếng được. Đám tang mụ Thẻo cả làng đều đến viếng. Ai cũng thấy như mình vừa mất một người thân trong gia đình. Sau ngày mụ mất, chùa làng vắng người. Hỏi mấy bác Phật tử chừ ai thỉnh chuông chùa thay mụ Thẻo thì nghe nói Phật tử trong làng thay phiên nhau trực để thỉnh chuông mỗi sớm hôm… Chùa xưa đã được xây dựng lại bề thế hơn, cảnh cũ người xưa chừ đã thành xa vắng.
Chiều buông. Tiếng chuông chùa làng ngân dài đều đặn làm tôi nhớ lại hình bóng gần gụi năm nào của người thỉnh chuông chùa làng. Hồ năm xưa sen lại nở hoa thơm ngát. Giữa hồ tĩnh tọa pho tượng Phật Bà Quan Âm mà ngắm thật lâu sao tôi thấy tượng Phật Bà cũng nhân từ như nụ cười của mụ Thẻo đã dành cho mọi người năm nao...